Đặng Vũ
Chấn
Cập nhật: 28/02/2014
Có hai sự kiện khá nổi bật vào đầu năm 2014 mà thoạt
trông người ta thấy rất tích cực từ giới cầm quyền.
Trước tiên là thông điệp đầu năm của Thủ Tướng
Nguyễn Tấn Dũng. Thông điệp này nghe rất khoái lỗ nhĩ: nào là phải đổi mới
thể chế phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân; nào là Nhà nước
pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ
phải. …. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng
pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán
bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản
lý của Nhà nước đều phải minh bạch…..Phải mở rộng dân chủ trực tiếp và hoàn
thiện cơ chế bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Sớm thực hiện thí
điểm Nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã …. Đồng thời, phải hoàn
thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá
trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động
chất vấn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và trách nhiệm giải trình của
người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách……Sự phối hợp giữa các cơ quan lập
pháp, hành pháp, tư pháp phải trên cơ sở bảo đảm tính độc lập theo chức năng
được phân công và yêu cầu kiểm soát lẫn nhau, bổ trợ cho nhau theo quy định của
pháp luật….v.v…
Và cũng trong tháng 1/2014, lần đầu tiên, truyền
thông lề đảng đồng loạt tung ra loạt bài có vẻ trìu mến vinh danh các chiến sĩ
VNCH đã hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, thậm chí phỏng
vấn các quả phụ của họ và những chiến sĩ hải quân VNCH đã tham chiến và còn
sống. Chánh quyền Đà Nẵng còn rầm rộ chuẩn bị lễ tưởng niệm trận Hoàng Sa 1974.
Những người nhiều kinh nghiệm với giới cầm quyền
CSVN không mấy hồ hởi phấn khởi trước những sự kiện trên và đã cảnh giác nhau
chuẩn bị tinh thần rằng coi vậy mà sẽ không phải vậy, vì đã quá biết khả năng
chuyên nói một đằng làm một nẻo mà chính ông thủ tướng đồng chí X đã chứng minh
qua những câu nói xanh rờn khi mới lên nhậm chức: “Tôi không thích sự giả
dối,…. Nếu không trừ được tham nhũng tôi sẽ từ chức… “. Và người ta cũng không
quên chiêu lừa bịp mới đây của nhà cầm quyền khi lên giàn giá cho dân góp ý sửa
đổi Hiến Pháp thả giàn “không có vùng cấm” để rồi những góp ý xây dựng thẳng
thắn của bao nhân sĩ trí thức đều bị lơ đi, thậm chí còn bị Tổng Bí Trọng lên
án là tha hoá; và Hiến Pháp mới về cơ bản vẫn như cũ với lời khẳng định “đã
được sự đồng tình của tuyệt đại đa số nhân dân” (Chắc chắn đến độ không cần bỏ
phiếu thăm dò!)
Thế nhưng đây là lần đầu tiên một lãnh đạo CSVN nói
đến chuyện cần phải đổi mới thể chế, một ý tưởng đụng vào vùng cấm cốt lõi của
chế độ, và lần đầu tiên truyền thông lề đảng, và ngay cả chính thủ tướng CSVN,
chính thức vinh danh sự hy sinh để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa của các chiến sĩ hải
quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một thành phần dân tộc mà từ trước đến nay
CSVN vẫn coi và đối xử như là địch, ngụy, v.v.... Cho nên không ít người dân,
dù không tin hẳn, nhưng vẫn không khỏi khấp khởi hy vọng về một thay đổi tích
cực nào đó trong tư duy của giới cầm quyền.
Rồi những gì xẩy ra sau đó, chúng ta đã biết.
Khi sát tới ngày tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa,
truyền thông lề đảng được lệnh tắt tiếng về chủ đề này. Tại Đà Nẵng lễ tưởng
niệm trận Hoàng Sa tưởng là sẽ trang trọng, ngày chót bị huỷ bỏ. Sinh hoạt
tưởng niệm của người dân tại công viên Lý Thái Tổ bị phá đám bởi công an chiếm
trước công viên, giả dạng thợ cắt đá bụi tung mù. Nhà nước tuỳ tiện cấm ông
Phạm Chí Dũng xuất cảnh để tham dư hội thảo quốc tế tại Liên Hiệp Quốc theo lời
mời của UN Watch, dù ông này không vi phạm một luật lệ nào cả và không có luật
nào cấm ông xuất cảnh. Các bloggers và khuôn mặt đấu tranh vẫn bị hạch sách tuỳ
tiện áp giải vào đồn công an, người dân vẫn bị cấm và ngăn chặn vào tham dự các
phiên toà được gọi là công khai mở ra cho quần chúng; v.v…
Sự ứng xử của Đảng và Nhà nước CSVN ở trên càng củng
cố niềm tin của người dân vào câu nói nổi tiếng của cựu tổng thống VNCH Nguyễn
Văn Thiệu: "Đừng
nghe những gì CS nói mà hãy nhìn những gì CS làm”. Người dân bây giờ
không còn ngạc nhiên mà coi đó là chuyện bình thường đương nhiên khi thấy Đảng
và Nhà Nước nói một đàng làm một nẻo. Điều này có thể làm cho những người chống
cộng vui khi thấy càng ngày càng nhiều người hoàn toàn mất tin tưởng vào đảng
và nhà nước CSVN, đến độ coi sự dối trá, lật lọng của CS là chuyện bình thường.
Nhưng nếu nhìn trên quan điểm Canh Tân con người và
đất nước về lâu về dài, thì đây lại là điều đáng lo ngại phải cảnh giác. Khi mà
ta coi sự tráo trở dối trá, nói một đàng làm một nẻo, dù của bất cứ ai, là
chuyện bình thường đến độ làm ta dửng dưng, thì có nghĩa là ta đang dần chấp
nhận nó và đang dần thay đổi giá trị luân lý đạo đức của mình theo chiều hướng
tiêu cực đi xuống. Và khi sự bình thường hoá này trở thành phổ quát lâu dài, sự
tráo trở dối trá len lỏi vào rồi trở thành một đặc tính văn hoá dân tộc. Cho
nên nếu không muốn dân tộc Việt ta có những nét văn hoá suy đồi tha hoá, thì
không thể coi thái độ ứng xử nói một đàng làm một nẻo của CSVN là chuyện bình
thường mà là chuyện đáng phẫn nộ phải lên án. Và nếu vì lý do nào đó không thể
hay không dám bày tỏ sự phẫn nộ bất bình của mình, thì ít nhất ta cần truyền
đạt với con cháu trong nhà rằng sự gian dối tráo trở như đảng CSVN là những
hành vi phản đạo đức làm xấu con người.
Ngoài ra khi nhìn lại hai cú lừa đầu năm trên, ta
thấy dù giới cầm quyền CSVN làm một nẻo khác với gì họ nói, nhưng ít ra họ đang
phải nói theo những gì người dân đã từng hô hào cổ võ từ bấy lâu nay: đổi mới
thể chế và vinh danh các chiến sĩ VNCH quyết thủ Hoàng Sa. Đây là những điều mà
họ vẫn cố thủ coi là vùng cấm, nhạy cảm. Đang từ tư thế một đảng và Nhà nước
luôn đóng vai trò chủ đạo bắt dân đi theo mình, không phải tự dưng mà họ lại
biết ít nhất nói theo những gì người dân muốn nghe. Đây chính là kết quả, dù
mới sơ khởi, của bao nỗ lực đồng loạt lên tiếng qua nhiều hình thức khác nhau
của những người dân đã vượt thắng được sự sợ hãi bạo lực chuyên chế để tạo áp
lực lên chế độ. Thực thế ta đang thấy người dân không còn chờ đợi sự chỉ đạo
hay cho phép của nhà cầm quyền mà đang vượt lên trước nhà nước khiến bên cầm
quyền bắt đầu phải chạy theo đối phó hay vuốt theo.
Điều này được thấy rõ qua sự nẩy sinh gần đây của
nhiều nhóm xã hội dân sự không cần xin phép nhà nước và qua mặt trận truyền
thông. Báo đài lề đảng nhiều lúc đã phải thích ứng chạy sát theo bên lề dân vì
không thể không đề cập đến nhiều vấn đề “nhậy cảm” mà trước đây họ đã bưng bít
tránh né. Điều trên cho thấy dân ta có khả năng làm chủ thật sự đất nước mình
vì có tiềm năng kéo nhà cầm quyền theo hướng dân muốn dù có tất nhiên gặp cản
lực của bộ máy đương quyền. Thấy rõ được tiềm năng này, chúng ta sẽ tự tin hơn
để mà rủ nhau đông đảo thực hành tinh thần “Người Dân Phải Đi Trước, Nhà
Nước sẽ theo sau, Đổi Thay Tất Mau Tới”.
Bảo tồn những giá trị luân lý đạo đức dân tộc thời
trước Cộng sản, và xây dựng củng cố sự tự tin vào khả năng ép kẻ nắm quyền theo
ý hướng của dân tức cũng là vun đắp nền móng cho một xã hội dân chủ thực sự và
cho công cuộc canh tân đất nước mai sau.
Đặng Vũ Chấn
No comments:
Post a Comment