Thực
hiện bản tin: Nhật Minh
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 20
tháng 10 năm 2018
*
Tàu cá Quảng Nam bị đâm ở quần đảo
Hoàng Sa – Lời người trong cuộc
Sáng 19 tháng 10, trao đổi với Thanh Niên,
ông Huỳnh Văn Định, Chủ tịch UBND xã Tam Quang (H.Núi Thành, Quảng Nam), cho biết
tàu cá cùng 13 ngư dân ở địa phương bị đâm va gần Hoàng Sa đã về bờ an toàn vào
tối 18 tháng 10.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên vào sáng 19
tháng 10, đuôi tàu cá QNa 90398 TS bị đâm va nên hư hỏng nặng phần
bánh lái và cabin.
Trên gương mặt vẫn còn nỗi lo sợ, ông Huỳnh Tèo, chủ
tàu kiêm thuyền trưởng, nhớ lại ngày 1 tháng 10, tàu ông xuất cảng Kỳ Hà vươn
khơi hành nghề lưới vây. Ngày 15 tháng 10, khi tàu đang ở vị trí 18’32 độ Bắc,
113’21 độ Đông (thuộc vùng biển Hoàng Sa) thì ông Tèo cho thả lưới.
Khoảng 13 giờ 30 phút ngày 15 tháng 10, khi các ngư
dân đang ngủ trưa, anh Võ Tấn Ích thức dậy, phát hiện một tàu lớn đang tới gần.
Chỉ ít phút sau, tàu này bất ngờ đâm mạnh vào đuôi tàu của ông Tèo, đẩy tàu chạy
khoảng 1 km.
“Lúc đó, các anh em thuyền viên trên tàu đang ngủ
say sau một đêm trắng đánh bắt hải sản thì bất ngờ có tiếng động phát ra. Con
tàu bị chao nghiêng dữ dội nên mọi người hốt hoảng thức giấc. Đến khi chạy ra
thì thấy có một tàu sắt lạ rất lớn kéo rê tàu cá đi một đoạn dài trên biển rồi
mới bỏ đi. Tuy nhiên, chúng tôi không thể xác định được đó là tàu của ai”- ông
Tèo chưa hết bàng hoàng kể.
Sau khi xảy ra đâm va, thuyền viên trên tàu
QNa-90398TS đã kịp ghi lại hình ảnh con tàu vỏ sắt khổng lồ đã đâm va tàu cá và
đã cung cấp tư liệu này cho cơ quan chức năng.
Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Quảng
Nam, cho biết hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh để sớm làm rõ sự
việc.
*
Ấn Độ và Nhật Bản có thể chia sẻ căn cứ
quân sự
Thủ tướng Narendra Modi và đối tác Nhật Bản Shinzo Abe
sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ – Nhật Bản lần thứ 13 tại Tokyo vào ngày
28 và 29 tháng 10. Có khả năng họ sẽ thảo luận đề xuất ký một thoả thuận mà sẽ
đặt ra khung nhằm chia sẻ tài sản và năng lực quân sự, hỗ trợ hậu cần cho quân
đội, hải quân và không quân của nhau, theo các nguồn tin hiểu biết về việc chuẩn
bị cho hội nghị thượng đỉnh.
Đây được coi là một động thái khác của Ấn Độ và Nhật
Bản để đẩy mạnh hợp tác an ninh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhằm đáp ứng việc
Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự trong khu vực.
Nếu Delhi và Tokyo ký bản thoả thuận, nó cũng sẽ cho
phép quân đội, lực lượng không quân và hải quân Nhật Bản sử dụng các căn cứ
quân sự ở Ấn Độ, bao gồm cả căn cứ ở quần đảo Andaman & Nicobar.
Ấn Độ cũng đã từng ký thỏa thuận hỗ trợ hậu cần quân
sự tương tự với Mỹ và Pháp trong năm 2016 và 2017.
Đọc đầy đủ ở India, Japan to share military bases – Decan Herald
*
“Tiến triển tốt” về bộ hướng dẫn đối với
hoạt động không quân
Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã nhất trí về
những quy định đối với hoạt động của máy bay chiến đấu trên vùng trời Biển
Đông. “Những quy định này giống như đai an toàn trên xe. Chúng không bảo vệ
bạn hoàn toàn nhưng ít nhất vẫn có sự bảo vệ phần nào”, Bộ trưởng Quốc phòng
Singapore Ng Eng Hen phát biểu ngày 19 tháng 10 tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc
phòng ASEAN năm 2018 (ADMM 12).
Ông cho biết các quy định mới về máy bay chiến đấu
hoạt động trên vùng trời Biển Đông nhằm mục đích giảm rủi ro xảy ra tai nạn.
Theo Bưu điện Hoa Nam, Bộ trưởng Quốc
phòng Singapore khẳng định sẽ đề nghị các đối tác của ASEAN là Australia, Trung
Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ cùng ký kết tuân thủ
các quy chuẩn trên tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần
5 vào ngày 20 tháng 10.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cũng nói về các kết
quả quan trọng khác được mong đợi sẽ đạt được tại Hội nghị, như tập trận chung
trên biển giữa ASEAN-Trung Quốc diễn ra vào tuần tới và tập trận chung trên biển
giữa ASEAN-Mỹ vào năm tới.
*
Ngày 18 tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng
Mỹ – Trung gặp nhau ở Singapore
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc
phòng Trung Quốc Wei Fenghe đã nói chuyện trong vòng 85 phút bên lề một hội nghị
thượng đỉnh hàng năm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Châu Á. Hai bên đã thảo luận
hầu hết những vấn đề quân sự chính giữa hai nước, theo tờ The Wall Street
Journal.
Đặc biệt, Mattis muốn đẩy mạnh giao tiếp giữa các
quan chức cao cấp trong quân đội hai nước khi nảy sinh vấn đề, theo các quan chức
Mỹ tại cuộc họp.
Trong phần lớn thời gian cuộc họp, Mattis và Wei đã
thảo luận về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, một
trong những tuyến đường vận chuyển quốc tế quan trọng nhất, theo Trợ lý Bộ trưởng
Quốc phòng Randall Schriver.
Shriver nói rằng hai Bộ trưởng đã không giải quyết
được những bất đồng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề này. “Có những vấn đề sẽ
trở thành những thách thức lâu dài để quản lý,” Schriver nói.
Hai bên cũng thảo luận về việc lên kế hoạch cho chuyến
thăm Washington của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc.
*
“Trung Quốc gọi đó là đánh cá,
Indonesia gọi là tội phạm có tổ chức”
Hôm 18 tháng 10, báo Bưu điện Hoa Nam dẫn lời
Bộ trưởng Thủy sản và Hàng hải Indonesia Susi Pudjiastuti cho biết những gì
Trung Quốc đang làm “không phải là đánh cá mà là hoạt động tội phạm có tổ chức
xuyên quốc gia”.
Phát biểu với Bưu điện Hoa Nam sau một cuộc họp
báo ở Jakarta, bà Pudjiastuti nói: “Chúng tôi đã có nhiều bất đồng (với Trung
Quốc) về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không được kiểm soát và không
thông báo. Họ vẫn không chịu nhận đó giống như là hoạt động tội phạm xuyên quốc
gia”.
Ngoài ra, bà Pudjiastuti cho biết ngư dân Trung Quốc
lợi dụng công nghệ hiện đại, thả lưới ở khoảng cách xa để đánh bắt cá bên trong
Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của các nước.
Trong khi Bắc Kinh phủ nhận không làm gì sai trái,
các tàu đánh cá của nước này thường được tàu tuần duyên và tàu hải quân hỗ trợ,
Bưu điện Hoa Nam cho biết. Hồi năm 2016, một tàu tuần tra của Indonesia
đã bắt giữ một tàu đánh cá Trung Quốc tải trọng 300 tấn tên là Kway Fey 10078
khi nó hoạt động gần quần đảo Natuna.
Đọc tiếp ở “Trung Quốc gọi đó là đánh cá, Indonesia gọi là tội phạm có tổ
chức” – Báo Người Lao động
Đọc bản tin gốc đầy đủ ở “China calls it fishing, Indonesia calls it crime”: Pudjiastuti
finds her target for Oceans Summit – South China Morning Post.
*
Bình luận: Tại sao giới chức Trung Quốc
nên đọc lại Binh pháp Tôn tử?
Các thay đổi đột ngột của Trung Quốc về chiến thuật
tuyên truyền trong thời gian qua cho thấy cách tiếp cận hung hăng trước đây là
sai lầm, và rằng giới chức Trung Quốc đã quên đi những bài học quan trọng từ
Binh pháp Tôn tử, chuyên gia Chung Văn nhận định trên tờ Hong Kong Economic
Journal ngày 13 tháng 10.
Chỉ một năm trước, giới chức Trung Quốc còn liên tục
quảng bá các thành tựu và sáng kiến tham vọng thông qua bộ máy truyên truyền
trung ương nhưng trong vài tháng qua, Bắc Kinh đã thay đổi 180 độ. Theo đó, giới
truyền thông Trung Quốc được chỉ thị ngừng quảng bá sáng kiến “Made in China
2025” trong khi “Vành đai và Con đường” cũng không còn được đề cập
liên tục như trước.
Không chỉ vậy, để tránh thách thức Donald Trump,
truyền thông Trung Quốc cũng được chỉ thị không chỉ trích tổng thống Mỹ công
khai và trực diện khi đưa tin về cuộc chiến thương mại đang leo thang căng thẳng.
------------------
Nhật Minh là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển
Đông. Phương pháp thực hiện bản tin: Chọn lọc, trích đoạn và biên dịch (khi cần)
những thông tin đáng chú ý xung quanh vấn đề Biển Đông được đăng tải trong ngày
trên truyền thông quốc tế và trong nước. Email liên hệ:sukybiendong@gmail.com
———---------------------
Những bài đăng trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông thể hiện
quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của tất cả các thành
viên, cộng tác viên hay nhà tài trợ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Mọi sự sử dụng lại hay trích dẫn các ấn phẩm của Dự
án Đại Sự Ký Biển Đông phải ghi rõ nguồn và dẫn link tới bài gốc trên Dự án Đại
Sự Ký Biển Đông. Sử dụng cho mục đích thương mại phải được sự đồng ý bằng văn bản
của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức
mở, độc lập. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc,
khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác
viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và
muốn giúp Dự án duy trì hoạt động phi chính trị và phi lợi nhuận, hãy tài trợ
cho chúng tôi thông qua địa chỉ Paypal sukybiendong@gmail.com. Báo
cáo tài chính sẽ được thông báo vào cuối mỗi năm. Xin trân trọng cảm ơn.
No comments:
Post a Comment