RFA
30.03.2014
Chính
phủ Philippines đã nộp cho Tòa Án Quốc Tế Về Luật Biển chồng hồ sơ dày 4 ngàn
trang, với nội dung cáo buộc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Phi ở Trường Sa.
Sáng nay khi thông báo tin này, Ngoại Trưởng
Philippines là ông Albert del Rosario nói rằng Manila có trách nhiệm phải
bảo vệ chủ quyền lãnh hải, bảo vệ quyền lợi của quốc gia, bảo vệ quyền lợi cho
những thế hệ kế thừa và cũng để đảm bảo quyền tự do đi lại trên mặt biển của
cộng đồng quốc tế.
Từ năm ngoái, Philippines đã đưa đơn kiện Trung Quốc
ra trước Tòa án quốc tế, dựa vào những quy định được ghi trong Công Ước Liên
Hiệp Quốc Về Luật Biển. Theo quyết định của Tòa, hôm nay là ngày cuối cùng
chính phủ Phi phải nộp chứng cớ.
Đơn kiện của Philippines yêu cầu tòa
tuyên bố việc Trung Quốc nhận tới 80% vùng biển chiến lược này và việc Bắc Kinh
chiếm tám rạng san hô và đảo đá ngầm ở biển Đông là bất hợp pháp.
Cùng xuất hiện trong cuộc họp báo ở Manila, luật
sư Francis Jardeleza của chính phủ Phi cho hay bước kết tiếp là Tòa sẽ xem
xét các bằng chứng mà Phi đệ nạp, sau đó Tòa sẽ đưa ra những quyết định mà phía
Trung Quốc lẫn Philippines cần thực hiện để giải quyết cuộc tranh chấp biển
đảo.
Cũng cần nói thêm là ngay từ ngày đầu Bắc Kinh đã
lên tiếng nói không can dự vào vụ kiện tụng này, tức sẽ không công nhận hay thi
hành những quyết định của tòa quốc tế.
Cuối tuần trước, phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ
Ngoại Giao Trung Quốc còn đưa ra phát biểu với đại ý nói là Bắc Kinh chủ trương
giải quyết cuộc tranh chấp qua đường lối ngoại giao, đồng thời cảnh báo rằng
quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Manila sẽ gặp nhiều khó khăn nếu chính phủ
Phi tiếp tục theo đuổi vụ kiện.
Cũng xin được nói thêm là Philippines hoàn tất hồ sơ
vụ kiện chỉ một ngày sau khi một tàu tiếp tế của Phi thành công trong việc
xuyên qua vòng vây của những chiếc tàu Trung Quốc để đem 10 tấn hàng tiếp tế
cho toán binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Phi đang trú đóng ở Bãi Cỏ Mây.
Những nhà báo quốc tế được chính phủ Phi mời đi theo
chiếc tàu tiếp tế kể lại rằng khi chiếc tàu của Phi còn cách bãi Cỏ Mây chừng 1
tiếng đồng hồ, một tàu lớn của Trung Quốc đã 2 lần cắt ngang mũi tàu của Phi
với mục đích không cho chiếc tàu này tiếp tục đi tới, đồng thời một chiếc tàu
nhỏ khác cũng mang cờ hiệu Trung Quốc bám sát chiếc tàu của hải quân Phi.
Phía Trung Quốc dùng vô tuyến điện ra lệnh cho chiếc
tàu Philippines phải dừng lại, nhưng tàu hải quân Phi vẫn tiến bước, đi vào
vùng nước cạn là nơi tàu của Trung Quốc không thể vào vì sợ bị mắc cạn.
Trung Tá Ramon Zagala, phát ngôn viên quân sự Phi
nói với hãng thông tấn AFP rằng Manila hy vọng chiếc tàu chở hàng tiếp tế sẽ
rời Bãi Cỏ Mây một cách yên ổn, không bị tàu của Trung Quốc gây khó khăn.
Hôm mùng 9 tháng này, Phi cũng đưa tàu hàng đi Bãi
Cỏ Mây để tiếp tế cho binh sĩ của họ nhưng bị tàu hải giám Trung Quốc cản
đường. Cuối cùng Phi phải thả dù tiếp tế cho các binh sĩ trú đóng trên đảo.
Một chi tiết đáng chú ý khác là khi chiếc tàu của
Phi bất chấp trở ngại do tàu Trung Quốc gây nên để đi vào Bãi Cỏ Mây, có 3
chiếc phi cơ gồm một của Hoa Kỳ, một của Trung Quốc và 1 của Phi xuất hiện trên
bầu trời để quan sát vụ việc.
Khi được hỏi về chuyện xảy ra, phát ngôn viên Bộ
Ngoại Giao Bắc Kinh gọi việc làm của Phi là một hành động gây hấn, đồng thời
nói rằng hành động đó không thay đổi được sự thật là chủ quyền Bãi Cỏ Mây thuộc
về Trung Quốc.
-------------------------------
Trọng Nghĩa - RFI
Chủ nhật 30 Tháng Ba 2014
Đúng như dự kiến, vào hôm nay,
30/03/2014, chính quyền Manila đã chính thức chuyển đến tòa án của Liên Hiệp
Quốc bản luận chứng cáo buộc rằng các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển
Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo yêu cầu của Tòa án trọng tài
Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ITLOS, được giao trách nhiệm xem xét vụ kiện này,
bên nguyên đơn là Philippines phải nộp tài liệu này chậm nhất là vào hôm nay.
Trong một cuộc họp báo tại Manila, Ngoại trưởng
Philippines Albert del Rosario xác nhận là Manila đã chính thức nộp hồ sơ cho
tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc để yêu cầu phán quyết rằng các đòi hỏi chủ
quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo
hãng tin Pháp AFP, tập hồ sơ mà Philippines đệ trình dày khoảng 4000 trang,
nhưng nội dung cụ thể ra sao chưa được các quan chức trong chính quyền Manila
tiết lộ.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Philippines chỉ bình
luận rằng vụ kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề « bảo vệ những gì thuộc về
Philippines một cách hợp pháp, bảo đảm tương lai cho con em người Philippines »
và « bảo đảm quyền tự do hàng hải cho mọi quốc gia ».
Trung Quốc
hiện đang tự nhận mình là chủ nhân của hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, kể cả
những vùng ăn vào thềm lục địa của các láng giềng và rất xa bờ biển Trung Quốc.
Yêu sách của Bắc Kinh đã đối lập với các tuyên bố chủ quyền của các láng giềng
khác – Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đặc biệt chĩa mũi
dùi vào các vùng biển đảo, bãi ngầm mà Philippines tuyên bố chủ quyền tại Biển
Đông. Sau sự cố Scarborough Shoal vào năm 2012, qua tháng Giêng năm 2013,
Philippines quyết định kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế. Trung Quốc từ
chối tham gia vụ tranh tụng nhưng các thủ tục vẫn được khởi động.
Vào khi ấy, Philippines cho biết là sẽ yêu cầu Tòa
án quốc tế tuyên bố là các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông – cụ thể hóa
bằng tấm bản đồ « lưỡi bò » - không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật
Biển.
No comments:
Post a Comment