Gregory
Poling - CSIS
EAF 28-3-2014
Người dịch: Huỳnh Phan
Posted by News on March 29th, 2014
Những tháng gần đây đã chứng kiến một sự tiến triển
đều đặn về chiến lược dài hạn của Trung Quốc ở biển Đông, chiến lược này có thể
tạm chia thành hai phần. Bắc Kinh đang tăng cường lực lượng hải giám trong khu
vực và củng cố việc kiểm soát thực tế các thể địa lý họ đang chiếm đóng. Đồng
thời, các tàu Trung Quốc đang liều lĩnh tiến ra nơi xa với tần suất lớn hơn để
khẳng định yêu sách của Bắc Kinh đối với toàn bộ khu vực bao phủ bởi “đường
chín đoạn”, và kích động các sơ suất của các bên tranh chấp khác.
ĐLB 2009 (9 vạch
đỏ), ĐLB 1947 (11 vạch trắng), Vùng quản lí đánh cá Hải Nam (đa giác lõm): sự
sai lệch giữa các đường này cho thấy TQ hết sức vô lí và tuỳ tiện. Ảnh và chú
thích do dịch giả gửi tới
Chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đã tạo ra
sóng gió hồi tháng 11 năm ngoái qua việc đưa ra quy định thực hiện một đạo luật
quốc gia năm 2004 về nghề cá. Một quy định đòi hỏi các tàu cá nước ngoài phải
được sự chấp thuận trước khi vào vùng biển do Hải Nam quản lý, vùng đó bao gồm
tất cả các vùng biển mà TQ yêu sách ở biển Đông. Điều này dấy lên hồi chuông
báo động trong khu vực Đông Nam Á và cả bên ngoài.
Quy định này là một nỗ lực đáng lo ngại nhằm thực
thi việc kiểm soát mạnh tay của Trung Quốc đối với các vùng biển tranh chấp,
tuy nhiên không báo hiệu một chiến lược mới. Điều khoản gây tranh cãi trong quy
định đánh bắt cá Hải Nam lặp lại gần như từng chữ một lời văn của luật quốc gia
2004 về nghề cá mà họ đưa vào thực hiện. Việc định thời gian đưa ra quy định
này trong cùng tháng mà Bắc Kinh tuyên bố vùng nhân dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, làm
dấy lên những lo lắng có thể hiểu được rằng Trung Quốc đang áp dụng một cách
tiếp cận cứng rắn hơn với các tranh chấp trên biển.
Quy định đánh cá Hải Nam đưa tín hiệu về cùng kiểu
coi thường luật pháp và các chuẩn mực quốc tế như Trung Quốc đã từng cho thấy
hàng chục lần kể từ khi họ nộp đường chín đoạn như một Công hàm cho Liên Hiệp
Quốc vào năm 2009. Quy định đó không đánh dấu một hướng đi mới trong chính sách
biển Đông của Bắc Kinh mà chỉ là bước đi mới nhất trong một kế hoạch dài hạn để
củng cố việc kiểm soát thực tế các khu vực tranh chấp.
Trung Quốc đã tăng đáng kể kích cỡ của đội tàu hải
giám và thực thi pháp luật biển ở biển Đông. Và nhờ vào việc thành lập thành
phố Tam Sa năm 2012 ở quần đảo Hoàng Sa và việc hợp nhất một số cơ quan vào
Cảnh sát biển Trung Quốc năm 2013, những đội tàu này ngày càng trở nên phối hợp
nhau nhiều hơn. Ngày 6 tháng 3 bí thư tỉnh uỷ Hải Nam cho biết rằng tàu Trung Quốc
đang ngăn chặn ngư dân Việt Nam trong quần đảo Hoàng Sa ở mức độ chưa từng có
khi nêu: “Có một cái gì đó như thế này đang xảy ra, nếu không phải mỗi ngày thì
ít nhất cũng mỗi tuần một lần”.
Lực lượng thực thi pháp luật TQ vẫn tập trung vào
quần đảo Hoàng Sa, trong khi để tâm từng hồi tới bãi cạn Scarborough, do bãi
này ở xa hơn và được quốc tế chú ý nhiều hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines
Voltaire Gazmin thông báo rằng ngư dân Philippines đã đánh bắt bên cạnh các tàu hải giám Trung Quốc gần bãi
ngầm này mà không bị quấy rầy. Nhưng chỉ một tuần sau đó, một tàu Trung Quốc sử
dụng một vòi rồng để đuổi một tàu Philippines.
Quần đảo Trường Sa và các khu vực khác của biển Đông
vẫn còn ngoài tầm với của quy định đánh bắt cá Hải Nam cũng như bất kỳ cơ quan
quản lý thực tế nào khác của Trung Quốc. Vì Bắc Kinh thiếu khả năng tuần tra và
thực thi các lệnh của họ trong một khu vực rộng lớn và tranh chấp cao như vậy,
họ đã viện đến việc thể hiện tượng trưng về chủ quyền. Hồi tháng Giêng, một
chiếc tàu tấn công đổ bộ của Trung Quốc và hai tàu khu trục đã tuần tra bãi
ngầm James, ở phần cực nam của đường chín đoạn, trong khi thủy quân lục chiến
TQ đã tổ chức một buổi lễ tại bãi ngầm này tuyên thệ bảo vệ chủ quyền của Trung
Quốc.
Bãi ngầm James là một thể địa lý hoàn toàn chìm dưới
nước chỉ cách Malaysia 80 km, khiến cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trở
thành lố bịch, nhưng vẫn còn mang tính tượng trưng. Ngoài ra, để gửi một thông
điệp tới khu vực, Bắc Kinh dường như thực hiện những hành động như vậy với hy
vọng kích động các bên tranh chấp khác phạm vào sơ suất mà từ đó Bắc Kinh có
thể được lợi. Đó là những gì đã xảy ra tại bãi cạn Scarborough vào tháng 4 năm
2012 với vụ giằng co Philippines – Trung Quốc và với việc quốc hữu hoá quần đảo
quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) vào tháng 9 năm 2012 của Nhật Bản.
Báo chí nước ngoài bàn cãi ồn ào cho rằng các hành
động của Trung Quốc – từ quy định đánh bắt cá mới cho tới ADIZ rồi tới tăng
cường tuần tra trên biển – được hiểu là để tăng cường tính hợp pháp của họ qua
việc thể hiện việc quản lý hiệu quả các khu vực tranh chấp. Nhưng các chuyên
gia pháp lý của Trung Quốc biết rõ hơn. Theo luật quốc tế, không có điều gì mà
một bên trong một vụ tranh chấp lãnh thổ thực hiện sau ‘ngày tới hạn’ (critical
date – ngày mà tranh chấp đó xảy ra) là có giá trị. Vì vậy, quy định mới, chiếm
đóng, hoặc quản lý hành chánh của Trung Quốc đều không thể có bất kỳ ý nghĩa
nào về tính hợp pháp cho yêu sách của họ.
Thay vào đó, Trung Quốc đang tìm cách né tránh hoàn
toàn luật pháp quốc tế bằng cách tăng cường kiểm soát thực tế và thay đổi
nguyên trạng từng chút một. Cuối cùng, Bắc Kinh hy vọng rằng các bên tranh chấp
khác sẽ bị buộc phải chấp nhận thực tế kiểm soát của Trung Quốc. Cho đến lúc
đó, sự ngăn chặn của cộng đồng quốc tế chống lại tính bất hợp pháp của các yêu
sách của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng rất nhỏ. Miễn là Bắc Kinh khước từ trọng
tài, tránh ra tòa án quốc tế, và tạm dừng việc xâm lược lộ liễu, họ nghĩ rằng
họ sẽ giành chiến thắng trong cuộc chơi dài hạn.
Tuy nhiên khu vực này đang tĩnh giấc với mối nguy
hiểm đó. Trong những tuần gần đây Malaysia dường như liên kết chặt chẽ hơn với
các bên tranh chấp đồng bạn. Việt Nam tiếp tục lên tiếng phản đối từng hành
động khiêu khích mới của Trung Quốc. Và quan trọng nhất, Philippines đã đưa vụ
việc ra trọng tài phân xử, điều này có thể làm những nước láng giềng bạo dạn
hơn, đồng thời vén bức màn về chính sách vòng quanh với pháp luật trong khi
thay đổi thực tế trên hiện trường của Bắc Kinh.
No comments:
Post a Comment