Saturday 27 February 2021

NÓI VỀ 'VĂN HÓA CHỖ LÀM' (Phạm Phú Khải)

 



Nói về 'văn hóa chỗ làm'

Phạm Phú Khải

25/02/2021

https://www.voatiengviet.com/a/van-hoa-cho-lam-higgins/5792375.html

 

Sự kiện cô Brittany Higgins bị một đồng nghiệp hãm hiếp vào tháng Ba năm 2019 ngay trong văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds, lúc đó đang giữ chức vụ Bộ trưởng Kỹ nghệ Quốc phòng, tiếp tục gây sóng gió trên chính trường Úc trong những ngày qua.

 

Sách nhiễu tình dục ở bất cứ nơi đâu hay với bất cứ người nào trong xã hội Úc hôm nay là điều không thể chấp nhận được. Huống hồ chi, trường hợp này lại xảy ra ngay tại quốc hội Úc với một cố vấn, tuy thấp, của một chức vụ quan trọng hàng đầu trong chính quyền Úc.

 

Trong suốt tuần qua, Bộ trưởng Reynolds bị vặn hỏi liên tục tại quốc hội về cung cách nhìn nhận và giải quyết của bà về sự kiện này. Truyền thông khắp Úc cũng đang đưa tin và bình luận. Bà Reynolds đã không cầm được nước mắt tại quốc hội, và hôm qua 24 tháng Hai đã phải nhập viện theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa tim.

 

Bổn phận quan tâm (duty of care) là sự ràng buộc có tính pháp lý để tránh đi những hành động hay bỏ sót mà có thể đưa đến tác hại cho một người khác. Nói cách khác, khi chúng ta biết điều tai hại xảy ra cho người khác mà không khai báo với cơ quan công quyền liên hệ thì chúng ta có khả năng bị quy kết trách nhiệm.

 

Ủy viên của Cảnh sát Liên bang Úc Reece Kershaw đã viết thư đến Thủ tướng Úc như sau:

 

“Tôi không thể nói rõ hơn tầm quan trọng của việc trình đơn kịp thời các cáo buộc về hành vi phạm tội.

Việc không báo cáo hành vi tội phạm bị cáo buộc theo cách này hoặc chọn thông báo hoặc phổ biến các cáo buộc thông qua các phương tiện khác, chẳng hạn như thông qua phương tiện truyền thông hoặc bên thứ ba, có nguy cơ ảnh hưởng đến bất kỳ cuộc điều tra tiếp theo của cảnh sát.

Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc báo cáo hành vi phạm tội đều có thể dẫn đến việc mất bằng chứng quan trọng, tiếp tục phạm tội và/hoặc tái phạm bởi kẻ bị cáo buộc.”

 

Thủ tướng Scott Morrison yêu cầu những người đứng đầu hạ viện và thượng viện phổ biến lá thư này rộng rãi để mọi chính trị gia hiểu được vai trò và trách nhiệm của mình khi biết về các hành vi phi pháp.

 

Hiện đang có áp lực kêu gọi bà Reynolds từ chức, hay chính bà phải từ nhiệm, nhưng Morrison vẫn bảo vệ bà và tiếp tục đặt sự tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của bà trong địa hạt quốc phòng.

 

Morrison cho rằng, quốc hội là nơi phải thể hiện tiêu chuẩn đúng mực cho nơi làm việc tại Úc, nhưng rõ ràng còn rất nhiều việc cần phải làm để thay đổi văn hóa làm việc tại đây.

 

Có thể nhiều người nghe thông tin trên không đồng tình với cách dùng từ của ông Morrison. Một vài người bị hãm hiếp, hay bị sách nhiễu tình dục tại quốc hội, thì làm sao có thể gọi là văn hóa? Vấn đề ở đây là, khi có vài trường hợp như thế xảy ra mà không giải quyết tận gốc rễ thì nó có nguy cơ lây lan, và cái ung nhọt đó sẽ phát triển mạnh, làm mầm móng cho cái sai cái ác hoành hành về sau.

 

Quả thật, thay đổi văn hóa có khả năng giải quyết được gốc rễ vấn đề. Nhưng làm thế nào là một câu hỏi hóc búa. Bởi câu trả lời liên quan đến tư duy, thói quen, tương quan quyền lực, cung cách lãnh đạo, đào tạo, quy trình báo cáo, tâm lý, tinh thần trách nhiệm, v.v… của tất cả những người tại chỗ làm đó. Quan trọng nhất là dàn lãnh đạo, bởi họ phải là những người làm gương trước.

 

Các nhà nghiên cứu về quản lý nhân lực (human resource management) hiểu rất rõ rằng, nhân lực là yếu tố then chốt trong sự thành bại của bất cứ tổ chức nào.

Tại quốc hội, hay bất cứ nơi làm việc công hay tư nào, văn hóa đóng vai trò chủ chốt (workplace culture).

 

Cuộc khảo sát mới nhất của Cục nghiên cứu Kinh tế Quốc gia tại Mỹ với 1,348 công ty cho biết, hơn một nửa viên chức hàng đầu tin rằng văn hóa doanh nghiệp (corporate culture) có một trong ba giá trị đứng đầu của doanh nghiệp, và 92% tin rằng cải thiện văn hóa của mình sẽ gia tăng giá trị của doanh nghiệp. 85% lãnh đạo điều hành và tài chánh tin rằng văn hóa không lành mạnh sẽ đưa đến hành xử bất đức.

 

Không mấy ai muốn làm việc trong một môi trường tồi tệ cả. 65% một cuộc khảo sát mới đây do LinkedIn thực hiện cho biết họ thà lãnh lương thấp hơn, và 26% cho biết thà chịu bỏ đi một tước vị đặc biệt, còn hơn là làm trong một môi trường tồi tệ.

 

Văn hóa lành mạnh tại nơi làm việc mang tính cách trọng yếu. Đó là nơi mà trong đó mọi người cảm thấy an toàn, nhất là về mặt tâm lý; không ai bị sách nhiễu, ăn hiếp, hay phân biệt đối xử; nơi đề cao đặc tính và giá trị chung, đề cao sự phối hợp và giao tiếp; nơi mọi người được tôn trọng, bình đẳng; nơi mọi người được khuyến khích tham gia và đóng góp tối đa có thể cho mục tiêu chung; nơi sự đánh giá chủ yếu dựa trên khả năng thực thụ (merits), bao gồm cả thái độ/cung cách của người đó.

 

Đa số con người ai cũng muốn quyền lực và quyền lợi. Vì thế, việc cạnh tranh, trong chính trường và thương trường, có lẽ là nơi quyết liệt và gay gắt nhất. Theo dữ liệu tại Úc, có hơn 60% doanh nghiệp nhỏ đã ngưng hoạt động sau 3 năm, và có 97% mọi doanh nghiệp đóng cửa sau khi bắt đầu hoạt động. Tại Mỹ, có đến 90% doanh nghiệp thất bại. Ngay cả khi thành công, thì cũng mất thời gian dài để tạo dựng một văn hóa làm việc cho tổ chức của mình. Muốn thay đổi văn hóa đã được tạo dựng ban đầu thì mất thêm 2, 3 năm nữa. Mà văn hóa thì không hề đứng yên. Nó liên quan mật thiết đến con người. Nó mang tính tiến hóa không ngừng (evolutionary) chứ không phải cách mạng (revolutionary). Bởi vì con người cũng thay đổi, tiến hóa không ngừng. Vì vậy mà có người cho rằng, việc thay đổi văn hóa tốn thì giờ vô hạn.

 

Qua sự kiện cô Higgins bị hãm hiếp, và sau đó có thêm một số người khác lên tiếng cho biết họ cũng là nạn nhân, lãnh đạo nước Úc như Thủ tướng Morrison kêu gọi thay đổi văn hóa chỗ làm. Trước đây khi các vụ hãm hiếp xảy ra trên đường phố, hay các nạn bạo hành gia đình, cựu thủ tướng Malcolm Turnbull phát động chiến dịch tôn trọng phụ nữ. Turnbull nói:

 

“Không phải mọi hành vi thiếu tôn trọng phụ nữ đều là bạo lực đối với phụ nữ, nhưng đó là nơi bắt đầu của mọi bạo lực đối với phụ nữ. Và do đó, cần đảm bảo rằng chúng ta bắt đầu ngay từ đầu, đảm bảo rằng các con trai và cháu trai của chúng ta tôn trọng những người phụ nữ trong cuộc sống của họ, là điều tối quan trọng.”

 

Đúng vậy, không có hành vi đúng đắn ngay từ đầu, không có các giá trị cốt lõi ngay từ đầu, thì những tác hại của nó về sau sẽ thảm khốc hơn nhiều. Thay đổi, đối với một người, sẽ đau khổ và mất thời gian. Thay đổi, đối với một tập thể, hay một dân tộc, sẽ mất nhiều thế hệ và vô cùng gian nan.

 

Nếu tin vào luật nhân quả của nhà Phật, thì cũng có nghĩa rằng, những gì chúng ta làm tốt không mất đâu cả, và những gì làm xấu thì luôn còn ở đó. Hết kiếp này đến kiếp khác, từ tư tưởng đến hành động, truyền từ đời này sang đời sau. Sự tha thứ sẽ đưa con người về tính nhân bản. Nhưng sự hận thù sẽ tiếp tục lan truyền.

 

Văn hóa của một tập thể, dù là công hay tư, tầm cộng đồng hay quốc gia, mang yếu tố quyết định cho sức mạnh của tập thể đó.

 

Nhìn vào xã hội Việt Nam, nhất là những tội ác do chế độ cộng sản Việt Nam đã làm trong suốt bảy, tám thập niên qua, tôi quả thật hết sức bi quan. Tất nhiên không riêng gì người cộng sản gây ra tội lỗi, ác độc từ thập niên 1930 đến nay, nhưng từ suy nghĩ đến hành động thô bạo và bất nhân tâm của họ, đặc biệt tiếp tục cai trị đất nước bằng mọi giá, là nguyên nhân chính của sự suy đồi xã hội về mọi mặt. Không biết đến kiếp nào người Việt chúng ta mới thoát khỏi vòng luẩn quẩn của dối trá, hận thù và bạo lực! Mà không thoát được vòng luẩn quẩn này thì làm sao Việt Nam có thể phát triển một cách lành mạnh, bền vững mà trong đó người Việt và các dân tộc thiểu số khác cùng sống trong một quốc gia lấy “nhân lễ nghĩa trí tín” để đối xử với nhau?

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats