Bulgarie
và Rumani chính thức gia nhập khối Schengen sau 13 năm chờ đợi
Thu Hằng - RFI
Đăng
ngày: 30/03/2024 - 11:30
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240330-bulgarie-v%C3%A0-rumani-ch%C3%ADnh-th%E1%BB%A9c-gia-nh%E1%BA%ADp-kh%E1%BB%91i-schengen-sau-13-ch%E1%BB%9D-%C4%91%E1%BB%A3i
Khối
Schengen chính thức có thêm hai thành viên mới là Bulgarie và Rumani từ ngày
31/03/2024. Khu vực tự do lưu thông châu Âu, được thành lập năm 1985, từ giờ sẽ
có 29 thành viên, trong đó có 25 trên tổng số 27 nước Liên Hiệp Châu Âu và 4 nước
láng giềng Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein.
Bảng
hiệu cổng bay Schengen tại Sân bay Quốc tế Henri Coanda ở Otopeni, Rumani. Hình
ảnh ngày 28/03/2024. AP - Andreea Alexandru
Tuy nhiên,
theo AFP, tự do lưu thông mới chỉ được áp dụng tại các sân bay và hải cảng. Hai
nước thành viên mới vẫn bị hạn chế về lưu thông đường bộ do Áo, nước duy nhất
trong Liên Hiệp Châu Âu, phủ quyết vì lo sợ làn sóng xin tị nạn. Biện pháp kiểm
soát vẫn được áp dụng trên các trục lộ, khiến giới tài xế đường dài phẫn nộ. Ví
dụ, « chỉ có 3% hàng hóa Bulgari được chuyển bằng đường biển và
hàng không, 97% là đường bộ », theo Vassil Velev, chủ tịch tổ chức
BICA (Bulgarian Industrial Capital Association).
Chính quyền
Rumani cho biết trong suốt tuần qua, các sân bay ở thủ đô Bucarest đã tái bố
trí và tăng cường lực lượng để tiến hành kiểm tra đột xuất, nhất là đối với trẻ
vị thành niên « nhằm tránh việc các em trở thành con mồi cho các mạng
lưới buôn người ». Nhân viên sân bay sẽ có nhiệm vụ « hướng
dẫn hành khách và nhận diện những người có thể lợi dụng biện pháp này để rời
Rumani bất hợp pháp ».
Dù mới chỉ
áp dụng một phần, biện pháp mới có ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ cho người dân
Bulgarie và Rumani. Ví dụ Croatia, nước gia nhập Liên Âu sau Rumani (19 triệu
dân) và Bulgarie (6,5 triệu dân), lại trở thành thành viên khối Schengen từ
tháng 01/2023. Chính quyền Sofia và Bucarest hy vọng thủ tục sẽ được hoàn tất
trong năm 2024 để hai nước được hưởng trọn vẹn quyền tự do lưu thông trong khối
Schengen.
Đó còn
là « cả câu chuyện về phẩm giá », theo Stefan Popescu, chuyên
gia về quan hệ đối ngoại ở Bucarest, vì « người Rumani, khi phải
đi qua một lối đi riêng so với những công dân Liên Âu khác, luôn cảm thấy bị
phân biệt đối xử ». Nhà phân tích này cho rằng việc gia nhập
Schengen « sẽ tạo thuận lợi cho quá trình Rumani hội nhập Liên
Âu ».
No comments:
Post a Comment