Saturday 27 February 2021

TÂN CƯƠNG : CAO ỦY NHÂN QUYỀN LHQ KÊU GỌI ĐIỀU TRA ĐỘC LẬP VỀ CÁC VI PHẠM NHÂN QUYỀN (Trọng Nghĩa - RFI)

 



Tân Cương : Cao Ủy Nhân Quyền LHQ kêu gọi điều tra độc lập về các vi phạm nhân quyền

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 27/02/2021 - 11:58

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210227-t%C3%A2n-c%C6%B0%C6%A1ng-cao-%E1%B....BA%A1m-nh%C3%A2n-quy%E1%BB%81n

 

Phát biểu tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ngày 26/02/2021, bà Michelle Bachelet, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, đã tố cáo Trung Quốc về các hành động hạn chế các quyền tự do dân sự và chính trị cơ bản nhân danh an ninh quốc gia và các biện pháp chống Covid-19. Bà đặc biệt nêu bật vấn đề Tân Cương, đồng thời kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập và nghiêm túc.

 

https://s.rfi.fr/media/display/8b644ff2-78ea-11eb-9525-005056bff430/w:980/p:16x9/2021-02-26T123355Z_827109314_RC2C0M9CEFV0_RTRMADP_3_UN-RIGHTS-SAUDI.webp

Ảnh minh họa : Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet trong một cuộc họp báo tại trụ sở LHQ, Genève. Ảnh chụp 09/12/2020. REUTERS - DENIS BALIBOUSE

 

Theo hãng tin Anh Reuters, bà Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận là tại Trung Quốc: “Các nhà đấu tranh, giới luật sư và những người bảo vệ nhân quyền, cũng như một số công dân nước ngoài, đã bị cáo buộc hình sự, giam giữ một cách tùy tiện hoặc xét xử không công bằng”.

 

Đề cập đến khu vực Tân Cương của Trung Quốc, bà Bachelet cho rằng trước các báo cáo về việc giam giữ tùy tiện, đối xử hà khắc, bạo lực tình dục và lao động cưỡng bức, cần phải có một đánh giá toàn diện và độc lập về tình hình.

 

Cao Ủy Nhân Quyền bày tỏ hy vọng đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh về một chuyến đi Trung Quốc. Phải lần ngược về năm 2005 mới thấy một Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc - lúc đó là bà Louise Arbour - đến thăm Trung Quốc.

 

Theo giới hoạt động nhân quyền và các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, đã có ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi bị giam giữ trong các trại lao cải ở Tân Cương. Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc, khẳng định rằng đó là các trại huấn nghệ cần thiết để chống lại chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan.

 

Nhân khóa họp của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève, Trung Quốc đã liên tiếp bị tố cáo về chính sách đàn áp tại Tân Cương và Tây Tạng cũng như cách đối xử với người Hồng Kông.

 

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã nói rằng tra tấn, lao động cưỡng bức và triệt sản đang diễn ra ở “quy mô công nghiệp” ở Tân Cương, còn ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian thì tố cáo "một hệ thống giám sát và đàn áp được thể chế hóa trên quy mô lớn".

 

Về phía Mỹ, tân chính quyền của tổng thống Biden đã tán thành việc chính quyền Trump cho rằng Trung Quốc đã có những hành vi “diệt chủng” ở Tân Cương và cần phải buộc Bắc Kinh trả giá.

 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ 22/02 đã phủ nhận rằng “chưa hề có cái gọi là diệt chủng, lao động cưỡng bức hay đàn áp tôn giáo ở Tân Cương”.

 

Vào hôm qua, bà Bachelet cũng nêu bật tình hình Hồng Kông, nơi có hơn 600 người đang bị điều tra vì tham gia các cuộc biểu tình, một số dựa theo luật an ninh quốc gia mới mà Trung Quốc áp đặt trên đặc khu.

 

Lãnh đạo ngành Tư Pháp Hồng Kông Trịnh Nhược Hoa (Teresa Cheng) đã phản ứng ngay trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc rằng, kể từ khi luật đó được thực thi, tình trạng bất ổn dân sự đã lắng xuống và người dân có thể tận hưởng các quyền tự do hợp pháp của họ.

 

                                                          ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Duy Ngô Nhĩ : Phương Tây dồn dập lên án, Trung Quốc tìm cách phản công

 

Đối sách Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc : Phủ nhận triệt để và hù dọa nạn nhân

 

Tân Cương: Anh tố cáo Trung Quốc vi phạm nhân quyền “với quy mô công nghiệp”

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats