Saturday, 29 March 2014

UKRAINE : THEO AI TỐT HƠN ? (TS Đoàn Xuân Lộc gửi BBC)




TS Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC từ Anh quốc
Cập nhật: 15:27 GMT - thứ bảy, 29 tháng 3, 2014

Nguyên nhân chính khơi mào cuộc khủng hoảng Ukraine là chuyện nước này nên hướng theo Nga hay đến với Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovych muốn đưa Ukraine vào quỹ đạo của Nga phe đối lập và người dân Ukraine lại muốn đất nước họ gần gũi với EU.
Những bất đồng nội bộ ấy cuối cùng không chỉ dẫn đến xung đột giữa Moscow và Kiev mà còn gây nên tình trạng căng thẳng, đối đầu giữa Nga và các nước phương Tây.

Xem ra người Việt cũng có hai cái nhìn, hai thái độ hoàn toàn trái ngược về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trong khi một số báo chính thống coi làn sóng biểu tình ở Kiev là bạo lực, lên tiếng chê phương Tây và ủng hộ việc Nga xâm chiếm Crimea, có không ít bài viết, bình luận bày tỏ thiện cảm với các cuộc biểu tình đó và ủng hộ thái độ, phản ứng của EU và Mỹ về cuộc khủng hoảng này.
Vì vậy một câu hỏi đáng được quan tâm lúc này là quay sang Nga hay tìm đến với EU, hướng đi nào tốt hơn cho Ukraine?
Nếu dựa vào các chỉ số kinh tế, dân chủ, tự do và minh bạch của các tổ chức quốc tế và so sánh Ukraine với một số nước liên quan – trong đó ba nước cộng hòa vùng Baltic thuộc Liên Xô trước đây và nay là thành viên của EU – có thể thấy rằng đến với EU tốt hơn theo Nga.


Tốt hơn về kinh tế

Theo Ngân hàng thế giới, năm 1991 – khi Liên Xô tan rã – GDP theo đầu người của Belarus và Ukraine là 1.747 USD và 1.490 USD. Năm 2012, các con số đó tăng lên 6.685 USD và 3.687 USD.
Như vậy, sau 21 năm, GDP đầu người của hai nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô này đã tăng lên 383% và 247%.
Trong khi đó, GDP đầu người của Latvia và Lithuania – hai nước cộng hòa vùng Baltic từng thuộc Liên Xô và trờ thành thành viên của EU từ 2004 – đã tăng tới 550% và 511% (từ 2.549 USD và 2.777 USD lên 14.008 USD và 14.183 USD).
Một quốc gia khác từng thuộc Liên Xô và đã vào EU năm 2004 có mức gia tăng GDP đầu người cao hơn của Ukraine và Nga là Estonia.

Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), GDP theo đầu người của Estonia năm 1993 là 1.145 USD và năm 2013 là 18.027 USD (tăng tới 1590%). Trong khi đó, tỷ lệ tăng của Ukraine vào giai đoạn ấy chỉ là 243% (từ 1.653 USD lên 4.015 USD) và của Nga là 1263% (từ 1.239 USD lên 15.650 USD).

Cũng vào giai đoạn 1991-2012, GDP đầu người của các quốc gia thuộc Khối Hiệp ước quân sự (hay còn gọi là Khối Warszawa) – nhóm các nước cộng sản ở Trung và Đông Âu trước đây – và nay đã gia nhập EU – cũng tăng cao hơn GDP đầu người của Nga.
Theo Ngân hàng thế giới, trong khi con số đó ở Nga là 410% (từ 3427 USD lên 14.037 USD), ở Bulgaria 555% (từ 1268 USD lên 6.978 USD), Ba Lan 581% (từ 2.187 USD lên 12.708 USD) và Romania 721% (từ 1.254 USD lên 9.036 USD).
GDP đầu người của Cộng hòa Séc và Slovakia – hai quốc gia thuộc Tiệp Khắc và Khối Warszawa trước đây và này là thành viên của EU – tăng 671% (từ 2.783 USD lên 18.683 USD) và 681% (từ 2.474 USD lên 16.847).
Dựa vào số liệu của Ngân hàng thế giới, trong các quốc gia thuộc Khối Warszawa đã vào EU, với 381% (từ 3.288 USD lên 12.531 USD), chỉ có Hungary là có mức gia tăng GDP đầu người thấp hơn của Nga trong giai đoạn 1991 và 2012.


Hơn về nhiều điểm khác

Ba nước cộng hòa vùng Baltic thuộc Liên Xô – hay các nước xã hội chủ nghĩa ở Trung và Đông Âu thuộc Khối Warszawa trước kia – và nay đã gia nhập EU cũng tự do, dân chủ và minh bạch hơn Nga, Ukraine và Belarus.

Chẳng hạn năm 2013, tổ chức Phóng viên không biên giới xếp Belarus, Nga và Ukraine ở vị trí 157, 148 và 126 trên 179 quốc gia về tự do báo chí.
Trong khi đó, Estonia được xếp thứ 11, Cộng hòa Séc 16, Ba Lan 22, Slovakia 23, Lithuania 33, Lativa 39, Romania 42, Hungary 56 và Bulgaria 87.
Bị xếp ở thứ 141, 122 và 80 trên 167 quốc gia trong chỉ số dân chủ của tạp chí The Economist năm 2013, Belarus, Nga và Ukraine cũng thua xa những quốc gia cựu cộng sản khác hiện là thành viên của EU về dân chủ.
Chẳng hạn, Cộng hòa Séc được xếp thứ 17 và Bulgaria – nước ít dân chủ nhất trong số đó – ở vị trí 54.
Ukraine, Nga và Belarus cũng có nhiều tham nhũng hơn chín nước cựu cộng sản và nay là thành viên của EU kia.

Năm 2013, Tổ chức minh bạch quốc tế xếp Ukraine ở vị trí 144, Nga 127 và Belarus 123 trên 175 quốc gia về mức độ tham nhũng/minh bạch. Trong khi đó, chín quốc gia đó được xếp từ thứ 38 đến 77.
Có thể nói đây cũng là một lý do quan trọng khác làm những phe đối lập và người dân Ukraine chống đối ông Yanukovych, không thiện cảm với Nga và muốn đất nước họ tiến gần EU.

Một phần vì nhiều tham nhũng, thiếu dân chủ và tự do, Ukraine cũng xếp sau xa chín quốc gia kia về một chỉ số quan trọng khác – đó là chỉ số cạnh tranh quốc gia (GCI) được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đưa ra đế đánh giá khả năng cạnh tranh, mực đố thịnh vượng kinh tế của một quốc gia.

Năm 2013-2014, Nga chỉ xếp trên hai trong chín quốc gia ấy là Romania và Slovakia về GCI.
Ngoài ra, trong khi người dân và giới kinh doanh Ukraine bị giới hạn trong việc đi lại, làm việc, sinh sống, kinh doanh tại các nước EU, người dân và các công ty của chín quốc gia ấy được tự do – hay ít ra được dễ dàng – làm những chuyện đó ở tất cả các quốc gia thuộc EU.

Về an ninh và quốc phòng chín quốc gia kia giờ được EU hoặc NATO bảo vệ.
Hơn nữa, Nga có thể dùng vũ lực can thiệp vào Ukraine, nhưng chắc chắn không dám làm một việc tương tự đối với bất cứ quốc gia nào từng thuộc Liên Xô và Khối Warszawa và nay là thành viên của EU hoặc NATO.

Trong những ngày qua có ý kiến cho rằng người dân Crimea sẽ có một cuộc sống tốt hơn khi vùng tự trị thuộc chủ quyền của Ukraine này sáp nhập vào Nga. Đúng hay sai thời gian sẽ trả lời.

Nhưng đối với đất nước Ukraine, nếu bỏ qua các yếu tố khác như lịch sử hay dân tộc (người Nga hay người nói tiếng Nga ở Ukraine) và dựa vào những chỉ số trên có thể thấy rằng tiến gần với EU hay gia nhập Liên minh này sẽ tốt hơn cho Ukraine và người dân tại đây.


Tại sao tốt hơn?

Một câu hỏi quan trọng khác là tại sao cũng từng thuộc Liên Xô giờ Latvia và Lithuania hơn hẳn Belarus và Ukraine về mọi mặt.

Hay cũng từng là những quốc gia xã hội chủ nghĩa, sống dưới chế độ độc tài, độc đảng, Cộng hòa Séc và Slovakia vượt qua Nga về nhiều phương diện?

Vẫn biết rằng mọi chuyện ở EU không phải là hoàn hảo, lúc nào cũng tốt đẹp. Việc một số nước thành viên của EU rơi vào khủng hoảng kinh tế cách đây không lâu là một ví dụ.

Nhưng Liên minh này – được coi là một tổ chức khu vực thịnh vượng và hòa bình nhất – có những nguyên tắc, cơ chế rất căn bản, phù hợp, thiết thực để giúp các quốc gia ứng viên và thành viên xây dựng một xã hội, một đất nước ổn định, phát triển và dân chủ.

Chẳng hạn, một nước ứng viên phải hội đủ ba điều kiện – hay còn được gọi là tiêu chuẩn Copenhagen vì chúng được thông qua trong một hội nghị thượng đỉnh của EU tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch vào năm 1993 – trước khi gia nhập Liên minh châu Âu.

Đó là phải có các thể chế ổn định bảo đảm dân chủ, pháp trị, nhân quyền, phải có một nền kinh tế thị trường hoạt động hữu hiệu và phải tán thành mọi mục đích kinh tế, chính trị và tiền tệ – cũng như phải áp dụng khung pháp chế – của EU.

Không phải bổng dưng ba nước cộng hòa vùng Baltic thuộc Liên Xô trước đây và những quốc gia cựu cộng sản ở Trung và Đông Âu trên đều tự do, minh bạch, dân chủ, ổn định và phát triển hơn Ukraine.
Những quốc gia này đạt được những điều đó vì biết áp dụng những nguyên tắc, cơ chế EU đề ra.

Thực ra, không chỉ có các thành viên của EU mà bất cứ một quốc gia trên thế giới nếu biết xây dựng các thể chế ổn định bảo đảm dân chủ, pháp trị nhân quyền và có một nền kinh tế thị trường hoạt động tốt, quốc gia ấy sẽ phồn thịnh và dân chủ.

Một yếu tố khác giúp Latvia, Estonia, Ba Lan và nhiều nước cựu cộng sản và nay là thành viên của EU phát triển hơn Ukraine về mặt kinh tế đó là những quốc gia này đã có những chuyển đổi quan trọng về cơ cấu kinh tế sau khi vào EU.

Trong khi các nước đó đã chuyển sang dịch vụ và những ngành đòi hỏi nhiều kiến thức, Ukraine vẫn chủ yếu là nước nông nghiệp và công nghiệp nặng nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào Nga. Chính điều này kìm hãm sự phát triển kinh tế của Ukraine.

Vì những lý do trên ba nước thuộc Liên Xô là Estonia, Latvia, Lithuania và những thành viên khác thuộc Khối Warszawa trước đây đã quyết định gia nhập EU sau khi Liên Xô và các nước cộng sản ở Trung và Đông Âu sụp đổ.

Không chỉ thế, hai nước cộng sản thuộc Nam Tư trước kia là Slovenia và Croatia cũng đã vào EU năm 2004 và năm 2013 và ba quốc gia khác thuộc Liên bang này – là Macedonia, Montenegro, Serbia – đang xin gia nhập Liên minh châu Âu.

Có thể nói vì muốn đất nước mình được tự do, dân chủ, ổn định và phát triển như những thành viên của EU và quốc gia khác trên thế giới, giới đối lập và người dân Ukraine nói chung đã xuống đường phản đối việc ông Yanukovych quyết định dừng ký kết một thỏa thuận hợp tác với EU.

Trái lại, là một người rất tham nhũng và khá độc tài, ông Yanukovych đã không muốn đi theo EU vì làm vậy, ông buộc phải tuân thủ một số điều kiện về chính trị, kinh tế mà Liên minh này đưa ra.
Vì thế, ông đã chọn theo Nga vì Moscow không buộc ông phải minh bạch trong cung cách quản lý, lãnh đạo của mình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin – một người tham quyền cố vị và cũng được coi là tham nhũng – chắc chắn không muốn thấy Ukraine ổn định, tự do, dân chủ và minh bạch.

Đây cũng là lý do tại sao, ngoài muốn có ảnh hưởng địa chính trị hay vấn đề lịch sử, sắc tộc, ông đã làm tất cả để bảo vệ cựu Tổng thống thân Nga Yanukovych và đưa Ukraine vào quỹ đạo của mình.
Và khi không làm được hai điều đó, ông đã bất chấp luật pháp quốc tế - trong đó có những hiệp ước Nga đã đồng ý, ký kết trước đây – cho xâm chiếm Crimea và sáp nhập vùng này vào Nga.

Sau khi Nga xâm chiếm Crimea, đâu đó trong giới nghiên cứu, quan sát có người cho rằng ông Putin còn có tham vọng hồi sinh Liên Xô bằng cách thiết lập một khối các quốc gia chịu sự kiểm soát của Moscow giống như Liên Xô.

Nhưng việc một số nước thuộc Liên Xô trước đây và hầu hết các quốc gia cộng sản ở Trung và Đông Âu hay vùng Balkan đã và đang xin gia nhập EU kể từ khi Liên Xô sụp đổ – hoặc việc người dân và giới lãnh đạo mới ở Ukraine muốn tiến gần EU – cho thấy mô hình Liên Xô trước đây đã hoàn toàn thất bại.
Vì vậy, ý tưởng thành lập một mô hình tương tự của ông Putin chắc sẽ không được các nước cộng hòa thuộc Liên Xô còn lại ủng hộ và chẳng bao giờ có thể trở thành hiện thực.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một cây bút bình luận đang sinh sống ở Anh quốc.


No comments:

Post a Comment

View My Stats