RFA
2024.03.02
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/china-develops-warehouse-network-along-vietnam-china-border-what-will-happen-to-vietnam-industry-03022024222246.html
Theo thông
tin từ “Bạn đường”, một tạp chí của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
số ra ngày 22 tháng 2, 2024, Trung Quốc đã và còn tiếp tục xây dựng một loạt
các tổng kho khổng lồ chứa hàng hóa dọc theo biên giới Việt Nam. Mục đích của
các tổng kho này là giúp Trung Quốc đưa hàng hóa tới Việt Nam thông qua các sàn
giao dịch thương mại điện tử với thời gian nhanh nhất, chi phí rẻ nhất. Điều đó
chắc hẳn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng Việt Nam vì họ có thể
mua hàng với giá rẻ, được giao hàng với tốc độ nhanh và chi phí thấp. Nhưng mặt
khác, liệu điều này có đem lại tác dụng tiêu cực cho doanh nghiệp Việt Nam hay
không? Đằng sau các tổng kho “siêu to khổng lồ” dọc biên giới Việt Trung này
còn có vấn đề kinh tế chính trị vĩ mô nào khác hay chỉ đơn thuần là thương mại
điện tử? RFA xin ý kiến trao đổi từ một số chuyên gia kinh tế về vấn đề này.
Một
tổng kho của công ty Alibaba (Trung Quốc) tại Hàng Châu, Triết Giang, đang chuyển
hàng bằng robot, ngày 14 /9/2018.(Ảnh minh họa) . Reuters
Mục
đích đầu tiên của các tổng kho biên giới: Thương mại điện tử
Trao đổi với
RFA, Tiến sỹ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy chỉ ra rằng điều đầu tiên Việt
Nam cần xem xét là hầu hết các sàn thương mại điện tử của nước này đều có Trung
Quốc đầu tư. Ông nói:
“Họ có
một chiến lược rất dài hạn. Đầu tiên là họ đầu tư vào các sàn thương mại điện tử.
Bước thứ hai là họ xây dựng các tổng kho chứa hàng hóa dọc theo biên giới. Mục
đích của các tổng kho này là làm cho việc vận chuyển rẻ hơn để thúc đẩy thương
mại điện tử.
Ngoài
ra, Việt Nam cũng tăng cường số hóa, phát triển các hoạt động dựa trên chuyển đổi
số, cho nên hoạt động thương mại điện tử cũng sẽ càng phát triển trong thời
gian tới.
Vì vậy, việc Trung Quốc phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam cũng nằm trong
bối cảnh đó.”
Mặt khác,
theo Tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ, những cơ sở hạ tầng cho hoạt động thương mại mà
Trung Quốc xây dựng dọc theo biên giới Việt Nam không chỉ phục vụ cho việc
chinh phục thị trường Việt Nam mà còn để thực thi chiến lược Vành đai Con đường.
Trung Quốc muốn sử dụng cảng Hải Phòng để chuyển hàng hóa tới Đông Nam Á nhanh
hơn. Ông phân tích:
“Những
công ty thương mại điện tử của Trung Quốc đều đã có cổ phần trong các sàn
thương mại điện tử ở Đông Nam Á.
Cái đó
cũng nằm trong chiến lược chung của họ là bành trướng, khuyếch trương hệ thống
thương mại của họ ở Đông Nam Á.
Việt
Nam và Trung Quốc cũng đã kí với nhau một hiệp ước kinh tế vào năm ngoái. Điều
đó cũng nằm trong chiến lược chung, kết nối kinh tế giữa Trung Quốc với Đông
Nam Á.”
Việt
Nam: bàn đạp cho Trung Quốc khuyếch trương kinh tế xuống Đông Nam Á
Theo TS.
Nguyễn Huy Vũ, Việt Nam đã tham gia vào chiến lược bành trướng kinh tế của
Trung Quốc xuống Đông Nam Á. Việt Nam trở thành một bàn đạp phía nam cho Trung
Quốc. TS. Nguyễn Huy Vũ chỉ ra điều này bằng cách nhìn vào các động thái phát
triển hạ tầng giao thông của Việt Nam:
“Một vấn
đề nữa chúng ta cần để ý là Việt Nam và Trung Quốc có sự hợp tác rất lớn trong
chiến lược thúc đẩy hoạt động thương mại của Trung Quốc đi Đông Nam Á. Bằng chứng
là Việt Nam đã xây dựng một mạng lưới đường cao tốc kết nối Hải Phòng tới biên
giới Trung Quốc. Việt Nam cũng có kế hoạch phát triển mạng lưới đường sắt kết nối
Trung Quốc với cảng Hải Phòng.
Như vậy
Việt Nam trở thành một chặng trung chuyển cho Trung Quốc để phát triển xuống thị
trưởng Đông Nam Á.”
Điều đó chắc
hẳn đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích vì nhận được đầu từ Trung Quốc. Nhưng
trong kinh tế, không có gì chỉ có lợi ích một chiều. RFA đặt câu hỏi với TS.
Nguyễn Huy Vũ là chính sách đó của Việt Nam liệu có ảnh hưởng tiêu cực nào nào
tới nền kinh tế của nước này trong dài hạn hay không? Ông cho rằng nhìn vào vấn
đề vĩ mô thì thấy là Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa nền kinh tế. Việt Nam ký kết
hiệp ước thương mại với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Nền kinh tế
Việt Nam hiện nay là nền kinh tế mở. Hai mươi năm nay, Việt Nam theo đuổi chiến
lược coi xuất khẩu là động lực cho phát triển. Và điều này đương nhiên có mặt lợi
mặt hại của nó. Ông nói tiếp:
“Việc
doanh nghiệp trong nước phải đối chọi với nền sản xuất của Trung Quốc thì phải
nói đã hiện nay đã quá trễ để bảo hộ thương mại cho doanh nghiệp trong nước. Rất
khó để làm điều đó.
Việt
Nam phải chấp nhận việc các doanh nghiệp trong nước phải chấp nhận cạnh tranh với
Trung Quốc hoặc phải đóng cửa. Đó là một mặt trái của chính sách kinh tế mở,
gia nhập toàn cầu hóa của Việt Nam.”
Khi chấp
nhận nền kinh tế mở như vậy thì Việt Nam đón dòng đầu tư từ Trung Quốc. Theo
TS. Nguyễn Huy Vũ, khi vào bảng thống kê xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc
thì chúng ta thấy Trung Quốc xuất sang Việt Nam hàng điện tử, máy móc, hàng đã
qua chế biến. Việt Nam xuất sang Trung Quốc cũng có hàng điện tử, một số mặt
hàng công nghiệp. Điều đó cho thấy quan hệ kinh tế hai nước đã rất khăng khít.
Ông chỉ ra là các công ty Trung Quốc đầu tư sang Việt Nam thì chọn Việt Nam làm
nơi đóng gói, lắp ráp các sản phẩm đã sản xuất chế biến ở Trung Quốc. Như vậy,
họ sử dụng nhân công giá rẻ của Việt Nam.
Theo TS.
Vũ, cái lợi của việc mở cửa như vậy là Việt Nam dựa vào đầu tư của Trung Quốc để
phát triển kinh tế. Còn cái hại là doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh cùng với
Trung Quốc. Họ phải chọn một phân khúc thị trường khác để sống còn. Nhiều doanh
nghiệp Việt Nam sẽ phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh được với hàng hóa giá
rẻ của Trung Quốc.
RFA đặt
câu hỏi với TS. Nguyễn Huy Vũ là xem xét việc Trung Quốc xây dựng mạng
lưới tổng kho dọc biên giới Việt Trung trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ Trung, liệu
có thể phán đoán một trong những mục tiêu khác nữa của Trung Quốc là né tránh
các đòn trừng phạt kinh tế từ phía Âu Mỹ hay không? Nói cách khác, Trung Quốc
muốn mở rộng sản xuất ở Việt Nam, xuất hàng hóa từ Việt Nam vào các thị trường
Âu Mỹ. Bằng cách đó, họ né tránh các đòn trừng phạt kinh tế của phía Mỹ. TS. Vũ
giải đáp:
“Thực tế
là điều đó đã diễn ra rồi. Tôi thấy thương mại hai chiều Việt Trung tăng lên rất
mạnh. Khi giá nhân công Trung Quốc tăng lên thì doanh nghiệp Trung Quốc đã sang
Việt Nam lắp ráp ở khâu cuối, để tận dụng giá nhân công rẻ hơn. Điều đó đã diễn
ra lâu rồi chứ không phải gần đây. Họ lắp ráp ở Việt Nam để chuyển hàng hóa về
Trung Quốc một phần và một phần xuất khẩu tiếp đi các nước khác. Trung Quốc đã
làm như vậy từ rất lâu rồi.
Gần đây
khi căng thẳng thương mại Mỹ Trung lên cao thì Trung Quốc càng tăng cường chiến
lược nói trên hơn nữa, tức chuyển sản xuất sang Việt Nam để xuất đi nơi khác.
Chuyện đó là chuyện rất bình thường.”
Theo TS.
Vũ, có thể đoán là dòng tiền đầu tư của Trung Quốc sẽ sang Việt Nam ồ ạt. Điều
đó có thể giúp GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong nhiều năm nữa. Trả lời
câu hỏi của RFA về một tầm nhìn dài hạn hơn, liệu dòng tiền đầu tư ồ ạt này có
gây ra mặt trái gì cho kinh tế Việt Nam, TS Vũ phân tích:
“Việt
Nam đã chấp nhận cuộc chơi rồi. Bây giờ hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn sang.
Các mặt hàng công nghiệp, chế biến, máy móc đều rất rẻ. Trung Quốc có lợi thế rất
lớn là đông dân nên họ có thể dễ dàng phát triển các ngành công nghiệp của họ
và tiến sang Việt Nam.
Việt
Nam muốn cạnh tranh thì phải thay đổi. Nếu không có gì thay đổi thì các ngành
công nghiệp nhẹ của Việt Nam sẽ dần dần biến mất.”
Kỹ sư
Khiêm Nguyễn, một
chuyên gia cấp cao về công nghệ và kinh doanh của công ty Voyager Space, một
công ty đa quốc gia ở California, Hoa Kỳ, cho rằng Việt Nam có rất nhiều điểm
“thắt cổ chai” khiến doanh nghiệp trong nước không thể phát triển được để có thể
sống cạnh người khổng lồ phía bắc. Vị chuyên gia đã có hàng chục đợt nghiên cứu
về thương mại và công nghệ tại Trung Quốc cho rằng xét riêng về mặt logistics
(tức hậu cần, vận tải), hai điểm nghẽn cản trở doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh
được với Trung Quốc là chi phí vận tải và chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất. Ông cho biết chi phí
vận tải ở Việt Nam cao hơn Trung Quốc 30%. Còn về nguyên liệu sản xuất thì nền
sản xuất công nghiệp nhẹ của Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ
Trung Quốc.
Trong khi
đó, theo Kỹ sư Khiêm Nguyễn, nhà nước Trung Quốc lại có chính sách hỗ trợ doanh
nghiệp tư nhân rất mạnh mẽ để họ phát triển và cạnh tranh với nước ngoài. So
sánh về hoàn cảnh của doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc trong một hệ thống
chính trị giống nhau, Kỹ sư Khiêm Nguyễn nói họ ở hai bối cảnh cảnh khác nhau với
hai cách ứng xử khác nhau:
“Nói một
câu dân giã thì con bò (RFA chú thích: tức doanh nghiệp) bên Trung Quốc vẫn bị
nhốt trong chuồng nhưng người ta cho ăn. Khi vắt sữa thì vắt sữa có chừng mực để
con bò tiếp tục được vỗ béo. Còn con bò ở Việt Nam bị nhốt trong chuồng, không
ai quan tâm cho nó ăn còn vắt sữa thì vắt đến kiệt sức.”
--------------------
Tin,
bài liên quan
THỜI SỰ
Toan
tính củaTrung Quốc sau những lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm
Lý
do Trung Quốc xây tường biên giới với Việt Nam?
Việt
Nam không biết thông tin Trung Quốc đặt tên lửa phòng không gần biên giới?
20
năm ký kết biên giới Việt- Trung trên bộ: Bắc Kinh vẫn muốn Hà Nội nhân nhượng!
Tín
hiệu gì khi VTV chiếu phim về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979?
No comments:
Post a Comment