02.10.2018
Đúng 15 giờ 11 phút ngày
24/05/2018, tức là 19 ngày trước khi Quốc hội Việt Nam biểu
quyết thông qua Luật an ninh mạng, bài “Một số điều cần biết về luật an
ninh mạng ở CHLB Đức” được tung đồng thời lên hệ thống trang mạng đặc
nhiệm. Đương nhiên, trong số đó có trang mạng ghi danh Quốc hội
và trang mạng ghi danh tứ trụ
Bên cạnh trang mạng ghi danh
Thường trực Ban Bí thư
và một số trang mạng ghi danh Ủy
viên Bộ Chính trị, chẳng hạn
đội đặc nhiệm cũng không quên
huy động cả trang mạng ghi danh nguyên Thủ tướng
Trong khi bài “Một số
điều cần biết...” còn được đăng trên một số trang mạng khác, thì hai
trang mạng ghi danh nguyên Chủ tịch nước (http://truongtansang.org/) và nguyên Chủ tịch Quốc hội (http://nguyensinhhung.net/) lại không được vinh dự tham gia chiến dịch này.
Bởi chúng không còn được cập nhật sau khi đăng tin “miễn nhiệm” hai
ngài, và phần đầu trang mạng (website header), vốn cũng từng mang sắc màu rực rỡ
vào thuở họ còn đương nhiệm, đột nhiên “tự chuyển biến”, “tự
chuyển hóa” sang màu đen u ám.
NetzDG là cái mà bài “Một
số điều cần biết…” chỉ đích danh là “Luật an ninh mạng ở CHLB
Đức”. Chắc hẳn NetzDG được coi là luật ngoại gần gũi và tương đồng nhất,
nên nó mới được tuyển chọn vào vị trí độc đắc trong đội hình chuyên gia hộ sinh
quốc tế đỡ đẻ cho Luật an ninh mạng của CHXHCN Việt Nam. Và chắc hẳn sứ mạng của
bài “Một số điều cần biết…” phải hết sức đặc biệt, thì nó mới
được tung đồng loạt lên hệ thống trang mạng đặc biệt tại thời điểm đặc biệt như
vậy.
Tiếc thay, để gánh vác cái sứ mạng
hết sức đặc biệt ấy, đội đặc nhiệm đã trình bày hoàn toàn sai (nếu không nói là
xuyên tạc) Luật NetzDG của Đức, như sẽ được phân tích trong phần I: Một
số lỗi cần tránh trong bài “Một số điều cần biết…”.
Thông thường, luật nào được
tung hô ở xứ độc tài thì lại dễ bị chê bai ở xứ dân chủ. Trên thực tế, NetzDG
cũng phải hứng chịu nhiều phê phán ở CHLB Đức. Nhiều ý kiến cho rằng NetzDG sẽ
gây ảnh hưởng tiêu cực cho việc thực hiện quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận
và tự do báo chí ở Đức. Hơn nữa, còn nêu tấm gương xấu
cho các nước khác, đặc biệt là cho các chế độ độc tài. Chẳng hạn, trước việc Quốc hội Nga thảo luận về một dự luật mới nhằm kiểm
tra mạnh hơn nữa các nội dung được đăng tải trên mạng xã hội, ông Christian
Mihr (lãnh đạo của tổ chức Phóng viên không biên giới) đã bình luận:
Đáng tiếc là nhiều vị phê phán
rất mạnh, nhưng thực ra chỉ dựa vào ý kiến của người khác, chứ bản thân thì
không hề đọc văn bản luật, hoặc đã đọc rồi nhưng không thật sự hiểu hết luật,
nên kết cho nó cả những tội mà nó không hề phạm phải. Điều này sẽ được phân
tích trong phần II: Nỗi oan của NetzDG.
Đáng nói nhất là NetzDG chẳng hề
liên quan tới Luật an ninh mạng, như sẽ chỉ ra trong phần III: Chẳng
cùng một giuộc.
Cuối cùng là phần IV: Nỗi
buồn đọng lại. Qua đó có thể hiểu, tại sao lại chọn tiêu đề cho bài viết
này như vậy.
Kèm theo bài này là ba phụ lục
về nội dung của NetzDG (Phụ lục 1), các nội dung vi phạm pháp luật theo quy định
của NetzDG (Phụ lục 2), đảng chính trị và tổ chức vi hiến ở CHLB Đức (Phụ lục
3).
I. Một số lỗi cần tránh trong bài “Một số điều cần
biết…”
Chỉ có vẻn vẹn 635 chữ (kể cả
tên tác giả), mà bài “Một số điều cần
biết về luật an ninh mạng ở CHLB Đức” phạm phải quá nhiều lỗi.
Lỗi đầu tiên nằm ngay trong câu
mở đầu, được in đậm như sau:
“Bạn có
biết, ở Đức khi đăng nhập Facebook thì ngoài việc đồng ý các điều khoản của
Facebook còn phải đồng ý chấp hành Luật về an ninh mạng của Đức chuyên về mạng
xã hội, viết tắt là NetzDG.”
Đây là một thông tin bịa đặt.
Vì NetzDG chỉ đề ra một số quy định mà nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải chấp
hành, chứ không hề đưa ra đòi hỏi nào đối với người sử dụng mạng xã hội, nên
NetzDG không có điều gì để người “đăng nhập Facebook… phải đồng ý chấp
hành” cả. Hơn nữa, NetzDG không phải là Luật an ninh mạng, như sẽ chỉ
ra trong phần III.
Lỗi thứ hai nằm trong câu thứ
hai: “Trong NetzDG quy định khái niệm rõ ràng những điều gì bạn
được phép chia sẻ hoặc viết trên Facebook, điều gì bị cấm.” Viết
như vậy là quá liều lĩnh, vì tên Facebook không hề được nhắc đến trong NetzDG.
Và chẳng có văn bản pháp luật nào trên đời này có thể liệt kê hết những điều “bạn
được phép chia sẻ hoặc viết” để mà quy định. Phải chăng, tác giả
bài “Một số điều cần biết…” thuộc trường phái “cấp phép cho Quốc
ca”?
Lỗi thứ ba nằm trong câu thứ
tư, khi dịch tên hành vi bị cấm tại Điều 86 của Bộ luật hình sự Đức thành “Phát tán tài liệu của các tổ
chức phi chính phủ”. Nguyên văn tiếng Đức là: “§ 86 Verbreiten
von Propagandamitteln verfassungswidriger Organisationen”, tức là “Phát tán tài liệu tuyên truyền của các tổ chức vi hiến”. “Verfassungswidrige
Organisationen” có nghĩa là “các tổ chức vi hiến”, tức là
các tổ chức bị Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức phán quyết là vi hiến và vì vậy bị
cấm hoạt động (xem Phụ lục 3). Nhưng bài “Một số điều cần biết...” đã
dịch “verfassungswidrige Organisationen” thành “tổ chức phi chính
phủ”. Kể cả khi không hiểu tiếng Đức, thì cũng quá ấu
trĩ nếu tin rằng có một luật nào đó trên Thế giới này cấm “phát tán tài
liệu của các tổ chức phi chính phủ” (trong đó có cả Ủy ban Chữ thập đỏ
Quốc tế).
Lỗi thứ tư nằm trong câu thứ
năm, khi dịch tên hành vi bị cấm tại Điều 86a của Bộ luật hình sự Đức
thành “Sử dụng phù hiệu hoặc biểu tượng các tổ chức trái với Hiến pháp”. Nguyên
văn tiếng Đức là: “§ 86a Verwenden von Kennzeichen
verfassungswidriger Organisationen”, tức là “Sử dụng biểu tượng của các tổ chức vi hiến”. Vâng,
vẫn là “verfassungswidrige Organisationen”, tức là “các tổ
chức vi hiến”, nhưng lần này được dịch thành “các tổ chức trái
với Hiến pháp”. Tổ chức “trái với Hiến pháp”, hay vi phạm Hiến
pháp, thì có rất nhiều, kể cả Chính phủ cũng có thể vi phạm hiến pháp, song
không vì thế mà bị phán xét là “tổ chức vi hiến”, để rồi bị cấm hoạt
động.
Lỗi thứ năm nằm trong câu thứ
sáu, khi dịch tên hành vi bị cấm tại Điều 89a của Bộ luật hình sự Đức
thành “Âm mưu sử dụng bạo lực lật đổ An ninh quốc gia”. Nguyên
văn tiếng Đức là: “§ 89a Vorbereitung einer schweren
staatsgefährdenden Gewalttat”, tức là “Chuẩn bị thực hiện hành vi bạo lực nghiêm trọng gây
nguy hiểm cho Nhà nước”. Như vậy, chỉ dịch năm từ tiếng Đức mà đã sai ở năm
điểm sau đây:
- Có thể lật đổ chính quyền,
nhưng không thể “lật đổ An ninh quốc gia”.
- Không thể đồng nghĩa
Nhà nước với “An ninh quốc gia”.
- Không thể coi mọi hành
vi gây nguy hiểm đều là “lật đổ”.
- “Bạo
lực” chung chung không nhất thiết là “bạo
lực nghiêm trọng”.
- Mới có “âm mưu” thì
không nhất thiết sẽ “chuẩn bị thực hiện”.
Mới sáu câu đầu mà đã có năm lỗi
như vậy, nên chẳng nên tốn công liệt kê tiếp. Vậy thì kết thúc phần này bằng lỗi
trong đoạn cuối bài, được bắt đầu như sau:
“Và cần nhấn
mạnh, Đức đã có quy định về luật an ninh mạng đi trước thời đại từ rất sớm.
Ngày 17/12/2014, Chính phủ Đức đã nhanh chóng thông qua Luật an ninh mạng…”
Câu này sai ở chỗ nào? Dự thảo
của NetzDG được Chính phủ Liên bang Đức trình ra Quốc hội lần đầu tiên vào
ngày 16/05/2017, được Quốc hội thông qua ngày 30/06/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2017.
Vậy mà tác giả bài “Một số điều cần biết...”lại viết rằng: “Ngày 17/12/2014,
Chính phủ Đức đã nhanh chóng thông qua Luật an ninh mạng…”, mặc dù hơn
hai năm sau đóNetzDG mới được Chính phủ Liên bang Đức đệ trình và được Quốc
hội thông qua.
Cái ngày 17/12/2014 được cóp từ
đâu? Đó chính là ngày mà Chính phủ
Liên bang Đức thông qua bản dự thảo của IT-Sicherheitsgesetz (Luật an toàn mạng). Và ngày 18/12/2014 VTV
đã đăng bài “Đức thông qua Luật
an ninh mạng”, trong đó gán cho Luật an toàn mạng cái tên Luật an ninh mạng, đồng thời
biến ngày Chính phủ Liên bang Đức thông qua bản dự thảo thành ngày thông qua Luật,
mặc dù sáu tháng sau Quốc hội Đức mới thông qua Luật này vào
ngày 12/06/2015. Để rồi ba năm rưỡi sau đó, tác giả bài “Một số điều cần biết...” đem
ngày 17/12/2014 của IT-Sicherheitsgesetz gán cho một luật khác hẳn, đó là
NetzDG.
II. Nỗi oan của NetzDG
NetzDG là ký hiệu viết tắt của Gesetz zur
Verbesserung der Rechtsdurchsetzung in sozialen Netzwerken, với tên gọi tắt là Netzwerkdurchsetzungsgesetz, tức Luật chấp pháp trên mạng. Các nội dung
chính của nó được trình bày trong Phụ lục 1.
Nội dung quan trọng nhất của
NetzDG là yêu cầu một số nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội
xóa hoặc ngăn chặn tiếp cận những nội dung thông tin bị khiếu nại, nếu chúng vi
phạm pháp luật theo quy định tại Điều 1 Khoản 3 của NetzDG, tức là vi
phạm một trong 21 điều sau của Bộ luật hình sự CHLB Đức: 86, 86a, 89a, 91,
100a, 111, 126, 129, 129a, 129b, 130, 131, 140, 166, 184b kết hợp với 184d,
185, 186, 187, 201a, 241, 269. Nội dung của 21 điều luật này được trình bày
trong Phụ lục 2.
Ba nhận định sau đây về Luật chấp
pháp trên mạng của Đức được phổ biến trên Internet:
(1) Nhận định
thứ nhất là NetzDG xâm phạm hoặc
đe dọa quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và tự do báo chí.
(2) Nhận định
thứ hai là NetzDG đưa ra mức phạt
tiền quá cao, khiến các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội có thể xóa hay ngăn chặn
tiếp cận thông tin một cách oan uổng (overblocking).
(3) Nhận định
thứ ba là NetzDG đòi hỏi nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, với đội ngũ nhân viên ít
được đào tạo về luật, phải làm thay phần việc của
tòa án, tức là phải xác định nội
dung bị khiếu nại có vi phạm pháp luật hay không, và phải thực hiện điều đó
trong thời gian quá ngắn.
Như đã viết trong phần mở đầu, nhiều
vị phê phán NetzDG, nhưng thực ra chỉ dựa vào ý kiến của người khác, chứ bản
thân thì không hề đọc văn bản luật. Căn cứ vào đâu mà có thể nói như vậy? Trang
mạng của nhiều tờ báo và đài truyền hình hàng đầu của nước Đức đã từng đăng
bài, trong đó viết rằng NetzDG đưa ra mức phạt tiền “lên đến 50
triệu Euro” (bis zu 50 Millionen Euro), nếu nhà cung cấp dịch vụ
mạng xã hội không xóa hoặc không ngăn chặn tiếp cận thông tin theo quy định của
Luật. Ví dụ như Augsburger Allgemeine (11/01/2018), Bayerischer Rundfunk (02/01/2018), Berliner Morgenpost (29/03/2018), Chip (07/07/2017), Computer Bild (06/02/2018), Deutschlandfunk (02/01/2018), Die Presse (21/01/2018), Frankfurter
Allgemeine (30/06/2017), Frankfurter
Rundschau (30/06/2017), Internetworld (22/11/2017), n-tv (04/10/2017), Phoenix (30/05/2018), RTL (03/03/2018), Spiegel(30/06/2017), Süddeutsche Zeitung (22/02/2018), Südwestrundfunk (05/01/2018), Tagesspiegel (04/01/2018), T-Online (19/01/2018), Zeit Online (30/06/2017)… Thông tin ấy cũng được sao
chép về Việt Nam, để biện hộ cho sự ra đời của Luật an ninh mạng Việt Nam, ví dụ
như tại các trang mạng của Công an Thành phố Hồ
Chí Minh (04/07/2018), Công an Thanh Hóa (05/07/2018), Cục Phát thanh, Truyền
hình và Thông tin Điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (5/10/2017), Công nghệ (03/10/2017), Sài Gòn Giải phóng(17/04/2018), Sài Gòn Đầu tư Tài
chính (17/04/2018), VietTimes (05/10/2017)... Trong các ví dụ vừa nêu,
tên các trang mạng được kết nối với bài báo tương ứng và kèm theo ngày đăng tải
(trong ngoặc đơn). Các bài báo ấy đều được đăng sau khi Quốc hội Đức đã thông
qua NetzDG vào ngày 30/06/2017. Tức là chúng bàn về văn bản luật đã được thông
qua, chứ không bàn về một phiên bản dự thảo nào đó. Trong phần II.2 ta
sẽ chỉ ra cái sai tệ hại giống nhau như đúc. Ở đây chỉ xin viết trước rằng: NetzDG
chỉ quy định đúng hai mức phạt tiền “lên đến năm trăm nghìn Euro” (bis
zu fünfhunderttausend Euro) và “lên đến năm triệu Euro” (bis
zu fünf Millionen Euro), và hai con số ấy đều được viết bằng chữ, chứ
không phải bằng số, nên khó lòng mà đọc nhầm. Vậy thì tại sao các bài
báo ấy và nhiều bài báo khác đều viết ra mức phạt tiền “lên đến 50
triệu Euro”? Ví dụ này cho thấy, phần lớn đều không đọc văn luật,
mà chỉ quay cóp bài viết của người khác, rồi đua nhau lên tiếng…
II.1.
Về nhận định thứ nhất,
vì chỉ yêu cầu một số nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội xóa hoặc ngăn chặn
tiếp cận những nội dung thông tin bị khiếu nại, nếu chúng vi phạm một trong 21
điều của Bộ luật hình sự CHLB Đức, nên bản thân Luật chấp pháp trên mạng không
vi phạm quyền tự do tư tưởng, quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Giả sử,
nếu vì Luật này mà quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do báo chí bị vi
phạm một cách vi hiến, thì sự vi hiến ấy bắt nguồn từ Bộ luật hình sự, và vì vậy
phải xem xét để sửa đổi Bộ luật hình sự để khỏi vi hiến.
Cần lưu ý rằng, khi đăng những
nội dung thông tin vi phạm Bộ luật hình sự, thì nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội
không còn an toàn trong vỏ bọc tự do báo chí, mà có thể bị quy kết là đồng
phạm.
Bộ luật hình sự 2017
của CHXHCN Việt Nam quy định tại Điều 17 Khoản 3: “Người đồng phạm bao gồm người
tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức”, và “Người
giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội
phạm”. Theo đó, khi nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội đăng những nội dung
thông tin vi phạm Bộ luật hình sự, thì đã “tạo điều kiện... vật chất
cho việc thực hiện tội phạm”, cho dù chỉ là vô tình tạo điều kiện (vì không
biết nội dung đó vi phạm).
Bộ luật hình sự CHLB Đức quy định tại Điều 27 Khoản 1 nhẹ hơn một chút: “Bị xử phạt
với tư cách người giúp sức, nếu cố ý giúp đỡ một người khác thực
hiện hành vi cố ý vi phạm pháp luật.” Tức là, chỉ khi
cả người giúp sức và người thực hành đều “cố ý”, thì mới“bị xử
phạt với tư cách người giúp sức”. Luật chấp pháp trên mạng của Đức chỉ yêu
cầu phải xóa hoặc ngăn chặn tiếp cận những nội dung bị khiếu nại,
nên nếu đã bị khiếu nại mà nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội vẫn làm ngơ, không
xử lý, thì không thể biện hộ là vô tình, tức là không “cố ý”.
Nhìn từ góc độ vừa nêu, thì Luật
chấp pháp trên mạng không ngăn cản quyền tự do báo chí, mà chỉ quy định nhà
cung cấp dịch vụ mạng xã hội không được trở thành người cố ý giúp
sức vi phạm pháp luật.
Để thấy Luật chấp pháp trên mạng
không can thiệp thô bạo vào quyền tự do báo chí, cần lưu ý rằng Điều 1 Khoản 1
quy định: “Các diễn đàn phục vụ mục đích báo chí có biên tập, do phía
cung cấp dịch vụ tự chịu trách nhiệm, không bị coi là mạng xã hội theo ý nghĩa
của Luật này.” Tức là Luật chấp pháp trên mạng không chi phối trang mạng
của các tờ báo có biên tập và tự chịu trách nhiệm.
II.2.
Về nhận định thứ hai,
Luật chấp pháp trên mạng quy định hai mức phạt đến 500.000 Euro và đến
5.000.000 Euro, như vậy có phải là quá cao hay không?
Không quá cao, nếu hiểu rằng đối
tượng áp dụng thuộc đẳng cấp ngoại hạng. Đối với tầm ấy, nếu quy định mức phạt
quá thấp, thì chi phí cần thiết để tổ chức việc chấp hành luật còn cao hơn cả
tiền nộp phạt, nên chịu nộp tiền phạt vẫn kinh tế hơn là chấp hành luật. Hơn nữa,
một số nhà kinh doanh sẵn sàng chấp nhận trả tiền phạt để vi phạm pháp luật, vì
tạo scandal cũng là thủ thuật quảng cáo được một số nhà kinh doanh sử dụng.
Đó là lý do tại sao số tiền Hội đồng EU
tuyên phạt Google vào ngày 27/06/2017 không phải là mấy chục hay mấy trăm triệu,
mà là 2,4 tỷ Euro, chỉ vì khi cho hiển thị kết quả tìm kiếm về dịch vụ so sánh
giá cả, Google đã đẩy kết quả về dịch vụ của bản thân Google lên trên cùng và đẩy
kết quả của các đối thủ cạnh tranh xuống phía dưới. Chưa hết, ngày 18/07/2018 EU lại
tuyên phạt Google 4,34 tỷ Euro vì lạm dụng vị thế thống trị thị trường của hệ
điều hành Android. Nôm na là, để đối thoại có hiệu quả với những tập đoàn khổng lồ thì phải
áp dụng số tiền phạt khổng lồ.
Để tránh tạo ra gánh nặng quá sức
cho các nhà cung cấp dịch vụ với quy mô nhỏ, đặc biệt để tránh ảnh hưởng xấu tới
các công ty khởi nghiệp (startup companies), Điều 1 Khoản 2 của Luật chấp
pháp trên mạng quy định: “Nhà cung cấp dịch vụ của mạng xã hội được
giải phóng khỏi nghĩa vụ quy định tại Điều 2 và Điều 3, nếu mạng xã hội ấy có
ít hơn hai triệu người dùng trong nước đăng ký.”
Nghĩa là, các nhà cung cấp dịch
vụ ở quy mô nhỏ không phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo (quy định ở Điều 2),
không phải xử lý khiếu nại về nội dung vi phạm pháp luật (quy định tại Điều 3),
chỉ còn phải thực hiện quy định ở Điều 5, tức là phải chỉ định tại Đức người
toàn quyền tiếp nhận khiếu nại và người có quyền tiếp nhận yêu cầu cung cấp
thông tin của cơ quan theo dõi tội phạm.
Vậy mức phạt tiền cao
có khiến các nhà cung cấp dịch vụ mạng xóa hay ngăn chặn tiếp cận thông tin một
cách oan uổng hay không? Hoàn toàn KHÔNG!
Câu trả lời dứt khoát này có thể
khiến bạn ngạc nhiên, nếu bạn lo lắng điều ngược lại sẽ xảy ra. Đơn giản vì bạn
quá tin vào bình luận của ai đó, mà nguồn tin của bạn cũng chưa đọc Luật chấp
pháp trên mạng, hoặc đã đọc rồi nhưng chưa hiểu đúng nội dung.
Vậy bạn hãy tự mình đọc thật chậm
và thật kỹ quy định về mức phạt tiền tại Điều 4 (trong Phụ lục 1), để thấy rằng:
(a) Mức phạt tối
đa năm triệu (fünf Millionen) Euro được áp dụng khi vi phạm Điều 2 (về
nghĩa vụ báo cáo), vi phạm Điều 3 Khoản 1 (về nghĩa vụ thiết lập và cung cấp
quy trình xử lý khiếu nại) và vi phạm Điều 3 Khoản 4 (về nghĩa vụ giám sát việc
xử lý khiếu nại, khắc phục kịp thời khiếm khuyết tổ chức, và tổ chức học tập và
trợ giúp cho những người được phân công xử lý khiếu nại).
(b) Mức phạt tối
đa năm trăm nghìn (fünfhunderttausend) Euro được áp dụng khi vi phạm Điều
5 (về việc chỉ định người toàn quyền tiếp nhận khiếu nại, chỉ định người có quyền
tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan theo dõi tội phạm và trách nhiệm
phản ứng trước yêu cầu ấy).
Bạn đã phát hiện ra điều gì đặc
biệt chưa? Vâng, Luật chấp pháp trên mạng không hề quy định mức phạt tiền
đối với hành vi vi phạm Điều 3 Khoản 2, quy định về việc xử lý khiếu nại, tức
là “xóa hay ngăn chặn tiếp cận những nội dung rõ ràng vi phạm pháp luật
trong vòng 24 giờ”, và “xóa hay ngăn chặn tiếp cận mọi nội dung vi
phạm pháp luật trong vòng 7 ngày”. Vì thế, nếu nhà cung cấp dịch
vụ không xóa và không ngăn chặn tiếp cận các nội dung ấy, thì cũng chẳng bị phạt
Euro nào(theo quy định của Luật này).
Vậy thì tại sao nhiều vị
lại ngang nhiên viết rằng NetzDG đưa ra mức phạt tiền “lên đến 50 triệu
Euro” (hay “lên đến 5 triệu Euro”) trong trường hợp này?
Không hề bị phạt tiền, thì tại sao lại
cho rằng vì mức phạt tiền quá cao, mà các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội có
thể xóa hay ngăn chặn tiếp cận thông tin một cách oan uổng?
Bài học cần rút ra là: Không
nên lên tiếng phê phán hay bình luận một văn bản pháp luật, nếu bản thân mình
không đầu tư đủ thời gian để đọc kỹ văn bản ấy.
II.3.
Về nhận định thứ ba,
cho rằng Luật chấp pháp trên mạng đòi hỏi quá năng lực và quá gấp gáp, khi yêu
cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải “xóa hay ngăn chặn tiếp cận
những nội dung rõ ràng vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ”.
Có phải là quá năng lực, vì đội
ngũ nhân viên ít được đào tạo về luật? Điều đó có thể đúng với các công
ty nhỏ, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp, nhưng theo quy định của
Luật chấp pháp trên mạng tại Điều 1 Khoản 2, thì đối tượng này được giải
phóng khỏi nghĩa vụ xử lý khiếu nại về nội dung vi phạm pháp luật. Còn
đối với các tập đoàn lớn, như Facebook, Twitter và YouTube, thì tất nhiên phải
thuê một đội ngũ chuyên gia luật học, để xác định nội dung bị khiếu nại có vi
phạm pháp luật hay không. Với năng lực tài chính của mình, họ thừa sức để thuê
đủ chuyên gia cần thiết, kể cả những chuyên gia giỏi, với trình độ luật học
không thua kém các thẩm phán. Hơn nữa, với lượng người dùng cực lớn thì tác hại
mà thông tin sai trái trên mạng của họ có thể gây ra cho nạn nhân cũng cực lớn,
cho nên trách nhiệm giải quyết hậu quả cũng phải lớn tương ứng, không thể thoái
thác.
Có phải là quá gấp gáp? Nội
dung “rõ ràng vi phạm pháp luật” có nghĩa là bất
cứ ai cũng phải nhận ra nó vi phạm pháp luật, và vì vậy hiển nhiên không được
giúp sức phổ biến nó, nhất là sau khi đã nhận được khiếu nại. Mặt khác, nếu đặt
bản thân mình vào cương vị nạn nhân của nội dung vi phạm pháp luật, thì bạn sẽ
thấy thời hạn 24 giờ để xóa hoặc ngăn chặn tiếp cận chẳng phải là quá ngắn. Cần
khách quan để thấy rằng, quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí
đáng được bảo vệ bao nhiêu, thì quyền không bị hại bởi nội dung thông tin vi phạm
pháp luật cũng đáng được bảo vệ bấy nhiêu.
Luật chấp pháp trên mạng yêu cầu
nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải “xóa hay ngăn chặn tiếp cận mọi
nội dung vi phạm pháp luật trong vòng 7 ngày, kể từ khi nhận được khiếu nại”.
Nhưng đó không phải là thời hạn bất di bất dịch, mà “có thể vượt thời hạn
7 ngày, nếu việc xác định tính vi phạm pháp luật của nội dung phụ thuộc vào khả
năng dối trá của lời tố cáo hoặc hoàn cảnh thực tế; trong trường hợp này, nhà
cung cấp dịch vụ có thể để người dùng mạng trình bày quan điểm về việc khiếu nại
trước khi đưa ra quyết định”. Khả năng “vượt thời hạn 7 ngày” thứ
hai là “nhà cung cấp dịch vụ mạng trao quyền xác định tính vi phạm pháp
luật của nội dung bị khiếu nại cho một Einrichtung der Regulierten
Selbstregulierung (Cơ sở tự điều chỉnh bị kiểm soát) trong vòng 7 ngày kể từ
khi nhận được khiếu nại, và tuân theo quyết định của cơ sở ấy”. Qua đó ta
thấy, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội không nhất thiết phải xử lý xong khiếu nại
trong vòng 7 ngày, và cũng không nhất thiết phải làm thay phần việc của tòa án
trong việc xác định nội dung bị khiếu nại có vi phạm pháp luật hay không.
III. Chẳng cùng một giuộc
Lẽ ra, một bài viết với chất lượng
như đã chỉ ra trong phần I không đáng để chúng ta tốn thời
gian bình luận. Song, tuy chất lượng của nó quá thấp nhưng sứ mạng của nó lại rất
cao, đó là biện hộ cho việc ban hành Luật an ninh mạng của Việt Nam. Để thực hiện
sứ mạng ấy, tác giả bài “Một số điều cần biết...” đã coi
NetzDG là Luật an ninh mạng của Đức, và đó là lỗi lớn nhất, mà ta buộc phải phủ
định ở đây.
Trước hết, nếu giả sử NetzDG là
Luật an ninh mạng, thì khi xử lý nội dung vi phạm pháp luật, nó phải xử lý cả
người thực hành và người giúp sức. Khi đăng nội dung vi phạm pháp luật, thì nhà
cung cấp dịch vụ mạng xã hội chỉ là người giúp sức, còn tác giả của nội dung ấy
mới là người thực hành. Cả Bộ luật hình sự của Đức (Điều 27 Khoản 2) và Bộ luật hình sự 2017
của Việt Nam (Điều 17 Khoản 4) đều quy định người giúp sức không phải chịu
trách nhiệm hình sự vượt quá trách nhiệm của người thực hành. Vì NetzDG không hề
quy định bất cứ hình phạt nào đối với tác giả của nội dung vi phạm pháp luật,
nên nó cũng không thể quy định hình phạt đối với người giúp sức đăng nội dung ấy.
Do đó, nếu người cung cấp dịch vụ mạng xã hội không xóa và không ngăn chặn tiếp
cận nội dung bị coi là vi phạm pháp luật, thì cũng không hề bị phạt tiền theo
quy đinh của Luật này. Chẳng hề xử phạt người thực hành và người giúp sức, thì
sao có thể coi nó là một thứ luật an ninh?
Hiến pháp (tức Luật cơ bản) của CHLB Đức (Điều 3 Khoản 1) và Hiến pháp 2013 của
CHXHCN Việt Nam (Điều 16 Khoản 1) đều quy định: “Mọi người đều bình đẳng
trước pháp luật.” Vì vậy, nếu NetzDG là Luật an ninh mạng, thì nó phải
xử lý một cách bình đẳng tất cả các nội dung bị coi là vi phạm pháp luật theo
Luật này, cho dù tác giả là ai và người giúp sức đăng nó trên mạng xã hội là
ai. Thế nhưng, Điều 1 Khoản 2 của NetzDG lại giải phóng nhà cung cấp dịch vụ mạng
xã hội có ít hơn hai triệu người dùng trong nước Đức khỏi nghĩa vụ phải xử lý
khiếu nại về nội dung vi phạm pháp luật.
Hơn nữa, Điều 1 Khoản 1 của NetzDG
quy định: “Luật này áp dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ trên môi trường
viễn thông, với mục đích thu lợi nhuận mà lập ra các diễn đàn
trên Internet…”. Có nghĩa là, nếu không vì mục đích thu lợi nhuận mà
lập ra các diễn đàn trên Internet, thì dù có đăng các nội dung vi phạm
luật cũng không bị xử lý theo Luật này. Vì vậy, nếu cố tình coi NetzDG là
Luật an ninh mạng, thì chẳng khác nào cho rằng bán súng để giết người thì phạm
tội với tư cách người giúp sức, còn nếu cho mượn súng để giết người thì hoàn
toàn vô tội.
Đặc biệt, Điều 1 Khoản 1 của
NetzDG còn quy định: “Các diễn đàn dành cho trao đổi cá nhân hay để
phổ biến nội dung riêng biệt không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.” Có
nghĩa là, nếu lập ra trên mạng một nhóm chỉ trao đổi nội bộ và phổ biến trong nội
bộ những nội dung riêng biệt mà nhóm đó quan tâm, và người ngoài nhóm không thể
đọc được, thì Luật này không can thiệp, cho dù nhóm đó thảo luận và phổ biến những
nội dung có thể gây hại nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia.
Rõ ràng, với phạm vi và cách thức
điều chỉnh như vậy, thì không thể coi NetzDG là Luật an ninh mạng.
Mục đích của NetzDG được thể hiện rõ ràng qua tên gọi đầy đủ của
nó: Gesetz zur
Verbesserung der Rechtsdurchsetzung in sozialen Netzwerken. “Verbesserung” có nghĩa
là “làm cho tốt hơn”, có thể dịch gọn thành “cải tiến”. “Rechtsdurchsetzung” có
nghĩa là “thi hành pháp luật” (một cách bắt buộc), có thể dịch
gọn thành “chấp pháp”. Như vậy, tên gọi đầy đủ của NetzDG có thể dịch
thành “Luật cải tiến chấp pháp trên mạng xã hội”.
Tại sao lại gọi là “cải
tiến chấp pháp”? Hình thức chấp pháp thông thường là bất cứ ai cũng có
nghĩa vụ phải tuân theo pháp luật, bao gồm cả nghĩa vụ không được viết hoặc
đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật; nếu phát hiện ra vi phạm thì bên bị
hại có quyền kiện, và tòa án phải đứng ra phán xử. Có điều, từ ngày đâm đơn kiện
đến ngày tòa án phán xử là một thời gian khá dài, nên những nội dung sai trái
được đăng trên mạng xã hội tiếp tục bị phát tán và gây thêm nhiều tác hại đối với
nạn nhân. Thành thử “được vạ thì má đã sưng”, khi xóa được nội dung
ấy thì đã quá muộn, chẳng khắc phục được hậu quả đã xảy ra. Vì vậy, NetzDG
tạo điều kiện cho bên bị hại có thể khiếu nại trực tiếp với nhà cung cấp dịch vụ
mạng xã hội, nhằm rút ngắn thời gian xử lý các nội dung vi phạm pháp luật, để
có thể ngăn chặn sớm hơn các tác hại nảy sinh. “Cải tiến chấp pháp” có
nghĩa là như vậy. Và tên gọi tắt Luật chấp pháp trên mạng
(Netzwerkdurchsetzungsgesetz) là hoàn toàn phù hợp.
Luật chấp pháp trên mạng chỉ hướng
đến mục tiêu hạn chế hậu quả tai hại mà nội dung vi phạm pháp luật có
thể gây ra khi chúng bị phát tán trên mạng xã hội. Cũng chính vì chỉ
nhằm hạn chế, chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn, nên Luật
chấp pháp trên mạng chỉ can thiệp vào những dịch vụ mạng xã hội có rất nhiều
người sử dụng và có thể truy cập tương đối tự do, không can thiệp vào những
dịch vụ có ít người dùng, và cũng không can thiệp vào các nhóm trao đổi khép
kín.
Khi đã xóa xong hoặc đã ngăn chặn tiếp
cận nội dung vi phạm pháp luật, thì Luật chấp pháp trên mạng cũng dừng lại ở
đó, không đặt ra vấn đề xử lý người thực hành (tác giả của nội dung ấy) và người
giúp sức (nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội). Tức là, đối với nội dung
vi phạm pháp luật, Luật chấp pháp trên mạng của Đức chỉ bảo vệ bên bị hại,
chứ không xử lý bên gây hại.
Mục đích của Luật an ninh mạng Việt
Nam thì khác hẳn. Về lý thuyết,
nó nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
trên không gian mạng” (Điều 1). Vì vậy, không chỉ xử lý, mà còn phòng
ngừa các thông tin bị coi là vi phạm pháp luật trên toàn bộ không gian mạng (Điều
16). Và không chỉ “xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự
thật”, “khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật
Tố tụng hình sự” và áp dụng “các biện pháp khác theo quy định
của pháp luật về an ninh quốc gia, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”,
mà còn áp dụng một số biện pháp cực đoan, như “ngăn chặn, yêu cầu
tạm ngừng, ngừng cung cấp thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động
thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng internet”, và “phong
tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu
cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của
pháp luật” (Điều 5).
Nghĩa là, mục đích khác
nhau đã dẫn đến phạm vi và hình thức xử lý cũng hoàn toàn khác
nhau. Đó chưa phải là tất cả. Sau đây là ba điểm khác nhau rất cơ bản
giữa Luật chấp pháp trên mạng của Đức và Luật an ninh mạng của Việt Nam.
Một là về nội dung bị coi là vi phạm
pháp luật, Luật chấp pháp trên mạng của
Đức dựa trên Bộ luật hình sự Đức, chỉ quy định hết sức chuẩn xác và ngắn gọn
trong vòng một câu (tại Điều 1 Khoản 3), bằng cách liệt kê số hiệu của 21 điều
trong Bộ luật hình sự. Luật an ninh mạng của Việt Nam thì ngược lại, phớt lờ Bộ
luật hình sự Việt Nam, để dựng ra một danh sách thông tin vi phạm pháp luật
riêng biệt, vừa vu vơ vô cớ, vừa lộn xộn tùy tiện. Ví dụ, trong số những thông
tin phải phòng ngừa, xử lý được quy định tại Điều 16 Khoản 1, có cả thông
tin “xúc phạm... vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc”. Vu
vơ vô cớ ở chỗ, “vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc” là
những ai và điều đó được xác định trong văn bản pháp luật nào? Lãnh tụ của những
ai? Của một nhóm người, hay của toàn dân? Của một đảng, hay của nhiều đảng? Và
của thời xưa, hay của thời nay? Lộn xộn tùy tiện ở chỗ, nhét bừa cái vu vơ
ấy vào loại thông tin “có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, là thứ đã được quy định hết sức cụ thể tại
Điều 117 của Bộ luật hình sự 2017.
Đấy là một lỗi nghề nghiệp thuộc
tầm sơ đẳng, mà các nhà làm luật Việt Nam cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Phải
coi Bộ luật hình sự là một trong những luật cơ sở, mà nhiều luật khác phải dựa
vào. Nếu làm giống như Luật chấp pháp trên mạng của Đức, chỉ liệt kê số hiệu của
một số điều tương ứng trong Bộ luật hình sự, thì vừa ngắn gọn, vừa nhất quán,
và khi cần thiết thì chỉ phải sửa đổi nội dung tội danh trong Bộ luật hình sự,
mà chẳng cần phải sửa đổi tất cả các “luật ăn theo”.
Hai là về trách nhiệm và quyền hạn của
nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Luật chấp pháp trên mạng của Đức yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội
xóa hoặc ngăn chặn tiếp cận thông tin bị coi là vi phạm pháp luật. Nhưng nhà
cung cấp dịch vụ có quyền tự mình xác định xem nội dung ấy có
vi phạm pháp luật hay không, và có quyền bảo lưu ý kiến nếu
quan niệm rằng nội dung ấy không vi phạm pháp luật; hoặc có quyền chủ động
đề nghị một cơ sở chuyên trách (Einrichtung der Regulierten
Selbstregulierung) xác định tính vi phạm pháp luật của nội dung ấy.
Ở Việt Nam thì khác, Luật
an ninh mạng đòi hỏi nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải chấp nhận kết luận
và làm theo “yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng” (Điều
16 Khoản 1), cho dù kết luận ấy đúng hay sai.
Ba là về thẩm quyền quyết định, theo Luật chấp pháp trên mạng, nhà cung cấp dịch
vụ mạng xã hội ở Đức không bắt buộc phải xóa hoặc ngăn chặn tiếp cận nội dung
thông tin bị khiếu nại, nếu cho rằng nội dung ấy không vi phạm pháp luật. Tất
nhiên, nếu quả thật nội dung ấy vi phạm pháp luật, thì nhà cung cấp dịch vụ phải
chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Trong trường hợp này,
Luật chấp pháp trên mạng không quy định nhà cung cấp dịch vụ phải chịu trách
nhiệm như thế nào, nhưng lại quy định rõ ràng tại Điều 4 Khoản 5 rằng:
“Nếu cơ
quan hành chính muốn đưa ra quyết định dựa trên cơ sở các nội dung không được
xóa hoặc không được ngăn chặn thuộc loại vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều
1 Khoản 3, thì trước đó phải đề nghị tòa án phán quyết về sự vi phạm
pháp luật... Phán quyết của tòa án là không thể bác bỏ và có giá trị ràng
buộc đối với cơ quan hành chính.”
Tức là, cơ quan hành chính có
thể ra quyết định xử lý nhà cung cấp dịch vụ (đương nhiên là theo quy định của
pháp luật), nhưng trước khi xử lý thì phải đề nghị tòa án đứng ra xác định xem
nội dung ấy có vi phạm pháp luật hay không. Và nếu tòa án xác định là nội dung ấy
không vi phạm pháp luật, thì cơ quan hành chính “không thể bác bỏ”,
mà phải tuân theo phán quyết của tòa án, và vì vậy không thể ra ra quyết định xử
lý nhà cung cấp dịch vụ “dựa trên cơ sở các nội dung không được xóa hoặc
không được ngăn chặn thuộc loại vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 1 Khoản
3”.
Điều hết sức tự nhiên trong
Luật chấp pháp trên mạng của Đức, nhưng lại trở nên đặc biệt khi quan sát từ
góc độ của Luật an ninh mạng của Việt Nam, là cơ quan an ninh hoàn toàn
không đóng bất cứ vai trò nào trong việc xử lý các nội dung bị khiếu nại.
Cơ quan an ninh có thể đóng vai bên khiếu nại, nhưng không được phép đưa ra kết
luận. Nếu cơ quan anh ninh không thừa nhận kết luận của nhà cung cấp dịch vụ,
hay kết luận của cơ sở chuyên trách được ủy thác, thì chỉ còn cách trông chờ
vào kết luận cuối cùng của tòa án.
Ngược lại, Luật an ninh
mạng Việt Nam hoàn toàn phớt lờ vai trò của tòa án, và trao cho cơ quan công an
toàn quyền kết luận và quyết định xử lý các nội dung bị coi là vi phạm pháp luật.
Trong khi bộ máy công an ngày càng tỏ ra không xứng đáng với những nhiệm vụ được
giao phó theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, thì Luật an ninh mạng lại
trao thêm cho nó cái quyền tác oai tác quái trên không gian mạng, được toàn quyền
đưa ra kết luận bất chấp oan sai. Và đó là điều tệ hại nhất của Luật an
ninh mạng Việt Nam.
Để thấm thía tệ hại này, hãy tưởng
tượng xem điều gì sẽ xảy ra, nếu trong thời gian Trung tướng công an
Phan Văn Vĩnh còn đang vênh vang trên ghế Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, mà
có trang mạng nào đó dám đăng thông tin, rằng ông ta là một đầu mối của vụ sử dụng
mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc? Ai có thể
đảm bảo rằng “anh em an ninh mạng” sẽ không vì Trung tướng
Phan Văn Vĩnh mà ra lệnh “xóa thông tin sai sự thật”,
hoặc “đình chỉ cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng internet”,
hoặc “phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin”, hoặc “yêu
cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của
pháp luật”?
Tóm lại, Luật chấp pháp
trên mạng của Đức và Luật an ninh mạng của Việt Nam khác nhau một trời
một vực như vậy, thì hiển nhiên không thể cùng một giuộc.
IV. Nỗi buồn đọng lại
Một bộ máy khổng lồ, tiêu tốn
bao tiền bạc của Nhân dân, mà chỉ nhào nặn ra được loại sản phẩm hạ đẳng như
bài “Một số điều cần
biết về luật an ninh mạng ở CHLB Đức”, với quá nhiều lỗi tệ hại, như đã phân tích
trong phần I. Buồn thay.
Một bài như vậy mà lại đăng
trang trọng trên các trang mạng ghi danh Quốc hội và lãnh đạo tối cao. Rồi từ
đó phát tán thông tin sai trái, lừa bịp muôn nơi, khiến nhiều người nhầm lẫn,
tán thành thông qua Luật an ninh mạng. Thật đáng buồn.
Đáng buồn hơn, tại sao phải bám
vào NetzDG của Đức để ngụy biện cho Luật an ninh mạng của Việt Nam? NetzDG là
luật ngoại hiếm hoi được đem ra phân tích cụ thể về nội dung, có lẽ bởi nó được
coi là gần gũi nhất với Luật an ninh mạng Việt Nam. Gần gũi nhất, nhưng thực ra
không hề cùng một giuộc, như đã chỉ ra trong phần III. Điều đó chứng
tỏ, họ chẳng tìm được nước nào trên Thế giới cũng có Luật an ninh mạng. Vâng, tất
cả các Luật an ninh mạng mà họ đã từng viện dẫn để biện hộ đều không phải là Luật
an ninh mạng, như sẽ chỉ ra trong bài “Luật an ninh mạng - Cán cân cong
lý”. Hết sức lẻ loi trong Thế giới văn minh, Luật an ninh mạng của
CHXHCN Việt Nam trở thành tượng đài luật pháp cô đơn.
Đáng buồn nhất, tại sao lại phải
ban hành bằng được Luật an ninh mạng? Nếu chế độ thực sự vững mạnh và được lòng
dân, thì chẳng ai phá nổi. Nếu thế lực cầm quyền thực sự tử tế và xứng đáng cầm
quyền, thì chẳng việc gì phải sợ bị nói bị chửi, bởi kẻ nói bừa chửi bừa chẳng
lừa được mấy người, mà ngược lại còn bị dư luận coi là điên khùng. Vì vậy, khi
thấy cần phải ban hành bằng
được Luật an ninh mạng để bảo vệ chế độ và để cấm nói cấm chửi, thì phải chăng nỗi sợ trào dâng, bởi ý thức rằng
chế độ đã quá lung lay, quá mất lòng dân, và vì dân chửi quá đúng? Và phải
chăng những người cần có bằng được Luật an ninh mạng, đến mức bất chấp mọi phản
đối để sinh ra nó, họ cảm thấy rất cô đơn? Cô đơn giữa muôn triệu Đồng bào. Cô
đơn giữa lòng Dân tộc. Sinh ra trong trạng thái tâm lý ấy, Luật an ninh
mạng Việt Nam cũng trở thành tượng đài của sự cô đơn.
* * *
Phụ lục 1. Nội dung của NetzDG
NetzDG là ký hiệu viết tắt
và Netzwerkdurchsetzungsgesetz (tức Luật chấp pháp trên mạng) là tên gọi tắt
của Gesetz zur
Verbesserung der Rechtsdurchsetzung in sozialen Netzwerken (tức Luật cải tiến chấp pháp trên các mạng
xã hội). Luật này chỉ có sáu điều và dài chưa đến 1/4 so với Luật an ninh mạng
Việt Nam.
Điều 1 quy định về Phạm vi điều chỉnh như
sau:
(1) Luật này
áp dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ trên môi trường viễn thông, với mục
đích thu lợi nhuận mà lập ra các diễn đàn trên Internet, để người dùng
trao đổi với nhau các nội dung bất kỳ, hoặc để mọi người đều có thể tiếp cận (mạng
xã hội). Các diễn đàn phục vụ mục đích báo chí có biên tập, do phía
cung cấp dịch vụ tự chịu trách nhiệm, không bị coi là mạng xã hội theo ý nghĩa
của Luật này. Cũng như vậy, các diễn đàn dành cho trao đổi cá
nhân hay để phổ biến nội dung riêng biệt không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật
này.
(2) Nhà
cung cấp dịch vụ của mạng xã hội được giải phóng khỏi nghĩa vụ quy định tại Điều
2 và Điều 3, nếu mạng xã hội ấy có ít hơn hai triệu người dùng trong nước đăng
ký.
(3) Nội
dung vi phạm pháp luật là những nội dung phù hợp với Khoản
1 và thỏa mãn điều kiện cấu thành tội phạm được xác định tại các Điều
86, 86a, 89a, 91, 100a, 111, 126, 129, 129a, 129b, 130, 131, 140, 166, 184b kết
hợp với 184d, 185, 186, 187, 201a, 241 hoặc Điều 269 của Bộ luật hình sự, mà
không thể biện hộ.
Điều 2 quy định về Nghĩa vụ báo cáo, gồm
hai khoản. Khoản 1 quy định các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội có nghĩa vụ lập
báo cáo nửa năm một lần, nếu trong năm có hơn 100 lần khiếu nại về nội dung vi
phạm pháp luật, và phải công bố báo cáo ấy trên Bundesanzeiger (Trang thông báo Liên bang) và trang nhà của
mình, muộn nhất là một tháng sau khi hết hạn nửa năm. Khoản 2 quy định chín
khía cạnh tối thiểu mà báo cáo phải đề cập.
Điều 3 quy định về cách xử lý khiếu nại về
nội dung vi phạm pháp luật, gồm chín khoản. Nội dung của bốn khoản đầu như
sau:
(1) Nhà cung cấp
dịch vụ phải đưa ra quy trình có hiệu quả và minh bạch để xử lý khiếu nại về nội
dung vi phạm pháp luật. Nhà cung cấp dịch vụ phải cung cấp cho người dùng một
quy trình dễ nhận biết, dễ tiếp cận trực tiếp và luôn có thể dùng được để gửi
khiếu nại về nội dung vi phạm pháp luật.
(2) Quy trình
cần đảm bảo rằng nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội
1. tiếp
nhận ngay khiếu nại và kiểm tra xem nội dung bị khiếu nại có vi phạm pháp luật
hay không, và có cần xóa hay ngăn chặn tiếp cận nội dung ấy hay không;
2. xóa
hay ngăn chặn tiếp cận những nội dung rõ ràng vi phạm pháp luật trong
vòng 24 giờ, kể từ khi nhận được khiếu nại, trừ trường hợp nhà cung cấp dịch
vụ mạng có thỏa thuận khác về thời hạn với cơ quan theo dõi tội phạm;
3. xóa
hay ngăn chặn tiếp cận mọi nội dung vi phạm pháp luật trong vòng 7 ngày,
kể từ khi nhận được khiếu nại. Có thể vượt thời hạn 7 ngày nếu
a) việc
xác định tính vi phạm pháp luật của nội dung phụ thuộc vào khả năng dối trá của
lời tố cáo hoặc hoàn cảnh thực tế; trong trường hợp này, nhà cung cấp dịch vụ
có thể để người dùng mạng trình bày quan điểm về việc khiếu nại trước khi đưa
ra quyết định,
b) nhà
cung cấp dịch vụ mạng trao quyền quyết định về tính vi phạm pháp luật cho một Einrichtung
der Regulierten Selbstregulierung trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được khiếu nại,
và tuân theo quyết định của nó;
4. lưu
trữ nội dung bị xóa trong vòng 10 tuần để làm bằng chứng;
5. thông
báo ngay cho người khiếu nại và người dùng mạng về quyết định và giải thích cơ
sở để đưa ra quyết định.
(3) Quy trình
phải yêu cầu chép lại quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
(4) Việc xử lý
khiếu nại phải được giám sát hàng tháng bởi lãnh đạo mạng xã hội. Phải khắc phục
ngay mọi khiếm khuyết tổ chức trong việc xử ký khiếu nại. Những người được phân
công xử lý khiếu nại phải được lãnh đạo tạo điều kiện học tập và trợ giúp bằng
tiếng Đức ít nhất nửa năm một lần…
“Einrichtung
der Regulierten Selbstregulierung” (được quy định cụ thể tại Điều 3 Khoản 6) là một khái niệm hơi khó
dịch, nôm na là “Cơ sở tự điều chỉnh bị kiểm soát”. Tự điều chỉnh
vì nó tự đảm bảo về sự độc lập và trình độ chuyên môn của người đứng ra kiểm
tra, theo quy định tại Khoản 6. Bị kiểm soát vì cơ sở này được cơ quan hành
chính công nhận dưới một số điều kiện (theo quy định tại Khoản 7), và có thể bị
truất quyền hay bị hạn chế hoạt động trong một số trường hợp (theo quy định tại
Khoản 8).
Điều 4 quy định về việc phạt tiền, gồm
năm khoản. Khoản 1 quy định tám loại hành vi bị coi là vi phạm quy định của luật
này, đó là:
1. Vi
phạm Điều 2 Khoản 1 bằng cách không làm báo cáo, hoặc làm báo cáo sai, hay
không đầy đủ, hay không đúng thời hạn, hoặc không công bố báo cáo, hoặc công bố
không đúng, hay không đầy đủ, hay không đúng thời hạn.
2. Vi
phạm Điều 3 Khoản 1 Câu 1 bằng cách không lập quy trình xử lý khiếu nại, hoặc lập
quy trình không đúng hay không đầy đủ.
3. Vi
phạm Điều 3 Khoản 1 Câu 2 bằng cách không cung cấp quy trình hay cung cấp quy
trình không đúng cách.
4. Vi
phạm Điều 3 Khoản 4 Câu 1 bằng cách không giám sát hay giám sát không đúng việc
xử lý khiếu nại.
5. Vi
phạm Điều 3 Khoản 4 Câu 2 bằng cách không khắc phục hay khắc phục không kịp thời
khiếm khuyết tổ chức.
6. Vi
phạm Điều 3 Khoản 4 Câu 3 bằng cách không tổ chức hoặc tổ chức không kịp
thời việc học tập và trợ giúp cho những người được phân công xử lý khiếu nại.
7. Vi
phạm Điều 5 bằng cách không chỉ định người toàn quyền tiếp nhận khiếu nại, hay
người có quyền tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan theo dõi tội phạm.
8. Vi
phạm Điều 5 bằng cách người có quyền tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin không
phản ứng (nicht reagiert) trước đề nghị của cơ quan theo dõi tội phạm.
Khoản 2 quy định có thể bị phạt
tiền đến năm triệu (fünf Millionen) Euro đối với sáu hành vi từ số 1
đến số 6, và có thể phạt tiền đến năm trăm nghìn (fünfhunderttausend)
Euro đối với hai hành vi số 7 và số 8 (được liệt kê trong Khoản 1).
Cần lưu ý là việc không thực hiện Điều
3 Khoản 2 (xóa hay ngăn chặn tiếp cận các nội dung vi phạm pháp luật; lưu trữ nội
dung bị xóa trong vòng 10 tuần để làm bằng chứng; thông báo ngay cho người khiếu
nại và người dùng mạng về quyết định và giải thích cơ sở để đưa ra quyết định)
KHÔNG bị liệt kê trong số tám hành vi bị coi là vi phạm quy định của luật này
(theo Khoản 1), vì vậy cũng không bị áp dụng hình thức phạt tiền (theo Khoản
2).
Đặc biệt, Khoản 5 của Điều 4
quy định:
“Nếu cơ quan hành chính muốn
đưa ra quyết định dựa trên cơ sở các nội dung không được xóa hoặc không được
ngăn chặn thuộc loại vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 1 Khoản 3,
thì trước đó phải đề nghị tòa án phán quyết về sự vi phạm pháp luật.
Thẩm quyền phán quyết thuộc về tòa án quyết định phạt tiền... Phán quyết của
tòa án là không thể bác bỏ và có giá trị ràng buộc đối với cơ quan hành chính.”
Điều 5 gồm hai khoản. Khoản 1 quy định nhà cung cấp
dịch vụ mạng xã hội phải chỉ định tại Đức một người toàn quyền tiếp nhận khiếu
nại. Khoản 2 quy định nhà cung cấp dịch vụ phải chỉ định tại Đức một người có
quyền tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan theo dõi tội phạm. Người
ấy có trách nhiệm trả lời yêu cầu cung cấp thông tin trong vòng 48 giờ, nếu
không cung cấp thông tin theo yêu cầu thì phải giải thích lý do. (Tức là người ấy
có nghĩa vụ phải phản ứng, chứ không phải đáp ứng đề
nghị của của cơ quan theo dõi tội phạm.)
Điều 6 đưa ra hai quy định giao thời.
Phụ lục 2. Các nội dung vi phạm pháp luật theo Luật
chấp pháp trên mạng của Đức
Điều 1 Khoản 3 của Luật chấp pháp
trên mạng quy định các nội
dung bị coi là vi phạm pháp luật theo Luật này, đó là
những nội dung vi phạm 21 điều sau đây của Bộ luật hình sự Đức:
Điều 184b kết hợp với Điều 184d: Phân phối, mua bán, lưu
giữ tác phẩm khiêu dâm trẻ em và công bố chúng trên môi trường viễn thông
21 điều kể trên của Bộ luật
hình sự CHLB Đức bao phủ một diện khá rộng. Nhưng Luật chấp pháp trên mạng của
Đức không hề cấm nội dung “Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền
nhân dân”, và hiển nhiên không thể cấm “Kêu gọi, vận động, xúi giục,
đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người...” (vì biểu tình là quyền hiến định
được Nhà nước Đức hết sức tôn trọng), như được quy định trong Luật an ninh mạng
Việt Nam. Đáng nói là, trong Bộ luật hình sự của Đức, Điều 90 cấm xỉ vả Tổng thống
Đức và Điều 188 cấm phỉ báng, vu khống các nhân vật đang hoạt động trong đời sống
chính trị của Nhân dân. Nhưng Điều 90 và Điều 188 đều không được liệt kê trong
số nội dung vi phạm pháp luật theo Luật chấp pháp trên mạng Đức. Ngược lại với
phía Đức, Luật an ninh mạng Việt Nam lại tạo ra những hành vi vi phạm không hề
được quy định trong Bộ luật hình sự Việt Nam.
Phụ lục 3. Về đảng chính trị và tổ chức vi hiến ở
CHLB Đức
“Các đảng
tham gia triển khai ý nguyện chính trị của Nhân dân. Việc thành lập đảng là tự
do.” Đó là hai mệnh đề đầu
tiên của Điều 21 Hiến pháp CHLB Đức, quy định về “đặc quyền của các đảng”.
“Các đảng
là thành phần hợp hiến cần thiết đối với chế độ tự do dân chủ.” Mệnh đề đầu tiên của Điều 1 Luật về các đảng
chính trị (được gọi tắt là Luật về đảng) của CHLB Đức khẳng định như vậy.
Ở CHLB Đức, các đảng chính trị
đóng vai trò nòng cốt trong cuộc sống chính trị của toàn dân, là cầu nối giữa
Nhân dân và Quốc hội, và là thành phần gánh vác công việc của Quốc hội. Để đảm
đương trọng trách ấy, các đảng chính trị không chỉ có quyền, mà còn có nghĩa vụ
tham gia bầu cử Quốc hội Liên bang và Quốc hội của các bang. Chính vì vậy, khi
định nghĩa về khái niệm đảng tại Điều 2, Luật về đảng quy định: “Một liên minh bị mất tư
cách pháp lý của một đảng, nếu 6 năm liền không hề tham gia bầu cử Quốc hội của
Liên bang hay của bang với danh sách đề cử riêng.”
Đương nhiên, các đảng phải tôn
trọng pháp luật và chỉ được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Điều 21 Hiến pháp
CHLB Đứcquy định tại
Khoản 2: Nếu đảng nào hướng đến mục tiêu gây nguy hại hay xóa bỏ chế độ tự do dân
chủ (freiheitliche demokratische Grundordnung), hoặc gây nguy hại cho Cộng hòa Liên bang Đức,
thì là vi hiến (verfassungswidrig). (Lưu ý rằng chế độ được Hiến pháp Đức bảo vệ chỉ
gắn với tự do dân chủ, chứ không hề gắn với bất kỳ thứ chủ nghĩa nào.) Và quy định
tại Khoản 4: Chỉ có Tòa án Hiến pháp Liên bang mới có quyền phán quyết
về tính vi hiến của một đảng. Mặc dù Điều 9 Khoản 2 của Hiến pháp CHLB Đức quy định các
liên minh sẽ bị cấm, nếu mục tiêu hay hoạt động của chúng chống lại Bộ luật
hình sự, hoặc chống lại trật tự hợp hiến, hoặc chống lại tinh thần hiểu biết giữa
các dân tộc, nhưng cơ quan hành pháp không được áp dụng điều khoản này để cấm một
đảng nào đó hoạt động.
Trên thực tế, Tòa án Hiến pháp
Liên bang Đức rất thận trọng và dè dặt trong việc phán quyết một đảng là vi hiến
(đồng nghĩa với việc cấm đảng ấy hoạt động). Ví dụ điển hình là vụ cấm NPD (Nationaldemokratische
Partei Deutschlands, Đảng Dân chủ Quốc gia Đức, một đảng cực hữu, dân tộc cực đoan) hoạt động,
như đã trình bày trong phần I.1 của bài “Một số điều cần trao đổi nhân vụ Trịnh
Xuân Thanh”. Chắc hẳn nhiều người cảm thấy
khó hiểu trước phán quyết ngày 17/01/2017 của Tòa án Hiến pháp Liên bang, trong
đó xác định NPD là thù
nghịch hiến pháp (verfassungsfeindlich), có bản chất gần với Chủ nghĩa Xã hội
Dân tộc (Chủ nghĩa Quốc Xã, Nationalsozialismus), nhưng lại cho rằng đảng này không có khả
năng đe dọa thực sự nền dân chủ, nên không cấm NPD hoạt động. Song sẽ hiểu được, nếu thấy rằng bảo vệ chế
độ tự do dân chủ và quyền con người là mục tiêu chính của Hiến pháp Liên bang Đức,
và một chế độ xã hội chỉ thực sự tự do dân chủ, nếu sự đa dạng về ý
nguyện chính trị trong cộng đồng nhân dân được tôn trọng và bảo đảm.
Ngày 2 tháng 10 năm 2018
------------------------
Cùng tác giả:
No comments:
Post a Comment