KÉO DÀI
DANH SÁCH NGOẠI NGỮ 1 LÀ KÉO DÀI TÂM THẾ LỆ THUỘC
https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/2278509195615831
Hôm nay, được biết Bộ GD-ĐT đã quyết định đưa môn tiếng Hàn thành ngoại ngữ 1 trong
chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12. Lòng
tự hỏi không biết bao giờ mới xoá bỏ được tâm thế lệ thuộc?
1. MỘT NGHỀ CHO KÍN
Học ngoại ngữ là nhu cầu tất yếu. Nó càng trở nên
tối cần thiết trong thời đại kết nối toàn cầu tức thì như hiện nay. Trong hoàn
cảnh phải ganh đua quốc tế ngày càng gay gắt, mà học sinh phổ thông các nước
lại giỏi ngoại ngữ hơn học sinh Việt Nam, thì việc thúc đẩy học sinh Việt Nam
học ngoại ngữ là điều phải làm.
Nhìn vào thực tế trên toàn thế giới thì ngoại ngữ
nào là cần thiết áp đảo? – tiếng Anh. Chỉ cần thật giỏi tiếng Anh là có thể làm
việc ở mọi quốc gia – dù đó là Nhật Bản và Hàn Quốc dùng chữ tượng hình ở bán
cầu Đông, hay đó là Brasil nói tiếng Bồ Đào Nha và Chile nói tiếng Tây Ban Nha
ở bán cầu Tây.
Hiển nhiên, biết nhiều ngoại ngữ cũng là một ưu
thế. Có người giỏi 5-7 ngoại ngữ. Nhưng đó là sự lựa chọn thứ hai. Đừng bao giờ
quên lời dạy của cha ông: “Một nghề không kín, chín nghề không xong” và “Nhất
nghệ tinh, nhất thân vinh”. Với học sinh phổ thông Việt Nam, đang thua xa học
sinh Philippines và Singapore về tiếng Anh, thì hãy lấy tiếng Anh làm mục tiêu
số 1. Không cần phải gắn tên là ngôn ngữ chính thức thứ hai, nhưng là ngoại ngữ
số 1 của học sinh Việt Nam. Đấy mới là cách đi đúng.
2. VẼ THÊM DỰ ÁN TỐN KÉM
Đưa một môn ngoại ngữ vào nhóm bắt buộc lựa chọn số
1 kéo theo vô vàn tốn kém. Chương trình giảng dạy không phải là quan trọng
nhất, mà cung cấp và chu cấp giáo viên mới là vấn đề đau đầu. Sau đó là sách
giáo khoa.
Phải có đủ giáo viên và sách giáo khoa cho mọi
trường trên toàn quốc. Trong khi số lượng học sinh tự chọn thì đếm trên đầu
ngón tay. Có trường không có học sinh. Giáo viên làm gì? Tiếng Nga đã một thời
áp đảo trong chương trình phổ thông Việt Nam, nhưng nay không có mấy học sinh
lựa chọn. Bài học chưa đủ rõ chăng?
Và trong thời kỳ mà lợi ích nhóm rộ lên nhiều hơn
nấm sau mưa, thì cũng không thừa nếu đặt câu hỏi, rằng liệu có hay không ai đó
đã loby để tiếng Hàn trở thành ngoại ngữ số 1 trong chương trình giáo dục phổ
thông Việt Nam? Và có ai được hưởng lợi từ dự án này không?
3. KÉO DÀI TÂM THẾ LỆ THUỘC
Cứ nước nào đến đầu tư nhiều ở Việt Nam thì phải
đưa tiếng nước họ vào chương trình phổ thông trên toàn quốc ư? Nếu Ả rập xê út
đến đầu tư nhiều hơn nữa ở Việt Nam, nếu Israel mở rộng quan hệ hơn nữa với
Việt Nam, rồi thì chúng ta sẽ đưa tiếng nước họ vào chương trình giảng dạy bắt
buộc ở phổ thông ư? Danh sách ngoại ngữ 1 sẽ kéo dài thêm những nước nào?
Một thực tế, đưa tiếng nước nào vào danh sách ngoại
ngữ 1 đã làm đau đầu không chỉ 1 người có trách nhiệm. Ngoại trừ tiếng Anh nhận
được sự đồng nhất về nhiều tiêu chí. Còn lại đưa tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng
Trung Quốc… đều dính líu đến quan hệ và e ngại.
Danh sách ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục
phổ thông Việt Nam sẽ không chấm dứt chừng nào tâm thế lệ thuộc còn tồn tại
trong suy nghĩ của những người đứng đầu ngành giáo dục. Tại thời điểm hiện tai,
danh sách ngoại ngữ 1 bao gồm: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung
Quốc, tiếng Nhật, tiếng Đức và tiếng Hàn.
4. ĐỀ XUẤT
Chỉ tập trung cho tiếng Anh trong chương trình giáo
dục phổ thông, ở mọi trường học. Các ngoại ngữ khác là lựa chọn thêm, học ở các
TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ, HỌC TRỰC TUYẾN.
5. XOÁ BỎ TÂM THẾ LỆ THUỘC
Các nước ở Bắc Âu, có diện tích gần tương đương
nhưng có dân số ít hơn Việt Nam trong khoảng từ 10-20 lần, lại nằm cạnh các
nước lớn là lò lửa chiến tranh trong nhiều thế kỷ, nhưng chẳng bao giờ gọi nước
nào là anh cả, anh hai. Họ rộng mở chào đón các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài,
nhưng cũng không bao giờ “lót ổ cho đại bàng” mà tự đưa mình vào vị thế “chim
sẻ”. Học sinh phổ thông của họ biết ngoại ngữ giỏi hơn học sinh phổ thông Việt
Nam, nhưng không có danh sách ngoại ngữ 1 dài dằng dặc như ở Việt Nam.
Muốn độc lập, hùng cường, thì cần phải xoá bỏ tâm
thế lệ thuộc. Xoá bỏ tâm thế lệ thuộc phải bắt đầu trong suy nghĩ của lãnh đạo.
Xoá bỏ được suy nghĩ lệ thuộc thì hành động sẽ không lệ thuộc. Như đã có một
thời “muốn đánh Mỹ, thì đừng sợ Liên Xô, Trung Quốc”.
Xoá bỏ tâm thế lệ thuộc phải bắt đầu trong giáo
dục. Để xoá bỏ tâm thế lệ thuộc trong giáo dục thì phải xoá bỏ tâm thế lệ thuộc
trong lãnh đạo ngành giáo dục, và trong suy nghĩ của các giáo viên. Có thế, học
sinh mới không bị gieo rắc tâm thế lệ thuộc.
Việt Nam rất cần một vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo xứng tầm.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=2278508825615868&set=a.225605000906271
Quyết
định đưa môn tiếng Hàn thành ngoại ngữ
No comments:
Post a Comment