Thursday 25 October 2018

BẢN TIN NGÀY 25-10-2018 (Báo Tiếng Dân)





25/10/2018

Tin Biển Đông

Báo Asia Times dẫn báo cáo của Lầu Năm Góc, cảnh báo nguy cơ từ đội tàu cá Trung Quốc, là lực lượng ngư dân hùng hậu đóng vai trò “hạm đội thứ 3” của Trung Quốc, bên cạnh lực lượng hải quân và hải cảnh nước này. Báo cáo cho biết: “Lực lượng này được trả lương nên hầu như không có chức năng đánh bắt để kiếm nguồn thu về thương mại mà đóng vai trò lớn trong những hoạt động dọa dẫm nhằm phục vụ mục đích chính trị của Trung Quốc“.

Tàu tuần duyên Nhật Bản dùng vòi rồng đối phó tàu cá Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Ảnh: AFP

RFA đưa tin: Indonesia bắt giữ 4 tàu cá Việt Nam gần Natuna. Cơ quan Thông tin Đối ngoại FBIS dẫn nguồn tin từ Hải quân Indonesia cho biết, từ 12-21/10, tàu chiến KRI Wiratno-379 của Hải quân Indonesia, đã bắt giữ 4 tàu cá Việt Nam. Không thấy báo chí “lề đảng” đưa tin này.


Quan hệ Việt – Trung

Bộ Trưởng Ngô Xuân Lịch dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, thăm TQ, theo VOA. Ông Ngô Xuân Lịch sang Trung Quốc để dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 8, sau đó thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 24 đến 28/10. “Ông Lịch sẽ gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và chào xã giao lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc “nhằm tiếp tục góp phần duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống”.

Có lẽ do Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch vừa tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 17/10 tại Hà Nội, nên ông Lịch đã bị phía Trung Quốc triệu tập qua để phía bạn “giáo huấn”?

BTQP Việt Nam Ngô Xuân Lịch (trái) và BTQP Trung Quốc Ngụy Phương Hòa

Trang Đại Đoàn Kết có bài: Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa MTTQ Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc. Theo đó, chiều 24/10/2018 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã tiếp Đoàn đại biểu Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc do Phó Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc Gu Sheng Zu làm trưởng đoàn.

Phía Trung Quốc mong muốn “trong thời gian tới quan hệ giữa hai bên sẽ tiếp tục tăng cường qua các chuyến thăm cấp cao, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân từ đó góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó, tốt đẹp giữa hai nước Trung Quốc – Việt Nam”.


Cập nhật tin phóng Tomadep

Báo Giáo Dục VN có bài: Đại biểu Quyết Tâm nói lý do nữ cử tri ném giày lên hội trường. Bà Quyết Tâm nói: “Trong lúc các cử tri khác đang phát biểu, một nữ cử tri có thể do chưa đến lượt được phát biểu nên đã có những bức xúc. Và cứ ai đứng lên phát biểu, cô cũng đứng lên la um xùm khiến một số cử tri lớn tuổi phải đề nghị trật tự để phát biểu“.

Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: vov.vn

Trong thư gửi bà Quyết Tâm của cô Thùy Dương qua Facebook, cô nói rằng, cô không còn tin bà Quyết Tâm nữa, nhất là sau màn trình diễn tiếp xúc cử tri. Cô Dương viết: “Nói về kỳ tiếp xúc cử tri này đi, đi tiếp xúc cử tri là lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri. Cháu đề nghị cô tắt di động hoặc đưa cho thư ký giữ. Chứ cô cứ bấm bấm trong lúc cử tri đau khổ thì ngứa mắt lắm cô ạ!
Tiếp xúc, tiếp xúc, tiếp xúc ghi nhận hẹn đây không phải lần đầu. Ông bà ta có câu nước chảy đá mòn. Cháu tặng cô câu này: lời hứa làm mòn niềm tin! Hứa, hứa và hứa… Trong lúc trăm dân phẫn nộ, mà cô chú chỉ tiếp dân 2 tiếng, tiếp dân lại thi thoảng mới nhìn mặt dân. Còn lại nhìn điện thoại“.

Facebooker Paul Vu Nguyen có clip 24 giây tái dựng hiện trường vụ ném giày ngày 20/10/2018: https://www.facebook.com/bacpaulvu/videos/568478286906436/

Kinh tế bất ổn

TS kinh tế Nguyễn Trí Hiếu bình luận với BBC về tình hình kinh tế VN: Nguy cơ từ thâm hụt ngân sách 9 tỷ đô la. Ông Hiếu cảnh báo: “Chúng ta vay nước ngoài rất nhiều. Gần một nửa số nợ công của chính phủ Việt Nam là nợ nước ngoài. Nếu không kiểm soát được thì đến một lúc nào đó sẽ đưa nền kinh tế vào khủng hoảng”.

Về viễn cảnh kinh tế – xã hội Việt Nam sau này, ông Hiếu cho rằng, “nếu thâm hụt ngân sách lớn thì nó đưa đến hậu quả là nợ quốc gia ngày càng nhiều. Nếu không kiểm soát được thì có thể dẫn đến vỡ nợ, như đã xảy ra với Venezuela”.


Vụ đổi 100 đô, bị phạt tiền khủng

Báo Tuổi Trẻ có bài: Công an Cần Thơ nói không ‘gài bẫy’ vụ đổi 100 USD, phạt 270 triệu. Anh Nguyễn Cà Rê mang 100 USD ra tiệm vàng Thảo Lực đổi và bị “bắt quả tang” vào ngày 30-1-2018, nhưng lệnh khám xét nhà ông Lê Hồng Lực, chủ tiệm vàng Thảo Lực, do ông Dương Tấn Hiển, chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ký vào ngày 24-1-2018, tức là lệnh khám xét tiệm vàng được ký trước thời điểm xảy ra vụ vi phạm tới 6 ngày!

Ông Trần Văn Dương, trưởng phòng tham mưu Công an TP Cần Thơ, đã không trả lời được câu hỏi của phóng viên báo Tuổi Trẻ, rằng có phải công an gài bẫy vụ đổi tiền đô để khám xét nhà ông Lực hay không? Thay vào đó, ông Dương khẳng định, việc khám xét nhà là đúng quy định!

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh tìm cách giúp anh thợ Nguyễn Cà Rê không phải đóng tiền phạt, nhưng anh Rê từ chối. Ông Danh viết: “Quan sát câu chuyện, thì người ‘ôm bom’ cho đến giờ này hóa ra không phải ông thợ điện. Có vẻ như ông ấy không quan tâm lắm chuyện phạt vạ. Người ‘ôm bom’ – là ông Phó Chủ tịch Trương Quang Hoài Nam, ôm bom trong những ngày quốc hội họp“.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam. Ảnh trên mạng

Nhà báo Mai Quốc Ấn viết: “Cuộc ‘giết gà dọa khỉ’ thành công rực rỡ. Dân ùn ùn ra ngân hàng đổi đô cho đúng nghị định 96/2014 vì sợ bị phạt tiền. Giờ dân 7 tỉnh biên giới phía Bắc hay Nha Trang, Đà Nẵng ghi hình bí mật rồi tố giác thì đảm bảo phạt được khối tiền của những người đổi nhân dân tệ không qua ngân hàng. Phạt thì nên công bằng chứ!

Còn nhớ, hơn 4 năm trước, tiệm vàng Hoàng Mai mua 100 USD, đã bị phạt 400 triệu đồng. Không chỉ phạt 400 triệu, mà công an Bình Thạnh, TPHCM còn niêm phong 559 lượng vàng của khổ chủ và thu giữ hơn 14.000 đô la. Sau đó, công an dỡ niêm phong vàng và trả lại tiền đôla tạm giữ cho chủ tiệm, chỉ giữ lại 100 USD bị cho là vi phạm. Khoảng tháng sau, khổ chủ kiện công an đòi lại $100.

Đúng lúc nỗi sợ hãi xung quanh chuyện quy đổi USD – đồng Việt Nam đang lan rộng, báo Tuổi Trẻ có bài: Chống đô la hóa. Toàn bộ mục đích của màn kịch gài bẫy để tạo ra sự sợ hãi, hoang mang trong dân chúng có thể được tóm tắt từ tựa bài viết. Một số nhà bình luận trên mạng xã hội cũng đã chỉ ra “động cơ” thật sự của màn kịch: Không thuyết phục được người dân đem USD tới hệ thống ngân hàng nhà nước, thì phải làm cho họ sợ mà tự nguyện mang tới nộp.

PGS TS Mạc Văn Trang viết: “Tại sao đồng Nhân dân tệ tự do lưu hành ở 7 tỉnh biên giới và tự do đổi chác dễ dàng ở các điểm du lịch, mà một người dân đổi 100 usd ở tiệm vàng lại bị phạt 90 triệu đồng?

Ông Trang dẫn bài trên báo Người Lao Động “Vô tư đổi nhân dân tệ ở Nha Trang“, cho thấy, các điểm đổi tiền ở Nha Trang treo bảng tiếng TQ, công khai đổi Nhân dân tệ cho khách TQ, nhưng không ai bị phạt vạ gì. Ông Trang đặt câu hỏi: “Tại sao lại có chuyện ‘trọng’ Nhân dân tệ và ‘khinh’ đồng đô la Mỹ như vậy? Hay đúng hơn, là sao lại phân biệt đối xử với người dân khi đổi có 100 USD ở Cần Thơ như vậy? Luật pháp sao bất công, vô lý như vậy?


“Chuyện lạ” trên đất quốc phòng

Sáng 24/10/2018, tại trại giam ở Hải Phòng, tòa án quân sự Quân khu 3, cựu sư đoàn trưởng hầu tòa trong vụ án ‘xẻ thịt’ đất quốc phòng, theo VnExpress. Đó là ông Nguyễn Văn Khuây, cựu sư đoàn trưởng Sư 363, hầu tòa cùng các đồng phạm là ông Vũ Duy An, cựu chủ nhiệm Hậu cần Sư 363, Đỗ Công Mên, cựu chủ tịch UBND phường Thành Tô, Nguyễn Phú Doanh, cựu cán bộ ở Sở TN-MT TP Hải Phòng và Phạm Văn Bình, giám đốc Công ty TNHH Thái Bình Dương.

Kết quả xử vụ đất quốc phòng bị “xẻ thịt” tại Hải Phòng: Nguyên Sư đoàn trưởng 363 bị tuyên phạt 42 tháng tù, theo báo Lao Động. Đại diện Viện kiểm sát Quân khu 3 xác định: Ông Nguyễn Văn Khuây đã “lợi dụng chức vụ quyền hạn, cho thuê đất, giao đất trái phép. Sai phạm của Khuây là rất nghiêm trọng khi làm mất hơn 5ha đất, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai phức tạp, ảnh hưởng đến uy tín của Sư đoàn 363”.

Chủ tịch UBND quận Hải An, TP Hải Phòng, ông Phạm Chí Bắc, nói về vụ giang hồ “xâu xé” đất Quốc phòng: Sẽ vận động dỡ nhà, theo báo Giao Thông. Ông Bắc cho biết: “Đối với những trường hợp chiếm đất quốc phòng, thành phố kiên quyết giải tỏa… Trước mắt chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền để tự tháo dỡ”.

Trang VietNamNet có bài: Khó tin loạt biệt thự đồ sộ ngang nhiên án ngữ đất quốc phòng. Theo bài viết, đã có “hàng trăm ngôi nhà trái phép trên 14,2ha đất quốc phòng ở khu Đồng Xá, phường Thành Tô, quận Hải An. Trong hàng trăm ngôi nhà ấy hiện có nhiều biệt thự sang trọng, nhà cao tầng đồ sộ trên trục đường rộng 8m”. Người dân cho rằng, nhiều khả năng có quan chức, lãnh đạo cấp cao trong số chủ sở hữu các ngôi nhà này, nên không thể dễ dàng tháo dỡ.


“Công bộc” của dân?

Vấn nạn lấn biển trái phép: Chỉ mới khiển trách 1 cán bộ nghỉ hưu ở UBND tỉnh Khánh Hòa, theo báo Pháp Luật TP HCM. Báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, “nhiều cán bộ của Sở có trách nhiệm liên quan đến ba dự án lấn biển trái phép… Trong giai đoạn cấp phép cho các dự án trên, có hai phó giám đốc Sở Xây dựng trực tiếp phụ trách là Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Minh Dũng”. Tuy nhiên, hai người này chưa phải chịu trách nhiệm.

Nhà báo Trân Văn viết trên VOA: Công chức đi tu nghiệp nước ngoài cũng đủ làm nghèo đất nước. Bài viết bàn về “hiệu quả” của chuyện chi tiền tỉ cho cán bộ ra nước ngoài: “Hàng chục ngàn tỉ, thậm chí có thể là hàng trăm ngàn tỉ đã chi cho đủ loại viên chức thuộc đủ mọi ngành, cấp để “nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài có đem lại lợi ích nào không? Cứ nhìn thực trạng kinh tế – xã hội ở Việt Nam thì rõ”.


Đà Nẵng: Lão nông bị đánh vì tố nhà thầu Trung Quốc gian dối

Trang Zing đưa tin, lão nông Phạm Tấn Lực, ở xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, đã bị đánh nhập viện vì tố nhà thầu gian dối khi làm cao tốc 34.500 tỷ. Hơn bốn năm qua, ông Lực đã tự đi tìm chứng cứ, tố cáo nhà thầu Giang Tô của Trung Quốc làm ăn gian dối, sử dụng đất không đạt chuẩn tại các mỏ đất đắp nền đường cao tốc tuyến Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Nhiều lần ông Lực bị dọa giết, bị đánh đến nhập viện, cấp cứu.

Ông Phạm Tấn Lực cầm những tấm ảnh mỏ đất không đảm bảo tiêu chuẩn nhưng nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) dùng chôn lấp thi công tuyến cao tốc. Ảnh: Quảng Đà/ Zing

Cũng trang zing, có bài: Bí thư Quảng Ngãi nói về vụ nông dân bị đánh vì tố nhà thầu gian dối. Mặc dù báo chí đưa tin vụ ông Lực bị đánh vì tố cáo nhà thầu Trung Quốc, thế nhưng bí thư tỉnh Quảng Ngãi là ông Lê Viết Chữ không hề hay biết vụ việc. Ông Chữ nói: “Sáng nay, tôi mới nhận được thông tin qua báo chí. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra làm rõ. Nếu, người dân ở Quảng Ngãi tố cáo vi phạm đó mà bị đánh tỉnh sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật“.


Những công trình đốt tiền

VOV đưa tin: Công trình bờ kè gần 400 tỷ đồng ở Tiền Giang vừa xong đã hỏng. Theo đó, dự án kè và đường sông Tiền, do UBND Thành phố Mỹ Tho đầu tư “với tổng kinh phí 390 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách. Dù công trình này mới đưa vào hoạt động 2 năm đã hư hỏng nặng”. Trên bờ kè xuất hiện những điểm hư hỏng như những “cái bẫy” với người qua đường.

Báo Một Thế Giới đặt câu hỏi về hiện tượng công trình giao thông xuống cấp rất nhanh: Có việc rút ruột hay không?Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai đặt câu hỏi nhưng cũng ngầm trả lời về bản chất và mục đích duy nhất của những công trình trăm tỉ, ngàn tỉ: “Đây chỉ là một ví dụ, còn bao nhiêu công trình khác? Có ý kiến cho rằng chúng ta đem tiền đổ xuống sông, xuống bể. Tiền đi vay thì thế hệ sau phải trả”.


Máy tính chứa dữ liệu 20.000 sổ đỏ bị đánh cắp

Chuyện xảy ra ở xã Thăng Bình, Quảng Nam: Dữ liệu 20.000 sổ đỏ biến mất cùng chiếc máy tính bị trộm, theo báo Pháp Luật TP HCM. Ngày 24/10/2018, Công an huyện Thăng Bình xác nhận rằng, “hệ thống máy tính dữ liệu hồ sơ địa chính của một đơn vị thuộc Tổng Công ty Tài nguyên môi trường Việt Nam vừa biến mất”.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND xã Bình Giang, nhận định: “Điều này chắc chắn sẽ làm chậm tiến độ đo đạc, cấp sổ đỏ toàn bộ các xã vùng Đông của tỉnh Quảng Nam. Nếu tài liệu này phát tán sẽ tiềm ẩn những hệ lụy xấu trong vấn đề quản lý đất đai sau này. Hiện nay, Công an huyện Thăng Bình gấp rút vào cuộc điều tra vụ việc”.


Động đất và thủy điện

Báo Người Đưa Tin có bài: Động đất lại “gõ cửa” vùng thủy điện Quảng Nam. Viện Vật lý địa cầu, thuộc viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xác nhận, ở hai huyện miền núi Bắc Trà My, Nam Trà My vừa xảy ra hàng loạt trận động đất, vị trí tâm chấn khá gần với nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam.

Bài báo cho biết: “Vào thời điểm xảy ra những trận động đất trên người dân địa phương chỉ cảm nhận những rung lắc nhẹ. Tuy vậy, thời điểm này khi mà mùa mưa bão cận kề cùng với địa hình nơi đây có nhiều thủy điện khiến nên việc động đất xảy ra liên tục cũng phần nào khiến người dân bản địa âu lo”.


Đất rừng bị xâm phạm

Bài thứ hai trong loạt bài về sai phạm trong quản lý đất rừng ở huyện Sóc Sơn, trên trang Nhà Báo và Công Luận: Chính thức công bố Quyết định thanh tra đất đai, trật tự xây dựng tại hai xã Minh Trí và Minh Phú. Bài báo cho biết, “trong vài ngày tới, sau khi có ý kiến thông qua của Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn, sẽ có quyết định đình chỉ công tác chính thức” đối với ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Minh Phú.

Báo Người Đưa Tin dẫn lời người dân nói về quyết định cưỡng chế 18 công trình sai phạm tại Sóc Sơn: “Chúng tôi làm đúng, tại sao lại xử lý?” Bài viết lưu ý: “Tất cả hộ dân đều có các giấy tờ mua bán đất trước đây và đã được lãnh đạo xã lúc bấy giờ là ông Dương Ngọc Oanh ký xác nhận là đất vườn quả và đất thổ cư, chứ không phải đất rừng”. Nói cách khác, cơ quan chức năng mới chỉ xử lý “ngọn” chứ chưa dám đụng tới “gốc”.


Nền giáo dục rách nát

Chuyện ở trường tiểu học Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình: Thầy giáo hành hung làm bị thương 2 đồng nghiệp, theo báo Nông Nghiệp Việt Nam. Các GV trường này cho biết, thầy Nguyễn Hùng Vĩ (làm việc ở trường tiểu học xã Phù Hóa) đã “xông vào trường gây rối và dùng lời lẽ thô tục xúc phạm các nữ giáo viên. Nhiều giáo viên đã phản ứng nên Vĩ lao đến tát vào mặt và dung cùi chỏ đánh mạnh” vào người một cô giáo.  

Một người đàn ông lao vào hành hung phụ nữ như vậy lại được làm giáo viên tiểu học. Những phụ huynh nào còn dám để con em họ tiếp nhận sự “giáo dục” của ông thầy này quả thật can đảm.

Trang VietNamNet bàn về vụ trẻ ăn cơm mốc, đầu cá: Kết luận khó hiểu của công an. Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu, nhận định về kết luận điều tra của công an vụ trẻ em ở trường mầm non Phú Mỹ phải ăn cơm mốc, đầu cá: “Báo cáo của công an chung chung, chỉ mới dừng lại ở mức độ tìm hiểu sự việc, chứ chưa xác định được có hay không việc trẻ phải ăn cơm mốc, đầu cá”.


***








No comments:

Post a Comment

View My Stats