Người
Việt
Friday, March 28, 2014 5:32:29 PM
HÀ
NỘI (NV) .- Các chuyên gia kinh tế Việt Nam tiếp tục lặp lại
cảnh báo về những tác hại khi nhà cầm quyền CSVN để các dự án có tầm vóc quốc
gia lệ thuộc gần như hoàn toàn vào ODA.
Phối cảnh đường xe điện trên cao ở Hà Nội, một dự án
vận chuyển công cộng nội thị thực hiện từ vốn vay ODA của Nhật đang bị điều tra
về tham nhũng. (Hình: kienthuc.net)
ODA là ba chữ viết tắt của Official Development
Assistance (hỗ trợ phát triển chính thức). ODA có thể là các khoản cho vay
không tính lãi hoặc tính lãi thấp với thời gian cho vay dài hạn, nói chung là
theo các điều kiện ưu đãi. Đôi khi ODA là viện trợ. Mục tiêu của ODA là trợ
giúp để phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi ở quốc gia nào đó còn kém phát
triển.
Những cảnh báo về ODA được lặp lại sau khi scandal
các viên chức ngành đường sắt nhận 80 triệu Yen (khoảng 800 ngàn USD, tương
đương 16 tỷ đồng Việt Nam) của Công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản (Japan
Transport Consultants – JTC) để chọn công ty này làm nhà thầu, tư vấn cho các
dự án được thực hiện bằng viện trợ của Nhật ở Việt Nam.
Nhật hiện là quốc gia dẫn đầu trong việc cấp ODA cho
Việt Nam. Đến nay, đã xảy ra hai scandal về nhận hối lộ của các công ty Nhật để
chọn họ là nhà thầu Nhật thực hiện những dự án bằng ODA do Nhật cung cấp.
Scandal đầu tiên xảy ra vào năm 2010, liên quan tới PCI – một công ty tư vấn
khác của Nhật về dự án đại lộ Đông Tây ở Sài Gòn.
Trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Lương Hải Khôi,
một người chuyên nghiên cứu về Nhật cho biết, trong thập niên vừa qua, JICA (Cơ
quan Hợp tác Quốc tế của chính phủ Nhật Bản) xây dựng chiến lược giao thông
toàn quốc cho Việt Nam. Sau đó, chính JICA đề nghị cho Việt Nam vay ODA để thực
hiện chiến lược giao thông mà họ xây dựng. JICA kiểm soát từ A đến Z: vốn vay,
tiền lãi, kỹ thuật, thị phần xây dựng, thậm chí kiểm soát cả hiểu biết về thực
tiễn của Việt Nam. Việt Nam gần như chẳng phải làm gì. Chỉ cần ký vay nợ và cầu
đường cứ thế mọc lên. JICA nếu có vạch ra một “hệ thống” thì “hệ thống” đó chỉ
là bản đồ những dự án mà các công ty Nhật đã sẵn sàng giành hợp đồng xây dựng.
Trò chuyện với tờ Đất Việt, ông Trần Đình Bá, một
chuyên gia kinh tế cho rằng, với phương thức vừa cho vay, vừa thực hiện dự án
theo kiểu kiểm soát từ A tới Z: Đưa ra ra ý tưởng, tự lập dự án tiền khả thi,
khả thi, thiết kế, tổ chức thi công, ép người vay làm theo ý mình như kiểu các
dự án ODA của Nhật tại Việt Nam thì đấu thầu chỉ còn là hình thức.
Theo tờ Thời Báo Kinh tế Sài Gòn, sau khi kiểm tra
những nôi dung liên quan đến scandal JTC, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam
tiết lộ, gói thầu (Tư vấn Dự án Tuyến đường sắt số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên)
liên quan đến JTC là một gói thầu bất thường vì chỉ có hai nhà thầu mua hồ sơ
và sau đó chỉ còn một nhà thầu là JTC tham gia đấu thầu. Về nguyên tắc, nếu có
dưới ba nhà thầu thì có thể hủy cuộc đấu thầu song vì gói thầu vừa kể sử dụng
vốn ODA của Nhật nên phải chọn nhà thầu Nhật và JTC nghiễm nhiên trở thành nhà
thầu.
Tờ Thời Báo Kinh tế Sài Gòn cho biết, trong 20 năm
vừa qua, Nhật là quốc gia cấp ODA lớn nhất (hơn 20 tỉ Mỹ kim) và 41% khoản ODA
này dành cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông. Do vậy, trong bối cảnh
ngân sách èo uột, trái phiếu chính phủ yếu ớt, những dự án giao thông lớn
thường nhắm vào ODA của Nhật và giá của vốn ODA không hề rẻ.
Khi tham dự Hội đồng Thẩm định quốc gia về Dự án phi
trường Long Thành cả Bộ trưởng Giao thông Vận tải lẫn Bộ trưởng Kế hoạch
Đầu tư của Việt Nam đều cùng cảnh báo về sự “đắt đỏ” của vốn ODA bởi những ràng
buộc từ nguồn vốn này. Bộ trưởng Giao thông Vận tải thú nhận, nếu chỉ nhắm vào
vốn vay ODA mà không tính đến hiệu quả sử dụng vốn thì sẽ còn tạo ra nhiều kẽ
hở cho tham nhũng.
Ông Trần Đình Bá thì cho rằng thực trạng lệ thuộc là
giá phải trả cho cơ chế hiện hữu. Đổi mới đã ba thập niên nhưng Bộ Giao thông
Vận tải vẫn không xây dựng nổi “chiến lược giao thông” mà khoán trắng cho tư
vấn Nhật. Các scandal PCI, JTC lột tả bản chất thực trạng lãng phí đầu tư công
trong lĩnh vực giao thông - vận tải, khiến nợ công tăng vọt. Ông Bá khẳng định,
nếu không cải cách thể chế thì không thể giải quyết các vấn nạn này. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment