https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2474379176104850&id=100005983757010
“Bất
bạo động, bạo động tắc tử!” (Đừng bạo động, bạo động là chết!). Tiếng kêu trăm
năm trước của cụ Phan Châu Trinh mang tới hôm nay nhiều tầng suy nghĩ. Đọc câu
người xưa để lại, nhìn sự việc trước mắt, tôi thấy ít nhất ba tầng suy gẫm như
dưới đây…
Tầng
dễ hiểu nhất ta có thể hiểu liền là không nên đem sức mạnh cuốc, thuổng của Việt
Nam đối đầu với sức mạnh cơ khí tiến bộ của Pháp. Kẻ hậu sinh sinh ra giữa thế
kỷ hai mươi là tôi, qua tiếp xúc trực tiếp với không ít người sinh đầu thế kỷ
hai mươi, biết rằng không ít các cụ thuộc giới trí thức xưa đồng ý với nhận định
này. Không thể đem thắng thua luận tính hiệu quả của phương pháp, phải nhìn hậu
quả trăm năm sau…
Tầng
thứ hai là cuộc chiến khiến lòng dân trong một nước chia rẽ. Người suy nghĩ cạn
chăm chăm cho rằng chỉ có hai hạng người, hạng cứu nước quyết tâm giành độc lập
và hạng bán nước ôm chân đế quốc hưởng bơ thừa sữa cặn. Ta có chính nghĩa nên cứ
thẳng tay chém giết bọn bán nước! Những người suy nghĩ cạn đó không biết có biết
bao hạng người khác nhau, kiến thức khác nhau, nhận định khác nhau, con đường lựa
chọn khác nhau, hoài bão khác nhau… Thay vì cố kết những cái khác nhau đó tạo sức
mạnh mềm dẻo và vạn năng, những người suy nghĩ cạn xem tất thảy những người
khác ý kiến là thù địch cần bỏ tù, cần tiêu diệt, từ đó mà tạo nên một cộng đồng,
xã hội èo uột, thui chột…
Tầng
thứ ba là cuộc chiến khiến con người hung ác trong mù quáng. Tham gia cuộc chiến
là tham gia trường học dạy giết người. Thấy máu người riết quen, thấy người bị
giết không còn xúc động. Ta không giết người thì người giết ta. Ác là sống, hiền
là chết! Ngón tay lanh bóp cò súng cần thiết hơn lập luận đúng! Tính hung ác
trong mù quáng được trui rèn bởi cuộc chiến khiến con người ngày càng gần với bản
năng sinh vật và xa các tính cách một xã hội tri thức yêu cầu như tính ham học
hỏi, tính chấp nhận đối thoại, tính hoài nghi khoa học. Thiếu những tính cách
đó, dân trí khó vươn cao nhanh, xã hội khó thoát ra ngoài vòng lẩn quẩn của một
tập hợp những cá nhân thiếu kỷ luật, thiếu kết hợp, thiếu tôn trọng và học hỏi
lẫn nhau… e rằng sẽ mắc bẫy lâu dài trong việc loay hoay tìm hướng đi phát triển
thích hợp nhất!
Nhiều
sự việc xảy ra khi hòa bình lập lại cho thấy nỗi lo sợ của cụ Phan có căn cứ.
Sau bốn mươi chín năm, đất nước loay hoay trong tụt hậu, độ tụt hậu càng xa khi
những quốc gia từng đồng trang phải lứa nay có GDP đầu người ngày càng bỏ xa Việt
Nam… Những trí thức Việt nổi danh Miền Nam và trời Âu, từng ủng hộ cuộc chiến
“Giải Phóng Miền Nam” năm xưa, giờ thở dài, buồn
muốn khóc vì “hòa bình, thống nhất năm mươi năm rồi, càng về sau nước mình càng
đi xuống mau về tri thức, văn hóa. Còn gì nữa đâu! Cái phần duy vật đã hoàn
toàn làm ông chủ phần duy nhân!”.
Nhiều
người cho rằng hậu quả ấy do sự quản trị xã hội không xứng với tiềm năng tăng
trưởng của dân tộc và không theo kịp đà phát triển của thời đại, của thế giới.
Bài viết này nghĩ rằng nguyên nhân nêu trên nếu đúng thì cũng ở tầm gần, nguyên
nhân ở tầm xa hơn nằm trong mối lo của cụ Phan trăm năm xưa: bạo động tắc tử!
Từ
“bạo động” trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước nên được nhìn theo khía cạnh
khác. Đó là sự kình chống lẫn nhau về quan điểm, cách suy nghĩ, lập luận của
hai hay nhiều thành phần trong xã hội, sự kình chống vượt ra ngoài vòng trình
bày và thảo luận ý kiến ôn hòa. Sự kình chống dựa vào quyền lực, vào hệ thống
hành chánh bằng các cấm đoán ý kiến trái chiều. Sự cấm đoán nhiều khi rất nghiệt
ngã. Sự kình chống ấy thoạt nhìn không có tính bạo lực, nhưng nếu suy nghĩ kỹ
ta phải tự hỏi có tính bạo lực đứng phía sau hay không! Và, sự kình chống, cấm
đoán đó có phải là hậu quả của “bạo động” hơn nửa thế kỷ xưa không?
Vượt trên
việc có tính bạo lực hay không của phương cách cấm đoán, sự cấm đoán như vậy tự
trong bản thân nó có mang tính độc tài tư tưởng khiến tự do học thuật bị kìm
hãm rồi triệt tiêu? Có khiến xã hội lâm cảnh ao tù nước đọng? Phải chăng đây mới
là điều “Tắc Tử” lớn nhất mà cụ Phan Châu Trinh lo sợ năm xưa?
Tự
do học thuật bị kìm hãm thì mọi thứ tự do khác trước sau gì cũng bị kìm hãm
theo. Việt Nam đã có tám mươi năm tiếp xúc trực tiếp với phương Tây, Miền Nam
có thêm hai mươi năm trực tiếp sống trong nền tự do, dù chịu ảnh hưởng Hoa Kỳ
thì cũng là một Miền Nam độc lập, do đó Việt Nam cũng có truyền thống tự do và
có lợi thế phát triển trong không khí tự do. Do đó, khi tự do bị kìm hãm ở Việt
Nam, có e rằng đất nước phát triển chậm so với tiềm năng? Điều này có dẫn tới
nguy cơ rất lớn khi Việt Nam càng ở thế bất lợi trong tương quan thực lực về
quân sự, kinh tế với thế lực quốc tế đang muốn khống chế Việt Nam?
Vậy
thì, quốc gia có nên xây dựng lộ trình đem tới tự do thực chất cho Việt Nam, một
lộ trình bảo đảm sự giàu mạnh cho đất nước? Bài viết này tin rằng, với kinh
nghiệm của mình, Việt Nam, nếu muốn, có thể mau chóng xây dựng và thực thi lộ
trình đó!
Ngày
26 tháng 3 năm 2024
L.H.L.V.
No comments:
Post a Comment