Miến
Điện: Làm thế nào phong trào ‘‘Bất Tuân Dân Sự’’ có thể thành công ?
Trọng Thành - RFI
Đăng
ngày: 07/03/2021 - 19:57
Đảo chính quân sự đầu tháng 2/2021 chặn đứng tiến
trình quá độ sang xã hội dân chủ tại Miến Điện. Đông đảo dân chúng Miến Điện
không chấp nhận. Từ hơn một tháng nay, trong lúc biểu tình chống đảo chính tiếp
diễn gần như hàng ngày, tập đoàn quân sự gia tăng đàn áp. Liệu phong
trào « Bất Tuân Dân Sự » chống lại sức mạnh áp đảo của súng đạn có cơ
may thành công ?
https://s.rfi.fr/media/display/19177520-7da7-11eb-a073-005056a964fe/w:980/p:16x9/thumbnail-2.webp
Phong trào Bất Tuân
Dân Sự chống chế độ độc tài Miến Điện: Cuộc chiến của trứng chọi đá có cơ hội
thành công ? Biếm họa của RFI. © rfi Hausa/Dr Meddy
Trang mạng Anh ngữ
Frontier Myanmar (1), ngày 04/03/2021, có bài viết đáng chú ý mang tựa
đề : « Phong
trào Bất Tuân Dân Sự có thể thành công như thế nào ? ».
Sau đây là phần lược thuật của RFI.
Thành công ban đầu
Bài viết của nhà báo Aye
Min Thant (2) và nhà hoạt động Yan Aung trên Frontier Myanmar ghi
nhận trước hết, bản thân sự hình thành của phong trào Bất Tuân Dân Sự
(Civil Disobedience Movement, gọi tắt là CDM) trong tháng tranh đấu vừa qua đã
là một thành công. Xuất phát từ phong trào đình công của giới y tế, phong trào
CDM lan rộng ra khắp xã hội. Phong trào lôi cuốn hàng triệu người tham gia, với
các cuộc biểu tình trên đường phố, khuyến khích tẩy chay các doanh nghiệp của
quân đội hay có vốn của quân đội, và đặc biệt là kêu gọi nhân dân từ chối tuân
thủ các mệnh lệnh của quân đội.
Một tháng sau cuộc đảo
chính, tác động của phong trào CDM đến xã hội Miến Điện là rất rõ. Các cuộc
đình công của công chức khiến trao đổi thương mại quốc tế của Miến Điện đình
trệ, các bệnh viện của nhà nước không còn khả năng tiếp nhận bệnh nhân, ngân
hàng không còn khả năng hoạt động, khiến đất nước lâm vào tình trạng thiếu tiền
mặt. Bất chấp các tác động này, chính quyền quân sự không hề có dấu hiệu nhân
nhượng.
Cuộc chiến lâu dài
Bài viết đưa ra 5 thách
thức chính đối với phong trào Bất Tuân Dân Sự Miến Điện. Thách thức về mục tiêu
tranh đấu, về lực lượng lãnh đạo, về khả năng duy trì phong trào trong thời
gian dài, về việc bảo vệ các nguồn lực của phong trào và về việc xác định đúng
mối quan hệ giữa phong trào trong nước với sự hỗ trợ từ quốc tế.
Bài phân tích của
Frontier Myanmar nhấn mạnh, những người tranh đấu chống chế độ độc tài quân sự
cần hiểu rằng đây không phải là cuộc chiến sớm gặt hái kết quả, mà là một cuộc
chiến kéo dài thậm chí nhiều năm, và để thắng lợi, CDM cần tự khẳng định như là
« một phong trào tranh đấu chủ động, chứ không phải là nạn nhân đang tranh
đấu ngoan cường, trong khi chờ đợi can thiệp quốc tế ». Chính vì vậy, việc
huy động các nguồn lực bên trong - đoàn kết rộng rãi mọi thành phần không phân
biệt xuất thân xã hội, tôn giáo, sắc tộc, giới tính - là yếu tố có ý nghĩa
quyết định. Để « phong trào Cách mạng Mùa Xuân thành công, một cuộc tranh
luận thẳng thắn về chiến lược là điều cơ bản ». Các tác giả tin tưởng
« hiện tại, hơn bao giờ hết, chính trong không khí hỗn loạn do đảo chính
tạo ra, nhân dân Miến Điện có cơ hội thiết lập một nền dân chủ thực sự ».
***
Thách thức đầu tiên : Làm rõ mục tiêu tranh
đấu
Mặc dù đã có sự nhất trí
chung là lên án cuộc đảo chính quân sự, nhưng cho đến nay, phong trào CDM chưa
có được đồng thuận về việc phong trào hy vọng đạt được cụ thể điều gì, một khi
buộc quân đội ngồi vào bàn đàm phán. Trong lúc nhiều người kêu gọi chính quyền
quân sự tôn trọng kết quả bỏ phiếu, thì nhiều nhà hoạt động xuất thân từ các sắc
tộc và các tôn giáo thiểu số không tranh đấu để ủng hộ sự trở lại của chính phủ
dân sự, mà muốn xây dựng một Nhà nước Liên bang dân chủ ở Miến Điện, dựa trên
Hiến pháp mới hoặc Hiến pháp sửa đổi.
Nếu không xác định được
mục tiêu hướng đến công lý, tập hợp được những lực lượng thuộc các nhóm thiểu
số thì trong tương lai có nguy cơ, hoặc lợi ích của các nhóm thiểu số bị hy
sinh, hoặc phong trào bị rơi vào các cuộc đấu tranh nội bộ, rồi phá sản.
Thách thức thứ 2 : Làm rõ lực lượng lãnh
đạo
Hiện tại, tất cả mọi
người tham gia phong trào Bất Tuân Dân Sự dường như hành động theo sáng kiến
riêng, không có ý thức rõ ràng về vai trò của mỗi cá nhân, mỗi nhóm. Về lâu
dài, lối tranh đấu như vậy là « cực kỳ nguy hiểm », khi đối thủ là
quân đội, một thế lực « được tổ chức rất tốt và có nhiều nguồn lực ».
Hiện tại có ba nhóm có
khả năng trở thành lãnh đạo phong trào, bao gồm Ủy Ban Đại Diện cho Hạ Viện
Miến Điện (Committee Representing the Pyidaungsu Hluttaw – CRPH), Ủy Ban Tổng
Đình Công (General Strike Committee) và Ủy Ban Tổng Đình Công Quốc Gia (General
Strike Committee of Nationalities) (3).
Bài viết của Frontier
Myanmar nhấn mạnh là, ưu điểm của một phong trào không có tổ chức lãnh đạo là
sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do việc chính quyền bắt giữ hay ám sát các thành
viên chủ chốt. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn tiếp theo, khi phong trào
được coi là đã đạt được một vị thế nhất định, thì sẽ cần phải có các cuộc thảo
luận nhiều bên, phong trào cần phải có tổ chức đại diện, và cơ chế chọn ra
những người đại diện, để hoạch định hướng đi cho dân tộc.
Thách thức thứ 3: Bảo tồn nguồn lực
Đối mặt tới Tatmadaw –
với dự trữ hàng tỉ đô la và cả một kho vũ khí khổng lồ -, CDM cần chuẩn bị
kháng cự có tổ chức trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, mới hy vọng chiến
thắng. Điều chỉnh cách thức hoạt động của phong trào trong những tuần tới
« cho phù hợp », là điều rất quan trọng. Mục tiêu chủ yếu là làm sao
để « gây tổn hại tối đa cho khả năng hoạt động của chính quyền quân sự,
trong lúc vẫn bảo đảm được đông đảo dân chúng vẫn tiếp cận được với các nhu yếu
phẩm và dịch vụ cơ bản nhất ». Bởi, « nếu người dân bắt đầu mất đi
không chỉ thu nhập, mà còn cả điện, nước, hay dịch vụ thu gom rác thải, thì lúc
đó nhiều người sẽ mơ đến sự ổn định dưới thời độc tài quân sự ».
Một cuộc tổng đình công
làm kiệt quệ cả một nền kinh tế, nếu không được tiến hành một cách phù hợp, có
thể phản tác dụng, khiến phong trào tranh đấu Bất Tuân Dân Sự ít có người theo
hơn, hủy diệt chính các nguồn lực tài chính cần thiết để duy trì phong trào.
Thách thức thứ 4 : Bảo đảm các mạng lưới phân
phối nguồn lực
Bảo tồn được nguồn lực,
nhưng cùng lúc phải bảo đảm phân phối được nguồn lực. Hiện tại, đang hình thành
một phong trào trợ giúp những người tranh đấu (công nhân bãi công, người biểu
tình, che chở các nhà hoạt động, các nhà báo lẩn trốn), với hạt nhân là các quỹ
do một số nhân vật nổi tiếng thiết lập. Theo các tác giả của bài viết, về lâu
dài, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm được niềm tin, tạo lập được các kết
nối an toàn giữa người cần hỗ trợ tài chính và những người cung cấp tài chính.
Bởi, kinh nghiệm cho thấy tập đoàn quân sự đã có nhiều kinh nghiệm trong việc
đưa người xâm nhập vào phong trào, gây mất lòng tin. Cuộc tranh đấu bất tuân
dân sự là « cuộc chiến giằng co » giữa quân đội và người dân, cuộc
cạnh tranh « sức mạnh, khả năng chịu đựng và khả năng thống nhất hành
động ».
Thách thức thứ 5 : Đầu tư nội lực, đặt đúng
mức niềm tin vào quốc tế
Bài viết trực diện chỉ
trích việc rất nhiều người trong phong trào đặt quá nhiều niềm tin vào cộng
đồng quốc tế, với khẳng định : « Tương lai của Miến Điện không thể và
không nên nằm trong tay cộng đồng quốc tế ». Đây là một thực tế nổi bật.
Tin tưởng phương Tây có
thể và sẽ cứu Miến Điện là điều phổ biến. Nhiều người tham gia tranh đấu tin
tưởng các nước phương Tây có thể tiến hành các can thiệp quân sự chống lại chế
độ độc tài quân sự. Hiện tại, không hề có dự án can thiệp nào như vậy. Riêng
việc đưa ra các trừng phạt đối với một số lãnh đạo quân đội Miến Điện, các nước
phương Tây cũng phải mất nhiều ngày bàn bạc. Cấm vận vũ khí thì có thể có,
nhưng sẽ không có việc lãnh đạo đảo chính bị khởi tố, điều tra. Các can thiệp
quyết liệt để hỗ trợ người dân Miến Điện sẽ không đến.
Theo các tác giả, nỗ lực
của phong trào trong nước là quyết định. Phong trào Bất Tuân Dân Sự cần khẳng
định là « lực lượng dẫn dắt » cuộc tranh đấu chống chế độ độc tài
quân sự, chứ không phải là « nạn nhân đang tranh đấu ngoan cường trong khi
chờ bên ngoài cứu viện ».
Tuy nhiên, bài viết cũng
lưu ý rõ là phong trào Bất Tuân Dân Sự cũng cần tranh thủ các hỗ trợ quốc tế.
Ví dụ như gây áp lực với các chính phủ nước ngoài, với Liên Hiệp Quốc, không
công nhận chính quyền quân sự, thúc đẩy các đàm phán đa phương hướng đến việc
trả lại quyền lực cho người dân Miến Điện. Phong trào Bất Tuân Dân Sự cần thúc
giục chính phủ các nước ngăn chặn các công ty nước mình hợp tác với tập đoàn
quân sự, gây áp lực với các công ty đang hoạt động tại Miến Điện tôn trọng
quyền của công nhân tham gia các biểu tình phản kháng.
Ghi chú
(1) – Tạp chí song ngữ Frontier
Myanmar, bằng tiếng Anh và tiếng Miến Điện, được lập ra năm 2015, là một
trong những báo đầu tiên của Miến Điện ra đời sau khi tổng thống Thein Sein hủy
bỏ chế độ đàn áp báo chí. Sáng lập Frontier Myanmar là nhà báo Sonny Swe,
từng bị tù 10 năm (2004 – 2013) vì các hoạt động báo chí.
(2) – Nhà báo Aye Min
Thant, sống tại Miến Điện, từng đoạt thưởng báo chí Pulitzer trong
chuyên mục Tin tức Quốc tế, năm 2019, cùng với một số phóng viên Reuters.
(3) - CRPH là nhóm nghị
sĩ được bầu lên sau cuộc bầu cử 2020, hầu hết thuộc đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì
Dân Chủ, do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Ủy Ban Đại Diện cho Hạ Viện Miến Điện
nhận được sự ủng hộ rộng rãi và ngày càng nhiều từ các thị trấn, phường xã. Tại
các địa phương ủng hộ CRPH, một bộ máy chính quyền song song được lập ra. Ngày
26/02/2021, đại diện thường trực của chính quyền Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc,
ông U Kyaw Moe Tun, tuyên bố trung thành với nhân dân, và kêu gọi Liên Hiệp
Quốc công nhận CRPH là « chính phủ hợp pháp » của Miến Điện. Hai tổ
chức Ủy Ban Tổng Đình Công và Ủy Ban Tổng Đình Công Quốc Gia không được sự ủng
hộ rộng rãi như CRPH, nhưng gần đây Ủy Ban Tổng Đình Công Quốc Gia đã thu hút
sự chú ý quốc tế, với thư gửi đến đại sứ Trung Quốc tại Miến Điện, và Hội Đồng
Bảo An, nêu rõ mục tiêu của tổ chức này là thành lập Nhà nước Dân chủ Liên bang
tại Miến Điện, trong đó các sắc tộc thiểu số được tham gia vào chính phủ một
cách bình đẳng. Thành phần của Ủy Ban Tổng Đình Công Quốc Gia so với Ủy Ban Đại
Diện cho Hạ Viện Miến Điện trẻ hơn, và đa dạng về sắc tộc hơn.
No comments:
Post a Comment