Quân
đội Myanmar sẽ đưa đất nước họ đi về đâu?
Vương Thuyên
07/03/2021
https://huynhngocchenh.blogspot.com/2021/03/quan-oi-myanmar-se-ua-at-nuoc-ho-i-ve-au.html
I - Lời phi lộ
Nền dân chủ gập ghềnh
ở Myanmar (Miến Điện cũ) chỉ được đúng 10 năm có thực sự dân chủ sau
gần nửa thế kỷ dưới sự thống trị khắc nghiệt của chế độ quân
phiệt (1962-2011) [1].. Đó là thời kỳ của
chính quyền bán dân sự của ông Thein Sein (2011-2015) và thời kỳ của
bà Aung San Suu Kyi (ASSK) ̀(2015-2020) sau cuộc đại thắng tổng tuyển cử
Quốc hội năm 2015.
Bản đồ Myanmar
Thế nhưng, cuộc sống
chung ''đồng sàng dị́ mộng'' giữa bà ASSK và giới quân nhân sau ngoài
5 năm bị kết thúc ngày 1-2-2021 vừa qua. Bà và tổng thống U Htin Kyaw
cùng một số quan chức chính phủ bị quản thúc tại gia ở thủ đô
Naypyidaw. Trước khi sắp bị bắt, bà truyền lệnh ra ngoài bảo dân
chúng không chấp nhận đảo chính. Dân chúng theo lệnh bà rầm rộ xuống
đường phản đối trong khi cộng đồng thế giới, ngoại trừ Trung Quốc và
Nga Sô, đồng loạt lên án. Truyền thông Bắc Kinh, một cách lố bịch,
còn trâng tráo bóp méo sự thật nói rằng cuộc đảo chính chỉ là một
''cải tổ nội các lớn''!.
Dân chúng xuống
đường đòi quân đội trả tự do cho bà ASSK. Hình EPA
II - Thời kỳ ''vàng son'' của Myanmar
Ông Thein Sein là một
tướng quân đội dưới thời thống tướng ''sắt máu'' Than Shwe nhưng phải
công nhận ông có tầm nhìn xa hơn các bạn đồ̀ng hành của ông. Chính
trong thời kỳ cầm quyền ngắn ngủi của ông mà người dân Myanmar được
hưởng nhiều tự do nhất. Sau khi lên cầm quyền đầu năm 2011, ông ra lệnh
xoá bỏ chế độ quản thúc tại gia, thả tù nhân chính trị, cho phép
thành lập nghiệp đoàn độc lập, xoá bỏ chế độ kiểm duyệt, cho phép
tự do ngôn luận, ký kết hiệp định đình chiến với phiến quân thuộc
các sắc tộc thiểu số hầu đặt nền móng cho hòa hợp dân tộc vv...Dù
Myanmar lúc đó hầu như tuỳ thuộc TQ vi bị cộng đồng quốc tế lên án,
ông dám đương đầu với xứ này bằng cách cho ngừng chỉ dự án đập
thuỷ điện Myitsone trên sông Irrawaddy do công ty SPIC của TQ ''trúng
thầu'' với vốn đầu tư 3,6 tỷ $ Mỹ năm 2001. Dự án bị 85% dân chúng
phản đối, dự trù cung cấp 90% điện lực cho tỉnh Vân Nam TQ nhưng phải
di dân hơn nhiều chục ngàn hộ gia đình chưa nói đến sự huỷ hoại
khủng khiếp về môi trường.
Ngay sau đó, Mỹ và
cộng đồng quốc tế nới rộng rồi huỷ bỏ lệnh cấm vận và cho phép
xí nghiệp sang đầu tư. Ông Thein Sein viếng thăm chính thức Hoa Kỳ
tháng 9-2012 và tổng thống Mỹ Obama sang trả lễ thăm chính thức
Myanmar hai tháng sau đó. TT Obama và ngoại trưởng Hillary Clinton được
Myanmar tiếp đón nồng hậu và càng nồng hậu khi gặp bà ASSK. Nhiều
quan sát viên quốc tế lúc đó cho rằng Myanmar có nhiều tự do hơn các
nước lân cận ở Đông nam Á châu! Ông Thein Sein sau khi thành công dân chủ
hoá đất nước rời trần tục bỏ ...đi tu.
Bà ASSK, sau khi được
trả tự do năm 2010, ra ứng cử đại biểu Quốc hội trong lần tuyển cử
bán phần năm 2012. Đảng Liên đoàn quốc gia vi Dân chủ (NLD) của
bà thắng 44 trên 45 ghế ở Quốc hội. Cá nhân bà thắng đến
..99%.
Sang thời kỳ của bà
ASSK sau khi chiến thắng 78% ghế ở Quốc hội năm 2015, cuộc sống chung
với quân đội tuy gập ghềnh nhưng người dân tiếp tục được hưởng những
quyền tự do cơ bản. Sự kiện quân đội sát hại hàng chục ngàn người
Hồi giáo Rohingya và buộc 750.000 người của sắc tộc này phải ra đi
lánh nạn ở Bangladesh cùng việc hai nhà báo Reuters bị kết án 7 năm
tù năm 2017 khi đi điều tra quân đội thảm sát người Rohingya làm hoen ố
hình ảnh của bà [2].
III - Cuộc sống chung ''không hài hoà'' với
quân đội
Người ta đặt câu hỏi
tại sao quân đội chấp nhận kết quả cuộc tổng tuyển cử năm 2015 mà
không huỷ bó như năm 1990 khi đảng NLD của bà ASSK thắng chiếm 392 trên
492 ghế ở Quốc hội ? Lúc đó, nhóm quân phiệt của tướng Saw Maung
không những không chấp nhận kết quả mà còn bắt giam bà và các bạn
đồng hành trong 15 năm rồi sau đó cho quản thúc tại gia đến cuối năm
2010.
Lý do là năm 2008,
Quốc hội Myanmar do quân đội kiểm soát cho thông qua một đạo luật với
nhiều điều khoản cực kỳ thuận lợi cho quân đội, theo đó:
-25% ghế dành cho quân
nhân ở Quốc hội (thượng viện 56 trên 224, hạ viện 110 trên 440) mà
không thông qua phổ thông đầu phiếu [3],
-Quân đội nắm giữ ba
ghế quan trọng trong nội các là Quốc phòng, Nội vụ và Biên giới,
-Quân đội nắm giữ vai
trò trọng yếu trong nền kinh tế quốc gia,
-Mọi thay đổi điều
khoản Hiến pháp phải được 75% đại biểu Quốc hội chấp thuận.
Ngoài ra còn có một
điều khoản (nhắm chỉ bà ASSK) là cấm chỉ người có chồng vợ và có
con với người nước ngoài trở thành tổng thống. Bà kết hôn với
Michael Aris, người Anh, năm 1972 và ông này qua đời năm 1999. Hai người
có hai con trai.
Quân đội nghĩ rằng
với những điều khoản cực kỳ ''khó khăn'' này, đảng NLD khó mà ''qua
mặt'' được. Vì vậy, bà ASSK không thể trở thành tổng thống mà chỉ
đảm nhiệm chức ''Cố vấn Nhà nước'' kiêm bộ trưởng ngoại giao dù trên
thực tế bà là người đứng đầu Nhà nước thậm chí còn hơn tổng thống
như bà có lần tuyên bố. Ngoài ra, phó tổng thống là một tướng lãnh
của quân đội.
Do đó, bà ASSK buộc
phải nhượng bộ thậm chí còn bênh vực một cách khó hiểu quân đội
trong việc thảm sát người Hồi giáo Rohingya mà Liên Hiệp Quốc lên án
cho rằng là một sự thanh lọc sắc tộc thậm chí là một hành động
diệt chủng. Chẳng hạn như bà khi bênh vực quân đội trước Toa án quốc
tế La Haye tháng 12-2019 nói rằng quân đội xứ bà có thể dùng
vũ lực ''không cân xứng'' đưa đến tội ác nhưng ''không có ý đồ diệt
chủng''. Trước đó, bà còn tuyên bố ''tôi không phải là mẹ Teresa''.
Những lời tuyên bố vụng về của bà làm không những bị các người có
huân chương giải Nobel Hòa bình như đức Dalai Lama, đức giám mục
Desmond Tutu Nam Phi trách móc mà các huân chương Sakharov, Raflo, ngoại
trừ giải Nobel Hòa bình năm 1991, bị thu hồi cũng như các hình tượng
ở các nơi bị hạ xuống. Thần tượng một người đàn bà can đảm
đấu tranh cho tự do dân chủ bất thần bị tan vỡ ở các nước Âu Mỹ như
đề tựa của quyển sách ''ASSK, icône fracassée'' của nhà báo Pháp Bruno
Philip viết năm 2017.
Để đáp trả những lời
chỉ trích từ các người bạn cũ và các nước Âu Mỹ, bà trả lời hãy
''kiên nhẫn''. Bà đánh giá quá cao khả năng quân đội tiến triễn như
trường hợp tướng Thein Sein và tin tưởng rằng con đường dân chủ của
Myanmar không thể đảo ngược. Đó là một đánh cuộc thất bại (Pari
perdu) như đề tựa bài xã luận của nhật báo Pháp Le Monde ra ngày
3-2-2021.
Sự ''hy sinh'' của bà
ASSK cuối cùng trở thành vô nghĩa kèm theo sự mất đi hào quang của
một người đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do dân chủ.
Việc đảng NLD chiến
thắng vẻ vang sau tổng tuyển cử Quốc hội ngày 8-11-2020 chiếm 396 trên
498 ghế trong khi đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) của quân
đội quá tồi bị dân chúng oán ghét chỉ chiếm được 33 ghế (6,6%) so
với 43 ghế năm 2015 đưa đến sự đổ vỡ. Trước nhãn quan quân đội của
tướng Min Aung Hlaing (MAH), đảng NLD của bà ASSK chiến thắng lần này
là một chiến thắng ''thừa'' không thể ''chấp nhận''. Để biện minh đảo
chính,̀ quân đội cáo buộc đảng NLD thắng vì bầu cử ''gian lận'' nhưng
không đưa ra bằng chứng nào cụ thể giống như những cáo buộc không
bằng chứng của ông Trump ở Mỹ sau khi thất cử! Dĩ nhiên, lời cáo
buộc vu vơ này không thuyết phục được ai nên họ quay ra cáo tội bà
ASSK ''nhập khẩu bất hợp pháp talkies-walkies và vi phạm luật quản lý
thảm hoạ quốc gia''. Rồi cuối cùng buộc thêm tội khác là ''kích
động bạo loạn công cộng''.
Khác với ông Thein
Sein, tướng MAH là một quân nhân bảo thủ, không có tầm vóc và tham lam
quyền lực. Nguyên đại sứ Úc ở Myanmar, ông Nicholas Coppel mô tả tướng
này như sau: ''Hắn là con người không biết lắng nghe, chính bản thân
hắn là nạn nhân của sự ngạo nghễ và dốt nát về thời cuộc''. Tướng
MAH sắp về hưu nên bịa ra chứng cớ hầu ở lại lâu dài. Ông ''hứa'' sẽ
trao trả quyền lực do dân cử sau một tuyển cử ''mới'' nhưng không đưa
ra lịch trình cụ thể. Người ta không khó đoán quân đội của ông sẽ
''nặn'' ra một Hiến pháp mới để ngăn cản đảng NLD ra tham dự ra tranh
cử trong khi lãnh tụ bà ASSK ở tuổi 75 bị quản chế, như rắn mất
đầu, không có người thừa kế có tiếng vang để tiếp tục đấu tranh.
IV - Dân chúng phẫn nộ xuống đường không chấp
nhận đảo chính
Hình hàng trăm
nghìn dân chúng xuống đường ở Yangon ngày 17-2-2021.
Liền ngay sau quân đội
đảo chính, quần chúng khắp nơi trên toàn xứ đặc biệt ở ba thành phố
lớn như thủ đô Naypyidaw, Yangon (Rangoun cũ) và Mandalay theo lệnh
của bà ASSK xuống đường đòi quân đội trả chính quyền do dân cử và
trả tự do cho lãnh tụ của họ trong bốn tuần liên tiếp và vẫn
còn tiếp tục. Lúc ban đầu, những cuộc biểu tình bất bạo động diễn
ra ôn hòa. Người biểu tình còn hóm hỉnh chế giễu với những biểu
ngữ như ''tôi cần có một người yêu, không cần một chế độ độc tài''
hay ''người yêu cũ tệ nhưng quân đội Myanmar còn tồi hơn'' (My ex is bad
but Myanmar Military is worse). Tướng MAH, người đứng đầu đảo chính cũng
bị chế giễu do có vóc dáng nhỏ bé với biểu ngữ ''Giấc mơ của tôi
còn cao hơn thân vóc của hắn''. Thế nhưng, quân đội hình như không đánh
giá cao những lời nhạo báng này. Họ bắt đầu dùng hơi cay, lựu đạn
cay, vòi rồng nước, bắn đạn cao su rồi chuyển sang bắn đạn thật để
giải tán biểu tình. Người biểu tình đầu tiên bị thiệt mạng là cô
Mya Thwe Khaing 20 tuổi ngày 19-2 sau khi bị thương trước đó. Ngày 20-2,
cảnh sát nổ súng làm ít nhất có 2 người chết và 20 người bị thương
theo truyền thông. Ngày 28-2, quân đội tiếp tục nổ súng với ít nhất
18 người chết và 30 người bị thương nặng. Ngày 4-3 còn gọi là ''ngày
thứ tư đen'' vi quân đội lần đầu tiên dùng súng tự động nổ súng làm
38 người biểu tình thiệt mạng theo thông tin của LHQ. Trong các người
bị tử thương có một cô gái 19 tuổi tên Kyal Sin làm mọi người xúc
động. Cô ta người nhỏ bé bị bắn vào đầu trong cuộc biểu tình ở
thành phố Mandalay. Điều đáng chú ý là tuổi trẻ không ngần ngại dấn
thân xuống đường và người biểu tình tìm mọi sáng kiến để ngăn chặn
xe tank của quân đội trên đường phố. Chẳng hạn, họ dùng quần phụ nữ
truyền thống (longyi) giăng khắp đường phố để ngăn chặn xe tank. Xem qua
có vẻ khôi hài nhưng hiệu quả! Lý do là theo sự mê tín dị đoan của
người Myanmar khi người đàn ông vượt qua quần phụ nữ sẽ mất đi quyền
lực hoặc uy tín. Do đó, xe tank quân đội không dám tiến bước ngoại
trừ phải xuống tháo gỡ hết hàng loạt đường dây ngăn chặn.
Các quan sát viên cho
rằng quân đội Myanmar lần này quyết tâm nghiền nát biểu tình bằng
bạo lực thậm chí trong biển máu như năm 1988 theo đó quân đội dưới
thời tướng Ne Win đã thảm sát 3000 người biểu tình. Tổng cộng từ
đầu tháng 2 đến ngày 4 tháng 3 đã có hơn 60 người biểu tình bị quân
đội hạ sát và nhiều chục người bị thương không kể có hơn 1500 người
bị bắt trong đó có nhiều ký giả trong ngoài nước. Dù vậy, biểu
tình vẫn tiếp tục và không ai có thể đoán được ngày chấm dứt.
Như trên có nói, Liên
Hiệp Quốc và cộng đồng thế giới lên án cuộc bạo hành của quân đội
đối với người biểu tình. Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu dự tính trừng
phạt những người có dính líu với đảo chính nhưng quân đội đảo chính
đáp trả bằng thách thức và khinh miệt nói rằng: ''Chúng tôi đã quen
trừng phạt từ phía Âu Mỹ''. TT Pháp E. Macron có lẽ là người phản
ứng mạnh nhất. Chính phủ ông mạnh mẽ lên án bạo lực, riêng ông gửi
''tweet'' nói rằng: ''Chúng tôi đứng về phía các bạn'' (phía người
biểu tình). Tuy nhiên, không ít người nói dự tính trừng phạt của Hoa
Kỳ và Liên hiệp Âu châu không đúng tầm xứng với sự đàn áp khắc
nghiệt của quân đội Myanmar. Họ đề xuất phải đánh vào ''tuí tiền''
của họ bằng cách trừng phạt những công ty xí nghiệp liên doanh do quân
đội kiểm soát và đóng băng tài khoản của họ ở các ngân hàng trên
thế giới.
Phía chính quyền quân
đội bắt đầu có rạn nứt. Đại sứ Myanmar ở LHQ ông Kyaw Moe Tun lên
tiếng phản đối đảo chính, đòi quân đội trả lại quyền lực Nhà nước
cho nhân dân ngày 26-2 trong buổi họp. Ông bị buộc tội ''phản quốc''
và bị cách chức ngay sau đó. Chính quyền quân đội thông báo cho LHQ
nói ông Tin Maung Naing, người phó của ông Kyaw sẽ lên thay nhưng ông này
lại tuyến bố từ chức. Do LHQ không công nhận chính quyền đảo chính
nên ông Kyaw vẫn còn là đại sứ...Ông Ti Min Tun, một cảnh sát trưởng
của một phân bộ thành phố Yangon tuyên bố đứng về phía quần chúng
sau khi kêu gọi các đồng nghiệp hãy suy nghĩ viễn tượng quân đội sẽ
cầm quyền trong nhiều thập niên tới. Điều đáng tiếc là số người
trong chính quyền phản đối còn hạn chế và sự gần như vắng bóng của
giáo hội Phật giáo khác với năm 2007 khi các nhà sư rầm rộ xuống
đường chống quân đội.
Ông Kyaw Moe Tun,
đại sứ́ Myanmar giơ biểu tượng phản đối đảo chính trong phiên họp LHQ
ngày 26-2-2021. Hình báo Tiền Phong.
V - Có bàn tay TQ trong đảo chính?
Ngoại trưởng TQ
Vương Nghị và tướng MAH ở Naypyidaw ngày 12-1-2021. Hình Tân Hoa Xã.
Trong suốt thời kỳ
quân phiệt khắc nghiệt dưới sự thống trị của quân đội (1962-2011), TQ
là nước đứng sau hỗ trợ. Về phương diện địa dư chính trị, Myanmar là
nước giàu về tài nguyên khoáng sản dầu khí, đá quý và nông nghiệp
đặc biệt là đất hiếm chỉ sau TQ và Hoa Kỳ. Myanmar là cửa ngỏ của
TQ để đến Ấn Độ Dương ở cảng Kyaukpyu ở phía nam bang Rakhine mà không
bị lệ thuộc eo Malacca vốn có nhiều rủi ro bị phong toả. Từ cảng
biển này, TQ có thể vận chuyển dầu khí từ Trung đông và Iran. Một
cảng khác mà TQ đã khai thác ở Pakistan để xuyên qua Ấn Độ Dương là
cảng Gwadar dù cách xa TQ đến nhiều ngàn km ở phía tây. Đây là hai con
đường biển chiến lược trong sách lược vành đai và con đường (Belt and
Road Initiative) viết tắt BRI của TQ.
Từ khi đảng NLD của
bà ASSK thắng cử năm 2015, chính sách ngoại giao của TQ là hợp tác
với bất cứ chính quyền dân sự hay quân sự miễn là quan hệ được bền
vững và quyền lợi của TQ được bảo đảm. Đó là chính sách ''đu dây''
hàng hai vừa thân thiện với chính quyền dân sự của bà ASSK vừa không làm
mất lòng quân đội. Do đó, lãnh đạo TQ khi viếng thăm chính thức
Myanmar đều gặp bà ASSK lẫn Tổng tham mưu trưởng quân đội tướng MAH,
một điều khá hi hữu trong bang giao quốc tế.
Tập Cận Bình không
ngừng ve vãn bà ASSK trong thời gian bà cầm quyền sau 2015. Bà ASSK hai
lần viếng thăm chính thức Bắc Kinh (2016 và 2017) và ủng hộ ''sáng
kiến vành đai và con đường'' của TQ. Song song đó, Bắc Kinh làm áp
lực một mặt lợi dụng Myanmar của bà ASSK bị cô lập trên chính trường
quốc tế sau vụ thảm sát người Hồi giáo Rohingya năm 2017. Mặt khác,
Bắc Kinh không ngừng hỗ trợ các phiến quân sắc tộc Kachin, Wa, Ta'ang
vv...gần biên giới để thao túng.
Năm 2018, hai nước ký
một bản ghi nhớ về việc xây dựng Hành lang kinh tế (CMEC) bao gồm các
tuyến đường bộ và đường sắt nối liền Côn Minh của TQ và Mandalay của
Myanmar. Đầu tháng giêng năm 2020, Tập Cận Bình viếng thăm chính thức
Myanmar để đáp lễ chuyến thăm TQ của tổng thống Myanmar hồi tháng
4-2017 và ký 33 hiệp định hợp tác. Trong các hiệp định này, có hai
hiệp định quan trọng là việc thành lập khu kinh tế ở biên giới của
hai nước và việc khởi công khai thác nhanh cảng Kyaukpyu. Khi bà ASSK
thắng cử vẻ vang lần thứ ba ngày 8-11-2020, Tập Cận Bình gửi điện
chúc mừng và còn nói cuộc đầu phiếu diễn ra suôn sẻ. Nói chung, quan
hệ giữa bà ASSK và Bắc Kinh của Tập Cận Bình tuy không khăng khít
nhưng không thể nói là xấu.
Thế nhưng, tình hình
vào cuối năm 2020 khác trước. Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa lên thay ông
Trump, người đã rút Mỹ ra khỏi hiệp định TPP năm 2017 khi vừa lên cầm
quyền. Bắc Kinh lo ngại ông Biden sẽ trở lại chính sách xoay trục về
Á châu của cựu tổng thống Obama? Một Myanmar nghiêng về phía Mỹ sẽ
ngăn chặn lộ trình BRI và quyền lợi của TQ ở xứ này. Theo đó là sự
chống lại sự trỗi dậy và ảnh hưởng của TQ trong vùng.
Ngày 12-1-2021, trước
ngoài hai tuần đảo chính, ngoại trưởng TQ Vương Nghị trở lại thăm
chính thức Myanmar và có gặp tướng MAH. Mục tiêu của chuyến đi, theo
truyền thông TQ, là TQ bày tỏ hy vọng các dự án trong Hành lang kinh
tế (CMEC) giữa hai nước sẽ sớm nối lại và triển khai suôn sẻ sau
chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình cách đây đúng một năm. Ông Vương
Nghị lo ngại sự chậm trễ về việc triển khai của dự án dù ông đã
viếng thăm Myanmar hồi tháng 9-2020? Dĩ nhiên, người ta không biết nội
dung cuộc gặp gỡ giữa Vương Nghị và tướng MAH này. Bắc Kinh có ''bật
đèn xanh'' cho giới quân nhân làm đảo chính? Khó mà biết được.
Tuy nhiên, trang
News.com.au (Úc) ngày 24-2, đưa tin cứ mỗi đêm trong hơn tuần qua có
những chuyến bay không đăng ký phát xuất từ Côn Minh TQ đến Yangon mặc
dù đường hàng không chính thức bị cấm hoạt động. Ông Kyaw Win, giám
đốc mạng Nhân quyền Myanmar cho biết những chuyến bay này diễn ra hàng
ngày và trung bình có 5 chuyến bay một đêm do những máy bay sơn màu
hãng Myanmar Airways. Trong khi đó, chuyên gia Susan Hutchinson, thuộc đại
học quốc gia Úc, viết trên tạp chí The Strategist cho rằng TQ không
những biết cuộc đảo chính mà còn đưa binh sĩ tới hỗ trợ quân đội
xứ này. Nếu thông tin này chính xác thì TQ bị bắt quả tang có đứng
sau vụ chính biến ngày 1-2-2021 vừa qua.
VI - Thay lời kết
Việc quân đội đưa ra
những lý do vu vơ hàm hồ để làm đảo chính không thuyết phục được ai
và cũng là một sai lầm lớn của họ.
Myanmar, sau 10 năm mở
rộng với thế giới bên ngoài, không còn là Myanmar ở thập niên 90 nữa.
Với truyền thông hiện đại, tuổi trẻ của xứ này cũng như tuổi trẻ
của thế giới có thể truy cập tin tức theo thời khắc mà không thể
còn che giấu như trước đây. Lại nữa, khi tự do dân chủ đã có được
khó mà thu hồi một cách dễ dàng. Người viết có ba lần tham quan và
lần chót cách đây đúng một năm đã chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục
về tiến trình dân chủ cùa xứ này. Do đó, người ta rất bi quan cho
tình hình không lối thoát này.
Myanmar sẽ bị cộng
đồng quốc tế cấm vận và sẽ lại rơi vào tình trạng đói nghèo và
chế độ quân phiệt rồi cuối cùng rơi vào quỹ đạo TQ như trước đây.
-------------------
Chú thích
[1] Ba quân nhân thống
trị trong gần nửa thế kỷ ở Myanmar là : Newin 3-1962 đến 7-1988, Saw
Maung 9-1988 đến 4-1992, Than Shwe 4-1992 đến 3-2011.
[2] Xem cùng tác giả
''Thảm trạng cộng đồng người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar'' trên DQVN
ngày 22-9-2017.
[3] Tổng số ghế ở
Thượng và Hạ viện là 664 nhưng 166 ghế đã dành cho quân đội nên chỉ
có 498 ghế bầu phổ thông.
VT, 5-3-2021
No comments:
Post a Comment