Sunday 28 February 2021

TỐI NAY KHÔNG MUỐN! (Nguyễn Thị Cỏ May)

 



Tối nay không muốn!

Nguyễn Thị Cỏ May 

28/02/202

http://www.danchimviet.info/toi-nay-khong-muon/02/2021/22246/

 

Thắm thoát mới đây mà lệnh «cấm cửa» (ở nhà – confinement) ở Pháp vì dịch Vũ Hán được một năm. Đời sống xã hội các nước phát triển thay đổi, kinh tế suy sụp thê thảm. Dĩ nhiên đời sống tâm sinh lý của con người cũng vì đó mà bị ảnh hưởng sâu xa. Nét đẹp của văn hóa truyền thống Pháp từ thời la-mã như gặp nhau, ôm nhau, câu cổ, bá vai nhau, hôn nhau 1 cái, 2 cái, 3 cái hay 4 cái, nay cũng phải bỏ, thay thế bằng cách chào kiểu mới như «cụng cùi chỏ », «đá cẳng nhau».

 

Giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn hết là những người sống độc thân.

 

Trong đời sống tình cảm, họ bị mất tinh thần: «Mảnh kia, đối tượng của tình yêu và ái ân, nay trở thành một mối đe dọa nguy hiểm».

 

Hồi tháng 3/2020, nhiều người còn cầm cự được. Nhiều người độc thân đã tìm cách thích nghi khá dễ chịu với hoàn cảnh mới. Tới mùa hè, họ còn có cơ hội tìm gặp nhau. Nhưng từ tháng 10/2020 và kỳ «cấm cửa» lần thứ hai, không ai còn giữ được kiên nhẫn. Tâm thần bắt đầu dao động.

 

Không ít người rơi vào tình trạng trầm cảm. Họ như bị gạt ra một bên cuộc sống xã hội như những kẻ bị bỏ quên trong nạn dịch Vũ Hán.

 

Phải chăng những người độc thân bị khốn quẫn hơn hết?


Vào lúc này, không ai thấy thoải mái cả. Cả những cặp vợ chồng cũng thấy khá chật vật vì phải đối phó cùng lúc với làm việc ở nhà và trẻ con học hành tại nhà. Còn những người độc thân thì sống trong trống vắng và tự cô lập.

 

Trong thời bình thường, sống một mình thật sự không phải là vấn đề. Trái lại sống độc thân nhiều lúc còn có nhiều thuận lợi và thú vị nữa. Nhưng corona Vũ Hán đã thay đổi tất cả.

 

Sống độc thân thấy thoải mái vì có bạn bè lui tới với nhau. Có lễ hội, ca hát, nhảy nhót, ăn nhậu vui chơi. Một đời sống xa cách hẳn với đời sống trong khuôn khổ gia đình vì nó gắn liền với đời sống xã hội sinh động. Sống trước đã!

 

Sống với corona Vũ Hán, không ai có thể nghĩ được tương lai của mình sẽ như thế nào? Chẳng những thế, người ta còn khép mình vào kỷ luật, vào một nề nếp chung, trong việc đi đứng phải tôn trọng khoảng cách bắt buộc, mặt mày có son phấn cũng phải che kín. Không ai có thể sống bình thường như trước kia. Biện pháp an toàn y tế kéo dài đã làm cho những người độc thân cảm thấy lo âu về tình trạng một thân một mình của mình nhiều hơn.

 

Như ta biết dịch Vũ Hán đã làm thay đổi mọi thứ. Cả đời sống riêng tư. Giờ đây, bạn bè, cha mẹ con cái, ông bà cháu chắc, tất cả chỉ còn gặp nhau trên mạng hoặc trên điện thoại. Tuy nhiên vẫn có những người chỉ gặp nhau trên mạng mà có thể yêu nhau. Những cặp tình nhơn thời corona Vũ Hán. Thời gian yêu nhau kéo dài mà vẫn chưa gặp mặt nhau được. Thật tội nghiệp.

 

Gặp nhau trên mạng, yêu nhau, lúc đầu những người độc thân cảm thấy hạnh phúc lắm vì không gần nhau nên không có những đụng chạm không cần thiết. Nhưng nạn corona vũ hán kéo dài, người ta cảm thấy sự gặp nhau trên mạng có giới hạn của nó. Thời gian hồ hởi lắng dịu. Một tình cảm thiếu vắng thực tế xuất hiện và thôi thúc. Rồi mọi thứ chấm dứt. Người ta tìm quan hệ với người khác. Tìm cách yêu nhau khác hơn. Có ý nghĩa hơn.

 

Nhưng dịch bịnh càng kéo dài, người ta càng có xu hướng xa cách nhau hơn. Muốn sống theo tình cảm của mình thì phải gạt bỏ đi sự lo nghĩ về lây nhiễm và chết chóc. Điều này lại làm mất đi ý nghĩa đẹp, lãng mạn của những cuộc gặp gỡ thực tế. Thử hỏi ai dám không suy nghĩ hợp lý để có thể thả mình theo dục vọng, ham muốn trong lúc này?

 

Nhiều cô cậu độc thân muốn gặp bạn, gặp người yêu nhưng khi nghĩ tới những rủi ro nguy hiểm thì mọi ham muốn liền tan biến ngay.

 

Tuy nhiên nhiều người lo ngại sống kéo dài trong cô đơn, do dịch Vũ Hán chưa biết bao giờ hết, sẽ khó có bạn tình bền bỉ. Vậy nếu có được người yêu trong lúc này thì cứ kết nhau thành vợ chồng được chăng? Phú mặc cho định mệnh!

 

Đúng vậy, dịch Vũ Hán đã thúc đẩy nhiều người quyết định khẩn cấp trong quan hệ tình cảm. Nhưng chuyện gì xảy ra khi đời sống trở lại bình  thường?

 

Hết corona Vũ Hán chưa chắc đời sống sẽ trở lại bình thường ngay. Mà có bình thường, tức hết bịnh dịch, nhưng chắc chắn xã hội sẽ thay đổi, không giống như xưa nữa .

 

 

Không muốn tối nay

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2021/02/unnamed-1.jpg

 

Một bà vợ trẻ cứ phải nói với chồng «Tối nay không muốn» . Và sau cùng bà giải bày «Tôi chỉ phải chịu làm tình với ông chồng của tôi sau khi tôi cảm thấy đã nhiều lần tôi từ chối và hẹn hôm khác».

 

Chuyện ái ân giữa vợ chồng bị corona Vũ Hán làm thay đổi nên sự bình đẳng về ái ân giữa vợ chồng không còn nữa. Hiện tượng xã hội này xảy ra do dịch Vũ Hán gây ra đã làm cho nhà xã hội học Jean-Claude Kaufmann phải quan tâm, theo dõi và điều tra. Kết quả được ông ghi lại trong một quyển sách của ông mới vừa xuất bản nhan đề là «Không muốn tối nay» (Pas envie ce soir, Ed. Les liens, Paris, 6/2020). Trong phòng the chẳng những chuyện ái ân chênh lệch, kẻ muốn, người không, mà cả chuyện rù rì với nhau giữa vợ chồng cũng trở thành một thứ đối thoại giữa hai người điếc.

 

Theo kết quả điều tra trực tiếp của ông Kaufmann thì hiện nay đang có một sự khác biệt hẳn về khả năng ham muốn ái ân trong vợ chồng, cả còn trẻ tuổi. Mà thường chính người đàn bà nói câu «Tối nay không muốn»!

 

Thường thì sự ham muốn ở người đàn bà mãnh liệt hơn khi đối diện bạn tình hay chồng nay lại bị mất đi sự nhạy cảm đó. Còn người đàn ông thì ham muốn gần như một phản ứng tự động. Ông Trời sanh ra như vậy mà! Nên mới được suy tôn là phái mạnh!

 

Một bà nhận xét về những ông bồ cũ «Tôi thấy họ luôn luôn hoàn toàn thoải mái với cách sanh hoạt cố hữu của họ. Vừa thấy một cái vú, vừa đặt bàn tay lên đùi của tôi, thì sự ham muốn đã nổi lên tới cổ rồi ».

 

Cũng theo điều tra của ông Kaufmann vì sự ham muốn giữa vợ chồng chênh lệch quá lớn mà nhiều lúc vợ chồng sanh ra xung đột với nhau. Người vợ phản đối ông chồng là nhiều  lần trong đêm toan hiếp dâm mình khi đang ngủ ngon. Đây chính là lúc vợ chồng bước vào «vùng xám» vì hai người nói chuyện với nhau không còn bằng lời nói nữa. Mà nói bằng những cử chỉ, những động tác. Bà vợ thu mình lại ngồi vào góc giường để như vậy gởi cho ông chồng cái thông điệp là tôi «không muốn». Nhưng thông điệp đó, ông chồng không nhận. Mà có nhận được cũng không muốn hiểu vào lúc đó. Vì theo ông chồng thì sự «thỏa thuận» chưa kịp đủ nên cần phải có sự khêu khích mạnh hơn trước khi phải dừng lại.

 

Các ông thường phải chủ quan giữ thế tấn công vì biết các bà vốn từ xưa đã thừa hưởng cái di sản giáo dục của thế kỷ thứ XIX là đừng bao giờ biểu lộ sự ham muốn của mình. Dù có đang ham muốn chín người đi nữa!

 

Nhưng từ nhiều năm nay sự giáo dục ấy đã không còn hiệu lực vì các bà đã mạnh dạn bày tỏ sự ham muốn và cảm xúc của mình.

 

Tôi không biết vợ chồng chúng tôi kéo dài được không?


Hiện nay có nhiều cặp vợ chồng bị corona vũ hán chia cách với nhau. Nhiều trường hợp, họ bị bắt buộc phải sống dựa vào nhau vì kẻ còn đi làm được, người lại thất nghiệp. Khi sống phải tùy thuộc vào kẻ khác thường khó bền bỉ. Nhứt là đối với tuổi trẻ. Ngoài ra, trong những hoàn cảnh như vầy, con corona vũ hán còn bắt buộc giới trẻ hảy kiểm điểm lại mối quan hệ của họ. Có nên giữ không?

 

Nhiều cặp trẻ yêu nhau nhưng từ nhiều tuần nay không gặp nhau. Đành chờ đợi vậy. Nhưng rồi chờ mà không biết tới bao giờ. Bắt đầu lo ngại. Muốn đi gặp nhau, đi ra khỏi nhà không được.

 

Chỉ còn biết chờ điện thoại của người yêu. Có người muốn trở về thời xưa: viết thư thăm nhau. Nhưng làm sao tới bưu điện?

 

Người ta không thể hiểu được. Có nhiều cặp vừa yêu nhau nay bị ngăn cách, bị xa nhau. Thật chưa bao giờ có trong lịch sử tình yêu nhơn loại: «từ ít lắm 35 000 năm qua người ta biết sống thành vợ chồng, chúng tôi chưa bao giờ sống như hoàn cảnh hiện nay!», theo lời của nhà nhơn chủng học Philippe Brenot .

 

Hai người vừa đồng ý sống chung với nhau từ hai tháng nay thì nay bị tình tạng cấm cửa. Người đàn bà còn làm việc vì làm việc qua điện thoại trong lúc người đàn ông thất nghiệp.

 

Ở chung trong một căn phòng rộng 25 m2 do người đàn bà thuê và trả tiền. Họ bắt đầu cảm thấy đang sống trong địa ngục.

 

Người đàn bà làm việc trên giường thì người đàn ông cũng trên giường và ôm chiếc computer chơi những trò chơi trên màn hình. Cả đêm. Người suốt ngày làm việc mệt, đêm không được ngủ vì cùng trên giường, bị ánh sáng của computer làm chói mắt. Bà ta nhiều lúc chạy vào toilettes trốn cho tạm yên thân. Nhưng thở không đủ.

 

Nhiều lúc phải nói chuyện với nhau bằng email, không nói qua điện thoại vì cùng trên giường. Nói bằng lời càng không nói được!

 

Chỉ còn chia tay nhau. Nhưng khốn nạn là hắn không thể ra khỏi nhà lúc này vì cả xứ đang bị cấm cửa!

 

Nhưng việc «cấm cửa» dài hạn cũng có mặt tích cực của nó. Một cặp sống với nhau 11 năm, có với nhau 2 đứa con. Trước khi xảy ra dịch Vũ Hán, họ đã chuẩn bị chia tay nhau nhung còn chần chờ vì hai đứa con chưa giải quyết ổn thỏa. Nay bị cấm cửa, không ai đi đâu được. Cả hai đành phải nán lại việc chia tay. Trước tiên vì 2 đứa trẻ. Nhưng sau đó, chúng tôi cảm thấy dễ chịu. Thấy gần nhau hơn, thương yêu nhau hơn. Chúng tôi thât sự bắt đầu sống với nhau tuổi thanh xuân kỳ hai. Từ trước khi có lệnh «cấm cửa», chưa bao giờ chúng tôi được hạnh phúc như hiện nay. Sự thân mật của chúng tôi giống như buổi đầu sống với nhau. Mỗi buổi tối, chúng tôi tay trong tay để giải tỏa mệt nhọc trong ngày làm việc ở nhà. Trước khi có lệnh cấm đi ra ngoài, ít khi chúng tôi gần nhau như vậy.

Chúng tôi mong lệnh «cấm  cửa» kéo dài mãi mãi!

 

Nguyễn thị Cỏ May

   

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats