Monday, 31 March 2014

UKRAINA : MỸ - NGA VẪN BẤT ĐỒNG SAU 4 TIẾNG ĐỒNG HỒ ĐÀM PHÁN (RFI, VOA)




Tú Anh  -  RFI
Thứ hai 31 Tháng Ba 2014

Tối chủ nhật 30/03/2014 tại Paris, cuộc thương lượng giữa hai Ngoại trưởng Mỹ- Nga đã kết thúc trong thất bại. Mỗi bên đều giữ lập trường riêng về tương lai của Ukraina. Sergei Lavrov đề nghị biến Ukraina thành một liên bang. John Kerry bác bỏ mọi quyết định không có người Ukraina tham dự và một lần nữa yêu cầu Nga rút đoàn quân đang áp sát biên giới Ukraina.

Theo hãng tin AFP, cuộc thảo luận giữ hai Ngoại trưởng Mỹ và Nga kéo dài nhiều tiếng đồng hồ vào chiều hôm qua tại tư dinh của đại sứ Nga nằm trong một khu sang trọng ở thủ đô Paris và kết thúc bằng bữa ăn tối.

Tiếp xúc với báo chí, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng hai bên đã nói lên quan điểm dị biệt của mình về căn nguyên nguồn cội dẫn đến căng thẳng tại Ukraina. Điểm đồng thuận duy nhất giữa Mỹ và Nga là tìm một giải pháp ngoại giao cho Ukraina.

Ngoại trưởng Nga một lần nữa nhấn mạnh đến giải pháp « liên bang Ukraina », trong đó quyền lợi của cộng đồng người gốc Nga được bảo vệ.

Đề nghị này đã bị Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bác bỏ với lý do là phải có tiếng nói của chính quyền Ukraina. Một lần nữa, Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu Nga rút quân đang áp sát biên giới Ukraina, một điều kiện để Nga chứng tỏ thiện chí muốn giải quyết khủng hoảng trong hòa bình.

Theo hãng tin AFP, lập trường hai bên vẫn khác biệt sâu đậm. Còn « cấu trúc liên bang » cũng bị Kiev bác bỏ một cách thẳng thừng ăn miếng trả miếng : Nếu giải pháp này tốt thì tại sao chính quyền Nga không thực hiện chế độ liên bang ?

Tại sao Matxcơva không tăng cường quyền lực cho các vùng và công nhận ngôn ngữ của các sắc tộc khác ngoài tiếng Nga trong đó có tiếng Ukraina mà nhiều triệu cư dân ở Nga sử dụng làm tiếng nói chính thức ? Theo bộ Ngoại giao Ukraina thì âm mưu của Nga là muốn Ukraina tan thành từng mảnh.

Sáng nay 31/03/2014, Ngoại trưởng Nga sẽ gặp đồng sự Pháp tại Paris trước khi Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius bay sang Berlin để thảo luận với đồng sự Đức và Ba Lan.

Theo nhận định của AFP, chính quyền Matxcơva không hề có ý định trả Crimée lại cho Kiev sau khi sáp nhập bán đảo chiến lược này bằng áp lực quân sự.

Hôm nay, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev đã đến Sebastopol và tuyên bố để xem xét các biện pháp phát triển « kinh tế và xã hội » của Crimée.

Theo tin từ bộ Quốc phòng Ukraina, vài giờ sau cuộc gặp gỡ Mỹ-Nga tại Paris, quân Nga có dấu hiệu «triệt thoái từ từ». Phía chính quyền Kiev không rõ đây là kết quả của cuộc hội kiến Kerry-Lavrov hay chỉ đơn thuần là một động thái luân chuyển đơn vị.

--------------------------

VOA
30.03.2014

Các cuộc thảo luận ở Paris giữa Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kết thúc vào tối Chủ nhật sau 4 giờ đồng hồ thương thảo nhằm làm dịu tình trạng căng thẳng ở Ukraine.

Mục tiêu của cuộc họp là tìm ra những phương cách hạ giảm khủng hoảng do việc Nga sát nhập vùng Crimea của Ukraine.

Cả 2 phía theo dự kiến sẽ mở cuộc họp báo riêng rẽ đê nói về kết quả cuộc thảo luận.

Cuộc thảo luận được tổ chức tại tư gia của Đại sứ Nga tiếp theo sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm thứ Sáu, về sự cần thiết tìm giải pháp ngoại giao giải quyết cuộc khủng hoảng.

Người ta tin rằng hai nhà ngoại giao thảo luận về kế hoạch cải cách hiến pháp được Ukraine ủng hộ, và việc giải giới các lực lượng không chính qui, vấn đề quan sát viên quốc tế, các quyền của nhóm thiểu số, và các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Ukraine và Nga.

Xuất hiện trên đài truyền hình Nga hôm thứ Bảy Ngoại trưởng Lavrov bác bỏ lời đồn đoán, nói rằng việc binh sĩ Nga tập trung quân đông đảo trong vùng biên giới với Ukraine chẳng có gì khác ngoài việc tập trận.

Ông Lavrov nói rằng Nga không có ý định mà cũng không quan tâm đến việc xâm lăng Ukraine. Ông nói Moscow tin rằng một liên bang cho các chính phủ khu vực quyền tự trị nhiều hơn là cách duy nhất để bảo đảm sự ổn định và trung lập của Ukraine. Có hàng triệu người nói tiếng Nga ở các vùng miền đông của Ukraine.

Trước cuộc họp với Ngoại trưởng Lavrov, Ngoại trưởng Kerry đã có một cuộc họp ngắn với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius.

Trong những ngày gần đây sự tập trung binh sĩ, xe tăng và tàu chiến của Nga gần biên giới Ukraine đã mở rộng đáng kể, tuy nhiên ông Lavrov nói với đài truyền hình nhà nước hôm thứ Bảy rằng Nga không có ý định đưa các lực lượng này vào Ukraine.

Ngoại trưởng Kerry trước đó đang trên đường từ Ả Rập Xê-Út về Washington, nơi Tổng thống Obama đang hội đàm với Quốc vương Abdullah hôm thứ Sáu, khi ông nghe các nhận định của Ngoại trưởng Lavrov. Phi cơ của ông đã đổi hướng, trong khi ngừng để tiếp nhiên liệu tại Shannon, Ái Nhĩ Lan, để bay đến Paris.

Các nước láng giềng của Ukraine – các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã tách ra khỏi Nga trên 20 năm cách nay hơn 20 năm, và các quốc gia vệ tinh của Liên Xô cũ ở Đông Âu đả kích mạnh mẽ việc Nga gây áp lực với Ukraine, và quan điểm của các nước này phản ánh trên toàn các nước Tây Âu.
Đại hội đồng Liên hiệp quốc cũng đã biểu quyết với đa số áp đảo, trước đây trong tháng, phản đối việc Nga sát nhập Crimea.

Hoa Kỳ và các nước đồng minh châu Âu đã bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga, và đã có những chỉ dấu khởi đầu cho thấy các biện pháp này đã ảnh hưởng đến kinh tế Nga.

Hoa Kỳ và các nước khác cũng gây áp lực để Nga cho các quan sát viên quốc tế vào Crimea nhằm bảo đảm thành phần sắc tộc Ukraine ở đó được an toàn, không bị sự trả đũa của lực lượng dân quân ủng hộ Nga, và nhà cầm quyền địa phương.

Các viên chức Mỹ ước lượng Nga đã tập họp khoảng 40.000 binh sĩ đến biên giới Ukraine. Giới chức chính phủ Ukraine cho rằng quân số Nga gia tăng trong các vùng biên giới miền bắc, miền đông và miền nam nước này lên gần 100.000.

Quan hệ giữa Nga và Ukraine xuống dốc gần một tháng trước đây, sau khi các lực lượng Nga tiến vào bán đảo Crimea. Một cuộc trưng cầu dân ý nhanh chóng diễn ra tiếp theo sau,  với thông báo được đưa ra trong một thời gian ngắn, và kết quả là vùng này tuyên bố độc lập tách ra khỏi Ukraine với ý định gia nhập Liên bang Nga.

Sau đó, ông Putin và quốc hội Nga đã sát nhập bán đảo Crimea, biến vùng này thành phần đất của Liên bang Nga.




No comments:

Post a Comment

View My Stats