Monday, 15 October 2018

LITTLE SAIGON - MỘT THOÁNG SUY TƯ (Huy Phương)




Huy Phương
October 14, 2018

Người ở miền Đông hỏi tôi, nếu về thăm Little Saigon, tôi sẽ cho anh ăn gì, đưa đi đâu?

Tôi xin trả lời, sẽ đưa anh chị đi thưởng thức các món ăn, thức uống Việt Nam. Ngoại trừ thịt chó, tiết canh và rượu rắn, ở đây cái gì cũng có, từ phở, chả giò, bì cuốn, bún riêu, bún ốc, bún chả, cá nướng… và các món uống đặc biệt xứ này như nước mía, chanh dây và đủ loại chè. Hy vọng sau một tuần về đây, anh chị sẽ hy vọng lên được vài ba cân, cho bõ những ngày cơ cực, nhờ loại văn hoá mà trong nước thường gọi là “văn hoá ẩm thực.”

Những hình ảnh chỉ có thể bắt gặp ở Little Saigon. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Nếu muốn đi thăm viếng một vài nơi, tôi sẽ đưa anh chị đi thăm Chùa Tây Lai (Tsi-Lai) trong khung cảnh hùng vĩ của Rowland Height, nơi mà ai cũng trầm trồ khen ngợi lối kiến trúc, trang trí của Tây Lai, nhưng tôi cũng nói rõ đây là một ngôi chùa của người Tàu Đài Loan ở Mỹ. Nơi thăm viếng sau đó là “Nhà Thờ Kiếng” (The Crystal Cathedral)” đây là một kiến trúc đặc biệt sử dụng vật liệu bằng kiếng để xây cất nhà thờ. Trước kia, nhà thờ thuộc giáo phái Canh Tân (Reformed Church in America) Tin Lành nhưng hiện nay là nhà thờ Chính Tòa Giáo Phận Orange của giáo hội Công Giáo La Mã. Lẽ cố nhiên ngôi nhà thờ vĩ đại này cũng không phải là dấu vết văn hoá của người Việt.

Nếu là nơi đặc biệt có hơi hám Việt Nam thì phải đi thăm những ngôi chùa việt ở đây! Nếu như có ai hỏi tôi sao người Việt Nam không thích chung sức để xây một ngôi chùa lớn cỡ Tsi-Lai hay cỡ như Nhà Thờ Kiếng, mà trong vùng này có quá nhiều chùa, lớn bằng 1/4 Tây Lai cũng có, mà nhỏ bằng một ngôi nhà hai phòng ngủ, một phòng tắm cũng có? Tôi cho anh em biết rằng, nhờ chia rẽ theo truyền thuyết ông cha, nửa lên núi, nửa xuống biển mà dân tộc Việt Nam mới tồn tại đến ngày hôm nay. Vả lại “không có gì quý hơn độc lập tự do,” không ai  dưới quyền điều khiển của ai, mỗi người một cõi, “rừng nào cọp đó” phải sướng hơn không?

Ở Little Saigon này có vài trăm tiệm ăn, con số này còn tăng nhanh vì người trong nước đang bỏ tiền ra đầu tư để tìm nơi “hạ cánh,” nhưng ở đây chỉ có ba nhà sách, trong đó có hai nhà sách không còn bán sách mà chuyển sang một nơi chuyên bán trà Nhật, một nơi chuyên bán vé ca nhạc, CD, DVD cả trong lẫn ngoài nước. Nhưng băng nhạc ngày nay cũng hết thời, vì người ta sang băng trên máy computer ở nhà hay xem và nghe trên internet.

Một gian hàng ở chợ đêm Phước Lộc Thọ với các món ăn đậm chất quê nhà. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ở San Jose, Sacramento hay ở Sydney- Úc, cộng đồng người Việt đã có những trụ sở cộng đồng để phục vụ sinh hoạt cho dân Việt địa phương nhưng ở đây thì không! Không có một trụ sở cộng đồng có thể làm nơi trình diễn, triển lãm, không có một câu lạc bộ cho người già, cựu chiến binh hay thiếu nhi, để làm nơi lui tới, sinh hoạt, đọc sách. Không phải vì thiếu tiền, vì người Việt ở hải ngoại dư sức có bạc tỷ, chuyện chẳng làm được.  Theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới, lượng tiền người Việt gửi về nước trong năm 2017 ước đạt $13.81 tỷ, cao nhất từ trước tới nay và tăng $1.9 tỷ, khoảng 16% so với năm 2016. Cũng không nên than phiền điều này, vì hải ngoại không có chính phủ, không có ngân khoản, không có tập hợp, đoàn kết, mạnh ai nấy sống.

Ở đây cái gì cũng chia hai, chia ba, từ cộng đồng, đến hội đoàn, hội ái hữu. Đây là phương thức phòng thủ hữu hiệu nhất. Nếu tập trung lực lượng lại, đối phương chỉ cần tấn công vào đầu não, là lực lượng tiêu tan. Chi bằng hư hư, thực thực, địch quân không biết đâu là diện, đâu là điểm. Đánh mặt này còn mặt kia! Tinh thần ấy hoàn toàn phù hợp với nguyên lý của “độc cô cửu kiếm:” lấy vô chiêu thắng hữu chiêu.

Và trước khi đánh nhau với cái ác đã làm cho chúng ta bỏ nước ra đi, thì trước hết phải đánh nhau tận tình, mà đánh nhau bằng cách cho tất cả đều là địch, nên ngày nay địch với ta vẫn ở trong thế cái răng lược trong các sinh hoạt thường nhật. Rồi nhìn đâu cũng thấy “đặc công,” “nằm vùng,” “tay sai!” Trong khi đó, nơi này, ngọn cờ đỏ, bị áp đảo, tẩy chay, không còn chỗ dung thân.

Nếu tôi muốn giới thiệu văn hoá Việt Nam với một vài người bạn ngoại quốc, nói về cái ăn thì dễ, có thể giới thiệu với họ tô phở, chả giò, bì cuốn, kể cả chai nước mắm, nhưng nói rằng một cuốn băng nhạc hiện nay đang bán trên thị trường là văn hóa Việt Nam thì tôi chưa đồng ý. Thực sự các băng nhạc của người Việt ở Mỹ, trước hết chỉ có tính cách giải trí nhất thời, sau đó có thể mang theo những thông điệp chính trị như Asia, vì dầu sao chúng ta cũng là người ngày đêm trăn trở với thân phận của mình là người tị nạn  Cộng Sản bỏ nước đến đây. Còn như “bảo tồn văn hóa,” người địa phương tìm thấy gì của Việt Nam trong những cuốn nhạc này ngoài những chiếc áo dài “cách tân”sặc sỡ, diêm dúa, nặng sắc thái Trung Quốc và những vũ điệu với những động tác gợi tình làm cho chúng ta phải đỏ mặt.
Chúng ta sẽ không bao giờ tìm lại được những vở kịch của Vũ Đức Duy ở Sài Gòn sau cuộc di cư năm 1954, hay của Lưu Quang Vũ dưới thời Cộng Sản. Một loại đã chết theo thời gian và một loại kịch đánh vào chế độ thì tác giả phải chết. Xã hội hỗn mang ngày nay ở hải ngoại có nhiều nghịch cảnh và chua chát hơn thời di cư nhưng không có ai viết nỗi và nếu có một Vũ Đức Duy hay Lưu Quang Vũ sống lại thì rạp hát cũng không có người xem. Bây giờ người ta sống hời hợt nông cạn hơn, cười vô lối hơn là biết khóc, nên cũng là thời hoàng kim của những anh hề biết “chọc” vào những chỗ thấp kém của con người. Làm cho khán giả cười mà phải chấm nước mắt đâu phải là điều dễ.

Người ta chê người Little Saigon lái xe lấn lướt, không biết nhường nhịn. Người Little Saigon không hiếu khách mấy, chẳng qua cũng vì người ở chợ không quý khách bằng người ở thâm sơn cùng cốc. Người ta chê Little Saigon “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều” qua những vụ bội tín, lường gạt giữa đồng hương với đồng hương! Và ngôn ngữ Little Saigon bây giờ cũng thay đổi vì cư dân mới hiện diện càng ngày càng đông! Một ông già ra phố Bolsa, vào tiệm phở có thể được một cô bé dưới ba mươi hỏi: “Mình ăn gì?” hay ở một tiệm khác sẽ có một cô bán hàng thân mật nói: “Cái này mình tính 32 đồng thôi!” Chữ nghĩa bắt đầu loạn xạ và khó hiểu! Nếu báo chí, truyền thông dễ dãi không kỹ cương, thì một ngày kia tiếng Việt trong sáng của chúng ta sẽ biến mất.

Nhà cửa đắt Little Saigon đắt và khó kiếm. Bán hai căn nhà ở Houston về Quận Cam chưa mua nỗi một căn.

Đất không lành nhưng sao chim vẫn đậu? Người Mỹ có thể rời bỏ Cali để di cư sang xứ khác, nhưng người Việt cao niên vẫn tìm về đây! Không tuyết, không lụt, không bão, không lốc xoáy, không quá nóng mà cũng chẳng rét run. Có khí hậu nào bằng khí hậu ở đây! Mỗi ngày có mươi tờ báo, đài truyền hình phát 24 giờ bằng tiếng Việt cho khuây nỗi nhớ nhà, mấy cụ mới được con cái bảo lãnh từ quê nhà hay tiểu bang khác về, không còn đòi trở lại nơi chốn cũ.

Để giữ lại văn hoá Việt Nam, cái chuyện bình thường như hội chợ, diễn hành, hội họp đồng hương, ái hữu hằng năm, là để giữ lại ngọn cờ, bản quốc ca, miếng ăn Việt Nam. chiếc áo dài, cái khăn đóng. Chúng ta mang ơn những tổ chức giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam như chuyện các thầy cô bỏ một hai ngày việc nhà, bận rộn trong các lớp học Việt Ngữ. Nếu không có những lớp Việt Ngữ, Đoàn văn Nghệ Lạc Hồng, Hùng Sử Ca Việt, Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VALA, Hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt, Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang, Hội Chợ Sinh Viên, Diễn Hành Tết… mấy ai còn nhớ mình là người Việt Nam lưu lạc đến đây.

Đây là những tổ chức và con người hết lòng với tương lai và đất nước, bỏ công sức và đồng tiền trong số lương khiêm nhượng của mình với tâm huyết giữ gìn văn hoá Việt Nam. Không có tài trợ từ dòng chính, cũng không có sự quyên góp trong cộng đồng. Những đại gia, tỷ phú gốc Việt còn lo chuyện thi hoa hậu, thương mãi hay “chơi lấy tiếng,” không hề có ai đỡ đần cho những tổ chức này một tay.

Tuy vậy, nhờ ơn trên, chúng ta vẫn có một chỗ yên ổn ở vùng đất Little Saigon này. Buổi sáng, nghe tiếng nói quen thân của cô xướng ngôn viên trên đài Việt Nam, có ngôi chợ, có tô phở, ly cà phê sữa đá (đặc biệt Việt Nam), bạn bè ngày xưa lưu lạc đến đây và vài ba tháng không dùng đến một câu tiếng Anh. Đôi khi cứ tưởng rằng mình có một đất nước Việt Nam khác trên trái đất này, cách xa nơi chôn nhau cắt rốn hàng vạn dặm!(Huy Phương)






No comments:

Post a Comment

View My Stats