Tiến sĩ
Nguyễn Vân Nam
Gửi cho BBC từ Tp. Hồ Chí Minh
Cập nhật: 10:08 GMT - thứ năm, 27 tháng 3,
2014
Nhu
cầu cải cách, đổi mới là có thật ở Việt nam. Hàng loạt chương trình cải cách,
sửa đổi, đổi mới căn bản nhiều lĩnh vực quan trọng đang được thực hiện: Cải
cách hành chính, cải cách tư pháp, sửa đổi căn bản Bộ Luật dân sự v…v, và
chuyện muôn thủa đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Tuy nhiên, không thấy nói gì về một đổi mới căn bản
quan trọng nhất: đổi mới căn bản tư duy về đổi mới căn bản.
Người ta không thể bàn về đổi mới, nếu trước hết
không trả lời được câu hỏi: mục tiêu của nó là gì? Đổi mới căn bản giáo dục để
làm cho hệ thống giáo dục với những nền tảng, triết lý, nguyên tắc và mục đích
giáo dục như hiện nay hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn; hay để có một hệ thống
giáo dục khác đúng đắn, phù hợp và tốt hơn?
Hệ thống nào thì có sản phẩm đặc trưng nấy. Hiệu quả
của một hệ thống nghĩa là tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng với chi phí thấp
nhất.
Hệ thống giáo dục hiện nay với những cơ
sở nền tảng, nguyên tắc, triết lý và mục tiêu giáo dục vốn có, sẽ chỉ có thể
sản sinh những sản phẩm giáo dục không thích hợp cho dân tộc, cho đất nước và
cá nhân, nếu không muốn nói đó là những sản phẩm góp phần gây nên hiện trạng
phát triển đau lòng hiện nay của đất nước.
Các biện pháp cải cách giáo dục đang được áp dụng
hay dự kiến áp dụng, có thể làm cho hệ thống ấy hoạt động hiệu quả hơn. Nghĩa
là càng tạo ra nhiều sản phẩm giáo dục đau lòng hơn mà thôi.
Đổi mới giáo dục là một trong những vấn đề hệ trọng
nhất của dân tộc, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng theo phương pháp, lý luận
đúng đắn.
Nhưng cũng có một số điểm cơ bản nhất có tính chất
phổ quát, dễ thấy và không khó để đồng tình.
Sinh viên tới Văn Miếu để cầu may trước khi thi
Hệ
thống khác thường
Một cách tổng quát nhất, Việt Nam cần xây dựng bằng
được hệ thống giáo dục bình thường, được xây trên nền tảng, theo triết lý,
nguyên tắc hoạt động với các mục đích, mục tiêu cũng bình thường (không phải
như những ngoại lệ) như mọi quốc gia phát triển thành công khác đã và đang có.
Hệ thống giáo dục Việt Nam hiện tại, về
cơ bản là khác thường. Ở Việt Nam, "Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và
nhân dân, tổ quốc và nhân loại“.
Nghĩa là học để trở thành công cụ. Điều đó trái với bản tính của con người, xu thế lịch sử và bản chất của
giáo dục.
Vì thế, cách dạy và cách truyền đạt kiến thức cho
sinh viên cũng chỉ là làm sao để họ thành người phục vụ tốt nhất.
Theo Tổ chức Văn hóa Giáo dục của Liên Hiệp Quốc:
"Học để biết, học để làm việc, học để chung sống, học để làm người“. Đó là
học cho chính bản thân, vì bản thân mỗi người.
Người thầy phải làm tất cả để truyền đạt cho học
sinh:
a) tri thức - ít nhất cũng đủ để biết;
b) kỹ năng sử dụng tri thức đó - ít nhất cũng đủ để
làm việc;
c) đạo lý khi sử dụng tri thức và kỹ năng làm việc
mưu cầu hạnh phúc cá nhân - ít nhất cũng đủ để sống được với mọi người; và cuối
cùng,
d) với tất cả những điều đó - ít nhất cũng biết định
hình giá trị chân chính của con người cho mình.
Theo cách hiểu tương đối thống nhất hiện nay của thế
giới thì Giáo dục (Education) là quá trình phát triển kéo dài cả cuộc đời của
con người để mở rộng khả năng hoạt động tinh thần, văn hóa, và kỹ năng sống,
đồng thời nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm trong quan hệ xã hội.
Đây là một khái niệm vừa để chỉ một quá trình (được
học, tự học và định hình nhân cách) vừa để chỉ một hiện trạng (được giáo dục).
Cụ thể hơn, giáo dục là quá trình thu nhận để tiến
tới sở hữu một hệ thống các thiết lập (setting) được mong đợi và mang tính đạo
đức thông qua việc trung chuyển và cá nhân hóa tri thức.
Hệ thống đó cho phép mỗi người lựa chọn thế giới
mang tính lịch sử và xã hội của mình, đánh giá và xác định vị trí của mình,
hình thành nhân cách và có được định hướng cho hành động và cuộc sống của mình.
Nói cách khác, giáo dục tác động hình thành bản sắc
cá nhân.
Hệ thống giáo dục trong các trường học ở Việt Nam có
quan niệm và mục đích đào tạo khác, nên sản phẩm phần nhiều là những công cụ,
cơ bản không có và có lẽ cũng không cần tới bản sắc cá nhân, thậm chí trong cả
những trường hợp không đảm bảo được chức năng công cụ.
Cơ sở căn bản nhất cho giáo dục chính là khả năng có
thể học hỏi và nhu cầu được giáo dục có tính bản năng trong mỗi cá nhân.
Theo vòng đời con người, có thể chia giáo dục thành
hai giai đoạn, hai quá trình: được dạy dỗ và cá nhân hóa.
Từ lúc ra đời đến tuổi trường thành, đứa trẻ được
những người có trách nhiệm (bố mẹ, thầy giáo và những người có khả năng sư phạm
khác) dẫn dắt bước dần vào thế giới của người lớn.
Trong giai đoạn dạy dỗ này, đứa trẻ học hỏi các
nguyên tắc, chuẩn mực, cách ứng xử trong thế giới mà nó sẽ hội nhập và làm quen
với tư duy, hành động độc lập.
Về bản chất, đây là giai đoạn tiếp nhận thông tin do
người khác trung chuyển. Đứa trẻ bắt đầu con đường tự hiểu biết bằng sự hiểu
biết của người khác về thế giới xung quanh.
Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng cho việc hội nhập
thế giới người lớn và giai đoạn cá nhân hóa bắt đầu ngay sau đó.
Mục đích tổng quát của giai đoạn này phải là đưa sức
mạnh, năng lực bản năng tiềm ẩn trong mỗi cá nhân đạt trình độ nhận thức phổ
quát chung của nhân loại, của xã hội mà họ sẽ hội nhập, làm cơ sở tối thiểu đảm
bảo ai cũng có cơ hội hội nhập bình đẳng như một con người.
Nói cách khác là biến đứa trẻ thành một con người
của xã hội. Giai đoạn này thường kết thúc với việc tốt nghiệp trung học.
Nghĩa là, vì ta đang nói đến cải cách Giáo dục, do
ai cũng có quyền trở thành một con người như thế, họ phải được học tập miễn phí
hoàn toàn cho đến hết phổ thông trung học.
Đồng
hành
Khi đồng ý rằng học tập từ bé cho đến hết trung học
là để đứa trẻ đủ trở thành một con người bình đẳng khi bước chân vào xã hội
người lớn, ta sẽ thấy cách hiểu và "làm“ xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam
hiện nay, không chỉ là hiểu sai, phản tác dụng, mà còn là sự hạn chế đáng kể
quyền sẽ được bình đẳng.
Vận dụng, thực hiện và sử dụng năng lực, sức mạnh và
kiến thức của mỗi cá nhân trong những hoàn cảnh điển hình như thế nào là nhiệm
vụ của đào tạo nghề nghiệp, của các trường cao đẳng, đại học.
Tại đây, mỗi cá nhân phải học cách tìm, xử lý thông
tin và biến chúng thành của mình như thế nào. Nghĩa là phải tự tạo cho mình sự
khác biệt để cạnh tranh thành công trong xã hội.
Tự bản chất, quá trình như vậy đã loại bỏ vai trò
như người dạy dỗ của người thầy. Người thầy chỉ còn là người đồng hành đưa ra
các ví dụ về cách thức mà mình sẽ làm để giải quyết vấn đề như một gợi ý.
Người học phải tự tìm ra cách thức xử lý và biến
chúng thành của riêng mình (cá nhân hóa) như thế nào. Và như thế, tự do học thuật
đương nhiên phải là nguyên tắc, là đặc trưng không thể thiếu trong giảng dạy
đại học.
Tất nhiên, những khác biệt cơ bản cần
thiết như vậy giữa giảng dạy trung học và giảng dạy đại học chỉ có thể có trong
một hệ thống giáo dục theo quan niệm chung của thế giới, không thể tồn tại
trong một hệ thống giáo dục như của Việt Nam.
Chấp nhận xây dựng hệ thống giáo dục mới, gần như
hoàn toàn khác với cái đang có là việc hết sức khó khăn.
Vì vậy, khoan hãy nói đến đổi mới hay cải cách căn
bản giáo dục, mà chỉ đơn giản là cần làm ngay những gì liên quan đến giáo dục
thật sự và vì tương lai đất nước.
Nên bắt đầu từ chỗ nào mà khi thực hiện sẽ có tác
dụng rộng nhất, cơ bản nhất và ở chỗ nào có sức ỳ ít nhất, các yếu tố mới dễ
thâm nhập nhất. Có hai việc đảng và nhà nước nên làm ngay là:
- Ban hành luật giáo dục phổ thông miễn phí cho toàn
dân (đến hết trung học). Nghiêm cấm các trường thu thêm tiền của người dân dưới
bất kỳ hình thức nào.
- Thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy ở các
trường đại học với trọng tâm người thầy trong vai trò đồng hành cùng sinh viên.
Khuyến khích giảng viên đại học đi tu nghiệp ở nước
ngoài, tiến tới qui định chỉ những ai đã tu nghiệp ở nước ngoài mới có thể là
giảng viên chính thức.
Tự
bản chất, cải cách căn bản hệ thống giáo dục Việt Nam trả lời cho câu hỏi: đặt
quyền lợi của dân tộc lên trên hết - và vì vậy phải xây dựng một hệ thống giáo
dục bình thường mới hay quyền lợi của đảng lên trên hết - và như thế cần duy
trì cải cách thường xuyên để hệ thống đang có hoạt động hiệu quả hơn?
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của
tác giả Nguyễn Vân Nam, gửi cho BBC Tiếng Việt từ thành phố Hồ Chí Minh.
No comments:
Post a Comment