Thursday 25 March 2021

BLOOMBERG : BIDEN ĐANG NHẮM VÀO VIỆC TĂNG THUẾ Ở MỨC ĐÁNG KỂ TRONG KẾ HOẠCH KINH TẾ SẮP TỚI  (Lien Nguyen dịch)

 



BLOOMBERG : BIDEN ĐANG NHẮM VÀO VIỆC TĂNG THUẾ Ở MỨC ĐÁNG KỂ TRONG KẾ HOẠCH KINH TẾ SẮP TỚI   

Lien Nguyen

13:06  25/03/2021   

https://www.facebook.com/lienmalden/posts/1887016018114845

 

LẦN ĐẦU TIÊN KỂ TỪ NĂM 1993, BIDEN ĐANG NHẮM VÀO VIỆC TĂNG THUẾ Ở MỨC ĐÁNG KỂ (major) TRONG KẾ HOẠCH KINH TẾ SẮP TỚI

Bloomberg

By Nancy Cook and Laura Davison

March 15, 2021, 2:00 AM EDT   -  Updated on March 15, 2021, 12:22 PM EDT

Lien Nguyen

dịch, Mar 18, 2021

 

Video: Biden đang nhắm vào việc tăng thuế liên bang trong kế hoạch kinh tế dài hạn

blob:https://www.bloomberg.com/04332b14-1216-41fa-8f17-2260df77a468

 

Tổng thống Joe Biden đang có kế hoạch tăng thuế liên bang lên một mức (rate) đáng kể, lần đầu tiên kể từ năm 1993, để có tiền giúp chi trả cho chương trình kinh tế dài hạn vốn đã được hoạch định từ trước, như một phần tiếp theo của dự luật cứu trợ đại dịch của ông, theo những người quen thuộc với vấn đề này.

 

Không giống như đạo luật kích thích cứu trợ Covid-19 trị giá 1900 tỷ Mỹ kim vừa hiệu lực tuần lễ vừa qua; dự luật ​​tiếp theo, được mong đợi ​​còn lớn hơn, sẽ không đơn thuần dựa vào nợ của chính phủ như một nguồn tài trợ. Trong khi càng ngày càng trở nên rõ ràng rằng sự gia tăng những mức thuế sẽ là một yếu tố mấu chốt để chính phủ có tiền cứu trợ, thúc đẩy và phục hồi kinh tế — bộ trưởng tài chính Janet Yellen đã nói, ít nhất một phần của dự luật tiếp theo sẽ phải được chi trả, và đã định ra những mức thuế cao hơn — những cố vấn then chốt hiện đang chuẩn bị một gói kế hoạch, gồm những biện pháp có thể bao gồm một sự gia tăng mức thuế trên những tập đoàn (corporate tax rate) và trên những cá nhân có lợi tức cao.

 

Với mỗi sự giảm thuế (bằng cách giảm mức thuế và/hoặc bớt tiền thuế bằng tax credits của chính phủ cho) đều có thành phần cử tri vận động hành lang riêng để ủng hộ, việc điều chỉnh lại những mức thuế — trường hợp này là tăng thuế — sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về chính trị.* Điều này giúp giải thích tại sao việc gia tăng lớn trong những mức thuế (tax hikes) trong đạo luật cải tổ thuế năm 1993 có chữ ký của Bill Clinton** lại nổi bật hơn cả so với những sự sửa đổi nho nhỏ về thuế được thực hiện kể từ sau đó.

 

[* Rủi ro về chính trị: Trong khi đảng Dân Chủ muốn tăng thuế trên những đại công ty, những tập đoàn, và trên những cá nhân có lợi tức rất cao để có tiền chi trả cho những chương trình liên bang lớn khác để giúp cho công ích và nói chung là giúp nền kinh tế của quốc gia, thì đa số rất lớn trong giới tỷ phú, triệu phú, và cử tri Cộng Hoà (cả giàu, trung lưu, và nghèo) đều mạnh mẽ chống đối chính sách tăng thuế. Khi có bầu cử, ứng cử viên Cộng Hoà sẽ kịch liệt chống đối sự tăng thuế (trên người giàu) của Dân Chủ; và luôn luôn quảng cáo, một cách sai lệch, chính sách giảm thuế của Cộng Hoà.

 

[Sai lệch ở chỗ, Cộng Hoà luôn hứa hẹn sẽ giảm thuế, nhưng không bao giờ nói ra sự thật là họ “chỉ giảm thuế cho thành phần siêu giàu.” Đặc biệt và mới xảy ra nhất, trong 3 năm khai thuế dưới triều đại Trump (2018-2020), mọi người khai thuế, nói chung, đã đóng thuế nhiều hơn bởi vì sự khấu trừ “personal exemption” cho mỗi đầu người trước khi đóng thuế — $4,050 vào năm 2017 — đã bị loại bỏ trong 3 năm 2018, 2019, 2020. Một hộ gia đình gồm hai vợ chồng và hai đứa con, trong ba năm này, đã bị mất sự khấu trừ ít nhất $4,050 mỗi người x 4 người = ít nhất $16,200 trước khi đóng thuế. Tức là họ phải đóng thuế trên số tiền $16,200.

 

[Tăng thuế trên người giàu, để có tiền chi trả cho phúc lợi của đại đa số dân. Chẳng hạn như, chính phủ Biden đã dùng tiền, hoặc nợ tiền, của chính phủ liên bang — có được từ tiền thuế của dân — để mua mấy trăm triệu liều Covid-19 vaccines đủ để người dân toàn quốc được chích ngừa miễn phí. Nếu không tăng thuế trên những thành phần vừa kể ở trên, thì chính phủ không thể nào có tiền để mua mấy trăm triệu liều vaccines.]

 

[** Đạo luật cải tổ thuế của Bill Clinton đã rất thành công, với những chỉ số về kinh tế còn tốt hơn những chỉ số kinh tế thời Barack Obama.]

 

Đối với chính quyền Biden, những thay đổi đã được viết trong kế hoạch [khi đi tranh cử] không những là một cơ hội để tài trợ những sáng kiến ​​chính yếu như cơ sở hạ tầng, giảm thiểu hậu quả tai hại của sự biến đổi khí hậu và mở rộng sự trợ giúp cho những người Mỹ nghèo hơn, mà còn là để nhắm vào những gì mà những đảng viên Dân Chủ cho là bất bình đẳng trong chính hệ thống thuế. Kế hoạch này sẽ thử nghiệm cả năng lực của Biden trong việc thuyết phục những đảng viên Cộng Hòa và khả năng của những đảng viên Dân Chủ trong việc duy trì được sự đoàn kết.

 

Sarah Bianchi, người đứng đầu lĩnh vực chính sách công của Hoa Kỳ tại Evercore ISI [một công ty độc lập, chuyên về U.S. Equity Research, được công nhận là công ty nghiên cứu dữ liệu hàng đầu thế giới] và là cựu trợ lý về kinh tế của Biden cho biết, “Toàn bộ quan điểm của Joe Biden vẫn luôn là, người Mỹ tin rằng chính sách về thuế cần phải công bằng, và ông ấy đã xem xét tất cả những sự lựa chọn về chính sách của mình qua lăng kính đó. Đó là lý do tại sao Biden đã đặt trọng tâm vào chuyện nhắm vào sự đối xử bất bình đẳng giữa công việc và sự giàu có."

 

Mặc dù Toà Bạch Ốc đã bác bỏ một sự đánh thuế toàn bộ trên người giàu, theo bản kế hoạch đánh thuế của Elizabeth Warren, một thượng nghị sĩ tiến bộ (progressive) của đảng Dân Chủ, nhưng suy nghĩ hiện tại của chính quyền Biden là nhắm vào thành phần giàu có.

 

Toà Bạch Ốc được mong đợi ​​sẽ đề nghị một loạt những biện pháp tăng thuế, phần lớn phản ảnh những đề nghị tăng thuế như trong chiến dịch tranh cử năm 2020 của Biden, theo bốn người quen thuộc với những cuộc thảo luận.

 

Những biện pháp tăng thuế, được bao gồm rộng lớn hơn và nhắm vào bất cứ cơ sở hạ tầng nào và loại việc làm nào, rất có khả năng sẽ bao gồm việc bãi bỏ những phần của luật thuế năm 2017 của tổng thống Donald Trump vốn vẫn đang có lợi cho những tập đoàn và những cá nhân giàu có, cũng như sẽ thực hiện những sự thay đổi khác để làm cho phương cách đánh thuế (tax code) tiến bộ hơn, những người quen thuộc với kế hoạch này cho biết.

