Thursday, 28 March 2024

THỊ TRƯỜNG SÁCH GIÁO KHOA : CHỌN SÁCH GIÁ CAO, CÓ LỢI CHO AI? (Chu Mộng Long)

 



THỊ TRƯỜNG SÁCH GIÁO KHOA: CHỌN SÁCH GIÁ CAO, CÓ LỢI CHO AI?  

Chu Mộng Long

27/03/2024   23:15

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/pfbid0LYvxyQZPEcJLNXU744NS9Xa14nFtwbcAi1XVRfFo7ZMxZ3vKEXHvTtgg4UFsjid2l

 

Sắp hết năm học cũ, chuẩn bị cho năm học mới, giá sách giáo khoa lại trở thành ám thị nặng nề đối với các phụ huynh. Nếu làm đúng tinh thần thị trường tự do, quyền lựa chọn sách thuộc về người dạy và người học thì mọi việc đơn giản. Người mua sẽ chọn sách chất lượng tốt, giá thành rẻ, hợp với túi tiền của họ. Ở đây, mọi sự lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại, bởi sau nhiều lần điều chỉnh, quyền lựa chọn vẫn không thuộc về người dạy và học.

 

Dẫu có trao quyền lựa chọn cho cấp tỉnh hay cấp huyện, cấp sở, phòng hay hiệu trưởng với những hội đồng mang tính lợi ích nhóm thì khó có sự lựa chọn khách quan, vô tư vì người học. Dư luận xôn xao vì các hội đồng đó được định hướng lựa chọn sách giá cao. Chất lượng thì khó bàn, bởi nhà chuyên môn còn cãi nhau, huống hồ là một hội đồng được lập ra với ý chí của quyền lực, rất dễ bị thao túng và định hướng theo lợi ích nhóm.

 

Vì sao người ta chọn sách giá cao? Đơn giản là lợi ích của thứ hoa hồng mà hàng năm các nhà xuất bản phải chi ra với toan tính cho sách mình được lựa chọn nhiều nhất. Giá càng cao, lợi ích hoa hồng càng lớn. Nếu cơ quan chức năng không điều tra, sẽ không có bằng chứng, bởi có thể khoản chi này chỉ trao tay và hợp thức hóa bằng chi phí giao dịch, quảng cáo, tiếp thị…

 

Theo tôi được biết, Nhà xuất bản Giáo dục, kể từ khi bị thanh tra, điều tra, giá sách giáo khoa của nhà xuất bản này buộc phải bị khống chế và hạ giá ở mức hợp lý nhất. Trong khi đó các nhà xuất bản ngoài phạm vi khống chế của nhà nước, giá vẫn cao ngất ngưởng.

Chẳng hạn, bộ sách trong tay tôi là Tiếng Anh 1, 2 của hai nhà xuất bản: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Trong khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi giá 42.000đ/1 tập thì Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh ghi giá 78.000đ/1 tập. Gần gấp đôi. Trong khi, không nói về chất lượng chuyên môn, ở đây bìa, giấy, khổ, số trang và kỹ thuật in ấn là tương đương. Cả hai cùng một thị trường chất liệu và kỹ thuật, tức cùng giá thành chi phí chứ không lẽ Nhà xuất bản Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh in ấn ở nước ngoài với thị trường mà mức thu nhập cao gấp đôi Việt Nam?

 

 https://www.facebook.com/photo/?fbid=8216903501657154&set=pcb.8216929958321175

Sách Tiếng Anh của Nhà xuất bản Giáo dục và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Các loại sách khác cũng có biểu giá chênh lệch tương tự. Ảnh: Tác giả chụp

 

Khi Quốc hội chất vấn vì sao giá sách giáo khoa cao gấp ba, bốn lần so với sách cũ, những người có trọng trách đều trả lời đơn giản như đang giỡn, rằng do sách mới in khổ to, giấy đẹp, hình ảnh nhiều màu. Vậy thì chênh lệch giá như trên là do đâu? Tôi buộc phải hình dung, cái giá cao ấy là do các hoạt động lobby nằm ngoài sự kiểm soát, đặc biệt là hoa hồng, chứ không hẳn là chi phí chính đáng.

 

Chỉ khống chế giá của Nhà xuất bản Giáo dục, tức trong phạm vi nhà nước, trong khi các nhà xuất bản khác tự do bốc giá lên trời vẫn chiếm ưu thế thị phần, thiệt hại thuộc về ai? Tất nhiên, thiệt hại trước hết là nhà nước. Nhà nước cũng cần thị phần, cần lãi suất để tái đầu tư chi phí sản xuất, chi lợi nhuận cho cổ đông và trả lương cho người lao động.

 

Thiệt hại cho nhà nước cũng là thiệt hại cho nhân dân, vì sách giá thấp nhưng nhân dân lại chẳng được hưởng gì khi sách của nhà nước không hoặc ít được lựa chọn. Ngược lại, với giá thành cao và khả năng thao túng thị trường, các nhà xuất bản ngoài phạm vi khống chế của nhà nước sẽ đoạt lợi nhuận khổng lồ. Lợi cho nhà xuất bản và lợi cho các cá nhân quyền lực đứng đằng sau chỉ đạo cho sự lựa chọn sách.

 

Tỉ suất hoa hồng gắn liền với giá thành sản phẩm, dù là 10 hay 15%, hợp pháp hoặc tùy “hảo tâm”. 10% hay 15% tưởng nhỏ nhưng chiết khẩu từ tổng giá thành sản phẩm thành khổng lồ. Giá thành bán ra gấp đôi thì hoa hồng lót tay cho một lựa chọn cũng tăng lên cấp số nhân. Kẻ kinh doanh tử tế vì người tiêu dùng sao có thể cạnh tranh nổi?

 

Nghịch lý trên đến lúc phải giải quyết triệt để, chứ không phải bằng những văn bản điều chỉnh cải lương để đối phó với dư luận. Một mặt, Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên bố, sách giáo khoa chỉ là tham khảo, đề kiểm tra, đánh giá không được lấy từ sách giáo khoa. Mục đích có vẻ thiện chí để giải quyết câu chuyện dù là sách có được lựa chọn thế nào thì cũng không quyết định chất lượng đầu ra của dạy và học. Quyền quyết định tối cao vẫn là người học.

 

Nhưng chủ trương ấy cải lương ở chỗ, ai dám mua sách nằm ngoài định hướng khi mà con em họ hàng ngày phải học các bộ sách nằm trong định hướng? Một định hướng sách giá thành cao và làm lợi cho các nhóm lợi ích là kết quả của một cuộc cải cách giáo dục có vẻ đúng với quy luật đa dạng hóa thị trường sách đấy ư?

 

Quan điểm của tôi: Dẫu là nhà xuất bản của nhà nước, nhưng khi đã cổ phần hóa, nhà xuất bản của nhà nước cũng phải tồn tại và được đối xử bình đẳng với tư nhân. Sự thiên vị về phía nhà nước hay tư nhân đều có thể tạo nên cái quái thai của thị trường, dù là thị trường hàng hóa hay thị trường giáo dục.

 

Ở thị trường giáo dục, thiệt hại không chỉ tính bằng vật chất mà còn thiệt hại về tinh thần. Vì khi giá cao chiếm ưu thế, kẻ kinh doanh sợ gì không giảm chất lượng ở mức thấp nhất?

 

.

10 BÌNH LUẬN  

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats