Thomas
Gomart
Thứ Bảy, ngày 29 tháng 3 năm 2014
"Không
có Chiến tranh lạnh nhưng những hậu quả của căng thẳng hiện tại tạo ra một sự
cô lập ngoại giao chưa từng có với Nga".
Non sông gấm vóc : Xin giới thiệu bài phỏng vấn ông Thomas
Gomart, một chuyên gia uy tín về Nga của Học viện quan hệ quốc tế Pháp, xung
quanh cuộc đối đầu Nga - phương Tây hiện nay.
Nga đã
có kế hoạch sáp nhập Crưm từ lâu
Nga đã sáp nhập Crưm, vì vậy tôi nghĩ câu hỏi đầu
tiên chính là điều mọi người đang thắc mắc nhất vào lúc này: sau Crưm, Nga sẽ
đi xa đến đâu?
Trước hết cần phải nhấn mạnh rằng, việc Nga sáp nhập
Crưm gây ngạc nhiên bởi sự nhanh vội của nó, hơn là bởi chính bản thân quyết
định này. Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy việc này đã từ nhiều năm nay nằm trong
kế hoạch của Moscow.
Trong con mắt của tôi, hành động của Kremlin đồng
thời có hai mục tiêu: một là mục tiêu địa phương là Crưm và mục tiêu lớn hơn là
thử độ gắn kết của các nước phương Tây trong nội bộ NATO. Họ muốn biết Mỹ và
các cường quốc châu Âu có thể liên minh với nhau ở mức độ nào để đối mặt với
khủng hoảng.
Hành động này của Nga ở Crưm nên được giải thích bởi
một chính sách đối ngoại thực dụng hay bởi một lý tưởng chính trị?
Bởi cả hai. Tôi nghĩ rằng có một tầm vóc lớn về lý
tưởng chính trị trong cuộc khủng hoảng này. Chúng ta biết rằng Putin luôn có ý
định đáp trả lại các chính sách và các xu hướng địa chính trị mà phe tân bảo
thủ (neo-conservatism) của nước Mỹ xây dựng từ những năm 90 nhắm vào Nga. Đồng
thời, cũng tồn tại một ý muốn tạo dựng một cái lõi cho chủ nghĩa dân tộc Nga,
chưa kể là cùng lúc làm nổi bật lên những khó khăn mà các nước châu Âu đang gặp
phải trong việc thực thi mô hình phát triển phương Tây.
Cuối cùng, có một ý muốn từ ông Putin là nước
Nga phải xuất hiện vừa như một cường quốc cổ điển, tức không ngần ngại sử dụng
vũ lực quân sự, vừa như một cường quốc đang trỗi dậy như một nền kinh tế hùng
mạnh của thế giới. Đó là về lý tưởng chính trị, nhưng sự thực dụng cũng đã đóng
một phần quan trọng.
Sự sụp đổ quá nhanh chóng của ông Yanukovych đã buộc
ông Putin cũng phải có những phản ứng nhanh chóng không kém. Putin đã nhận định
rằng thỏa thuận đạt được ngày 21/2 nhờ ba Ngoại trưởng châu Âu (Đức, Pháp, Ba
Lan) là một sự lừa gạt với Moscow bởi thay vì giữ ông Yanukovych ở lại, họ lại
đẩy ông ta đi.
Yếu tố cuối cùng, đó là việc xóa bỏ tiếng Nga chỉ
vài ngày sau khi có chính quyền mới ở Kiev đã gia tăng sự giận dữ tại nước Nga,
nơi họ coi rằng việc Ukraina gắn kết với phương Tây, đặc biệt là với NATO, là
một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng hàng đầu.
Tất cả những điều nói trên giải thích cho việc Nga
sáp nhập Crưm.
Sẽ không
có Chiến tranh lạnh mới
Có quá sớm không nếu chúng ta nói Chiến tranh lạnh
đã quay trở lại?
Tôi nghĩ rằng chúng ta không nằm trong viễn cảnh của
một cuộc Chiến tranh lạnh mới, đơn giản là nước Nga của ông Putin hiện không có
năng lực như Liên Xô ngày trước. Họ cũng không có các nước vệ tinh như Liên Xô
trước kia.
Tiếp đến, các nước phương Tây tuyệt nhiên không có ý
muốn có một cuộc Chiến tranh lạnh nữa. Nga cũng chẳng muốn điều đó. Hai bên giờ
đang phụ thuộc vào nhau quá chặt chẽ về mặt kinh tế. Liên minh châu Âu (EU)
đang là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm hơn 50% kim ngạch ngoại
thương. Nga sẽ rơi vào một logic tự sát nếu muốn cắt đứt quan hệ kinh tế này
với châu Âu
Ngược lại, EU cũng cần có Nga, vì trước hết Nga là
một đối tác lịch sử và sau đó, là một đối tác năng lượng quan trọng. Vì thế,
không có Chiến tranh lạnh nhưng những hậu quả của căng thẳng hiện tại tạo ra
một sự cô lập ngoại giao chưa từng có với Nga. Nga đơn độc trong Hội đồng bảo
an (HĐBA) LHQ. Nga chứng kiến sự đổ vỡ của vị thế ngoại giao truyền thống của
họ, vốn rất ổn định và vững chắc kể từ cuộc chiến Kosovo đến nay. Sau khi sáp
nhập Crưm, vị thế đó không còn nữa.
Nga đang từng bước bị loại bỏ dần ra khỏi một số câu
lạc bộ quyền lực, mất chỗ đứng trong G8, là đối tác ưu tiên của NATO và EU, của
Nhóm hợp tác Thượng Hải, của BRICS...
Đó là những hậu quả vô cùng nặng nề đối với mối quan
hệ giữa Nga với thế giới.
Nhưng các nước phương Tây cũng sẽ chịu thiệt hại
nặng nếu trừng phạt Nga về kinh tế. Họ có thể đi xa đến đâu trong các biện pháp
này?
Trong tình huống đối đầu hiện nay, sẽ không bên nào
được lợi nếu mọi việc xấu đi.
EU khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 và cần có sự tiếp
ứng nhiên liệu từ Nga, điều biến Nga thành một đối tác tự nhiên với EU. Kinh tế
Nga cũng đang ì trệ, không năng động như kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ... Nga phụ
thuộc rất nhiều vào kinh tế châu Âu.
Các khu vực khác trên thế giới cũng không mong muốn
có một sự đối đầu kinh tế giữa Nga và châu Âu.
Chúng ta đang phải chứng kiến những điều phi lý: Thứ
nhất, cả hai bên quá phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế mà lại không bên nào muốn
trả giá đắt. Thứ hai, chúng ta có vẻ như đang chứng kiến một cách hành xử của
thế kỷ 19 rằng một vấn đề mang tính địa phương như Crưm lại quan trọng hơn là
sự liên kết của Nga với nền kinh tế thế giới.
Nói cách khác là Nga từ bỏ một vị thế toàn cầu chỉ
vì một cuộc chiến địa phương.
Nếu Mỹ và các nước G8 loại Nga khỏi G8, hậu quả sẽ
ra sao với trật tự thế giới hiện nay?
Đó sẽ là tin không tốt lành. Nga là một nước lớn, là
thành viên HĐBA LHQ, là một cường quốc hạt nhân hạng nhất. Nước duy nhất có thể
so kè với Mỹ. Nga cũng là cường quốc năng lượng trên tất cả các lĩnh vực: khí
gaz, dầu lửa, hạt nhân, nhiệt điện, thủy điện... Nga có truyền thống ngoại giao
và quân sự được tạo dựng vô cùng vững chắc.
Tóm lại, Nga là một nước lớn trên trường quốc tế. Vì
thế tôi nghĩ rằng một sự cô lập kéo dài với Nga trước hết sẽ được phán quyết
bởi nước Nga và người dân Nga, những người trong hơn 2 thập niên qua đã chấm
dứt việc cô lập về mặt tâm lý.
Những người dân Nga giờ đã quen với việc tự do đi
lại sang châu Âu, Mỹ và châu Á. Về mặt tâm lý, người dân Nga đã bước ra khỏi sự
cô lập.
Ở góc độ cân bằng toàn cầu, nước Nga với lãnh thổ
rộng lớn và ảnh hưởng truyền thống của mình; có vai trò rất lớn trong nhiều vấn
đề quốc tế quan trọng ở Iran, Syria, Bắc Triều Tiên, khu vực
châu Á-Thái Bình Dương, trong căng thẳng giữa Trung Quốc-Nhật Bản, trong quan
hệ với các nước như Việt Nam...
Sự cô lập ngoại giao với Nga hiện nay về lâu dài sẽ
chẳng mang lại lợi ích cho bên nào cả.
Vậy ông nhìn nhận ra sao về thái độ của Trung Quốc
trong cuộc đối đầu Nga-phương Tây lần này?
Tôi nghĩ trong cuộc khủng hoảng này, Moscow có hy
vọng lôi kéo Trung Quốc về phía mình, nhưng Bắc Kinh cảnh giác hơn bất kỳ nước
nào trước tất cả các hình thức của chủ nghĩa ly khai bởi họ đang phải đối mặt
với vấn đề này. Trung Quốc có một chính sách ngoại giao thận trọng hơn Nga rất nhiều.
Tình huống hiện nay đặc biệt có lợi cho Trung Quốc.
Họ đang sử dụng tất cả những sự kiện ở Nga như là một sự quy kết đối với phương
Tây và tận dụng cuộc khủng hoảng này của phương Tây để tiếp tục trỗi dậy. Căng
thẳng giữa Nga và phương Tây sẽ tạo cho Trung Quốc một không gian hành động lớn
hơn, thậm chí là để tạo thêm sức ép đối với các nước láng giềng đang có tranh
chấp.
Những chỉ trích gay gắt qua lại giữa Nga và phương Tây
về mô hình phát triển cũng sẽ có lợi cho Trung Quốc bởi họ đang theo đuổi một
mô hình khác, độc nhất.
Tôi nghĩ tình hình hiện nay có lợi cho hai nước:
Iran và Trung Quốc. Với Iran, sức ép về vấn đề hạt nhân được chuyển hướng. Với
Trung Quốc thì vừa có thêm trợ giúp làm cho phương Tây suy yếu, vừa có thể tính
toán các con cờ để lấn chiếm được các vị thế của Nga.
Xin cảm ơn ông!
Quang
Dũng (từ Paris)
+ Thomas Gomart là Giám đốc Trung tâm Nga/NEI của Viện quan hệ quốc tế
Pháp - IFRI, think-tank số 1 tại Pháp. Gomart từng là nghiên cứu sinh tại Học
viện quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO), trường King's College (London), Tiến sỹ
quan hệ quốc tế trường Paris 1 (Pantheon- Sorbonne). Ông là tác giả nhiều cuốn
sách viết về Nga và quan hệ Nga-phương Tây. Gomart được xem là một trong những
học giả hàng đầu về Nga hiện nay tại Pháp.
No comments:
Post a Comment