Kerry Allen và Stuart Lau
BBC
Capital
13 tháng 10 2018
Tiếng
Quan thoại là một trong những thứ ngôn ngữ phức tạp nhất thế giới.
Mở một cuốn từ điển tiếng Trung ra, bạn sẽ tìm thấy
chừng 370 ngàn từ. Con số này cao gấp đôi số từ có trong cuốn từ điển tiếng Anh
của Đại học Oxford, và gần gấp ba lần số từ của từ điển tiếng Pháp, tiếng Nga.
Nhưng nhiều từ trong số này mới chỉ xuất hiện trong
những năm gần đây mà thôi.
Reci - 'nhiệt từ' dịch ra có nghĩa là 'từ nóng', là
những từ lóng mà giới trẻ Trung Quốc tạo ra và sử dụng khi giao tiếp trực tuyến
để nói với nhau về việc họ thực sự cảm thấy thế nào về tình hình thời sự và những
khuynh hướng, trào lưu đang diễn ra.
Có hơn 750 triệu người Trung Quốc dùng internet, chiếm
trên nửa số dân 1,4 tỷ người của nước này, và có một số người sáng tạo ra những
từ ngữ mới.
Chẳng hạn như từ 'duang': một từ ghép lại dựa trên
các từ viết tên diễn viên Thành Long (Jackie Chan).
Những người tạo ra từ lóng mới thì được thưởng cái vỗ
lưng từ những người dùng mạng xã hội khác và từ truyền thông như một 'niubi'
(ngưu bức, 牛逼): một biểu tượng được dùng online để tỏ ý khen ngợi điều gì đó là hay,
là thú vị.
Và việc được 'niubi' đã trở thành con đường dẫn tới
việc được yêu mến đối với giới trẻ Trung Quốc.
BBC Capital hỏi chuyện Robert, người không muốn nói
cả tên họ, rằng vì sao anh nghĩ là giới trẻ Trung Quốc đang tiến hoá trong việc
chuyện trò với nhau theo cách này; "đó là để nhằm đáp trả với thực tế xã hội,"
ông nói.
"Sự
tự phản kháng và/hoặc sự bơ vơ là lý do vì sao chúng tôi kết hợp các từ lại với
nhau."
Anh nhắc tới từ nóng 'kiến dân' (蚁民), một sự chơi chữ, kết hợp từ kiến và công dân lại với nhau, nhằm mô tả
tình trạng bơ vơ, bất lực của dân chúng, hay 'dân oan' và từ 'innernet' (hỗ
liên võng - 中国互联网) để chỉ vấn để ẩn kín bên trong Trung Quốc, trong việc tiếp cận tới cách
thức kiểm soát internet.
Flora Shen, người làm việc cho một công ty đa quốc
gia tại Thượng Hải, nói rằng sự xuất hiện nhiều các từ nóng phản ánh tâm trạng
khó chịu của người dân đối với việc Đảng Cộng sản kiểm soát quá chặt chẽ truyền
thông chính thống.
"Báo chí và tin tức trên truyền hình đầy những lời hô hào sáo rỗng của
đảng mà không có sự phản đối. Đó là lý do vì sao người dân thường cảm thấy tầm
quan trọng mạng xã hội, nơi họ cần dựa vào để tạo ra một dạng đối trọng, nhưng
lại phải không đi quá xa, để không bị hệ thống kiểm duyệt phát hiện," bà nói.
Thế hệ thiên niên kỷ ở Trung Quốc đang tận hưởng thành quả của sự tăng
trưởng kinh tế nhanh chóng và đang ngày càng tích cực hơn các thế hệ trước
trong việc đi du lịch nước ngoài. GETTY IMAGES
Philip, người cũng không muốn tiết lộ danh tính thật,
mô tả hiện tượng này là "đi vòng quanh các giới hạn". Anh nói
"luôn có những người muốn nêu lại vấn đề này [sau khi họ bị kiểm duyệt],
nhưng họ không thể, cho nên họ nói một cách gián tiếp."
Tuy mức độ phát triển và được tiếp cận internet tăng
lên tại Trung Quốc khiến cho có nhiều người hơn từ các nơi khác nhau ở nước này
có thể trao đổi liên lạc, nhưng cơ hội để họ tiếp cận với tin tức từ các nguồn
độc lập hoặc từ các nguồn nước ngoài vẫn còn rất hạn chế.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới xếp Trung Quốc thứ
176 trong tổng số 180 quốc gia và khu vực trong bảng Chỉ số Tự do Báo chí 2018.
Công an văn hóa Trung Quốc thường lần dò theo những
bình luận trên các mạng xã hội nổi tiếng như Weibo và WeChat, xoá các bình luận
mang tính nhạy cảm chính trị hoặc kêu gọi lật đổ.
Các 'post' có những từ khoá hoặc những cụm từ, đoạn
câu nhạy cảm bị xoá bỏ tự động.
Quản trị viên là cảnh sát mạng trên các nền tảng như
Sina Weibo duy trì một danh sách các từ, từ ngữ mà họ coi là nhạy cảm, và áp dụng
lệnh lọc tự động để người dùng không thể xem được.
Một số nội dung bị cấm thẳng tay trong thời gian diễn
ra các sự kiện nhạy cảm.
Hàng năm, vào ngày 4/6, là ngày kỷ niệm sự kiện đàn
áp biểu tình Thiên An Môn 1989, các từ 46 [viết tắt cho ngày 4 tháng 6] và 64
[tháng 6 ngày 4], 8964 [năm 1989, tháng 6, ngày 4] và các từ tương tự đều bị cấm,
do người dùng Weibo tìm cách nói tới sự kiện này bằng cách chỉ viết ngắn gọn để
nội dung tin viết của họ không bị kiểm duyệt.
Thậm chí tình trạng nhạy cảm còn xảy ra cả đối với
album '1989' của ca sỹ Taylor Swift, được dùng như phép ẩn dụ về Thiên An Môn,
bởi cái tên của album, và bởi tên viết tắt của ca sỹ (Taylor Swift - TS) cũng
có thể được dùng để chỉ Quảng trường Thiên An Môn trong tiếng Anh (Tiananmen
Square - TS).
Trước chuyến lưu diễn tới Trung Quốc, Taylor Swift đã gây tranh cãi khi
bán các sản phẩm quảng cáo có gắn chữ 'TS' và '1989' - tương tự như các chữ viết
tắt và năm xảy ra sự kiện đàn áp biểu tình ở Thiên Anh Môn. GETTY IMAGES
'Bắt
cóc bỏ đĩa'
Để đáp trả, thanh niên Trung Quốc đưa ra những ý tưởng
thậm chí còn sáng tạo hơn để qua mặt tình trạng bị kiểm duyệt.
Các từ được dùng theo cách thông thường nay được
dùng để chuyển tải những ý nghĩa bị cấm.
Chẳng hạn như trong vài năm gần đây, những người làm
công tác kiểm duyệt đã rất khó khăn trong việc xoá bỏ các bình luận nhắc tới 'bọn
cóc', được dùng để chỉ cựu Chủ tịch Trung Quốc có đeo kính, Giang Trạch Dân.
Giới kiểm duyệt cũng phải vật vã kiểm soát việc sử dụng
tên họ rất phổ biến 'Zhao', là từ mang nhiều nghĩa và sắc thái, nhưng đa phần
được dùng để đăng tải các bình luận chỉ trích chính trị về những người mang họ
đó nằm trong hệ thống cầm quyền.
"Từng chút một, thanh niên Trung Quốc - ít nhất là ở các thành phố lớn
- đang tìm cách vượt ra ngoài những cấm cản, và sáng tạo ra một số kiểu thảo luận
xã hội," Ma Xin, sinh viên một đại học ở Hoa Nam nói.
Về việc gửi tin nhắn dạng text có sử dụng phép uyển
ngữ trên các app bị kiểm soát gắt gao như WeChat, cô viết, "tất nhiên là
điều đó đòi hỏi phải có sự sáng tạo, phải nghĩ ra những từ ngữ mới, cách nói mới,
những từ ngữ, cách nói chưa bị cho vào danh sách mà-ai-cũng-biết-là-gì."
