Sunday, 30 March 2014

LAN MAN CẢM NGHĨ VỤ CÔNG AN "LÀM CHẾT NGƯỜI" (FB Người Buôn Gió)




March 30, 2014 at 1:44pm

Năm 1994 tôi ở buồng 6D bên chẵn của trại giam Hà Nội. Lúc ấy anh Kỳ là trưởng buồng. Anh Kỳ năm đó khoảng 46 tuổi, người cao, trắng trẻo, nhanh nhẹn. Anh là công an xã, bị can tội giết người, anh bị xử 17 năm.

Buồng 6D nằm tít góc bên trong cùng của dãy buồng giam, thành phần toàn cán bộ hay dây mơ rễ má cán bộ trại. Có một ông buôn lậu, có ông tham ô, có ông làm giấy tờ cho người đi nước ngoài, có cả thằng học sinh 16 tuổi cầm dao gọt hoa quả giết bạn. Thằng đó bị tù 6 năm, nó ca hát suốt ngày.
Tôi nằm cạnh anh Kỳ, ngay hôm đầu tiên vào buồng. Quản giáo dẫn tôi vào chỉ chỗ nằm ở đó, lúc bỡ ngỡ tôi không hiểu là chỗ nằm tức là vị trí. Có nghĩa tôi sẽ là buồng phó.

Ở một buồng giam toàn thành phần khá lành như thế, chẳng có chuyện đánh đập, cướp bóc hay tra tấn gì. Mỗi tù nhân khi nhận quà cứ mang 1/3 đến biếu lại buồng trưởng. Anh Kỳ nhà ở Sóc Sơn, nghèo, vợ anh lâu lắm mới tiếp tế cho anh vì còn nuôi ba đứa con nhỏ. Có lẽ quản giáo thương tình đồng nghiệp cho anh làm trưởng buồng để có chút lộc lá. Áng chừng anh chưa đủ kinh nghiệm giang hồ nên bổ sung tôi làm buồng phó.

Bình thường anh Kỳ rất hiền, tôi nhớ có lần thằng Tuấn nằm ngủ, nửa đêm mơ thế nào tinh trùng xuất ra ướt đẫm quần. Nó dậy xin đi tắm. Ở tù kỵ nhất buổi đêm xáo trộn. Tôi xuống chỗ nó xem thấy thế, đồng ý cho nó đi tắm. Quay về tôi báo anh Kỳ chuyện như vậy. Anh Kỳ nét mặt buồn thiu, anh ngậm ngùi lắc đầu:
- Khổ thân, đang tuổi ăn tuổi lớn yêu đương mà thế.

Sau này tôi trải qua nhiều buồng giam, nhưng không bao giờ tôi gặp được người buồng trưởng nào như thế. Toàn những loại buồng trưởng, trách nhiệm xăm trổ đại bàng, rồng phượng hành hạ tra tấn tù khác như tra tấn một con chó. Có lẽ may mắn cho tôi bị ảnh hưởng từ anh khi mới bước chân vào tù, cho nên sau này khi có làm trưởng buồng, đội trưởng tôi cũng không làm gì đến mức phải hao tổn phúc phận của tổ tiên.

Tôi nghe chuyện, mới biết anh chẳng giết ai. Làng anh bắt được thằng ăn cắp, mọi người đuổi theo vây đánh. Anh hô – bắt được đánh chết mẹ nó đi. Thế nào thằng trộm bị đánh chết thật. Ra tòa có người khai anh hô câu đó. Anh Kỳ bị kết án đầu vụ, lĩnh án 17 năm tù. Lúc đó anh là trưởng cônng an xã. Nói là trưởng công an xã, nhưng kiến thức luật pháp, xã hội hay văn hóa anh chả biết gì mấy. Làm việc thì năng nổ, nhiệt tình, không tham nhũng hay hoạch họe. Sở dĩ tôi tôi nói chắc vậy vì chức đội trửởng buồng giam cũng quyền sinh sát lớn lắm. Nhưng anh không hề lạm dụng nó đề bắt chẹt hay lột đồ gì của ai.

Anh Kỳ đi trại cải tạo Phú Sơn, từ nhà anh ở Sóc Sơn đi đến trại đó cũng tiện. Tôi đi trại cải tạo phía Nam. Chúng tôi chỉ ở bên nhau được vài tháng. Trại tạm giam chỉ là nơi tạm giam, thời gian ở tạm giam so với thời gian ở tù chỉ là một thoáng. Nên ít khi người ta nhớ đến nhau.

17 năm tù cho một câu hô có tính bộc phát của một trưởng công an xã. Đó là thời điểm năm 1994, cũng thời điểm ấy một công an khác là Phạm Tùng Dương hay cái gì Tùng Dương bị kết án tử hình vì bắn chết người trên cầu Chuơng Dương. Cảnh sát Tùng Dương làm nhiệm vụ đầu cầu, thấy có một thanh niên đi vào làn xe ô tô, Dương đuổi theo chặn lại, giằng co cái túi đựng tiền của người ấy, súng nổ, người kia chết. Tùng Dương lãnh án tử hình. Bản án thi hành vào một mùa xuân năm 1995 thì phải. Lúc đó tôi là tự giác bên ngoài, nghe thây quản giáo phòng này ngậm ngùi nói với quản giáo phòng kia – hôm nay Tùng Dương "đi" rồi đấy.

Những điều ấy nói lên rằng, thưở đó số phận của các cảnh sát, công an chưa nằm ngoài vòng pháp luật. Họ phải nhận những bản án nghiêm khắc như bất kỳ tên tội phạm nào, thậm chí còn là nặng hơn vì là người thực thi pháp luật, am hiểu pháp luật.

Thế rồi năm tháng trôi, bỗng một ngày có ông thứ trưởng công an lên làm thủ tướng. Rồi từ đó nhiều ông thứ trưởng khác làm bí thư tỉnh ủy, làm ở Viện Kiểm Sát, Tòa Án hay làm thường trực ban bí thư. Ở cấp nhỏ hơn thì công an là bí thư quận, chủ tịch huyện, chủ tịch phường.

Nguyên nhân có thể là suy diễn, cho nên không dám kết luận tại vì nhiều công an giữ những chức như thế mà chiến sĩ công an phạm tội lãnh mức án khiến người dân ngỡ ngàng hay không?

Công an bỗng nhiên làm lạc đạn. Mà lạc đạn nhiều lắm, đạn bắn chỉ thiên mà tòan cắm xuống như vụ bắt đám bạc, vụ cuỡng chế ở Nghi Sơn, Thanh Hóa. Rồi người ta vào đồn là tự tử, là bị bệnh đột tử. Rồi tự họ lao vào dùi cui, rồi muôn vàn cái chết khi gặp công an mà lý do đều trời ơi, đất hỡi. Báo chí thì viết theo kiểu như – 5 người công an làm chết đương sự. Súng cướp cò làm hai nạn nhân thiệt mạng, đột tử khi bị bắt giam... báo chí không còn phong độ như thời ráo riết mổ xẻ tìm nguyên nhân vụ Tùng Dương nữa. Thậm chí là công an "làm chết người" cũng chả buồn đăng phiên tòa như vụ ở Thanh Hóa và bao nhiêu vụ khác nữa. (Trong khi đó thì vụ Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Lê Quốc Quân... báo chí lê thê mấy kỳ, xử trốn thuế mà lại với sang chuyện bị cáo thế này thế nọ về chính trị…)

Các mức án dành cho công an "làm chết người" cũng ngày càng nhẹ đị. Từ 7 năm vụ Bắc Giang xuống 4 năm vụ ông Trịnh Xuân Tùng rồi cuối cùng là án treo cho các chiến sĩ công an ở vụ Tuy Hòa. Với cái đà xử và báo chí đưa tin thế này, liệu chúng ta có cần thiết đến tòa án và công luận nữa trong các vụ xử chiến sĩ công an hay không?

Hay chăng bỏ quách đi cho khỏi mất thời gian. Khỏi xét xử làm gì. Có sợ hậu vận, âm phúc thì những thủ phạm là công an chỉ cần đến nhà nạn nhân xin lỗi là đủ. Không thì đến chùa chiền nào đó gọi vị cao tăng đang ngồi viết báo cáo tình hình an ninh chính trị, tôn giáo, nhờ vị ấy làm cái lễ giải oan hồn là xong.

Con người bất cứ là ai, làm gì phạm tội đều sợ bị trả giá. Trả giá về mặt luật pháp và nỗi lo sợ mơ hồ là trả giá bằng hậu vận, âm đức. Nhưng những người chiến sĩ công an ngày này chẳng lo về mặt luật pháp, cũng chẳng lo về mặt tâm linh. Vậy thì cái gì sẽ khiến họ phải đắn đo khi dùng bạo lực để đối xử với người dân?

Chẳng có gì khiến họ phải lo sợ kể cả thể xác lẫn tâm hồn. Bởi thế chúng ta thấy nụ cuời tươi tắn trong phiên tòa, lúc mà những đứa con thơ của nạn nhân vấn khăn tang cầm di ảnh bố cũng ở đó. Nụ cười của người chiến sĩ công an phạm tội giết người mà đuợc tòa án và báo chí chuyển ngữ là "làm chết người" đó sẽ là nụ cười của câu trả lời.

- Chẳng có gì khiến chúng tôi phải bận tâm. Chúng tôi là thanh kiếm và lá chắn của chế độ, đó là quy luật như trái đất vẫn quay mặc dù thế nào đi nữa.

Dù thế nào thì tôi cũng phải công nhận, tôi gặp nhiều công an tốt. Thậm chí là kể cả khi tôi bị bắt tù vì tội hình sự. Cả quãng thời gian dài đằng đẵng qua bao nhiêu nhà tù, phòng giam tôi chưa hề phải viết xấu về người công an nào phụ trách tôi. Tôi vẫn nhớ những buổi chiều qua song sắt trại giam tôi và người công an trẻ trạc tuổi tôi nói chuyện. Chúng tôi xưng tên với nhau, câu chuyện về tình yêu, cuộc đời và những trải nghiệm, văn học, âm nhạc. Tôi nhớ có lần người công an trẻ đó giật mình nói:
- Hiếu này, tôi không phải khó khăn gì hay quan cách gì đâu. Nhưng nếu có ai đi qua ông đừng xưng hô thế nầy nhé. Có tôi và ông thì không sao.

Tôi cũng nhớ đến Hùng M, quản giáo trực trại V. Khi anh ta sai, tôi nói thẳng là muốn đi trại giam khác, anh ta đỏ mặt nói:
- Đ.m. tao là công an, nhưng tao có đối xử mày theo kiểu công an với tù đâu. Tao sai thì mày nói tao, chứ mày làm thế đéo có tình nghĩa gì. Tao cũng cần có bạn, mà kiếm bạn ở trong đám tù có dễ đâu.
Nhưng đó là một thời đã xa, đã 20 năm rồi. Nó chỉ là ký ức đẹp về những người chiến sĩ công an sống có tình. Sống còn biết sợ đến hai chữ "thất đức".

Tôi cũng nhớ anh Kiên, anh Dũng. Hai người cảnh sát đã coi tôi như em, hay cho tôi thuốc lá, tiền khi nhà tôi không đến thăm tôi. Khi còn ở nhà, mỗi khi làm ăn được tôi đều đến thăm người quản giáo cũ là ông Hỷ. Nếu ông đọc được những dòng này, xin ông hiểu tôi không nói về những con người như ông và những người cảnh sát tôi nhắc tên.

Tôi chỉ muốn nói rằng, những người cảnh sát của 20 năm trước đã dần ít đi. Thay thế vào đó là những người cảnh sát có tư cách ngược lại. Kể từ khi nhiều công an được điều động chuyển ngành những chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền. Cũng kể từ khi đó mà bỗng nhiên nhiều vụ công an làm chết người càng nhiều hơn, các mức án cũng nhẹ hơn, các công an đi chùa cũng nhiều hơn. Và đời sống của họ cũng… khá giả hơn.



No comments:

Post a Comment

View My Stats