Friday, 28 March 2014

TRUNG QUỐC "ĐI TRÊN DÂY" KHI CRIMEA VỀ NGA (An Huy - VnEconomy)




An Huy    -   VnEconomy
15:09 (GMT+7) – Thứ Sáu, 28/3/2014

Theo một bài viết đăng trên tờ Telegraph của Anh, việc Nga chiếm Crimea đã không nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc, nước vốn được coi là đồng minh truyền thống của Moscow tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Báo này cho rằng, hy vọng của điện Kremlin muốn Bắc Kinh đứng về phía mình nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây đang trở nên vô vọng.

Trong bài phát biểu hôm 18/3 trước lưỡng viện Quốc hội về việc Crimea gia nhập Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã bày tỏ lời cảm ơn đối với Bộ Chính trị Trung Quốc vì sự ủng hộ trong vấn đề Crimea. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì luôn tuyên bố: “Nga và Trung Quốc có quan điểm đồng điệu về tình hình ở Ukraine”.

Tuy nhiên, theo Telegraph, Trung Quốc không hề hậu thuẫn Nga tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong cuộc bỏ phiếu về Crimea như đã từng trong cuộc bỏ phiếu về vấn đề Syria. Thay vào đó, nước này bỏ phiếu trắng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc luôn theo đuổi nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào, và tôn trọng độc lập, chủ quyền, và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Không rõ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói gì với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại The Hague, Hà Lan khi hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp trong tuần này. Tuy nhiên, có vẻ như, những gì mà họ trao đổi không có điểm gì chung với những lời khẳng định mà điện Kremlin đã đưa ra. Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes tỏ ra vui mừng sau cuộc tiếp xúc của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, nói rằng từ giờ trở đi, Nga không còn có thể dựa vào sự hậu thuẫn của “đồng minh truyền thống” là Trung Quốc.

Nếu đúng như vậy, Tổng thống Putin đang bị đẩy vào thế khó. Trong trường hợp Nga đưa quân vào miền Đông Ukraine hoặc kích động bất ổn ở những khu vực tập trung đông người nói tiếng Nga ở nước này, Mỹ rất có thể sẽ tung ra những đòn trừng phạt kinh tế khiến nước Nga phải “ngộp thở”. Trong khi đó, ông Putin cũng khó có thể lôi kéo Trung Quốc thành lập một liên minh Á-Âu, kiểm soát một lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ nhằm tạo đối trọng với phương Tây. Thậm chí, nếu điều đó có xảy ra, thì cũng có những ý kiến cho rằng, Mỹ sẽ đẩy mạnh hoạt động khai thác dầu khí, và thúc đẩy sự hồi sinh của ngành sản xuất công nghiệp ở nước này.

Trên thực tế, Trung Quốc đang dần phá vỡ thế độc quyền của Nga đối với các mỏ khí đốt ở Trung Á, một cách có hệ thống và mạnh mẽ. Trước kia, khí đốt của Turkmenistan chảy về phía Bắc, với mức giá do tập đoàn Gazprom của Nga đặt ra. Giờ đây, dòng khí này chảy về phía Đông.

Tháng 9 năm ngoái, đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới khai trương một đường ông dẫn khí đốt dài 1.800 km tới Trung Quốc từ mỏ Galkynyxh, mỏ khí đốt lớn thứ nhì thế giới với trữ lượng 26 nghìn tỷ mét khối. Khi đạt công suất tối đa, mỏ này sẽ cung cấp mỗi năm 65 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, tương đương một nửa lượng khí đốt mà Gazprom xuất khẩu sang châu Âu.

Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở Kazakhstan, nơi các công ty Trung Quốc đã năm quyền kiểm soát đối với phần lớn ngành công nghiệp năng lượng. Theo những tài liệu bị rò rỉ trên trang Wikileaks, vào năm 2010, một nhà ngoại giao người Anh nói rằng, Nga đang “đau đớn” chứng kiến cảnh sự thống trị của mình trong ngành năng lượng ở Trung Á bị đẩy lùi dần.

Thậm chí, một tài liệu bị rò rỉ trên Wikileask còn cho biết, Đại sứ Trung Quốc tại Kazakhstan, ông Cheng Guoping, đã lên tiếng cảnh báo rằng, Nga và Trung Quốc đang có nguy cơ va chạm, và Trung Quốc sẽ không phải là bên chịu nhường. “Trong tương lai, quan hệ ở Trung Á giữa các cường quốc lớn sẽ trở nên phức tạp và nhạy cảm. Các đường ống dẫn dầu phá khí đốt mới đang phá thế độc quyền của Nga trong xuất khẩu năng lượng”.

Ông Cheng không chỉ bày tỏ “cái nhìn lạc quan về vai trò của Mỹ trong khu vực” mà còn gợi ý khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên tham gia với tư cách một vị khách vào Diễn đàn Hợp tác Thượng Hải – cơ chế vốn được cho là câu trả lời của Trung-Nga trước EU/NATO – để “phá vỡ thế độc quyền của Nga trong khu vực”. Lại là từ “phá vỡ” được sử dụng. Với những ngôn từ như vậy, có thể thấy trục Moscow-Bắc Kinh không còn chắc chắn.