Đã có cách chơi chữ 'hiểm hóc' hơn trong cộng đồng đang ngày càng đông
người Trung Quốc nói tiếng Anh, bởi những người làm công tác kiểm duyệt không
thể phát hiện được những ngôn từ mang tính khiêu khích. GETTY IMAGES
Tuy nhiên, tính chất kêu gọi phản kháng của những kiểu
thảo luận này không đến được với tất cả mọi người.
Việc chơi chữ thường chỉ giới hạn trong giới những
người 'biết việc', còn hầu hết người dùng internet sẽ không nhận biết được về
những tin nhắn mang tính mật mã đó.
"Thường thì khi tôi gặp những tin nhắn kỳ quặc nói về các vấn đề xã
hội, tôi cảm thấy chán ngắt và không có nhu cầu phải chia sẻ chúng," Zhao Bin, một người giao hàng ở Phúc Kiến, nói.
Công an
văn hóa kém ngoại ngữ
Với cộng đồng ngày càng tăng những người nói tiếng
Anh ở Trung Quốc, họ có sân chơi đông vui hơn, bởi giới kiểm duyệt không đủ giỏi
về ngôn ngữ để phát hiện và chặn lọc các từ mang tính kích động.
Hiện người ta vẫn có thể tìm được những 'post' trên
mạng nói về 'freedamn' (một từ chơi chữ, ghép giữa từ 'tự do' với từ 'khốn kiếp')
(中国特色自由), nhằm để
chế giễu ý tưởng cho rằng quyền tự do đang được nâng lên.
Một số 'post' cũng đặt câu hỏi về 'harmony' (中国特色和谐) trong xã hội Trung Quốc, liên
quan tới việc các chính sách xã hội bị được áp đặt bất chấp sự phản đối của quần
chúng, điều mà họ cho là tai hại.
Đã có nhiều thay đổi chấn động trong xã hội Trung Quốc
kể từ một thập niên qua - sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã được coi là một
chiến thắng to lớn, đặc biệt là dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Kể từ khi lên nắm quyền, năm 2012, ông Tập đã đem tới
cho thế hệ kế tiếp một viễn kiến cuộc sống tốt đẹp hơn, thịnh vượng hơn, còn
Trung Quốc vươn lên, trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới.
Và thế hệ thiên niên kỷ Trung Quốc đang được hưởng sự
chiều chuộng, hưởng cuộc sống phong lưu hơn các thế hệ trước. Họ dễ dàng áp dụng
tiếng Anh được học ở trường ra ứng dụng trong các chuyến đi chơi ở nước ngoài.
Nhưng sự tăng trưởng về số lượng người tiêu dùng
Trung Quốc - 'Chinsumers' (在外疯狂购物的中国人): một thế hệ mới những người trẻ tuổi có nhiều tiền để chi tiêu và khát
khao xa xỉ phẩm cũng tạo ra một thách thức to lớn cho chế độ mà Đảng Cộng sản
kiểm soát gắt gao.
Dù thịnh vượng và được tự do đi lại, cuộc sống của
người Trung Quốc vẫn là tình trạng phải làm việc vất vả.
Họ cũng phải đánh đổi sự cân bằng giữa sinh hoạt
riêng và công việc và đây là chủ đề xuất hiện nhiều trong các cuộc thảo luận
trên mạng.
Giới trẻ Trung Quốc nói rằng thời gian của họ ngày
càng bị công nghệ ngốn mất, và việc làm sao để thoát được khỏi cuộc vật lộn, phấn
đấu trong công việc, và việc làm sao để bắt đầu lại từ đầu là chủ đề thường xuất
hiện.
Nhiều người rơi vào hoàn cảnh phải vật lộn để kiếm sống,
phải chịu cảnh 'tiếu nhi bất ngữ' - 'smilence' (笑而不语) - phải luôn ngẩng cao mặt tươi cười, giấu đi những căng thẳng khó chịu
trong lòng.
Bài
tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.
No comments:
Post a Comment