Trung
Quốc ngấm ngầm tạo “hiện trạng mới” độc chiếm Biển Đông với Luật Hải cảnh
Thu Hằng - RFI
Đăng ngày: 15/02/2021 - 09:09
Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc cho phép lực lượng
Cảnh sát biển của nước này bắn vào tầu thuyền nước ngoài trong trường hợp tranh
chấp, xua đuổi thậm chí là bắt giữ tầu nước ngoài trong vùng biển mà Bắc Kinh
tự nhận chủ quyền, như tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Đây là hai vùng biển có
vị trí chiến lược và giầu nguồn tài nguyên mà Trung Quốc cần để duy trì phát
triển kinh tế.
Tầu hải cảnh Trung
Quốc phun vòi rồng vào tầu cá Philippines, ngày 23/09/2015 trong khu vực bãi
cạn Scarborough ở Biển Đông. Ảnh minh họa. AP - Renato Etac
Với Luật Hải cảnh có hiệu
lực từ ngày 01/02/2021, từ một lực lượng có nhiệm vụ trị an, tìm kiếm cứu nạn,
lực lượng Cảnh sát biển giờ trở thành một công cụ hăm dọa của quân đội Trung
Quốc, ép các nước láng giềng tuân thủ quy tắc do họ đặt ra nếu không muốn
lĩnh hậu quả. Nói một cách khác, Trung Quốc dùng vũ lực để khẳng định là “ông
chủ duy nhất” ở các vùng biển có tranh chấp.
“Hiện trạng mới” này sẽ được ngấm ngầm duy trì với Luật Hải cảnh mới, được một nhà
nghiên cứu Philippines ví như "quả bom nổ chậm". Đây
là “một mối nguy hiểm cho các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung
Quốc”, theo nhận định của nhà nghiên cứu Pháp Laurent Gédéon, Trường Sư
phạm Lyon (ENS de Lyon), khi trả lời RFI Tiếng Việt.
*****
RFI : Luật Hải cảnh Trung Quốc cho phép
Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ lực để bảo vệ chủ quyền. Tại sao luật này
được thông qua và có những điểm gì gây lo lắng ?
Laurent Gédéon : Luật này khá mới, được thông qua ngày
22/01/2021 và có hiệu lực từ ngày 01/02/2021. Về mặt chính thức, Bắc Kinh nói
rằng Luật Hải cảnh nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và các
quyền hàng hải của Trung Quốc. Theo quan điểm của bộ Ngoại Giao Trung Quốc,
luật hoàn toàn phù hợp với các công ước và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào
những gì được nêu trong 84 điều, được chia thành 11 chương, và cho dù luật cố
định nghĩa chính xác bộ khung pháp lý can thiệp của lực lượng Hải cảnh Trung
Quốc, thì vấn đề đặt ra là luật này vẫn không nêu rõ đâu là những vùng biển
thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Thực vậy, người ta có thể
thấy không gian này được nhắc trong điều 3. Điều này ghi : Luật được áp
dụng đối với các hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và ở phía trong và trên
vùng biển nằm trong quyền tài phán của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Nhưng
khu vực này lại không được nêu cụ thể.
Điều cần chú ý, đó là qua
luật này, Trung Quốc gia tăng áp lực pháp lý, mà trên thực tế đã được đẩy mạnh
với việc thông qua một số luật, trong đó có “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp”
năm 1992. Mục đích của những luật này là củng cố tính hợp pháp trên thực địa
những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, kể cả ở Biển Đông, bởi vì luật cũng đề
cập rõ đến các đảo và đá ngầm. Đây là điều cần lưu ý !
Cụ thể , điều 12 ghi rằng
Cảnh sát biển có thể tiến hành tuần tra để bảo vệ các đảo và đá ngầm và quản lý
biên giới trên biển. Vẫn điều 12 quy định rằng lực lượng Cảnh sát biển có thể
đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh cho các đảo và đá ngầm, cũng
như các đảo nhân tạo và các công trình cơ sở hạ tầng. Điều đáng chú ý ở đây là
các đảo nhân tạo nằm ở Biển Đông và không nằm trong vùng biển của Trung Quốc.
Vì thế, có thể thấy là
luật này nhắm đến mục đích tăng tính pháp lý cho sự hiện diện của Trung Quốc ở
Biển Đông, làm dày thêm kho tài liệu pháp lý của Trung Quốc về khu vực này và
có khả năng dẫn đến thay đổi quyền tài phán liên quan đến Biển Đông được quy
định theo luật pháp quốc tế. Chúng ta có thể nghĩ đây là đích ngắm trong
trung hạn ẩn sau kế hoạch này.
*
RFI : Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc
được thành lập trên cơ sở tái cơ cấu Tổng cục Hải dương Quốc gia năm 2013, đến
năm 2018 được chuyển từ Tổng cục Hải dương sang Cảnh sát vũ trang Nhân dân và
hiện được trang bị vũ khí. Đây có phải là một mối nguy hiểm trong vùng không ?
Laurent Gédéon : Cảnh sát biển Trung Quốc, từng là một nhánh của Tổng cục Hải
dương Quốc gia vào năm 2013, hiện nằm dưới sự quản lý của Quân ủy Trung ương do
ông Tập Cận Bình làm chủ tịch.
Quy chế của lực lượng này
rất mập mờ bởi vì trên thực tế, đây là một lực lượng bán quân sự hơn là một cơ
cấu cảnh sát. Nhưng lực lượng này lại không được coi là một phần của Hải Quân
Trung Quốc. Và điều này cho phép lực lượng hải cảnh tiến hành những chiến dịch
mà nếu do các tầu chiến đảm nhiệm thì có nguy cơ dẫn đến các cuộc đối đầu vũ
trang.
Vì vậy việc sử dụng lực
lượng này mang mục đích chính trị. Trung Quốc để quy chế mập mờ, nước đôi của
lực lượng Cảnh sát biển vì điều đó cho phép Bắc Kinh giữ được thế mạnh trên
thực địa mà vẫn tránh được các mâu thuẫn.
Từ những yếu tố trên, tôi
cho rằng Cảnh sát biển Trung Quốc là một mối nguy hiểm tiềm tàng cho các nước
láng giềng vì nó cho phép Trung Quốc chiếm ưu thế trên thực địa mà vẫn có thể
tránh được đối đầu trực diện với các nước trong vùng.
*
RFI : Như ông nói, quy chế của Hải cảnh
Trung Quốc là mập mờ, nước đôi. Lực lượng này còn có khả năng nào khác nhờ luật
mới này ?
Laurent Gédéon : Trên nguyên tắc, Hải cảnh Trung Quốc có nhiệm vụ áp dụng luật của
Nhà nước trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của họ. Nhưng phải chú ý rằng
với luật mới này, Hải cảnh Trung Quốc có thêm chức năng địa-chính trị mới nhờ
vào quyền hạn được trao cho lực lượng này về mặt pháp lý, trong đó có việc được
phép can thiệp chống tầu thuyền nước ngoài và sử dụng vũ lực nếu cần thiết.
Cần phải nhắc lại rằng
đạo luật này được thông qua trong bối cảnh chung mà chúng ta thấy là ngày càng
có nhiều sự cố giữa hải quân Trung Quốc và hải quân nước ngoài, trong đó có cả
Hoa Kỳ, cũng như trong bối cảnh rộng hơn, đó là căng thẳng Mỹ-Trung thêm gia
tăng mà đỉnh điểm hiện nay là vấn đề Đài Loan.
Những điều khoản liên
quan đến tầu thuyền nước ngoài gồm có điều 7, 20 và 21, quy định rằng Cảnh sát
biển Trung Quốc có quyền tiến hành các biện pháp cảnh cáo, kiểm tra để bắt giữ
tầu quân sự nước ngoài. Họ có quyền bắt các tầu nước ngoài rời khỏi những khu
vực hoặc vùng biển có tranh chấp. Họ cũng có quyền sử dụng vũ lực. Việc này
được nêu trong các điều 22, 47 và 48. Theo ba điều này, Hải cảnh Trung Quốc
được phép sử dụng vũ khí cầm tay, vũ khí được phóng từ tầu và hoặc từ trên
không.
Việc sử dụng vũ khí được
trang bị trên tầu, hoặc phóng từ trên không cho thấy khả năng sử dụng vũ khí
hạng nặng hơn, có tính chất hủy diệt hơn. Qua đó có thể thấy là nhiều loại vũ
khí không được trang bị cho Hải cảnh Trung Quốc nhưng lực lượng này lại có thể
dùng đến để đối phó hiệu quả hơn với tầu thuyền nước ngoài, trong đó có lực
lượng hải quân Mỹ.
*
RFI : Cụ thể hiện tại lực lượng Cảnh sát
biển Trung Quốc được trang bị như thế nào ?
Laurent Gédéon : Cảnh sát biển Trung Quốc là lực lượng Hải cảnh lớn nhất thế giới
và có nhiều tầu nhất, từ 400 đến 500 tầu. Hải cảnh Trung Quốc cũng có những con
tầu mạnh nhất thế giới trong đội tầu kiểu này. Ví dụ, vào năm 2017 hai con tầu
lớn nhất của Hải cảnh thế giới đã được bổ sung vào lực lượng này. Đó là những
con tầu có lượng giãn nước tới 12.000 tấn và có tốc độ rất cao.
Người ta cũng nhận thấy
là đội tầu Hải cảnh Trung Quốc còn có nhiều tầu thực ra được chuyển từ Hải quân
của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sang. Có nghĩa là đó là những con tầu
chiến được tái bổ sung vào lực lượng Hải cảnh với chức năng được mở rộng, như
chúng ta đề cập ở trên, và một số điểm trong phần nhiệm vụ của lực lượng này
thực ra phải thuộc về hải quân.
Do đó, chúng ta có thể
thấy là chức năng của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc vừa mơ hồ, vừa nhập nhằng,
đặc biệt theo những chi tiết trên, thì đó là một đội tầu mang tính quân sự
nhiều hơn.
*
RFI : Việt Nam và ngư dân Việt Nam, cũng
như nhiều nước khác trong vùng, bị lực lượng bán quân sự này đe dọa như thế nào
?
Laurent Gédéon : Một trong những khó khăn cho Việt Nam là ở chỗ thiếu sự rõ ràng
trong hành động của Trung Quốc và tính mập mờ trong cách diễn giải về không
gian có thể có liên quan đến việc áp dụng Luật Hải cảnh mới này. Vấn đề ở chỗ,
tình huống không rõ ràng thì sẽ tăng nguy cơ tính toán sai lầm và như vậy sẽ
tăng nguy cơ xảy ra sự cố.
Ngoài ra còn có một vấn
đề khác liên quan đến nội dung trong điều 3 về việc áp dụng luật này ở trong và
bên trên vùng biển. Điều này ngụ ý rằng khi làm nhiệm vụ, Hải cảnh Trung Quốc
chú ý đến cả không phận phía trên vùng biển. Đây là điểm gây lo ngại về khả
năng Bắc Kinh gấp rút thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Như
vậy, Hải cảnh Trung Quốc có thêm nhiệm vụ áp dụng luật trong khu vực này.
Việt Nam cũng có lý do để
lo lắng về nội dung được ghi trong điều 12, theo đó Cảnh sát biển Trung Quốc
giám sát, kiểm tra các hoạt động bất kể đó là hoạt động nuôi, khai thác hải sản
hay đánh bắt. Dĩ nhiên, đây là điểm gây lo ngại vì chúng ta biết rằng một phần
sự cố giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến hoạt động của các tầu cá.
Việt Nam hiện phải đối
phó với sức ép từ Trung Quốc. Hà Nội có thể phản ứng qua đường ngoại giao bởi
vì nhiều nước khác đã lên tiếng phản đối Luật Hải cảnh của Trung Quốc, như Nhật
Bản, Philippines, Malaysia. Việt Nam có thể thử theo lập trường của những nước
này và cùng đưa ra một lập trường chính thức chung, có thể gây được chú ý trên
thế giới và mang tính răn đe đối với Trung Quốc.
Nhưng song song đó, Việt
Nam cũng có thể hợp tác với Trung Quốc bằng cách đề xuất tổ chức các cuộc diễn
tập chung giữa lực lượng Hải cảnh hai nước theo hướng quản lý và dàn xếp các sự
cố hoặc các trường hợp bất ngờ.
*
RFI
Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, Trường Sư phạm
Lyon (ENS de Lyon), Pháp.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN
QUAN
Philippines
phản đối luật hải cảnh mới của Trung Quốc
Tuần
duyên Đông Nam Á và Trung Quốc : Cuộc đấu không cân sức
Biển
Đông: Cảnh sát biển Việt Nam đối đầu Trung Quốc ở Trường Sa
No comments:
Post a Comment