 

Sau đây là những đề nghị hiện đang được chính phủ Biden lên kế hoạch hoặc xem xét, theo những người yêu cầu được giấu tên bởi vì những cuộc thảo luận của họ là riêng tư:

 

— Tăng mức thuế tập đoàn từ 21% lên 28%.

 

— Giảm bớt những ưu đãi về thuế cho những doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp tập đoàn (corporation businesses), chẳng hạn như những công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc những công ty hợp doanh.

 

— Tăng mức thuế lợi tức trên những cá nhân có lợi tức nhiều hơn 400 ngàn Mỹ kim.

 

— Đối với bất động sản vừa được thừa kế, hoặc là sẽ hạ mức giới hạn tối thiểu được miễn thuế xuống, hoặc là sẽ giữ nguyên mức cũ nhưng tăng mức thuế.

 

— Mức thuế trên tiền lời từ việc bán cổ phiếu (capital gains) cho những cá nhân kiếm được ít nhất 1 triệu Mỹ kim hàng năm sẽ được tăng lên. (Trong những chuyến đi vận động khi tranh cử, Biden đã đề nghị áp dụng mức thuế đánh trên capital gains giống như mức thuế đánh trên lợi tức, như vậy mức thuế capital gains sẽ cao hơn rất nhiều).

 

Heather Boushey, nhà kinh tế của Toà Bạch Ốc, nhấn mạnh rằng Biden không có ý định tăng thuế trên những người có lợi tức ít hơn 400 ngàn Mỹ kim một năm. Nhưng đối với “những người có lợi tức cao nhất, là những người có thể hưởng lợi từ nền kinh tế này và không bị ảnh hưởng nặng nề từ nền kinh tế này, thì có rất nhiều chỗ để suy nghĩ về loại doanh thu nào chúng ta có thể tăng thuế,” cô đã nói trong cuộc phỏng vấn của Bloomberg TV vào hôm thứ Hai.

 

Một phân tích độc lập về kế hoạch thuế của chiến dịch tranh cử Biden do Trung Tâm Chính Sách Thuế thực hiện, đã ước tính rằng kế hoạch này sẽ thu được thêm 2100 tỷ Mỹ kim trong một thập niên, mặc dù kế hoạch của chính quyền có khả năng sẽ nhỏ hơn. Bianchi vào đầu tháng này đã viết rằng những đảng viên Dân Chủ trong Quốc Hội có thể sẽ đồng ý với 500 tỷ Mỹ kim.

 

Kế hoạch tổng quát vẫn chưa được công bố, trong khi những nhà phân tích dự đoán là từ 2 ngàn tỷ Mỹ kim đến 4 ngàn tỷ Mỹ kim. Chưa biết ngày nào kế hoạch tăng thuế sẽ được loan báo, mặc dù Toà Bạch Ốc cho biết kế hoạch này sẽ theo sau việc ký dự luật cứu trợ Covid-19 thành luật của tổng thống Biden.

 

Một câu hỏi nổi trội cho những đảng viên Dân Chủ là những phần nào của gói kế hoạch cần được tài trợ, trong bối cảnh tranh luận về việc liệu những cơ sở hạ tầng cuối cùng có tự chi trả cho chính nó hay không — đặc biệt là với chi phí đi vay hiện tại vẫn ở mức thấp trong lịch sử. Những nỗ lực nhằm giúp cho chương trình cứu trợ trẻ con mở rộng (qua hình thức child tax credit trong hồ sơ khai thuế) trong dự luật cứu trợ đại dịch trở thành được lâu dài* — đề mục cứu trợ này được ước tính khoảng hơn 1 ngàn tỷ Mỹ kim trong một thập kỷ — có thể sẽ rất khó để được Quốc Hội thông qua nếu khoản tiền cứu trợ này làm cho quốc gia hoàn toàn chìm ngập trong nợ.

 

[* Sự cứu trợ hậu hĩnh này — dành cho con của những gia đình có lợi tức thấp ở một mức đã được chính phủ quy định — hết sức nhân đạo. Cũng có thể sẽ không được thành viên Quốc Hội Cộng Hoà nào thông qua. Cộng Hòa chỉ bênh vực quyền lợi của thành phần siêu giàu. Đọc đến đây, người dịch có cảm nghĩ là tổng thống Joe Biden có tham vọng, và tấm lòng, hao hao giống với cựu tổng thống Franklin Delano Roosevelt.]

 

Những nhà kinh tế của Bloomberg nói gì...

 

“Sáng kiến lớn tiếp theo về ​​lập pháp, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, có thể cung cấp những lợi ích lâu dài về kinh tế, loại lợi ích không những yểm trợ việc trả lương cao hơn, mà còn thúc đẩy sự lan tỏa của những lợi ích đó đến tất cả những sắc dân và những sự thuyết phục về chính trị.” (Andrew Husby và Eliza Winger, những nhà kinh tế Hoa Kỳ.)

 

Đảng Dân Chủ sẽ cần ít nhất 10 đảng viên Cộng Hòa ủng hộ dự luật này để hành động theo những quy luật thông thường của Thượng Viện. Nhưng những đảng viên GOP đang ra hiệu rằng họ đã sẵn sàng chiến đấu để chống lại.

 

“Chúng tôi sẽ có một cuộc thảo luận lớn và mạnh mẽ về tính phù hợp của một sự tăng thuế lớn,” lãnh đạo phe thiểu số Thượng Viện Mitch McConnell đã nói vào tháng trước, và dự đoán rằng đảng Dân Chủ sẽ theo đuổi một dự luật thống nhất về ngân sách (a reconciliation bill)* bằng cách bỏ qua đảng GOP và sẽ nhắm tới việc đánh thuế những tập đoàn tại mức thuế (corporate tax) thậm chí cao hơn 28%.

 

[* Reconciliation bills: Hiến Pháp quy định, đối với một số dự luật quan trọng, phải cần ít nhất 60 phiếu (super majority) để thông qua ở Thượng Viện. Nhưng Hiến Pháp cũng cho phép, đối với một số dự luật về ngân sách như tiêu xài (spending), thu vô (revenue), giới hạn nợ liên bang (the federal debt limit), gọi là những dự luật thống nhất về ngân sách (reconciliation bills), chỉ cần 51 phiếu (simple majority) là có thể thông qua. Thượng Viện có thể thông qua loại dự luật thống nhất về ngân sách này một lần cho mỗi năm cho một vấn đề riêng biệt. Xin cảm ơn cử tri ở tiểu bang Georgia.]

 

Kevin Brady, đảng viên Cộng Hòa hàng đầu trong Ủy Ban Cách Thức & Phương Tiện ở Hạ Viện, nói, “Có vẻ như có một động cơ thực sự để đánh thuế trên sự đầu tư có lời từ cổ phiếu ở những mức “marginal income rates,*” và đã gọi đó là một “sai lầm kinh tế khủng khiếp.”

 

[* Những mức thuế được đánh trên những loại lợi tức không đến từ tiền lời cổ phiếu.]

Những chuyên gia cho biết, trong khi khoảng 18% những khoản giảm thuế của chính quyền George W. Bush được phép hết hạn trong một thỏa thuận năm 2013 [dưới thời chính quyền Barack Obama], và ngành lập pháp đã chứng kiến ​​những sự gia tăng thuế trước thời chính quyền Bush [tức chính quyền Bill Clinton]. Luật tăng thuế năm 1993 [năm đầu tiên Clinton làm tổng thống] đánh dấu đợt tăng thuế toàn diện cuối cùng. Dự luật đó đã được thông qua với sự chênh lệch chỉ có hai phiếu Dân Chủ tại Hạ Viện và đã phải cần phó tổng thống Dân Chủ Al Gore bỏ thêm một phiếu để phá vỡ tỷ số hoà 50-50 tại Thượng Viện.

 

Ken Kies, giám đốc điều hành của Nhóm Chính Sách Liên Bang, cựu chánh văn phòng của Liên Ủy Ban về Thuế ở Hạ Viện, cho biết khi đề cập đến những viễn cảnh cho một sự thỏa thuận trong năm nay, “Tôi không nghĩ là nói quá khi nói rằng môi trường đảng phái hiện tại khắc nghiệt hơn năm 1993 nhiều. Vì vậy, quý vị có thể rút ra những kết luận cho riêng mình.”

 

Tuy nhiên, vẫn có thể có một số sáng kiến ​​về thuế mà đảng Cộng Hòa có thể ủng hộ. Một là một sự thay đổi từ một loại thuế trên xăng dầu thành một khoản lệ phí tính theo số dặm đã đi của mỗi chiếc xe (a vehicle-miles-traveled fee) để giúp tài trợ cho những dự án đường cao tốc.

 

Một cách khác thì thu được nhiều tiền hơn cho Sở Thuế Vụ — một cách để tăng doanh thu mà không cần tăng mức thuế. Những ước tính đã phát hiện ra rằng cứ mỗi 1 Mỹ kim được trả thêm cho những vụ kiểm toán IRS, thì cơ quan này sẽ thu về thêm từ 3 đến 5 Mỹ kim.

 

Đảng Dân Chủ cũng đang tìm cách sửa đổi luật thuế — mà họ cho rằng những luật thuế đó đã không đủ để có thể ngăn chặn những công ty Mỹ chuyển việc làm và lợi nhuận ra nước ngoài — như một cách khác để tăng doanh thu, một phụ tá đã nói như vậy. Đảng Cộng Hòa rất có thể sẽ ủng hộ những biện pháp khuyến khích, mặc dù không rõ liệu họ có ủng hộ những hình phạt hay không.

 

Những viên chức Tòa Bạch Ốc bao gồm phó giám đốc Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia, David Kamin — người đã viết một bài báo năm 2019 về “Đánh Thuế Người Giàu” — đang trong tiến trình bổ sung thêm thông tin cho những kế hoạch thuế Biden.

 

Theo thời gian, nếu được thông qua, những biện pháp thuế có thể sẽ có hiệu lực vào năm 2022 — mặc dù một số nhà lập pháp và những người ủng hộ Biden ở bên ngoài chính quyền đã lập luận rằng nên tạm dừng một thời gian trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao bởi vì đại dịch.

 

Những nhà lập pháp có những ý tưởng riêng của họ về cải cách thuế. Chủ tịch ủy ban tài chính Thượng Viện Ron Wyden muốn củng cố việc giảm thuế năng lượng và yêu cầu các nhà đầu tư phải đóng thuế đều đặn trên những khoản đầu tư của họ bao gồm cổ phiếu và trái phiếu là những thứ phát sinh lợi nhuận chưa nhận ra (unrealized gains).

 

“Một y tá phải đóng thuế trên từng tấm ngân phiếu tiền lương. Nhưng một tỷ phú ở một vùng ngoại ô giàu có, có thể trì hoãn việc đóng thuế hết tháng này đến tháng khác đến mức mà việc đóng thuế của họ là tùy theo ý họ,” Wyden nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi nghĩ điều đó không đúng.”

 

Thượng nghị sĩ Warren đã đưa ra một biện pháp đóng thuế trên tổng tài sản (wealth tax), trong khi chủ tịch ủy ban dịch vụ tài chính Hạ Viện Maxine Waters nói bà muốn xem xét một loại thuế giao dịch tài chính.

 

Những chiến lược gia đảng Dân Chủ nghĩ nếu gói kế hoạch tiếp theo có hiệu quả thì đó sẽ là cơ hội cuối cùng để định hình lại nền kinh tế Hoa Kỳ trên quy mô lớn trước khi những nhà lập pháp chuyển sang chiến dịch tranh cử giữa kỳ năm 2022.

 

Chuck Marr, giám đốc cao cấp về Chính Sách Thuế Liên Bang tại Trung Tâm Ưu Tiên về Chính Sách và Ngân Sách thiên tả nói, “Thông thường, đảng đang cầm quyền có một hoặc hai kế hoạch để thực hiện những gói lập pháp lớn. Đây sẽ là kế hoạch tiếp theo."

 

— Viết với sự trợ giúp của Erik Wasson và David Westin

 

============

BLOOMBERG.COM

Biden Eyes First Major Tax Hike Since 1993 in Next Economic Plan

 President Joe Biden is planning the first major federal tax hike since 1993 to help pay for the long-term economic program designed as a follow-up to his pandemic-relief bill, according to people familiar with the matter.

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats