Friday 29 March 2024

LIÊN XÔ NĂM 1991 VÀ CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY (Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

 



Liên Xô năm 1991 và chế độ cộng sản tại Việt Nam hiện nay

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

27 tháng 3 lúc 03:00  · 

https://www.facebook.com/thong.luan.1/posts/pfbid02iFFT3nzgA5E9h2VjzWxTPR5VRN18iUpL5a5VtafefHqxGheZVR7PQhUgtfMwG4wrl

 

Liên Xô năm 1991 và chế độ cộng sản tại Việt Nam hiện nay

 

Vào thời điểm 1991 Liên Xô đã chín muồi cho một cuộc chuyển hóa về dân chủ. Người dân đã chán ghét chế độ và muốn thay đổi, đảng cộng sản đã mất lý tưởng và phân rã nghiêm trọng, người dân không chỉ muốn thay đổi chế độ mà còn biết mình muốn gì, nghĩa là một chế độ dân chủ. Chỉ còn thiếu một điều kiện : không có một tổ chức dân chủ làm tụ điểm cho những nguyện vọng đổi đời. Gorbachev và các lãnh tụ Liên Xô lúc đó tin rằng sự thiếu vắng này, mà họ đã tạo ra và duy trì, cho phép Đảng cộng sản Liên Xô dần dần thay đổi để thích nghi với tình huống mới mà vẫn giữ được chính quyền. Họ lầm to. Một chế độ không còn lý do tồn tại thì trước sau cũng phải sụp đổ dù có hay không có một giải pháp thay thế.

 

Và đó là điều sau cùng đã xảy ra cho Liên Xô vào ngày 19/8/1991. Sự thiếu vắng của một lực lượng dân chủ có tầm vóc đã không giúp cho Đảng cộng sản Liên Xô có đủ thời giờ để cải tổ, lột xác và tiếp tục cầm quyền như Gorbachev mơ tưởng. Nó đã chỉ khiến chế độ cộng sản sụp đổ trong hỗn loạn nhường chỗ cho một chế độ cướp bóc, dưới Boris Yeltsin rồi Vladimir Putin, với vô số những vụ thanh toán, ám sát mà thủ phạm và nạn nhân đều là những cựu đảng viên cộng sản.

 

Gorbachev, có lẽ vì được tâng bốc và quá tự tin, đã không nhìn thấy những dấu hiệu thực ra khá rõ ràng của một sự sụp đổ đã gần kề :

 

1. Ý thức hệ Mác-Lênin đã sụp đổ và trở thành trò đùa dân gian, đảng cầm quyền không còn một lý tưởng chung nào làm chất keo gắn bó các đảng viên với nhau nữa nên nhanh chóng trở thành một đảng cướp.

 

2. Tham nhũng đã tràn ngập bộ máy chính quyền và những đợt thanh trừng chống tham nhũng chỉ gây hận thù nội bộ chứ không làm sạch được một bộ máy chính quyền đã quá ung thối.

 

3. Pháp luật trở thành bất lực, hung bạo và tùy tiện như trong mọi chế độ sắp sụp đổ. Số vụ án không tăng nhưng các hình phạt dã man hơn. Các nạn nhân chỉ làm những điều mà nhiều người khác cũng làm, thí dụ như lên án và đả kích chế độ ; họ chỉ không may được chọn để trừng trị làm gương. Những người bị bỏ tù về tội tham nhũng cũng không tham nhũng hơn những người bỏ tù họ; họ chỉ không may thuộc phe thua.

 

4. Sau cùng đảng cầm quyền đã phải tập trung quyền lực về một người vì không còn khả năng để đi đến đồng thuận trong một quyết định chung nào cả. Độc tài đảng trị nhường chỗ cho độc tài cá nhân. Kết quả là người này, Gorbachev trong những ngày cuối cùng của Liên Xô, trở thành điểm tập trung của mọi bất mãn. Điều cần được lưu ý là cho tới nay giải pháp này chưa cho phép một chế độ độc tài nào sống lâu hơn nhà độc tài cá nhân được chọn.

 

Nếu ngày nay chúng ta hỏi một người bạn Gorbachev chết năm nào thì có mọi triển vọng là anh ta sẽ bối rối và thú nhận là không biết. Không thể khác vì Gorbachev chưa chết, nhưng đã chìm hẳn vào quên lãng dù đã một thời được cả thế giới biết đến và được cả giải Nobel. Sau khi đã để lại một câu nói quan trọng : "chế độ cộng sản chỉ có thế xóa bỏ chứ không thể cải tổ". Câu nói này cũng được Boris Yeltsin, đồng chí trở thành đối thủ của ông, tán thành.

 

Nguyễn Gia Kiểng (19/08/2020)

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats