Monday, 1 October 2018

CUỘC CÁCH MẠNG BỊ NGƯNG TRỆ CỦA CUBA (Richard E. Feinberg & Ted Piccone - Foreign Affairs)




Cuộc cách mạng bị ngưng trệ của Cuba  
Ban lãnh đạo mới có thể làm tan băng chính trị Cuba sau thời Castro?
Người dịch: Huỳnh Hoa
1-10-2018

Với Cuba, năm 2018 đánh dấu điểm kết thúc một thời đại. Lần đầu tiên trong gần sáu thập niên, chủ tịch nước không còn là một người mang họ Castro – không phải là Fidel, cựu chiến sĩ du kích, nhà độc tài cách mạng hoặc biểu tượng quốc tế, mà cũng không phải người em Raul, ít tiếng tăm hơn, người kế tục Fidel làm chủ tịch năm 2008.  Tháng Tư vừa rồi, quyền cai trị được giao cho cựu phó chủ tịch Miguel Diaz-Canel, một chính trị gia thời hậu cách mạng, trẻ trung hơn, người làm nổi lên những niềm hy vọng trái ngược nhau về sự tiếp nối lẫn sự thay đổi.

Nhưng với những ai hình dung rằng thời kỳ hậu Castro sẽ nhanh chóng mang lại những cuộc cải cách quan trọng thì nhiệm kỳ của ông Diaz-Canel cho đến nay chỉ là một sự thất vọng. Trong 5 tháng qua, sự tiến bộ của đất nước diễn ra chậm chạp hoặc không tiến bộ gì cả. Nền kinh tế của đảo quốc tiếp tục đi xuống như nó đã từng như vậy kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ gần 30 năm về trước, bất chấp những đợt cải cách được suy tính cẩn trọng mà ông Raul Castro khởi xướng năm 2011. Mức đầu tư thấp một cách đáng báo động, ngoại tệ khan hiếm, và tình trạng thiếu thốn hàng tiêu dùng lan rộng. Nhiều người Cuba bất mãn, đặc biệt là giới trẻ có học thức, tiếp tục di cư để tìm cuộc sống khá hơn, những lựa chọn nghề nghiệp tốt hơn, làm cạn kiệt nguồn lao động hiện tại và tương lai.

Những người theo xu hướng cải cách và những người bảo thủ cứng rắn vẫn tiếp tục đấu với nhau trong đảng Cộng sản Cuba. Một bản dự thảo hiến pháp mới hứa hẹn sự tiến bộ, đáng chú ý là quyền về giới và của người đồng tính, nhưng cũng khẳng định sự độc quyền của đảng Cộng sản Cuba và thể chế hóa tư tưởng kinh tế đã lỗi thời. Những sáng kiến gần đây của chính phủ đã hạn chế thêm nữa quyền tự do cá nhân trong kinh doanh, nghệ thuật và truyền thông. Trong khi đó, chính phủ Trump đã gần như quay trở lại luận điệu thời tiền-Obama về thay đổi chế độ, với thái độ thù địch và cô lập.

ĐẤT NƯỚC TRÌ TRỆ

Diaz-Canel thừa hưởng một nền kinh tế đang trong thời kỳ chuyển đổi. Trong suốt thời gian cai trị một thập niên của mình, ông Raul Castro đã xé bỏ một số rào cản ý thức hệ về chính sách kinh tế từng bị cấm đoán. Ông tích cực đưa Cuba vào thương mại quốc tế, mở cửa hòn đảo cho đầu tư nước ngoài và thúc đẩy một khu vực tư nhân nội địa mới manh nha. Ông cũng nới lỏng những hạn chế về du lịch nước ngoài, cho phép lập các thị trường tư nhân về bất động sản và xe hơi, dần dần mở rộng quyền tiếp cận công nghệ di động và mạng xã hội. Khu vực tư nhân cất cánh. Đến năm 2017, kinh tế tư nhân cung cấp việc làm và thu nhập cho khoảng bốn phần mười số người Cuba trong độ tuổi lao động. Lượng du khách tăng hơn 80 phần trăm trong thời gian cầm quyền của ông Raul. Mặc dù du khách Mỹ đã ít thấy trên các đường phố của thủ đô Havana trong năm 2017, khi sự thúc đẩy của ông Obama nhường chỗ cho sự giới hạn của ông Trump, du lịch một lần nữa vẫn là mặt sáng nhất của nền kinh tế Cuba.

Thế nhưng, kinh tế Cuba nhìn chung hoạt động yếu kém. Trong suốt thập niên cầm quyền của ông Raul Castro, GDP của Cuba tăng bình quân 2,4 phần trăm mỗi năm – ít nhất là theo thống kê của chính phủ. Có những lúc, tăng trưởng GDP đình trệ ở mức dưới 2 phần trăm mỗi năm. Năm phần trăm là mức tăng tối thiểu cần thiết để kinh tế của Cuba được coi là phát triển bền vững.

Chính phủ đã không tạo ra được một môi trường kinh doanh thật sự dễ dàng, và ngoài lĩnh vực du lịch tăng trưởng mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn hoài nghi. Sự lao dốc mạnh của xuất khẩu hàng hóa của Cuba là điềm đặc biệt xấu, báo hiệu các doanh nghiệp nhà nước của đất nước này không có sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Năm 2016, xuất khẩu hàng hóa giảm chỉ còn chưa đầy 3 tỉ đô la, mức thấp nhất trong hơn mười năm qua. Để ứng phó, chính phủ giảm mạnh nhập khẩu, từ mức đỉnh gần 15 tỉ đô la năm 2013 xuống còn 10,4 tỉ đô la năm 2016. Sự suy giảm nhập khẩu đã khiến các cửa hiệu ở Cuba vắng hẳn các mặt hàng tiêu dùng căn bản nhất, từ bia và sản phẩm giấy đến phụ tùng thay thế cho đồ dùng gia đình. Đồng thời, những hạn chế việc đưa tư liệu sản xuất vào trong nước tiếp tục làm trầm trọng thêm sự thiếu thốn đã trầm trọng sẵn về máy móc cho các nhà xưởng và công cụ cho sản xuất nông nghiệp.

Không thể sớm thực hiện sự thay đổi. Chính phủ của ông Diaz-Canel, bận rộn với việc quản lý những chính sách khắc khổ, vẫn chưa đề ra được một chương trình hoạch định chính sách kinh tế mới, nói gì tới một tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển dài hạn. Hồi tháng Bảy, chính phủ ban hành những quy định mới cứng rắn hơn cho khối doanh nghiệp tư nhân đang nổi lên của đảo quốc. Với mục tiêu ngăn ngừa các công ty tư nhân và công dân tích lũy của cải – và bóp chết từ trong trứng nước mọi thách thức tiềm tàng đối với sự độc quyền của nhà nước về quyền lực kinh tế và chính trị - những quy định mới này cho thấy rằng các nhà lãnh đạo Cuba vẫn hết sức lo ngại, nếu không nói là thù địch thẳng thừng, với doanh nghiệp tư nhân.

BÌNH MỚI RƯỢU CŨ

Chính trị Cuba cũng phản kháng tương tự với sự thay đổi. Ông Raul Castro vẫn đang hiện diện – với tư cách là người đứng đầu đảng Cộng sản Cuba cho đến năm 2021 và là người lãnh đạo những nỗ lực hiện hành để chỉnh sửa hiến pháp. Có vẻ như mỗi bước đi của tiến trình kế vị tương đối suôn sẻ đều đã được thiết kế để báo hiệu một sự tiếp nối với tốc độ thay đổi có tính toán, đánh dấu nhiệm kỳ cầm quyền của Raul Castro, gói gọn trong câu châm ngôn của ông “sin prisa, pero sin pausa” – không vội vàng, nhưng không dừng lại. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi ông Diaz-Canel nói với quốc hội trong dịp nhậm chức chủ tịch rằng “đồng chí Raul dẫn dắt các quyết định cho hiện tại và tương lai của đất nước”.

Ông Diaz-Canel có tính khí nhẹ nhàng hơn và ít e ngại máy quay phim hơn người tiền nhiệm của ông, nhưng liên quan tới việc hoạch định chính sách, cho đến nay ông vẫn chưa tạo được sự thay đổi nào. Ông vẫn giữ lại một đội ngũ các quan chức cao cấp mà phần lớn ông kế thừa từ người tiền nhiệm, và những phát biểu của ông trước công chúng ít nói về chương trình canh tân đất nước hơn là về duy trì sự thống nhất của đảng. Cứ cho rằng, đây có thể là một thái độ tạm thời nhằm trấn an các quan chức lãnh đạo già nua của đảng trong thời gian ông xây dựng một tầng lớp kỹ trị độc lập hơn đảm nhiệm việc quản trị đất nước. Nếu diễn giải theo cách đó thì nhà chính trị 58 tuổi này đang thận trọng vun đắp một cơ sở quyền lực của chính ông để tiến tới trong phần sau của nhiệm kỳ chủ tịch 5 năm, đặc biệt là sau khi ông Raul rút ra khỏi vị trí lãnh đạo đảng vào năm 2021.

Về phương diện thể chế, những sự thay đổi gần đây là một mớ lộn xộn. Quốc hội được bầu chọn hồi tháng Ba bao gồm những khuôn mặt mới và cũ. Hơn một nửa số đại biểu là người mới, 53 phần trăm là phụ nữ và 41 phần trăm là người da màu hoặc đa sắc tộc. Tương tự như vậy, hội đồng nhà nước, do ông Diaz-Canel đứng đầu và thực tế quản trị đất nước quanh năm, đã có thêm ba phó chủ tịch trong độ tuổi từ 48 đến 52 – một lớp lãnh đạo trẻ cho một đất nước từ lâu được cai trị bởi các nhà cách mạng cựu trào ở độ tuổi bảy mươi hoặc cao hơn. Những luật lệ mới quy định rằng đại biểu quốc hội không được phục vụ quá hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm và chỉ được ứng cử vào quốc hội khi tuổi đời chưa quá 60. Kết hợp lại, những sự thay đổi này cho thấy các nhà lãnh đạo đảng đã hiểu tầm quan trọng của việc làm cho các cán bộ trẻ tiếp cận được lợi ích của cơ quan công quyền và đa dạng hóa các tầng lớp tinh hoa cai trị đất nước.

Trong khi đó, công cuộc cải cách hiến pháp được đề nghị đã hứa hẹn một sự cởi mở về chính trị dù khiêm tốn nhưng tiềm tàng nhiều ý nghĩa. Dự thảo hiến pháp mới phân chia quyền lực giữa một chủ tịch đóng vai trò nguyên thủ quốc gia và một thủ tướng điều hành các công việc hàng ngày của chính phủ. Nó chuyển giao thêm nhiều quyền tự chủ các công việc địa phương cho chính quyền các tỉnh thành, mặc dù các thống đốc và tỉnh trưởng vẫn còn phải do chủ tịch bổ nhiệm. Những điều khoản khác đề xuất một sự phân chia lớn hơn giữa nhà nước và đảng, mặc dù sự trùng lắp về nhân sự có lẽ vẫn duy trì ở mức cao. Một hội đồng bầu cử quốc gia mới sẽ giúp cải thiện hình ảnh của các cuộc bầu cử, nếu không cải thiện được tính liêm chính thật sự của các cuộc bầu cử ấy. Công dân nào thu thập được ít nhất 10.000 chữ ký sẽ có thể đề xuất luật; những ai thu thập được từ 50.000 chữ ký trở lên sẽ có khả năng khởi động công cuộc cải cách hiến pháp.

Dự thảo hiến pháp cũng đã trao nhiều quyền dân sự quan trọng và nguyên tắc xét xử công bằng, bao gồm cả quyền tạm giam tạm giữ, nguyên tắc suy đoán vô tội, quyền đòi bồi thường những sự vi phạm mà nhân viên nhà nước gây ra, nguyên tắc không phân biệt đối xử bất kể xu hướng giới tính và tự do tôn giáo. Nhưng dự thảo hiến pháp cũng quy định những quyền căn bản đó là quyền có điều kiện, phụ thuộc vào “an ninh tập thể, sự thịnh vượng chung, tôn trọng trật tự công cộng, hiến pháp và luật pháp”. Văn bản dự thảo đầy dẫy những khe hở mâu thuẫn nhau như vậy để cuối cùng khẳng định quyền lực tối cao của nhà nước đứng bên trên quyền con người căn bản của công dân.

Đừng lầm lẫn, ngay cả nếu các nhà cải cách muốn mở rộng một số khe hở trong guồng máy độc quyền thống nhất của nhà nước thì Cuba vẫn tiếp tục là một hệ thống độc đảng cứng nhắc. Dự thảo hiến pháp tái ghi khắc đảng Cộng sản Cuba là “lực lượng lãnh đạo đứng trên xã hội và nhà nước [Cuba]”. Chủ nghĩa xã hội Cuba và các hệ thống chính trị, xã hội của nó vẫn là “không thể hủy bỏ”.

Về nền kinh tế, dự thảo hiến pháp bổ sung kinh tế kế hoạch hóa nhà nước và sở hữu nhà nước với một số không gian cho tư bản nội địa và tư bản tư nhân nước ngoài nhưng những sự thay đổi này không đề cập tới việc chấp nhận chính thức một chế độ lai (hybrid) và thực sự cân bằng hơn, chẳng hạn như mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và Việt Nam.

Hiện nay đảng Cộng sản đang tổ chức nhiều diễn đàn tranh luận về dự thảo hiến pháp trên khắp đảo quốc. Những diễn đàn này mở ra nhiều cuộc thảo luận trong giới tinh hoa có quan tâm, nhưng người ta cho rằng chúng chỉ có thể đem lại một vài sự điều chỉnh khiêm tốn cho những vấn đề được tóm tắt ở trên. Một khi được cơ quan lập pháp phê chuẩn và được cuộc trưng cầu dân ý thông qua – những rào cản dễ vượt qua – thì bản hiến pháp mới sẽ củng cố di sản của dòng họ Castro bằng những điều khoản hiến pháp, luật pháp và thực tế, trong khi nó cũng dành một sự chính danh chính trị nào đó cho nhóm lãnh đạo thời hậu cách mạng mà giờ đây ông Diaz-Canel đang dẫn dắt. Với nhiều người Cuba đang khao khát có mức lương bổng cao hơn, nhiều hàng hóa tiêu dùng hơn thì có rất ít sự khuây khỏa trong tầm mắt.

NHỮNG CƠ HỘI BỊ BỎ LỠ

Tình trạng trì trệ về kinh tế và chính trị của Havana đã làm cho Washington còn rất ít dư địa để kích hoạt những cuộc cải cách tiến bộ hơn. Hoa Kỳ hoặc có thể chấp nhận thực tế của Cuba và tìm những con đường chung sống hòa thuận để bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình, hoặc có thể duy trì và thậm chí gia tăng nỗ lực theo đuổi một cuộc thay đổi chế độ thông qua các biện pháp trừng phạt. Chính sách trừng phạt này, được thực hiện suốt sáu thập niên qua, đã được chứng minh là thất bại, nhưng điều không may là nó đã được cố định trong luật pháp của Mỹ, do Quốc hội Mỹ đã pháp chế hóa lệnh cấm vận kinh tế chống Cuba năm 1996. Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã rút lại nhiều biện pháp cởi mở mà Tổng thống Obama ban hành, có những khối cử tri quan trọng ủng hộ việc cấm vận Cuba, tập trung ở bang Florida và ông không thể sớm thay đổi đường lối vào một lúc nào đó. Trong thực tế, những người có quan điểm cứng rắn ở Miami, Florida đã giành lại được ảnh hưởng từ các khối cử tri đa dạng phản đối cấm vận Cuba dưới thời Obama. Đây có lẽ cũng là điều tốt cho những người theo quan điểm cứng rắn ở chính Cuba, bởi vì nó cho họ khoảng không gian rộng rãi để tìm các mối quan hệ tốt hơn với châu Âu, Nga và Trung Quốc mà không màng tới Washington.

