Tranh
luận với ông Trần Trung Đạo: Do đâu mà cộng sản phát triển ở Việt Nam?
Jackhammer Nguyễn
10/03/2021
Ngày 9/3/2021, trang Tiếng Dân có đăng bài của
nhà văn, nhà thơ Trần Trung Đạo: “Nỗi đau sẽ không dứt nếu không biết tại sao đau”.
Ông Trần Trung Đạo là người rất quan tâm đến
tình hình Việt Nam và có nhiều bài viết phân tích những tệ hại của xã hội Việt
Nam đương đại. Ông cũng rất quan tâm đến tình thế nguy hiểm của nước Việt Nam
ngày nay đối diện với tham vọng của Trung Quốc.
Trong bài viết vừa kể trên, tác giả nêu hai sự
việc thảm khốc trong cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây, đó là các học sinh
trường Tiểu học Cai Lậy bị Cộng quân pháo kích giết chết, và 10 cô gái thanh
niên xung phong của miền Bắc Cộng sản bị trúng bom Mỹ tử thương.
Tác giả dùng hai ví dụ đó để nói với người đọc
rằng, những thảm cảnh đó là kết quả của ý định sắt đá của người cộng sản Bắc Việt,
muốn chinh phục, thống trị đất nước bằng vũ lực, và nếu muốn tìm ra con đường để
giải quyết tình trạng tệ hại của xã hội Việt Nam hiện nay, thì phải hiểu nguyên
nhân lớn nhất chính là sự áp đặt chế độ toàn trị của những người cộng sản.
Tôi
hoàn toàn đồng ý với ông Trần Trung Đạo, rằng mô hình cộng sản đã đưa đến những
chuyện tệ hại của nước Việt Nam hiện nay.
Nhưng từ góc nhìn lịch sử, tôi không đồng ý với
tác giả ở vài cách đưa ra lý lẽ dẫn đến kết luận của tác giả. Ông viết như sau,
xin trích nguyên văn:
“Thật ra, dân tộc ta không yếu hèn và đảng CS
cũng không quá mạnh, nhưng chính vì các thành phần có khả năng thúc đẩy sự chuyển
hóa xã hội không có một nhận thức và tầm nhìn đúng về bản chất của cuộc chiến
Việt Nam.
Sau 46 năm, một bộ phận không nhỏ người dân
Việt Nam vì bị tẩy não nên chưa nhận ra hay chỉ vì bàn tay dính máu đồng bào
nên không đủ can đảm thừa nhận nguồn gốc sâu xa của cuộc chiến”.
Đồng ý ở phần thứ hai của kết luận này là, rất
nhiều người Việt bị tẫy não (rất nhiều chứ không phải là không nhỏ như ông Đạo
đề cập), nhưng tôi không đồng ý với ý đầu của ông, nhất là khi nhìn lại lịch sử
100 năm nay của nước Việt Nam.
Ở ý đầu, tôi hiểu là ông Trần
Trung Đạo muốn nói đến hiện tại. Đây là quan điểm, khó có thể nói là đúng hay
sai. Nhưng nếu đặt ý này vào lịch sử đã hình thành nên Việt Nam hiện đại, gần
đúng một thế kỷ trước thì e rằng tác giả sẽ có rất nhiều mâu thuẫn. Sau gần 70
năm cai trị nước Việt Nam bằng bộ máy toàn trị, tầng lớp mà ông Đạo gọi là “thành
phần có khả năng thúc đẩy sự chuyển hóa”, là những người lớn lên trong lòng
chế độ toàn trị ấy, khó đòi hỏi ở họ một sự nhận thức đúng ở tầm mức phổ biến,
chứ không phải giới hạn ở một vài cá nhân. Vài cá nhân thì khó lòng gây được
chuyển biến đáng kể.
Xin đặt câu hỏi cho ông Trần Trung Đạo là:
Thành phần ấy ở đâu vào những năm 1920, 1930, khi Đảng Cộng sản mới được hình
thành và chuẩn bị những kế hoạch sắt máu của họ? Quốc dân đảng? Đại Việt? Hay Tự
lực văn đoàn? Khi ấy những lề thói xấu xa của mô hình toàn trị còn chưa có, thì
tại sao những thành phần ấy lại để cho cộng sản dễ dàng tác
oai tác quái như vậy?
Câu trả lời chỉ có thể là chính bản chất xã hội
Việt Nam, đậm đà màu sắc hủ nho, phong kiến, mới nửa chừng xuân bourgeois
(tư sản) hóa, là mảnh đất thuận lợi để cho những mầm độc cộng sản có cơ hội
phát triển mạnh mẽ như thế.
Trong bài, ông Đạo có nêu lên sự việc là
trong thập niên 1950, với sự đe dọa của chủ nghĩa cộng sản, người Mỹ đã can thiệp
vào miền Nam Việt Nam, cũng như trên khắp tuyến đầu của thế giới tự do. Một mặt,
tôi hoàn toàn đồng ý ở sự cần thiết phải can thiệp, chận đứng làn sóng đỏ,
nhưng tôi thấy rằng tác giả đã thiếu sót khi chỉ nêu sự can thiệp đó có một nửa,
nửa còn lại là sự rút lui vô trách nhiệm của người Mỹ ở miền Nam, Việt Nam.
Nói như vậy không có nghĩa là trách nhiệm của
những tệ hại ngày nay trong xã hội Việt Nam là do người Mỹ, vì trách nhiệm lớn
nhất vẫn là những người có trách nhiệm của Việt Nam Cộng hòa nói riêng, người
Việt Nam nói chung. Nhưng sự thay đổi chiến lược toàn cầu đó của người Mỹ (đánh
lá bài Trung Quốc), phải được nói đến như là một ảnh hưởng không nhỏ, khi mà sự
rút lui đột ngột, thiếu chuẩn bị, đã đưa đến một miền Nam trống toác, dễ dàng sụp
đổ.
Tóm lại, theo ý kiến chủ quan của tôi, nguyên
nhân trực tiếp là mô hình toàn trị cộng sản, nhưng cộng sản chỉ như là một bệnh
dịch dễ dàng đánh ngã những cơ thể yếu kém và bệnh hoạn, những ‘Đông Á bệnh
phu’, theo cách mà người Tàu hay nói, đó là Trung Hoa lục địa, Việt Nam và
Bắc Hàn.
Gã ‘Đông Á bệnh phu’ Việt Nam đó có vẻ vẫn
chưa qua cơn trọng bệnh. Gần nửa thế kỷ sau khi người cộng sản nắm trọn đất nước,
phong trào đối kháng nhen nhóm được trong vài năm hóa ra rất kém cỏi về nhận thức,
và bị chia rẽ trầm trọng bởi tiền bạc, danh tiếng, bị cộng sản phân hóa và dập
tắt dễ dàng.
No comments:
Post a Comment