Đức Tâm - RFI
Thứ hai 31 Tháng Ba 2014
Cuộc
khủng hoảng Ukraina với việc Matxcơva dùng sức ép quân sự, cho tổ chức trưng
cầu dân ý để sáp nhập bán đảo Crimée vào Nga, đã làm cho Châu Âu lo ngại về an
ninh. Ngày 26/03, tại Bruxelles, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các lãnh đạo
Châu Âu, đã tuyên bố tăng cường hợp tác bên trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương –
NATO – và không để cho Nga chà đạp luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, theo giới
chuyên gia, thực tế quân sự tại Châu Âu trái ngược với các cam kết này.
Từ hơn một thập niên qua, Hoa Kỳ, thành viên hùng
mạnh nhất trong NATO, đã giảm đáng kể sự hiện diện quân sự của mình tại Châu
Âu. Trong khi đó, do khó khăn kinh tế triền miên, các thành viên Châu Âu lại
không gia tăng chi phí quân sự.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, vào thời điểm căng
thẳng nhất, Hoa Kỳ có tới 400 ngàn binh sĩ hiện diện tại Châu Âu. Đó là những
đơn vị được huấn luyện để có thể triển khai nhanh chóng bảo vệ Tây Âu, đối phó
với những đe dọa của Liên Xô và liên minh quân sự, khối Vacxava. Giờ đây, tại Châu
Âu, Hoa Kỳ chỉ bố trí 67 ngàn binh sĩ, 130 tiêm kích, 12 máy bay tiếp nhiên
liệu và 30 máy bay vận tải. Khi kết thúc chiến tranh lạnh, vào cuối năm 1990,
không quân Mỹ có tới 800 máy bay.
Hải quân Hoa Kỳ hiện chỉ có 7000 binh sĩ. Trong
chiến tranh lạnh, con số này là 40 ngàn, đóng tại 9 căn cứ hải quân của Mỹ.
Vùng Địa Trung Hải giờ đây vắng bóng hàng không mẫu hạm Mỹ, cho dù hải quân Hoa
Kỳ vẫn có một khu trục hạm thả neo tại căn cứ Cadix, Tây Ban Nha.
Theo ông Anthony Cordesman, chuyên gia tại Trung tâm
nghiên cứu chiến lược và quốc tế, được The New York Times trích dẫn, thì « sự
hiện diện quân sự của Mỹ tại Châu Âu bị giới hạn » và do vậy, không thích ứng
để đối phó với một hành động quân sự của Nga.
Theo các tuyên bố của Bộ Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Châu
Âu, thì từ năm 1989 đến nay, sự hiện diện quân sự trên châu lục này đã giảm tới
85%.
Trong những năm qua, Hoa Kỳ đã liên tục trách cứ các
đồng minh Châu Âu không đầu tư đủ cho quân đội của mình và muốn giao khoán vấn
đề an ninh cho Mỹ. Trong cuộc họp báo cùng với các lãnh đạo Châu Âu, tại
Bruxelles ngày 26/03, Tổng thống Obama nhắc lại vấn đề này và bày tỏ « các lo
ngại trước việc một số đối tác trong NATO giảm tín dụng dành cho quân sự ».
Nhằm buộc các đối tác tăng cường chi phí quốc phòng,
ông Obama tiếp tục tiến trình giảm cam kết quân sự tại Châu Âu, được khởi đầu
từ dưới thời Tổng thống George Bush. Nguyên thủ Mỹ giờ đây tăng tốc. Nêu lý do
cắt giảm ngân sách quốc phòng, ông Obama thông báo ý định giảm quân số Mỹ xuống
mức thấp nhất kể từ năm 1940.
Các nước Châu Âu, trong bối cảnh « giật gấu vá vai »
về tài chính, đã nói rõ là không muốn can thiệp quân sự vào Ukraina. Do vậy,
NATO chỉ đưa ra một loạt các biện pháp khiêm tốn, nhằm trấn an các thành viên
Đông Âu, ví dụ như điều động hai máy bay của khối này đến giám sát không phận
Ba Lan và Rumani.
Theo giới chuyên gia, nếu NATO muốn tỏ ra có sức răn
đe mạnh mẽ, cần phải xem xét lại chính sách giảm cam kết quân sự của Mỹ đối với
Châu Âu. Đồng thời, các đồng minh Châu Âu cũng phải tính đến việc tăng ngân
sách quốc phòng và thảo luận việc sử dụng các nguồn tài chính này.
NATO mong muốn các thành viên dành tối thiểu 2% tổng
sản phẩm quốc nội cho quân sự và phối hợp với nhau tốt hơn để tránh lãng phí,
trùng lắp. Thế nhưng, trong năm 2013, chỉ có vài nước đồng minh thực hiện được
mục tiêu nói trên. Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu với tỷ lệ 4,1% trong lúc các nước Châu Âu
chỉ đạt mức trung bình là 1,6%.
Theo ông Richard Dannatt, cựu Tổng tham mưu trưởng
quân đội Anh, « với việc Nga thức tỉnh, phương Tây và Hoa Kỳ đã chọn không đúng
thời điểm, thể hiện sự thiếu quyết tâm và cứng rắn ».
Với việc Nga thôn tính Crimée, do không có lối tiếp
cận Ukraina, ngoại trừ qua eo biển Bosphore, nối liên Thổ Nhĩ Kỳ và biển Đen,
tàu chiến của Mỹ và NATO là những mục tiêu dễ dàng và cần phải vô hiệu hóa hệ
thống phòng không của Nga với tiêm kích tàng hình B2, được sử dụng trong thời
gian đầu trong cuộc chiến ở Irak.
Các cuộc không chiến với Nga cũng gây nhiều hậu quả
cho Hoa Kỳ và xung đột có nguy cơ lan rộng. Ngày 25/03, một quan chức Bộ Quốc
phòng Mỹ nói với The New York Times : Nếu như quân đội Mỹ vẫn luôn luôn mạnh
hơn quân đội Nga, điều này không có nghĩa là Washington tìm cách gây hấn.
Ngày 24/03 vừa qua, khi trả lời phỏng vấn một nhật
báo Hà Lan, Tổng thống Mỹ ca ngợi NATO là « liên minh mạnh nhất, hiệu quả nhất
trong lịch sử nhân loại » và « NATO là cơ sở bảo đảm cho an ninh chung ». Tuy
nhiên, trong bối cảnh Mỹ giảm mạnh ngân sách quốc phòng, kinh tế Châu Âu liên
tục trì trệ, các phát biểu trên đây của Tổng thống Obama khó trấn an được Châu
Âu vì NATO không còn có đủ phương tiện để đảm trách vai trò của mình.
No comments:
Post a Comment