Hoa Kỳ và Cuba vẫn hợp tác với nhau ở một số lĩnh vực, nhưng những cuộc trao đổi như vậy đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Du lịch của du khách Mỹ tới đảo quốc này, đặc biệt là du lịch tàu biển, đang có dấu hiệu hồi phục sau một đợt suy giảm mạnh trong năm 2017 và đầu năm 2018. Hợp tác song phương trong lĩnh vực thực thi pháp luật, di cư và môi trường sinh thái vẫn lặng lẽ tiếp diễn nhưng sự thiếu hụt nhân sự ở cả đại sứ quán Mỹ và đại sứ quán Cuba, một phần do một làn sóng lo ngại về một căn bệnh bí hiểm mà các nhân viên ngoại giao Mỹ ở Cuba báo cáo hồi năm ngoái, đã cản trở những hoạt động căn bản về ngoại giao và lãnh sự. Hoạt động của quốc hội Hoa Kỳ với Cuba cũng đã dừng lại, ngoại trừ những nỗ lực giải tỏa những hạn chế về tài chính cho lĩnh vực nông nghiệp. Tính chung lại, cả chính sách ngoại giao nhợt nhạt và chính sách cấm vận để trừng phạt của Hoa Kỳ đều không thể thúc đẩy Havana tiến tới thực thi những cuộc cải cách nhiều tham vọng hơn.

Đối nội, chính phủ của ông Diaz-Canel có khả năng sẽ tách đất nước theo những đường ranh thế hệ. Với nhiều người Cuba lớn tuổi, sự gắn bó của chính phủ mới với những nguyên tắc đã dẫn dắt thời đại Castro làm họ yên tâm. Nhiều người Cuba tuổi trung niên sẽ chào đón những lời bảo đảm mới về an ninh kinh tế và phúc lợi do nhà nước tài trợ. Có thể một số người đã nhìn thấy những tia sáng lờ mờ về một chính thể bình thường hơn, rộng mở, dễ tiếp cận hơn, và họ sẽ hăng hái đi theo sự ủng hộ của ông Diaz-Canel với công cuộc mở cửa dần dần, được giám sát cẩn thận cho đầu tư nước ngoài, mạng Internet và doanh nghiệp tư nhân được kiểm soát. Mặt khác, giới trẻ đang lo âu của Cuba có khả năng chỉ nhìn thấy nhiều cơ hội bị lỏ lỡ hơn, dù là trong cuộc cải cách hiến pháp dành ưu tiên cho sự tiếp tục hơn là sự thay đổi, hay là ở vị chủ tịch mà cho đến nay đã tỏ ra là một người cổ vũ cho hiện trạng hơn là người mang lại cuộc cải cách. Điều bi thảm là người Cuba thuộc mọi tầng lớp, kể cả rất nhiều người tốt nhất, sáng láng nhất, vẫn sẽ tiếp tục đi tìm cơ hội ở những nơi khác.

*
Richard E. Feinberg là giáo sư kinh tế chính trị học quốc tế, trường Chính sách và Chiến lược toàn cầu thuộc Đại học California, San Diego. Ông cũng là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại viện Brookings. Ông Feinberg cũng từng phục vụ trong cương vị giám đốc cao cấp Văn phòng các vấn đề Liên châu Mỹ thuộc Hội đồng An ninh quốc gia, ở Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính.

Ted Piccone là chủ tịch và nghiên cứu viên cao cấp bộ phận Sáng kiến châu Mỹ Latin và Dự án về Trật tự và Chiến lược quốc tế của viện Brookings. Ông đã phục vụ 8 năm với tư cách cố vấn chính sách đối ngoại cho Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ.

*
Nguồn :
Can New Leadership Unfreeze Cuban Politics After the Castros?
September 20, 2018







No comments:

Post a Comment

View My Stats