Lời
đe doạ từ phát biểu của Vương Nghị
Cầm Bá Thước
2021-03-10
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/threatening-remark-by-wang-yi-03102021112027.html
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc
họp báo trực tuyến bên lề kỳ họp Quốc hội ở Bắc Kinh hôm 7/3/2021 . Reuters
Thông điệp chính mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương
Nghị đưa ra trong cuộc họp báo kéo dài 100 phút ngày 7/3 vừa qua, trong bối
cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tròn 100 tuổi, là “chiêu dụ các nước láng
giềng gần, thẳng tay tấn công những nước phương Tây, kể cả Mỹ - những nước dám
công kích chính sách của Bắc Kinh trên mọi hồ sơ đối nội lẫn đối ngoại.”
Phát biểu bên lề kỳ họp Quốc hội, Ngoại trưởng
Vương Nghị đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng: Trung Quốc không sẵn sàng
nhượng bộ một ai và trong bất kỳ hồ sơ nào.
Cuộc họp báo của Ngoại trưởng Vương Nghị hôm qua đã
để lộ rõ những “khác biệt", thậm chí là những "hố sâu” ngăn cách
Bắc Kinh với các nước phương Tây. Đối với tất cả những vấn đề "nóng"
mà Trung Quốc đang bị thế giới công kích, từ tham vọng thống nhất Đài Loan đến
nhân quyền ở Tân Cương, từ các quyền tự do của người dân Hong Kong đang bị bóp
nghẹt đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông và Biển Hoa Đông, hay tranh chấp lãnh
thổ trên bộ ở đường biên giới với Ấn Độ... Bắc Kinh “không sẵn sàng lùi
bước”. Ngoại trưởng Vương Nghị đã gián tiếp cảnh báo rằng cột mốc 100 năm tuổi
của Đảng Cộng sản Trung Quốc là “khúc dạo dầu cho một thiên niên kỷ vĩ
đại” sắp mở ra.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh
đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tại lễ bế mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân
dân ở Bắc Kinh hôm 10/3/2021. Reuters
Về tham vọng chiếm đoạt toàn bộ Biển Đông, ngoại
trưởng Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh không có vấn đề với các nước láng giềng,
đồng thời tố cáo “chính Mỹ và một vài nước phương Tây muốn phá hoại hòa
bình ở Biển Đông và gây bất ổn trong khu vực”. Ngoại trưởng Trung Quốc cũng cho
biết Trung Quốc đang thúc đẩy các cuộc đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông
(COC).
Liên quan đến tranh chấp ở Biển Hoa Đông với Tokyo,
ông Vương Nghị tuyên bố một cánh nhã nhặn, nhưng cũng không kém phần cứng rắn,
rằng ông mong muốn “Nhật Bản có một tầm nhìn khách quan và đúng đắn về
Trung Quốc”. Một trong những lo ngại lớn của Nhật Bản là nước này có thể là mục
tiêu của Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, theo đó cho phép các tàu tuần duyên
Trung Quốc bắn vào các tàu nước ngoài và phá dỡ các công trình được xây dựng
trong vùng biển tranh chấp mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Ngày 7/3, ông
Vương Nghị khẳng định rằng luật này chỉ là "luật thông thường ở trong
nước" và "không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào".
Về khu vực Đông Nam Á, ông Vương Nghị nói rằng
Trung Quốc sẽ thúc đẩy thương mại với các quốc gia Đông Nam Á và đề nghị sẽ
giúp đỡ trong việc triển khai tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên,
ngoại trưởng Trung Quốc cũng đã gián tiếp nhắc nhở công luận quốc tế rằng hiện
tại có trên dưới 100 quốc gia đang trông cậy vào vaccine của Trung Quốc để đối
phó với COVID-19, trong số này có nhiều nước Đông Nam Á, đứng đầu là
Philippines và Indonesia.
Liên quan đến Đài Loan, trả lời câu hỏi của một
phóng viên Hong Kong, ngoại trưởng Trung Quốc đã thẳng thắn tuyên bố đây là
“một vấn đề rất nhạy cảm”, nguyên tắc một Trung Quốc là “không thể vượt qua lằn
ranh đỏ”. Ông Vương Nghị cũng phát biểu trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp Quốc
hội thường niên đang diễn ra: "Chính phủ Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp.
Chúng tôi yêu cầu chính quyền mới của Mỹ hiểu đầy đủ về tính nhạy cảm cao của
vấn đề Đài Loan và phải thay đổi hoàn toàn các động thái nguy hiểm của chinh
quyền trước đây khi 'vượt qua lằn ranh' và 'đùa với lửa'". Ông Vương Nghị
tuy không nói rõ Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào nếu ông Biden không thay đổi
cách tiếp cận, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đe dọa tiến hành xâm lược nếu
Đài Loan tuyên bố chính thức độc lập hoặc trì hoãn các cuộc đàm phán về việc
thống nhất với Đại lục.
VIDEO : Trung Quốc cảnh báo "độc lập cho Đài Loan là đường
cùng" và Mỹ sẽ gánh hậu quả
Vào lúc các nước châu Âu và Mỹ tố cáo Trung Quốc
phạm tội diệt chủng ở Tân Cương, đàn áp dân chủ Hong Kong, rồi Washington có
những hành động chống lại việc Bắc Kinh bành trướng ở Biển Đông,
Ngoại trưởng Vương Nghị đã điềm nhiên lên án phương Tây đạo đức giả, muốn
áp dụng một mô hình “đa phương” một cách có chọn lọc, làm công luận “hồi
tưởng lại thời kỳ mà thế giới còn bị bức màn sắt ngăn đôi hai khối Đông Tây”.
Đánh giá về cuộc họp báo của ông Vương Nghị, giới
phân tích đã đưa ra nhận định: Trung Quốc giờ đây đủ tự tin vào sức mạnh của
chính mình để đòi chiếm một vị trí ngang hàng với bất kỳ cường quốc nào khác.
Điều này đã được phản ánh qua tất cả những phát biểu trong chính sách ngoại
giao của Bắc Kinh.
Đây có lẽ là thời điểm mà các quốc gia có các tranh
chấp biển với Trung Quốc hết sức lo ngại trước khả năng Trung Quốc sẽ gia tăng
các hành động hung hăng. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam hồi
đầu năm, Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội Hùng Ba đã khẳng định: “Trung Quốc sẵn
sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, duy trì chủ nghĩa đa phương và hệ thống
quốc tế lấy Liên hợp quốc làm trung tâm và dựa trên luật pháp quốc tế. Là nước
Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc sẽ phát huy trách
nhiệm và vai trò nước lớn mang tính xây dựng, tích cực tham gia giải quyết các
vấn đề nóng của khu vực, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, hiệp
thương, đối thoại, đóng góp lớn hơn nữa cho hòa bình và an ninh quốc tế.”. (1)
Mặc dù phát biểu như vậy, nhưng với hành động ban
hành Luật Hải cảnh mới, Trung Quốc bị quốc tế đánh giá là “một đế quốc tấn công
vào Luật biển”; “Trung Quốc đe doạ chiến tranh bằng luật hải cảnh”…, các nhà
nghiên cứu dự báo rằng với thái độ cứng rắn của Bắc Kinh như vậy, tình hình
biển Đông sắp tới chắc chắn sẽ “dậy sóng”. Các quốc gia tại biển Đông như Việt
Nam sẽ phải đối mặt với các thách thức và đe doạ nghiêm trọng từ Trung Quốc.
Chính vì vậy, các quốc gia ASEAN có tranh chấp tại biển Đông với Trung Quốc cần
có chiến lược cụ thể để có thể chống trả lại được sự đe doạ từ Trung Quốc.
----------------------------
*
Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Tin, bài liên quan
- Ngoại
trưởng Trung Quốc thăm Việt Nam và Philippines
- Quân
đội Đài Loan tập trận nhằm đối phó với Trung Quốc
- Đài
Loan gỡ mìn Kim Môn, Mã Tổ
- Không
muốn, cũng chẳng sợ chiến tranh: Tổng thống Đài Loan
No comments:
Post a Comment