Nhà ngoại giao người Mỹ Henry Kissinger từng đề cập đến mâu thuẫn giữa Nga và Trung Quốc về đường biên giới dài dằng dặc giữa hai nước. Một nhà ngoại giao Mỹ khác là ông George Walden, người từng làm việc ở Nga và Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc vẫn coi nhiều khu vực tại miền Đông Siberia vốn là “lãnh thổ bị mất” của mình. Dường như Trung Quốc cũng muốn lấy lại được những vùng đất đó, thông qua các cuộc tái định cư của người dân tộc thiểu số qua khu vực biên giới.

Trong khi đó, dân số của miền Đông Siberia đã giảm còn 6,3 triệu người từ 8 triệu người cách đây 20 năm, để lại những “thị trấn ma” dọc tuyến đường sắt xuyên Siberia. Với tỷ lệ sinh toàn quốc là 1,4 phần nghìn, tình trạng nghiện rượu phổ biến của người dân, một dân số được Liên hiệp quốc dự báo giảm 30 triệu còn hơn 110 triệu người vào năm 2050, nước Nga nhiều khả năng sẽ không duy trì được những nỗ lực mở rộng về phía Đông. Vấn đề nằm ở chỗ, điều này sẽ diễn ra nhanh hay chậm, và có hòa bình hay không?

Theo ông Jonathan Fenby, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trusted Sources, hiện đang có một phe cánh trong Hội đồng An ninh Quốc gia Trung Quốc muốn “đứng về phía Nga” trong vấn đề Ukraine với hy vọng sẽ tranh thủ được cuộc khủng hoảng để đạt được những điều khoản tốt hơn về khí đốt, thực phẩm và nguyên vật liệu thô. Tuy nhiên, quan điểm này đã bị Chủ tịch Tập Cận Bình gạt đi.
Telegraph bình luận, Trung Quốc có thể sẽ phải giữ một thế cân bằng khó khăn như người “đi trên dây”, che giấu quan điểm thật của mình và chờ thời điểm thích hợp. Điều này sẽ trở nên khó hơn nếu cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang. Khi đó, Bắc Kinh có thể buộc phải lựa chọn. Bài báo cho rằng, rất khó sẽ có chuyện Bắc Kinh đặt sang một bên mối quan hệ Trung-Mỹ để đứng về phía Moscow.

Đến lúc này, Putin phải nhận ra ông đang ở trong thế bị cô lập nguy hiểm như thế nào, và hậu quả sẽ lớn thế nào nếu Nga tiến xa hơn trong vấn đề Ukraine. Ngay cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, người luôn giữ thái độ mềm mỏng, đến nay cũng đã mất kiên nhẫn, nói rằng đang có “một sự phá vỡ niềm tin không thể tin được”.

Cuộc khủng hoảng đang đẩy châu Âu có những bước đi mạnh mẽ để tìm nguồn cung năng lượng khác. Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của châu Âu đã được nâng cấp thành hai chiều từ năm 2009 để giúp một số nước đường biên dễ chịu tổn thương nhất trong tình huống xấu. 8 nước châu Âu đã có cảng khí hóa lỏng. Thêm hai nước khác sẽ có cảng khí hóa lỏng trong năm nay, là Ba Lan và Lithuania. Trong hội nghị thượng đỉnh vào tuần trước, EU quyết định soạn thảo kế hoạch trong vòng 90 ngày để phá vỡ sự phụ thuộc vào Gazprom. Nhập khẩu khí đốt từ Nga của khu vực có thể giảm một nửa trong vòng một thập niên tới.

“Canh bạc” của Putin ở Ukraine diễn ra vào một thời điểm không đứng về phía ông. Dự trữ khí đốt của châu Âu đang ở mức cao, còn giá dầu thế giới có xu hướng giảm do sản lượng dầu lửa của Iraq đạt mức cao nhất 35 năm, sản lượng dầu của Mỹ tăng mỗi ngày 1 triệu thùng từ đầu năm đến nay nhờ khai thác dầu đá phiến, và Lybia cũng nối lại xuất khẩu dầu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguồn cung dầu thô toàn cầu tăng 600.000 thùng/ngày trong tháng 2. Ngân hàng Deutsche Bank của Đức và tập đoàn Sinopec của Trung Quốc dự báo thế giới sẽ thừa dầu.

Để đảm bảo cân bằng ngân sách Chính phủ Nga, ông Putin cần mức giá dầu 110 USD/thùng. Nhưng giá dầu có thể chỉ còn 80 USD/thùng trong thời gian không xa. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đang đẩy kinh tế Nga tới bờ vực suy thoái. Nước Nga có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Bài báo của Telegraph kết luận, cho dù Putin có Crimea, nhưng đã khiến điện Kremlin bị cô lập thêm một thập niên, nếu không muốn nói là cả một thế hệ nữa, và có lẽ ông đã vĩnh viễn “mất” Ukraine.



No comments:

Post a Comment

View My Stats