"Trung
Quốc đã bị dồn vào chân tường tại hội nghị Alaska Mỹ"
Thanh
Hà -
RFI
Đăng
ngày: 24/03/2021 - 11:18
Trung Quốc bị bất ngờ về thái độ của Mỹ trong đối
thoại trực tiếp dưới một phương thức 2+2 mới thời chính quyền Biden. Giọng điệu
quyết liệt của đôi bên không hẳn báo trước bốn năm bang giao sóng gió, nhưng gần
như chắc chắn là Bắc Kinh sẽ trả đũa Hoa Kỳ bằng cách « đánh mạnh »
vào các đồng minh của Mỹ. Antoine Bondaz, chuyên gia về Đông Bắc Á Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược
Pháp FRS, nhận định về hai ngày họp hội nghị Mỹ- Trung tại Anchorage, Alaska
hôm 18-19/03/2021.
Ủy viên Bộ Chính Trị
đảng CSTQ, phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì (p) và ngoại trưởng Vương Nghị tại
cuộc tiếp xúc với các đồng nhiệm Mỹ ở khách sạn Captain Cook Hotel, Anchorage,
Alaska, Hoa Kỳ, ngày 18/03/2021. REUTERS - POOL
Sau đây là phân tích nhà
nghiên cứu Antoine Bondaz dành cho RFI Tiếng Việt. Cuộc phỏng vấn được thực hiện
ngày 19/03/2021.
RFI: Thân chào Antoine Bondaz, đầu tiên hết ông nhận xét thế nào về
cuộc trao đổi đầu tiên rất căng thẳng giữa hai phái đoàn ngoại giao của Mỹ và
Trung Quốc trên lãnh thổ Hoa Kỳ ở Alaska ?
Antoine Bondaz: Đây là một cuộc gặp lịch sử vì là lần đầu tiên đôi bên áp dụng phương thức
2+2 mới : Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia của
Nhà Trắng Jake Sullivan đại diện cho phái đoàn Hoa Kỳ, còn về phía Trung Quốc
là hai nhân vật ngoại giao cao cấp nhất là ủy viên Quốc Vụ Dương Khiết
Trì và ngoại trưởng Vương Nghị. Điểm đáng chú ý thứ nhì là lời lẽ rất cứng rắn
và hung hăng của đôi bên. Washington và Bắc Kinh cùng theo đuổi chung một mục
đích đó là tỏ thái độ cứng rắn của mình đồng thời gửi đến công luận trong nước
rằng vì quyền lợi quốc gia, họ không bao giờ nhượng bộ.
Phương thức 2+2 mới này khá thú vị ở chỗ Washington
nhắm thẳng tới giới lãnh đạo cao cấp của Bắc Kinh tức là nhắm tới đảng Cộng Sản
Trung Quốc qua đối thoại trực tiếp với ủy viên Bộ Chính Trị Trung Quốc đặc
trách về đối ngoại, Dương Khiết Trì. Thêm vào đó sự hiện diện của Jake
Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của phủ tổng thống Hoa Kỳ cho thấy một sự phối
hợp nhịp nhàng giữa bộ Ngoại Giao và Nhà Trắng. Đó là một sự phối hợp ở nội bộ
chính trường Mỹ.
Về đối ngoại, đối thoại Alaska mở ra sau một loạt sự
kiện ngoại giao từ việc tổng thống Biden họp Bộ Tứ QUAD với các lãnh đạo Ấn Độ,
Úc và Nhật Bản qua cầu truyền hình - đây là thượng đỉnh đầu tiên của bốn nước
nói trên. Tiếp theo đó là chuyến công du châu Á của ngoại trưởng Blinken và bộ
trưởng Quốc Phòng Austin đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Nói cách khác, Mỹ muốn chứng
tỏ cách tiếp cận thẳng với đúng người trong hàng ngũ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc
và phô trương sự phối hợp nhịp nhàng cả về mặt đối nội lẫn đối ngoại.
*
RFI: Bắc Kinh nhìn như thế nào về hội nghị Alaska ?
Antoine Bondaz: Báo chí Bắc Kinh nhấn mạnh đến thái độ cứng rắn của phái đoàn
Trung Quốc và xoáy vào sự đối đầu với Washington. Thông điệp kèm theo là phía
Trung Quốc đã giữ vững lập trường đương đầu với Hoa Kỳ. Đã qua rồi thời mà Mỹ
có thể chỉ trích Trung Quốc. Đương nhiên cần nhắc lại một chút về bối cảnh: Bắc
Kinh chưa bao giờ chịu lép vế và chịu để bị sỉ nhục, mà luôn chọn giải pháp
đương đầu khi những lợi ích của Trung Quốc bị đe dọa.
Nhưng giờ đây Bắc Kinh chứng tỏ là đã đủ tin vào khả
năng của chính mình, đủ mạnh để khẳng định và phô trương thái độ cứng rắn của
mình với Mỹ. Tuy nhiên thái độ hung hăng đó phản ánh một điểm: Trước mắt Trung
Quốc trong thế bất lợi bởi vì thực ra Mỹ đã không một thân một mình đến Alaska
vì chính quyền Biden đã nỗ lực phối hợp với các đối tác trong vùng Ấn Độ Thái
Bình Dương và châu Âu. Trọng lượng của Washington qua đó đã tăng lên đáng kể. Ở
bên kia võ đài, Trung Quốc đang cô độc cho dù Bắc Kinh tuyên bố phối hợp với
Nga sau hội nghị Alaska.
Thêm vào đó hình ảnh của Trung Quốc đã xấu đi nhiều
trong mắt công luận tại các nước phương Tây. Tuy nhiên chúng ta thấy phái đoàn
Trung Quốc lầm tưởng là Mỹ sẽ hành xử một cách bài bản theo lễ tân của ngành
ngoại giao, để rồi đã bị bất ngờ về lời lẽ rất kiên quyết của phía Hoa Kỳ và nhất
là tất cả đã diễn ra trước ống kính truyền hình quốc tế.
Chính vì thế mà phía Trung Quốc bắt buộc phải « leo
thang » phản công trở lại với lời lẽ còn cứng rắn hơn nữa. Điển hình
là ông Dương Khiến Trì đã phát biểu lâu hơn rất nhiều so với thời gian được quy
định là hai phút.
*
RFI: Một số dự báo cho rằng Mỹ càng cứng rắn với Bắc
Kinh, Trung Quốc lại càng tìm cơ hội để tấn công vào các đồng minh và đối tác của
Hoa Kỳ, như là nhắm vào châu Âu hay Canada chẳng hạn ?
Antoine Bondaz: Hội nghị Alaska là cuộc tiếp xúc đầu tiên và đã diễn ra ngay ở
vào đầu nhiệm kỳ của chính quyền Biden. Chúng ta chứng kiến điểm khởi đầu của một
tiến trình mới và cuộc gặp gỡ này không nhất thiết phản ánh quan hệ song phương
trong bốn năm sắp tới. Đối thoại vừa qua tuy rất căng thẳng nhưng điều đó không
ngăn cản đôi bên hợp tác về một số vấn đề khác.
Câu hỏi đặt ra đối với Bắc Kinh về thực chất: Trung
Quốc đã bị dồn vào chân tường tại hội nghị Alaska, Trung Quốc cũng đã ngạc
nhiên về đối thoại rất cứng rắn từ phía Mỹ. Do vậy, trong quan hệ với các nước
khác giờ đây Trung Quốc phải cân nhắc khi cũng dùng đòn cứng rắn như là phía
Hoa Kỳ. Và tác động kèm theo, là khả năng đường lối này phản tác dụng, tức là sẽ
tạo điều kiện dễ dàng hơn cho Washington đẩy mạnh hợp tác với các đồng minh và
đối tác của Mỹ.
Đây sẽ là một cuộc trắc nghiệm thú vị mà chúng ta sẽ
nhanh chóng có được câu trả lời có lẽ là chỉ trong một vài tuần lễ hay một vài
tháng nữa mà thôi. Nhất là trong bối cảnh Liên Âu chuẩn bị trừng phạt một số
quan chức Trung Quốc bị cho là nhúng tay vào các vụ đàn áp ở Tân Cương. Chỉ
riêng về điểm này Bắc Kinh cảnh báo Bruxelles trước nguy cơ xảy ra một cuộc đối
đầu. Chúng ta cần theo dõi phản ứng của Trung Quốc với châu Âu : đây sẽ là
điều khá thú vị.
Song song với phản ứng của Bắc Kinh với Liên Âu, thì
hiện nay, tại Trung Quốc đang mở ra hai phiên tòa nhắm vào hai công dân Canada.
Trung Quốc có thể dùng phiên tòa xử hai người này để trả đũa để đối đáp với Mỹ
và Canada - một đồng minh của Hoa Kỳ. Một trong những nguy cơ cuộc đối đầu Mỹ-Trung
có thể dẫn đến, là một số quốc gia, hay một số công dân nước ngoài có thể là những
nạn nhân bất đắc dĩ trên bàn cờ ngoại giao Mỹ -Trung.
Liên Hiệp Châu Âu ngày
22/03/2021 chính thức trừng phạt bốn quan chức Trung Quốc bị cho là có trách
nhiệm trong các vụ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bắc Kinh lập tức trả
đũa với một danh sách trừng phạt gồm 10 nhân vật châu Âu, thêm vào đó ít nhất 4
viện nghiên cứu của châu Âu trong tầm ngắm của cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Lần
đầu tiên từ sau vụ Thiên An Môn, Trung Quốc bị Liên Âu trừng phạt
Đối
thoại Mỹ-Trung tại Alaska: Washington gởi thông điệp cứng rắn đến Bắc Kinh
Ngoại
giao “chiến lang” Trung Quốc bị phản đòn từ Mỹ tại Alaska
No comments:
Post a Comment