Tuesday, 9 March 2021

THÊM MỘT CÂU CHUYỆN ĐỂ NGẪM NGHĨ VỀ TRI ÂN (Trân Văn)

 



Thêm một câu chuyện để ngẫm nghĩ về tri ân 

Trân Văn

09/03/2021

https://www.voatiengviet.com/a/kapaun-trieu-tien-chien-tranh-tri-an/5805919.html

 

Cơ quan tìm kiếm tù binh và quân nhân mất tích (Defense POW/MIA Accounting Agency – DPAA) của Bộ Quốc phòng Mỹ vừa xác định: Một trong 867 hài cốt chưa rõ danh tính đã được an táng tại Nghĩa trang Quốc gia ở Thái Bình Dương (National Memorial Cemetery of the Pacific – NMCP) Hawaii là của Đại úy Emil J. Kapaun (*)…

 

https://gdb.voanews.com/E332477D-6EE0-4289-BC14-AB6D4C9AA775_cx0_cy1_cw0_w650_r1_s.jpg

Đại úy Emil J. Kapaun.

 

                                                      ***

Emil J. Kapaun là một linh mục Công giáo tình nguyện phục vụ quân đội nên mang cấp bậc Đại úy. Giống như quân đội của nhiều quốc gia khác, quân đội Mỹ luôn mời gọi tu sĩ, giáo sĩ của các tôn giáo (linh mục của Công giáo, mục sư của Tin lành, tu sĩ của Phật giáo, giáo sĩ của Do Thái giáo, Hồi giáo,…) tình nguyện phục vụ quân đội.

 

Những tu sĩ, giáo sĩ này được gọi chung là sĩ quan Tuyên úy (Chaplain), không chỉ huy mà chỉ trợ giúp tinh thần cho quân nhân trong đời sống quân ngũ và đặc biệt là trong chiến tranh. Các sĩ quan Tuyên úy là những người nhắc nhở quân nhân, tuy cầm súng bảo vệ quốc gia, chiến đầu với kẻ thù song phải tôn trọng đạo đức, luân lý.

Việt Nam cũng đã từng có nhiều sĩ quan Tuyên úy thời còn Việt Nam Cộng hòa. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tất cả sĩ quan Tuyên úy cả của Công giáo lẫn Phật giáo bị tống vào “trại cải tạo”, thậm chí bị xếp vào nhóm “đặc biệt nguy hiểm”. Nhiều vị mất mạng, phần lớn bị giam cầm hàng chục năm…

 

                                                          ***

 

Sau Thế chiến thứ hai, tuy thoát khỏi ách đô hộ của Nhật nhưng bán đảo Triều Tiên bị chia đôi. Phía Bắc vĩ tuyến 38 thuộc về Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên (Bắc Hàn) cam kết sẽ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên. Phía Nam vĩ tuyến 38 thuộc Cộng hòa Hàn Quốc (Nam Hàn).

 

Tháng 6 năm 1950, được Liên Xô khuyến khích và được Trung Quốc trực tiếp hỗ trợ cả về nhân lực lẫn đủ loại phương tiện chiến tranh, Bắc Hàn tràn qua vĩ tuyến 38 để… “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Liên Hiệp Quốc xác định công cuộc… giải phóng đó là… xâm lược và đã có 21 quốc gia, dẫn đầu là Mỹ trợ giúp Nam Hàn kháng cự Bắc Hàn và tổ chức phản công, từng bước thu hồi lại những phần lãnh thổ đã bị Bắc Hàn cưỡng đoạt, đẩy Bắc Hàn trở lại phía bên kia vĩ tuyến 38.

 

Vào thời điểm đó (tháng 11 năm 1950), Đại úy Kapaun là sĩ quan Tuyên úy của Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 8, Sư đoàn 1 Kỵ binh – tiểu đoàn đầu tiên của lực lượng Liên Hiệp Quốc vượt qua vĩ tuyến 38 đánh bọc hậu… quân đội Bắc Hàn và bị… Chí nguyện quân Trung Quốc bao vây gần Unsan...

 

Trong trận chiến bất cân xứng về quân số ấy, Bộ Chỉ huy của lực lượng Liên Hiệp Quốc đã ra lệnh cho Tiểu đoàn 1 để lại thương binh và tử sĩ, mở đường máu thoát khỏi vòng vây. Dù biết rất rõ sẽ rơi vào tay lính Trung quốc nhưng Đại úy Kapaun vẫn tình nguyện ở lại chăm sóc thương binh, an ủi những người lính đang hấp hối…

 

Cuối cùng, Đại úy Kapaun bị bắt làm tù binh cùng với hơn một chục đồng đội là thương binh… Trên đường bị áp giải về hậu cứ của kẻ thù, thấy một người lính Trung Quốc đang giẫm đạp Thượng sĩ Nhất Herbert Miller – bị trọng thương không thể gượng dậy,… Đại úy Kapaun đã xô tên lính ấy ra, đỡ Thượng sĩ Nhất Miller đứng dậy, dìu người hạ sĩ quan này theo đoàn tù binh, - bất kể hành động đó có thể khiến ông bị đối phương bắn tại chỗ.

 

Suốt thời gian bị giam tại trại tù binh Pyoktong – bờ Nam sông Áp Lục (Yalu), Đại úy Kapaun thường xuyên trộm thức ăn chia cho đồng đội, lén lút làm lễ để nâng đỡ tinh thần của những người lính đã kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần,… cho dù những hành động đó có thể khiến ông bị bắn bất kỳ lúc nào…

 

Sáu tháng sau (tháng 5 năm 1951), kiệt sức vì đói, lạnh Đại úy Kapaun bị trụy tim, hưởng dương 35 tuổi. Thượng sĩ Nhất Miller và những tù binh may mắn sống sót và được trao đổi sau khi có hiệp định ngừng bắn kể rằng, trong thời gian cùng là tù binh ở trại Pyoktong, Đại úy Kapaun đã trao cho họ tất cả những thứ ông có, kể cả những manh áo rách nát giữa mùa Đông hết sức khắc nghiệt ở bán đảo Triều Tiên… Những cựu tù binh này đã liên tục vận động để Quốc hội Mỹ trao tặng Huân chương Danh dự cho Kapaun…

62 năm sau – năm 2013, Quốc hội Mỹ quyết định trao tặng Huân chương Danh dự cho Đại úy Kapaun. Thượng sĩ Nhất Miller và một số đồng đội từng là tù binh của trại Pyoktong vẫn còn sống để tham dự buổi lễ do Tổng thống Obama thay mặt Quốc hội làm chủ tọa.

 

Sau khi giải thích tại sao Quốc hội phê chuẩn đề nghị tặng Medal of Honor – Huân chương cao nhất dành cho những người dũng cảm phi thường ngoài mặt trận - cho một sĩ quan Tuyên úy như Linh mục, Đại úy Kapaun, ông Obama kết luận: Đây là một người lính không cầm súng và chỉ dùng loại vũ khí mạnh nhất - tình yêu đồng đội, đồng loại, sẵn sàng chết cho người khác được sống. Đại úy Kapaun là sĩ quan Tuyên úy thứ chín của quân đội Mỹ được truy tặng Medal of Honor.

 

Trước đó, sau khi xem xét hồ sơ đã được thu thập trong một thời gian dài, năm 1993, Đức Giáo hoàng John Paul II đã tôn vinh Đại úy – Linh mục Kapaun là “Tôi tớ Chúa” – bước đầu tiên của tiến trình phong thánh. Hai mươi hai năm sau (2015), Giáo hội Công giáo Mỹ chính thức đề nghị Hồng y Tổng trưởng Bộ Phong thánh của Giáo triều Roma xem xét phong thánh cho Đại úy – Linh mục Kapaun và đến nay, Vatican vẫn còn đang xem xét, kiểm tra…

 

                                                       ***

Quân đội Mỹ đã cũng như đang tham chiến ở nhiều nơi trên thế giới. Đó là lý do vẫn còn nhiều quân nhân Mỹ mất tích ở châu Âu, châu Á, châu Phi,…từ Thế chiến thứ nhất, Thế chiến thứ hai, chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam,… và Mỹ chưa bao giờ ngưng nghỉ trong việc tìm kiếm tù binh, tử sĩ, chu toàn cam kết “không bao giờ bỏ rơi bất kỳ đồng đội nào” (never leave a fallen comrade). Để thực hiện cam kết đó, Mỹ nhiều lần nhượng bộ nhiều kẻ thù để có thể đem tù binh và tử sĩ về nhà.

 

Đã 68 năm từ khi chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) kết thúc nhưng việc đàm phán để tìm kiếm 7.500 quân nhân Mỹ mất tích trong cuộc chiến này vẫn còn tiếp tục. Bắc Hàn tiếp tục dựa vào diễn biến trong thực tế bang giao mà giao trả cho Mỹ nhiều hay ít hài cốt của những quân nhân mất tích và phần lớn mất danh tính.

 

Mỹ không bằng lòng với những tấm bia kiểu như tử sĩ… vô danh. Tuy tử sĩ đã được an táng trong NMCP nhưng DPAA vẫn tiếp tục làm công việc của họ: Tìm lại danh tính cho hài cốt – mộ phần của những tử sĩ không còn cơ sở định danh. Xác định 1/867 ngôi mộ tử sĩ ở NMCP táng hài cốt Đại úy – Linh mục Kapaun chỉ là kết quả mới nhất. DPAA sẽ tiếp tục tổ chức những đợt tìm kiếm – hồi hương hài cốt tử sĩ và thực hiện các xét nghiệm – đối chiếu mẫu nhằm xác định đó là ai nếu thiếu cơ sở định danh.

 

                                                      ***

Trước kết quả vừa kể, tướng James McConville – Tham mưu trưởng Lục quân chỉ nói một câu: Điều này tái khẳng định cam kết của chúng ta không để bất kỳ đồng đồi nào rơi lại phía sau! Đến Mỹ không thể tìm được những khẩu hiệu kiểu như: Mãi mãi không quên! Hay… Đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ.

 

--------------------------

 

Chú thích

 

(*) https://www.armytimes.com/news/your-army/2021/03/05/medal-of-honor-recipient-a-chaplain-who-died-in-captivity-identified-among-korean-war-remains/

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats