Sunday, 31 March 2024

PHÁP : DỰ LUẬT TẠO THUẬN LỢI, NHƯNG PHỤ NỮ VẪN GẶP TRỞ NGẠI KHI TỰ NGUYỆN CHÂM DỨT THAI KỲ (Thùy Dương / RFI)

 



Pháp : Dù luật tạo thuận lợi, nhưng phụ nữ vẫn gặp trở ngại khi tự nguyện chấm dứt thai kỳ   

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 29/03/2024 - 13:24

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20240329-ph%C3%A1p-d%C3%B9-lu%C3%A2%CC%A3t-t%E1%BA%A1o-thu%E1%BA%ADn-l%E1%BB%A3i-nh%C6%B0ng-ph%E1%BB%A5-n%C6%B0%CC%83-v%C3%A2%CC%83n-g%E1%BA%B7p-tr%E1%BB%9F-ng%E1%BA%A1i-khi-t%E1%BB%B1-nguy%E1%BB%87n-ch%E1%BA%A5m-d%E1%BB%A9t-thai-k%E1%BB%B3

 

Giới nữ và những người bảo vệ phụ nữ và quyền chấm dứt thai kỳ tại Pháp năm 2024 đón chào Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08/03 với một quyết định mang tính lịch sử : Quyền tự nguyện chấm dứt thai kỳ được ghi vào Hiến Pháp. Đương nhiên, không phải chính quyền khuyến khích phá thai, mà là muốn bảo đảm rằng quyền tự nguyện chấm dứt thai kỳ được Hiến Pháp bảo vệ.

 

https://s.rfi.fr/media/display/8d8ef976-ddd2-11ee-8d22-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP24068584472208.webp

Tại Paris, ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08/03/2024, tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong buổi lễ đóng dấu lên đạo luật ghi quyền tự nguyện chấm dứt thai kỳ vào Hiến Pháp. © AP - Gonzalo Fuentes

 

Trước đó, hôm 04/03, tại phòng hội nghị của cung điện Versailles, ngoại ô Paris, Quốc Hội lưỡng viện Pháp đã thông qua việc ghi quyền « tự nguyện chấm dứt thai kỳ » vào điều khoản 34 của Hiến Pháp, với số phiếu ủng hộ áp đảo : 780 phiếu thuận trên tổng số 925 dân biểu và thượng nghị sĩ. Điều luật mới quy định phải bảo đảm điều kiện cho phụ nữ thực hiện quyền tự nguyện chấm dứt thai kỳ.

 

Đây được xem là một « bước ngoặt mang tính lịch sử » trong cuộc chiến bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ, trong bối cảnh Tòa án Tối cao Hoa Kỳ hồi tháng 06/2022 đã hủy bỏ quyền phá thai, trong khi ở nhiều khu vực trên thế giới, thậm chí ngay tại châu Âu, cũng nổi lên một số phong trào tìm cách hạn chế quyền phá thai, thậm chí nghiêm cấm việc phá thai cho dù việc ép buộc duy trì thai kỳ có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người phụ nữ …

 

Cũng giống như mọi khi, quyết định của Quốc Hội lần này cũng vấp phải ý kiến trái chiều và các cuộc biểu tình ăn mừng, hay phản đối của mỗi phe : Nếu như phe ủng hộ quyền phá thai xem đây là « niềm tự hào », « bước tiến mang tính lịch sử » cho phép phụ nữ có quyền định đoạt thân thể và quyền được lựa chọn cuộc sống theo ý muốn, thì phe chống phá thai lại coi đó là « nỗi hổ thẹn » của nước Pháp. Tòa Thánh cũng chỉ trích gay gắt

việc nước Pháp ghi vào Hiến Pháp điều mà Vatican gọi là « quyền loại bỏ sự sống của một con người »

 

.

Chiến thắng chính trị

 

Dẫu sao, nước Pháp cũng đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới xem « quyền tự nguyện chấm dứt thai kỳ » là quyền Hiến định, một thắng lợi chính trị của chính quyền Macron sau 18 tháng dự luật được thảo luận và lần lượt được Hạ Viện và Thượng Viện thông qua, nhất là trong bối cảnh đảng cực hữu đang trên đà tiến, nhiều người lo sợ trong kỳ bầu cử tổng thống Pháp tới đây, vào năm 2027, nếu đảng cực hữu thắng cử, rất có thể quyền phá thai sẽ bị siết chặt.

 

Việc quyền phá thai được bổ sung vào Hiến Pháp chắc chắn sẽ làm giảm bớt nguy cơ lệnh cấm hoặc hạn chế mà đảng chính trị chiếm đa số trong tương lai có thể muốn thiết lập. Tổng thống Pháp đã nói đến nguyện vọng đưa quyền phá thai trở thành quyền « không thể đảo ngược ». Nói cho chính xác thì không hẳn là quyền Hiến định là quyền không thể xóa bỏ hay chỉnh sửa. Nhưng về nguyên tắc, việc sửa đổi Hiến Pháp không hề đơn giản, đòi hỏi hoặc phải thông qua trưng cầu dân ý, hoặc có sự thông qua của Hạ Viện, Thượng Viện, sau đó là việc triệu tập Quốc Hội lưỡng viện. Và để sửa đổi Hiến Pháp, cuộc họp của Quốc Hội lưỡng viện phải thu được số phiếu ủng hộ của tối thiếu 3/5 tổng số dân biểu và thượng nghị sĩ. Quy trình phức tạp này đương nhiên sẽ cản trở phần nào ý định hạn chế hay hủy bỏ quyền phá thai.

 

.

« Thừa thắng tiến lên », Pháp muốn sửa đổi Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên Hiệp Châu Âu

 

Trên đà thắng lợi mang tính biểu tượng, các dân biểu đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất và nhiều vị bộ trưởng đã bày tỏ ý định đề xuất lên Nghị Viện Châu Âu dự thảo ghi quyền tự nguyện chấm dứt thai kỳ vào Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên Hiệp Châu Âu, cũng nhằm ngăn chặn ý đồ của các đảng cực hữu ở nhiều nước trong khối, nhất là là các nước Đông Âu, cấm cản việc phá thai, xu hướng vốn dĩ bị chính quyền Pháp chỉ trích là bước « thụt lùi ».

Chẳng hạn, trên đài RFI Pháp ngữ ngày 04/03, dân biểu đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, Manon Aubry, dẫn đầu danh sách dân biểu của đảng Nước Pháp Bất Khuất ra tranh cử tại cuộc bầu cử Nghị Viện châu Âu, phát biểu :

 

« Đúng là có những bước thụt lùi. Tại Ba Lan, việc phá thai vẫn chưa được hợp pháp hóa, bất chấp sự thất bại của đảng bảo thủ PIS. Ở Hungary, phụ nữ vẫn buộc phải nghe nhịp tim thai trước khi phá thai. Tại Ý, gần 70% bác sĩ viện dẫn điều khoản lương tâm để từ chối phá thai cho phụ nữ. Chúng tôi thấy rằng ở khắp mọi nơi tại Liên Âu, quyền phá thai trên thực tế không hề có bước tiến triển, mà thậm chí là còn thụt lùi. Và đây là lý do tại sao tôi sẽ tranh đấu trong các cuộc bầu cử ở Liên Âu, chính xác là tranh đấu để đưa việc phá thai vào Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên Âu, chống lại phe cực hữu cứ liên tục, từ phiên họp toàn thể này sang phiên họp toàn thể khác, đòi xem xét lại quyền phá thai.

 

Kể từ khi tôi được bầu vào Nghị Viện Châu Âu đến nay, hầu như không có phiên họp toàn thể nào mà phe cực hữu không nêu vấn đề này. Mọi người thấy Marine Le Pen (cựu chủ tịch đảng cực hữu FN - Tập Hợp Quốc Gia) không thể hiện tại Pháp nhiều (về vấn đề này). Nhưng trên thực tế, Jordan Bardella (người đứng đầu danh sách của đảng Tập Hợp Quốc Gia tại Nghị Viện châu Âu), thì hầu như không che giấu, mỗi khi có cơ hội tại Nghị Viện Châu Âu là đòi bỏ phiếu chống lại quyền phá thai ».

 

 

Xin nhắc lại là cho đến nay Liên Âu vẫn chưa có quy chế chung đặc biệt về phá thai trên quy mô toàn Liên Hiệp. Các vấn đề y tế, tính dục đều do chính quyền mỗi nước quyết định. Đài RFI Pháp ngữ hồi tháng 06/2022 trích dẫn nghị sĩ châu Âu của Ba Lan, thuộc phe xã hội, Robert Biedron : « Đối với tôi, điều này là không thể hiểu nổi : Tại Châu Âu, chúng ta có các tiêu chuẩn về chuối và cà rốt, và thậm chí có cả tiêu chí về bộ sạc (điện thoại/máy tính) chuẩn. Ấy thế nhưng mà lại không có các chuẩn mực về nữ quyền! Tại sao những người phụ nữ Ba Lan, Malta hay Ý lại không thể có các quyền giống như phụ nữ Pháp, Bỉ hoặc Tây Ban Nha ? »

 

Được ký năm 2000, có giá trị như một hiệp ước và có tính ràng buộc pháp lý, Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên Hiệp Châu Âu là một kiểu Tuyên ngôn nhân quyền ở quy mô Liên Âu, bảo đảm các quyền về cuộc sống riêng tư và gia đình, cũng như quyền được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế, nhưng lại không đề cập rõ ràng đến quyền phá thai. Vì có giá trị như một hiệp ước nên việc sửa đổi Hiến chương này đòi hỏi phải theo một thủ tục nhất định, và hiện vẫn chưa được đưa vào chương trình nghị sự. Ngoài ra, thủ tục sửa đổi Hiến chương đòi hỏi có sự nhất trí của các quốc gia thành viên, mỗi nước đều có quyền phủ quyết.

Thế nên, theo phân tích của Bruno de Witte, giáo sư về luật Liên Hiệp Châu Âu tại Đại học Maastricht, trong một bài viết đăng trên trang tin châu Âu Euractiv, sáng kiến ​​bổ sung quyền phá thai vào Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên Hiệp Châu Âu không chắc sẽ thành công.

 

 

Từ luật lệ đến thực tế vẫn là một khoảng cách

 

 

Trở lại với tình hình cụ thể tại nước Pháp, chiến thắng mang tính biểu tượng về quyền phá thai cũng không giấu nổi một thực tế là nhiều phụ nữ vẫn gặp khó khăn, rào cản khi muốn phá thai, thậm chí phải chịu đựng tình trạng bất bình đẳng xã hội, cho dù theo như bác sĩ phụ sản Sophie Gaudu, được đài RFI Pháp ngữ trích dẫn hồi tháng 06/2023, các đạo luật tại Pháp vẫn liên tục đi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc được chấm dứt thai kỳ, như nới lỏng quy định về tuổi thai, phụ nữ được cơ quan An sinh xã hội chi trả bảo hiểm khi phá thai, bỏ quy định thiếu nữ vị thành niên muốn phá thai thì phải được phụ huynh cho phép, bỏ quy định về khoảng thời gian suy nghĩ trước khi phá thai, phát triển hình thức tư vấn từ xa …

 

Quả thực, đối với nhiều người, dù muốn nhưng khả năng được chấm dứt thai kỳ một cách thuận lợi, suôn sẻ không phải lúc nào cũng khả thi, nhất là trong bối cảnh nhiều trung tâm kế hoạch hóa gia đình phải đóng cửa do việc tái cơ cấu các cơ sở y tế, sự thiếu hụt nhân lực, phương tiện, hoặc thậm chí là sự phản đối liên quan đến quan điểm về đạo đức, luân lý, lương tâm của một số nhân viên chăm sóc y tế. Bác sĩ Sophie Gaudu cũng là nhà đồng sáng lập Revho, mạng lưới dịch vụ chấm dứt thai kỳ tại vùng Paris. Trên đài RFI Pháp ngữ ngày 05/03, bác sĩ Sophie Gaudu nhấn mạnh đến những sự bất bình đẳng liên quan đến khả năng tiếp cận dịch vụ phá thai :

 

« Có một sự bất bình đẳng thực sự về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo vùng miền. Nếu ai đó sống tại địa phương thiếu hụt dịch vụ chăm sóc, hay tại một nơi dịch vụ y tế đang trong cảnh căng thẳng do thiếu nhân lực thì mọi chuyện trở nên phức tạp. Có một số phụ nữ buộc phải đi đến tỉnh khác, thành phố khác, phải vượt vài chục hay cả trăm km để được tiếp cận dịch vụ phá thai.

 

(…) Tình hình ở nông thôn là như vậy. Và cũng còn tùy vào tuổi thai nhi. Không phải ai cũng có thể phá thai bằng thuốc. Chỉ có thể phá thai bằng thuốc trước tuần thứ 14 của thai kỳ. Vì thế, những phụ nữ mang thai vượt quá thời gian nói trên thì có thể sẽ phải đi lại nhiều thì mới tìm được cơ sở y tế để được phá thai.

 

(…) Ngoài ra thì cũng còn một vấn đề bất bình đẳng khác về sự lựa chọn. Tại một số vùng, chỉ có những người phá thai bằng dụng cụ hoặc có nơi đa phần phá thai bằng thuốc. Thế nên, khi đến đó thì chị em được phá thai nhưng lại không thực sự được lựa chọn phương pháp phá thai. Vấn đề về gây tê cũng vậy. Có nhiều nơi chị em không được đề xuất gây tê tại chỗ khi phá thai bằng dụng cụ. Như vậy là về phương pháp phá thai, họ đâu có được lựa chọn thực sự ».

 

 

Một rào cản khác cho những phụ nữ muốn ngừng thai kỳ, là việc thông tin sai lệch, nhất là thông tin trên internet và các mạng xã hội. Bác sĩ Sophie Gaudu giải thích :

 

« Trên các mạng xã hội thì việc này (tức là việc làm sai lệch thông tin) diễn ra rất mạnh. Có rất nhiều phong trào chống phá thai hoạt động trên các mạng xã hội Tiktok và Instagram. Và các thông tin cũng thường xuyên bị làm sai lệch trên mạng internet. Có những trang web giả mạo tự nhận là trang thông tin về phá thai nhưng trên thực tế những trang này lại hướng phụ nữ đến những thông tin sai lệch. Vì thế, điều quan trọng là tìm thông tin thì phải chọn đúng trang web, chẳng hạn như mạng lưới Revho của chúng tôi đã tạo ra một cổng thông tin ivglesinfos.org với danh sách các trang web sử dụng đuôi .org (tức là trang đại diện của các tổ chức) để bảo đảm là các chị em phụ nữ có thể kết nối với các nhân viên chăm sóc y tế, bác sĩ, hộ sinh. Đó là những người sẽ chăm lo các phụ nữ muốn phá thai, và thường là gần nơi họ sinh sống ».

 

Các nhà hoạt động vì nữ quyền nay hy vọng là bước ngoặt ghi quyền phá thai vào Hiến Pháp sẽ không chỉ dừng lại ở ý nghĩa biểu tượng mà sẽ tạo đà thực sự để chính quyền Pháp có biện pháp cải thiện tình hình thực tế, tạo thuận lợi thực sự cho những phụ nữ vì một lý do nào đó cần chấm dứt thai kỳ.

 

 

Các nội dung liên quan

 

PHÁP - HIẾN PHÁP - QUYỀN PHÁ THAI

Tổng thống Pháp chủ trì buổi lễ ghi quyền phá thai vào Hiến Pháp

 

PHÁP - PHÁ THAI

Pháp trở thành quốc gia đầu tiên đưa quyền phá thai vào Hiến pháp

 

PHÁP - PHÁ THAI

Thượng Viện Pháp thông qua việc đưa quyền phá thai vào Hiến Pháp

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats