Sunday, 31 March 2024

NGA MƯỢN CỚ LÀ "NẠN NHÂN CHIẾN TRANH" ĐỂ "QUÂN SỰ HÓA" TOÀN DÂN (Trọng Thành / RFI)

 



 

Nga mượn cớ là nạn nhân ‘‘chiến tranh’’ để ‘‘quân sự hóa’’ toàn dân

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 30/03/2024 - 17:09

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20240330-matxc%C6%A1va-m%C6%B0%E1%BB%A3n-c%E1%BB%9B-nga-l%C3%A0-n%E1%BA%A1n-nh%C3%A2n-chi%E1%BA%BFn-tranh-%C4%91%E1%BB%83-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1-h%C3%B3a-to%C3%A0n-d%C3%A2n

 

Đối với cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, ngày 22/03/2024 có thể là một cái mốc. Điện Kremlin lần đầu tiên sử dụng từ ‘‘chiến tranh’’, từ ngữ vốn bị nghiêm cấm kể từ khi Matxcơva khởi sự cuộc chiến với tên gọi chính thức là ‘‘chiến dịch quân sự đặc biệt’’. Giới quan sát lo ngại đây là dấu hiệu báo trước việc Nga sẽ ban bố lệnh ‘‘tổng động viên’’, huy động thêm quân cho cuộc chiến chống Ukraina.

 

https://s.rfi.fr/media/display/fdb52f5c-d62c-11ee-96c8-005056bf30b7/w:980/p:16x9/kremlin%20putin%20propaganda.webp

Ảnh minh họa : Chế độ Putin tạo dựng hình ảnh nước Nga nạn nhân của chiến tranh do phương Tây phát động. © Studio Graphique France Média Monde

 

Ít giờ sau tuyên bố nói trên, một nhà hát ở ngoại ô thủ đô nước Nga bị tấn công, khiến hơn 140 người chết. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhận đứng sau vụ khủng bố nhưng Matxcơva tìm mọi cách đẩy trách nhiệm về phía Ukraina và phương Tây. Ngoại trưởng Ukraina công du New Delhi nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Ấn Độ. Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ từ chối nhập khẩu dầu mỏ Nga, do áp lực Mỹ. Giới nhân quyền tại Israel chống lại quyết định của chính phủ nước này cưỡng ép trẻ em Palestine, đang điều trị ung thư ở Jerusalem, trở về địa ngục trần gian ở Gaza. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

 

                                                  ***

Vụ khủng bố kinh hoàng nhắm vào nhà hát Crocus có phần làm lu mờ một diễn biến đáng chú ý khác trước đó ít giờ. Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, nhắc đến việc đất nước ‘‘đang trong tình trạng chiến tranh’ trong hai cuộc trả lời báo giới. Ông Peskov nhấn mạnh, ‘‘về mặt chính thức’’, cuộc chiến tại Ukraina ‘‘vẫn là chiến dịch đặc biệt, nhưng về mặt thực tế, đây đã là một cuộc chiến tranh’’.

Ngôn từ lắt léo : ‘‘Chiến tranh’’ là phi nghĩa, ‘‘chiến dịch quân sự’’ là chính nghĩa

 

Vì sao với Matxcơva, phân biệt ‘‘chiến tranh’’ với ‘‘chiến dịch đặc biệt’’ lại quan trọng ? Từ ‘‘chiến tranh’’ vốn là từ bị cấm dùng để chỉ cuộc xâm lăng. Người phạm luật có thể bị phạt tới 15 năm tù. Tính đến tháng 1/2024 vừa qua, tổng cộng đã có 350 người bị truy tố. Báo chí Pháp tìm cách giải mã những lắt léo về ngôn từ trong các tuyên bố của Matxcơva. Theo Le Figaro, trên thực tế, từ ngữ ‘‘chiến tranh’’ vốn đã được nhiều lãnh đạo cao cấp Nga sử dụng, nhưng không phải là để gọi tên cuộc chiến xâm lăng của Nga chống Ukraina, mà để lên án cuộc chiến của phương Tây chống Nga tại Ukraina.

 

·        Đọc thêm - Nhà báo Pháp : Châu Âu có thể lại bị Putin « xỏ mũi »

 

Trong thông điệp Liên bang hôm 29/02/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin nói: "chúng ta không gây chiến tại vùng Donbass, nhưng chúng ta nhất định làm tất cả để chấm dứt nó’’. Nói tóm lại, Nga không phải là thủ phạm mà là nạn nhân. Và với Matxcơva, "chiến dịch quân sự đặc biệt’’ là cuộc chiến chính nghĩa trong phạm vi hạn chế để đáp trả cuộc chiến tranh phi nghĩa. 

 

.

Cổ vũ cho ‘‘tình trạng chiến tranh’’ : Nhà cầm quyền rảnh tay hơn

 

Vì sao điện Kremlin đưa ra tuyên bố lúc này ? Theo Le Figaro, thông điệp này rõ ràng là hướng đến phương Tây, như lời giải thích của phát ngôn viên Peskov, ‘‘một khi tất cả các nước phương Tây đứng về phía Ukraina, thì đối với chúng ta, đây là một cuộc chiến tranh’’. Tuyên bố của ông Peskov được đưa ra sau khi các nước châu Âu khẳng định đoàn kết sát cánh với Kiev, nước Pháp tuyên bố không loại trừ khả năng phương Tây gửi quân hỗ trợ Ukraina. Điều đáng chú ý là sau tuyên bố của Peskov, người dân Nga chắc chắn vẫn bị cấm sử dụng từ ‘‘chiến tranh’’, nhưng nhà cầm quyền Nga sẽ rảnh tay hơn nhiều trong việc mở rộng tuyên truyền để huy động dân chúng. Phát ngôn ngôn viên nói đến ‘‘chiến tranh’’ là nhằm thuyết phục người dân hành động theo đòi hỏi của chế độ. Phát ngôn viên điện Kremlin huấn thị: ‘‘Mỗi người phải hiểu điều này có ý nghĩa gì để chủ động tham gia’’.

 

·        Đọc thêm - Crimée bị sáp nhập : Sự ra đời của chủ nghĩa đế quốc Nga mới

 

Thông điệp của phát ngôn viên Peskov gợi nhắc đến một đợt động viên lớn lần thứ hai (tiếp theo đợt động viên hơn 300.000 người Nga hồi tháng 9/2022). Theo chuyên gia về chiến tranh Ukraina, Huseyn Aliyev, Đại học Glasgow, Anh Quốc, được đài France 24 dẫn lời, ‘‘chiến dịch đặc biệt’’ đồng nghĩa với một cuộc chiến xa xôi, ít ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của dân Nga. Với tuyên bố ‘‘có chiến tranh’’, điện Kremlin rõ ràng muốn lôi cuốn toàn dân Nga vào cuộc.

 

Kích động dân Nga thù hận phương Tây : Mưu đồ của điện Kremlin

 

Ông Jeff Hawn, trường London School of Economics, nhấn mạnh phát biểu này là ‘‘một giai đoạn quan trọng trong việc xây dựng diễn ngôn tuyên truyền cho cuộc chiến (của Nga) chống phương Tây nói chung, và trong đó Ukraina chỉ là một chiến trường’’. Giới quan sát chú ý đến việc hai ngày trước tuyên bố của Peskov, bộ Quốc Phòng Nga thông báo thành lập hai tập đoàn quân mới, với quân số ước tính 200.000 người.

 

Chế độ Putin dường như đã thành công trong việc khiến một bộ phận người Nga tin rằng có bàn tay của Ukraina trong vụ khủng bố. AFP dẫn lời nhà đạo diễn 29 tuổi, Ivan Marnitch, có một người bạn bị khủng bố giết hại, cho rằng ‘‘phải có người Ukraina, có một tài phiệt Ukraina’’ đằng sau những chuyện này. Mẹ của Ivan, bà Elena Marnitch, 65 tuổi, cho rằng kẻ chủ mưu chính là Ukraina, và việc các thủ phạm trực tiếp là dân Trung Á Tadjikistan, chỉ là nhằm để dễ bề quy tội cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

 

·        Đọc thêm : Putin nhồi sọ dân Nga về “một Ukraina phát xít” như thế nào ?

 

Trong lúc tổng thống Nga liên tục tìm cách để hướng nghi ngờ về việc những kẻ khủng bố có căn cứ tại Ukraina, ngày 26/03, đích thân lãnh đạo cơ quan an ninh Nga FSB, Alexandre Bortnikov, trực tiếp đưa ra phỏng đoán là ‘‘Ukraina và phương Tây’’ đã tạo điều kiện cho vụ khủng bố. Cả lãnh đạo tình báo Nga Nikolai Patrouchev cũng nhấn mạnh thủ phạm ‘‘chắc chắn’’ là Ukraina, cho dù không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.

 

.

‘‘Quân sự hóa toàn dân’’

 

Vụ khủng bố nhà hát Crocus có nguy cơ trở thành một tác nhân ‘‘giúp’’ chế độ Putin kích động tình cảm hận thù, kích động người Nga đối đầu với Ukraina và với phương Tây nói chung. Một số nhà quan sát cũng chú ý đến phát biểu của người được mệnh danh là ‘‘bộ não’’ của chế độ Putin, Aleksandr Dugin, đưa ra ít ngày trước tuyên bố đất nước ‘‘có chiến tranh’’, kêu gọi ‘‘quân sự hóa’’ toàn bộ xã hội Nga, từ kinh tế đến giáo dục, tư tưởng, để bảo đảm giành chiến thắng. Quan điểm được hãng tin nhà nước Nga Novosti đăng tải. Không cần đợi đến vụ khủng bố, chế độ Putin đã sẵn sàng cho việc tăng tốc quân sự hóa nước Nga.

 

·        Đọc thêm - Sử gia Françoise Thom: ‘‘Cho đến nay, người Nga vẫn coi nước Nga là một đế chế’’

 

Không chỉ ‘‘bộ não’’ của Putin nói đến việc ‘‘quân sự hóa toàn dân’’. Những nhà nghiên cứu làm việc trong các cơ sở nghiên cứu gọi là độc lập ở Nga, như ông Rouslan Poukhov, một chuyên gia về quân sự, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Pháp, hôm 29/03, cũng khẳng định truyền thống từ dăm bảy thế kỷ nay của nước Nga, từ Ivan Đại đế cho đến chế độ cộng sản Xô Viết, cũng như nước Nga hiện nay, là ‘‘huy động toàn lực cho chiến tranh nếu cần, về quân sự, kinh tế, cũng như văn hóa’’, ‘‘để đặt đối phương trước lựa chọn, hoặc trả giá vô cùng lớn, hoặc phải chấp nhận thỏa hiệp với Nga’’.

 

Vận động hòa bình cho Ukraina : Ấn Độ nỗ lực hơn ?

 

Về cuộc chiến xâm lăng Ukraina, có một diễn biến đáng chú ý từ phía Ấn Độ, quốc gia cho đến nay vẫn giữ vị trí ‘‘trung lập’’. Lần thứ hai kể từ đầu chiến tranh, hôm thứ Tư tuần trước 20/03, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi điện đàm với lãnh đạo Nga và lãnh đạo Ukraina trong cùng một ngày. Thủ tướng Ấn Độ nhắc lại với lãnh đạo hai nước là chỉ có con đường đối thoại và ngoại giao mới cho phép chấm dứt chiến tranh.

 

Thêm một dấu hiệu cho thấy vai trò gia tăng của Ấn Độ. Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba công du Ấn Độ tuần này. Theo AFP, hôm qua 29/03, sau cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước, ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cho biết hai bên đặt mục tiêu thúc đẩy trở lại quan hệ thương mại song phương như thời trước chiến tranh.

 

Về cuộc hội kiến này, báo chí Ukraina nhấn mạnh đến thông báo của ngoại trưởng Kouleba về việc hai bên tập trung thảo luận về ‘‘Kế hoạch hòa bình’’ do Ukraina đề xuất. ‘‘Kế hoạch hòa bình’’ của Ukraina được coi là tâm điểm của một hội nghị về hòa bình cho Ukraina, do Thụy Sĩ nhận đăng cai. Theo báo chí Thụy Sĩ hôm 22/03, ngành ngoại giao Thụy Sĩ đang liên tục có các vận động, đặc biệt với các nước phương Nam thuộc nhóm BRICS. Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis cho hay, để bảo đảm thành công, thời điểm tổ chức hội nghị có thể phải hoãn lại, và không loại trừ việc ‘‘tổ chức hai hội nghị’’ riêng rẽ trong giai đoạn quá độ, để có thể thu hẹp khoảng cách giữa các phe. Cho đến nay Nga bác bỏ việc tham gia vào hội nghị hòa bình do Thụy Sĩ tổ chức, Trung Quốc thì kêu gọi để hội nghị hòa bình có kết quả, cần có sự tham gia của Nga.

 

.

Ấn Độ ngừng nhập dầu mỏ từ tập đoàn nhà nước Nga

 

Vẫn về chuyến công du Ấn Độ của ngoại trưởng Ukraina, trước chuyến đi này, ông Kouleba đã lên án việc Ấn Độ nhập khẩu dầu mỏ từ Nga là tiếp tay cho cuộc xâm lăng của Ukraina, ‘‘đằng sau mỗi thùng dầu Nga nhập về Ấn Độ là máu của người Ukraina.’’ Trên thực tế, ngay trước chuyến công du Ấn của ngoại trưởng Ukraina, việc nhập khẩu dầu Nga vào Ấn Độ đã bị đình trệ, do lo ngại bị Mỹ trừng phạt. Theo thông tin của nhiều hãng truyền thông quốc tế hôm 25/03, tất cả các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ, bao gồm các công tư nhân và nhà nước, đều đang từ chối nhập dầu thô của Nga qua các phương tiện của tập đoàn vận tải dầu mỏ Sovcomflot. Nhiều tàu chở dầu Nga đang neo đậu ngoài khơi từ nhiều tuần nay.

 

Ấn Độ là khách hàng dầu mỏ Nga thứ hai sau Trung Quốc. Hồi năm ngoái, công ty nhà nước Nga Sovcomflot vận chuyển khoảng một phần năm sản lượng dầu thô của Nga sang Ấn Độ. Kể từ giờ, dầu Mỹ sẽ thay cho dầu Nga. Theo Reuters, khoảng 250.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Mỹ dự kiến sẽ đến Ấn Độ vào tháng tới, mức cao nhất từ hơn một năm nay. Theo chuyên gia Janis Kluge, cộng tác viên cấp cao về Đông Âu và khu vực Á-Âu tại Viện An ninh và Quốc tế Đức, Berlin, việc Ấn Độ ngừng nhập dầu từ Sovcomflot cho thấy tác động lớn của các lệnh trừng phạt Mỹ, tuy điều này không giải quyết được nạn Nga bán dầu ra ngoài thông qua ‘‘các đội tàu ma’’, nhưng sẽ buộc Nga phải tăng chi phí vận chuyển cho các hoạt động xuất khẩu.

 

·        Đọc thêm - Dầu hỏa : « Hạm đội ma », cánh tay đắc lực giúp Nga lách trừng phạt quốc tế

 

Áp lực gia tăng của Mỹ diễn ra trong bối cảnh 290 tổ chức xã hội dân sự phương Tây và quốc tế, nhân dịp tròn hai năm Nga xâm lược Ukraina, kêu gọi phương Tây ‘‘ngừng tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Nga’’, với việc bịt các lỗ hổng trong hệ thống các trừng phạt nhắm vào hoạt động xuất khẩu dầu khí, nguồn thu chủ yếu của Matxcơva.

 

.

Trẻ Palestine điều trị ung thư bị đe dọa trả về địa ngục trần gian ở Gaza

 

Về cuộc chiến tranh tại dải Gaza, truyền thông Pháp đặc biệt chú ý đến số phận của nhiều em nhỏ Palestine, đang điều trị ung thư tại đông Jerusalem, bị chính quyền Israel quyết định trả về vùng lãnh thổ Gaza, đang chìm trong bạo lực và đói khát. Thông tín viên Sami Boukhelifah tường trình từ Jerusalem :

 

‘‘Tại khoa ung bướu nhi, bệnh viện Augusta Victoria ở khu vực đông Jerusalem, có một số trẻ em đến từ Gaza, như Amira 12 tuổi. Em bị liệt nửa người vì u não. Sau nhiều tháng điều trị, xạ trị và phục hồi chức năng, cô bé giờ đây đã đi lại được.

 

Bé Amira nói: “em không muốn quay lại Gaza. Em ước gì cha em và chị em đang ở đó có thể rời khỏi Gaza.Và tất cả gia đình sẽ đi nơi khác ... Ở đó họ đang trong nguy hiểm, nhà đã bị bom phá hủy. Tất cả đã biến thành cát bụi, giống như phần còn lại của Gaza. Gaza là quê hương em, nhưng em vẫn cần được chăm sóc ở đây. Em không thể sống trong một căn lều ở đó. Em vẫn đang điều trị ở đây để có thể đi lại và tay em giờ đã hoạt động bình thường. Hãy dừng cuộc chiến này lại!’’. Amira bật khóc.

 

Ở bên cạnh Amira, người mẹ Imane Sabbagh thừa nhận bà bất lực. Bà nói : ‘‘Tôi vô cùng đau khổ. Đôi khi Amira nói với tôi rằng nó muốn ở lại đây, và đôi khi nó nói nhớ cha và chị gái đến mức sẵn sàng quay trở lại Gaza và chết cùng họ. Tôi chẳng có cách nào cả. Tôi đang nhờ các bác sĩ ở đây giúp đỡ. Lẽ ra tôi phải mạnh mẽ vì con gái mình, nhưng giờ tôi không còn sức lực nữa. Trở lại Gaza ư? Ở đó, tôi thậm chí còn chẳng thế tìm được cho con gái mình một viên thuốc doliprane để giảm đau. Cùng lúc đó, đứa con gái kia của tôi đang ở Gaza thì gọi cho tôi và nói con muốn mẹ về.”

 

Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Fadi Al Atrach, đang đấu tranh để những đứa trẻ thuộc nhóm 50 bệnh nhân người Gaza, có thể được phép ở lại Jerusalem : Tôi không thể đưa họ trở lại Gaza, đấy sẽ là án tử hình đối với họ. Đó là một khu vực chiến tranh. Ngay cả những người khỏe mạnh cũng không thể sống sót ở đó.”

 

Số phận đau thương của các em nhỏ đang chờ quyết định của Tòa án Tối cao Israel chỉ là phần nổi của tảng băng chìm địa ngục trần gian ở dải Gaza, nơi đa số các bệnh viện bị Israel phá hủy, người dân đói khát, và khoảng 10.000 người bị ung thư đang phải sống trong tình cảnh tuyệt vọng.

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐIỂM TUẦN BÁO

Putin chuẩn bị chiến tranh từ 20 năm, Tập Cận Bình mơ đến 2027 chiếm Đài Loan

 

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Nga khai thác quá khứ vì mục đích chính trị và địa chính trị - Phần I

 

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Chiến thuật bốn bước của Matxcơva chinh phục châu Âu

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats