Phan Thành Đạt
14/03/2021
https://baotiengdan.com/2021/03/14/dich-benh-va-chien-tranh/
Pháp và Liên minh châu Âu đang nỗ lực ngăn chặn
dịch bệnh bằng cách đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine. Có 3 loại vaccine được
sử dụng ở 27 nước thành viên là Pfizer-BioNtech, Moderna và AstraZeneca. Liên
minh châu Âu đã đặt mua hàng tỉ liều vaccine để cung cấp cho gần 400 triệu dân.
Hiện tại, Anh là nước đạt tỉ lệ tiêm chủng nhanh
nhất, với hơn 23
triệu người nhận tối thiểu một liều. Ở Pháp, hiện có
gần 5 triệu người đã được tiêm chủng tối thiểu một liều. Từ tháng
04, tất cả những người trên 65 tuổi sẽ có cơ hội tiếp cận với vaccine. Đến mùa
hè, tất mọi người đều có cơ hội tiêm vaccine nếu muốn.
Dự kiến đến mùa thu 2021, Liên minh Châu Âu sẽ hoàn
thành kế hoạch tiêm chủng. Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới như châu Phi,
Nam Mỹ, Nam Á… vẫn chưa có cơ hội tiếp cận với vaccine phòng Covid-19. Ba
loại vaccine do Mỹ và châu Âu sản xuất đều có hiệu quả trên 90%, chính vì điều
này, người ta tin tưởng rằng cuộc sống sẽ trở lại bình thường khi 60% dân số
được tiêm vaccine phòng dịch.
Hiện tại, người ta rất lo ngại về các biến thể
virus mới có nguồn gốc ở Anh, Nam Phi và Brazil. Riêng chủng virus mới có nguồn
gốc từ Anh đang chiếm hơn 50% các ca lây nhiễm hàng ngày ở Pháp. Một số nơi như
Dunkerque thuộc vùng Pas de Calais hay vùng Alpes maritimes, chính phủ quyết
định phong toả cuối tuần từ thứ sáu đến thứ hai.
Ở Pháp, có 20 tỉnh, trong đó có Paris và khu vực
ngoại ô là những vùng có mức độ lây nhiễm cao. Toà thị chính Paris mới đưa ra
đề nghị phong toả thủ đô trong ba tuần, sau đó sẽ cho phép mở cửa các quán bar,
tiệm ăn, rạp chiếu phim… Đây chỉ là đề xuất của phó thị trưởng Paris, một người
theo đảng xã hội, không phải là đề nghị hay quyết định của chính phủ. Tuy
nhiên, nhiều người tỏ ra hoang mang về ý tường này.
Các nhà lãnh đạo trong Liên minh châu Âu mới đây đã
tổ chức phiên họp trực tuyến. Chủ đề duy nhất của chương trình nghị sự là đưa
ra các biện pháp hiệu quả để đối phó với dịch bệnh. Các nước đưa ra sáng kiến
về hộ chiếu tiêm phòng vaccine. Theo cách này, người đã tiêm phòng, sẽ được cấp
một giấy chứng nhận, người đó có thể đi du lịch, tham gia các hoạt động văn
hoá… Người đó có cuộc sống gần như bình thường như trước khi xuất hiện dịch
bệnh.
Các nước như Ý và Tây Ban Nha đồng ý với ý tưởng
này vì kinh tế của các nước này phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch, dịch vụ.
Pháp và Đức không đồng ý, vì điều này sẽ tạo sự phân biệt đối xử giữa người
được tiêm vaccine và người không tiêm. Những người trẻ, những người dưới 18
tuổi không phải là đối tượng tiêm vaccine nên họ sẽ không có giấy chứng nhận.
Biên giới của 27 nước trong Liên minh châu Âu vẫn
mở, nhưng việc đi lại khó khăn hơn, các nước không khuyến khích công dân của
mình di chuyển sang nước khác nếu không có việc cần thiết. Đối với những công
dân ở các nước không thuộc Liên minh châu Âu khi đến Pháp, họ cần có giấy xét
nghiệm âm tính với Covid 19.
Thế giới đã có hơn 120 triệu
người nhiễm coronavirus, hơn 2,6 triệu người chết. Mỹ
là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 30 triệu người nhiễm
bệnh, hơn 546.000 người chết. Số người chết ở Mỹ vì Covid 19 cao hơn tổng số
người Mỹ chết trong ba cuộc chiến tranh: Chiến tranh thế giới thứ nhất, chiến
tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Việt Nam.
Từ thời trung cổ, con người đã chứng kiến rất nhiều
đại dịch khủng khiếp. Ví dụ dịch hạch vào thế kỷ 14 đã giết hại hơn 1/3 dân số
châu Âu. Số lượng người chết theo ước tính có thể từ 75 đến 200 triệu người.
Trong thế kỷ 20, con người đã chứng kiến ba đại
dịch: Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1920 đã khiến từ 50 đến 100 triệu người
chết, dịch cúm năm 1957-1958 và dịch cúm Hong Kong (dịch xuất hiện đầu tiên ở
Trung Quốc, từ tháng 7 năm 1968, dịch lây lan nhanh chóng khắp nơi trên thế
giới và chấm dứt đầu năm 1970), khoảng từ 1-4 triệu người chết vì dịch cúm Hong
Kong. Người ta hay nói đến dịch cúm Tây Ban Nha nhưng hai đại dịch cúm sau đó
gần như không được nhắc đến.
Dù đại dịch Covid 19 đang là mối đe doạ với con
người hôm nay. Thế kỷ 21 sẽ là thời gian đáng sống, con người được sống trong
hoà bình. Những mối đe doạ lớn không đến từ con người mà đến từ thiên nhiên do
trái đất nóng lên. Thế kỷ 21 là thời kỳ của những phát minh khoa học, thời kỳ
của những cuộc thám hiểm bên ngoài trái đất. Con người hiện nay ý thức hơn về
bảo vệ môi trường so với những thế hệ trước đây. Con người trong thế kỷ này nếu
không hoàn thành sứ mệnh gìn giữ môi trường thì thế hệ hôm nay và cả thế hệ mai
sau sẽ phải trả giá đắt.
Ta hãy so sánh cuộc sống khó khăn của con người
trong thế kỷ 20, thời kỳ của dịch bệnh, chiến tranh, nạn đói, thời kỳ mà con
người tạo ra thuốc nổ, vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học có sức hủy diệt khủng
khiếp. Con người thế kỷ trước phải sống cùng những mối đe doạ thường trực.
Ví dụ một người Pháp sinh năm 1900. Năm 1918, chiến
tranh thế giới thứ nhất diễn ra, người đó tròn 18 tuổi, tham gia quân đội,
chiến đấu tại chiến hào Verdun chống lại quân Đức. Người đó may mắn sống sót.
Năm 1919, dịch cúm Tây Ban Nha xuất hiện khắp nơi ở châu Âu, người chết như ngả
rạ, người đó bị nhiễm bệnh nhưng may mắn qua khỏi. Năm 1929, một cuộc khủng
hoảng kinh tế tàn phá thế giới, người đó mất việc, cuộc sống gia đình đói khổ.
Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra. Tháng 5 năm 1940, Đức Quốc Xã
xâm lược Pháp, người đó cùng gia đình bỏ lại nhà cửa, đất đai đi tránh chiến
tranh.
Từ 1945 đến 1991, thế giới phân chia thành hai cực,
Liên Xô và Mỹ đối đầu, các nước lần lượt chế tạo thành công bom nguyên tử. Mỹ
và Liên Xô phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, chiến tranh, xung
đột, bạo động diễn ra khắp nơi trên thế giới: Chiến tranh Triều Tiên, chiến
tranh Việt Nam, chiến tranh Afghanistan… Cho đến khi nhắm mắt, con người trong
thế kỷ 20 phải sống trong chiến tranh và chứng kiến nhiều biến cố lịch sử.
Ví dụ một người Việt Nam sinh năm 1945, khi vừa ra
đời, đất nước đau thương vì nạn đói khủng khiếp ở miền Bắc. Nhật bắt dân nhổ
lúa trồng đay, hai miền Bắc – Nam bị phong toả vì Nhật và Mỹ có chiến tranh,
người Pháp không quản lý đất nước vì Nhật đảo chính. Gạo trong Miền Nam không
chuyển ra Bắc được. Một triệu đồng bào chết đói năm 1945. Khi lọt lòng, đứa bé
đã sống đói khổ nhưng may mắn thoát nạn.
Năm 1954, khi 9 tuổi, đứa trẻ nghe người lớn nói
chuyện về chiến tranh Đông Dương, về chiến dịch Điện Biên Phủ, và Hiệp định
Genève. Năm 1965, lúc 20 tuổi, người thanh niên đi lính, vượt qua dãy Trường
Sơn vào Nam. Năm 1975, kết thúc chiến tranh, người đó có mặt ở Sài Gòn, hàng
ngày chứng kiến những người đồng bào của mình khăn gói ra đi sau ‘‘ngày giải
phóng’’ dù đất nước không chia cắt nhưng lòng người chia cắt.
Năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, người đó vẫn
là lính, khi đó đang có mặt ở Campuchia, người đó được điều động lên biên giới
phía Bắc. Năm 1984, người lính ra quân, trở thành công nhân ở Hà Nội. Đó là
thời kỳ bao cấp, với chính sách ngăn sông cấm chợ, với chế độ tem phiếu, người
đó phải thức dậy từ 4h sáng, xếp hàng mua gạo, đến lượt mình thì sổ gạo đã bị
rơi đâu mất. Khi về già, cuộc sống của người đó mới bớt khó khăn phần nào.
Những người sinh vào cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 so
với những người sinh ra trước đó vẫn may mắn hơn nhiều. Sau khi đại dịch
Covid-19 kết thúc, thế giới bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, những cơ hội
mới mở ra. Quan hệ hợp tác kinh tế, giữ gìn hòa bình, bảo vệ tài nguyên thiên
nhiên sẽ được con người chú ý hơn. Các quốc gia sẽ đưa ra các biện pháp hiệu
quả để bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung. Con người ý thức tốt hơn về môi trường
và biết sống hài hoà với thiên nhiên hơn.
No comments:
Post a Comment