Sunday 28 February 2021

NGƯỜI DUY NGÔ NHĨ TẠI TÂN CƯƠNG : SỰ IM LẶNG CỦA TỔNG THỐNG PHÁP (Thanh Hà - RFI)

 


Người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương : Sự im lặng của tổng thống Pháp    

Thanh Hà  -  RFI 

Đăng ngày: 26/02/2021 - 12:42

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210226-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-duy-ng%C3%B4-nh%C4%A.....BB%91ng-ph%C3%A1p

 

Theo thông cáo chính thức của Paris và Bắc Kinh, trong cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 25/02/2021, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tránh đề cập đến vấn đề người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

 

https://s.rfi.fr/media/display/1198ce40-72a6-11eb-9f75-005056a98db9/w:980/p:16x9/2021-02-18T122557Z_838325035_RC20VL9F8B73_RTRMADP_3_FRANCE-POLITICS.webp

Tổng thống Pháp Macron bị chỉ trích không đề cập đến hồ sơ nhân quyền ở Tân Cương trong cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 25/02/2021. REUTERS - POOL

 

Thông cáo chính thức của điện Elysée và bản tin của Tân Hoa Xã về cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Pháp và Trung Quốc đều không đề cập đến tình trạng của người Hồi Giáo ở Tân Cương. Hai bên chỉ thảo luận về quan hệ kinh tế song phương, về tình hình Miến Điện.

 

Bản tin của AFP nhắc lại, vào năm 2020, sau thông tin tiết lộ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đưa vào các trại tập trung, tổng thống Pháp từng mạnh mẽ xem đây là một « hành vi đàn áp không thể chấp nhận được ». Sự im lặng của ông Macron lần này khiến nhiều nhà quan sát lo ngại.

 

Tân Hoa Xã cho biết Paris và Bắc Kinh hài lòng về thỏa thuận bảo hộ đầu tư mà Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc đã đạt được vào cuối năm 2020. Ông Tập Cận Bình mong muốn văn bản này nhanh chóng có hiệu lực. Về phía Pháp, tổng thống Macron kêu gọi Trung Quốc nhanh chóng phê chuẩn công ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế chống cưỡng bức lao động như đã cam kết. Tuy nhiên, hãng tin  AFP nhắc lại đến nay Trung Quốc vẫn chưa phê chuẩn văn bản này và Bắc Kinh bị cáo buộc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

 

Pháp từ nhiều năm qua mong muốn đàm phán dứt điểm về hợp đồng xây dựng nhà máy xử lý rác nguyên tử cho Trung Quốc, trị giá 10 tỷ euro. Paris cũng đang nuôi tham vọng thay thế Luân Đôn để trở thành thị trường tài chính lớn nhất châu Âu. Theo AFP, ông Tập Cận Bình có cam kết « sẽ hỗ trợ Paris » trong mục tiêu này.

 

Một ngày trước cuộc điện đàm giữa nguyên thủ Pháp và Trung Quốc, ngoại trưởng Jean -Yves Le Drian phát biểu trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã mạnh mẽ lên án Bắc Kinh « đàn áp một cách có hệ thống » cộng đồng Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Đại sứ Trung Quốc tại Paris ngay hôm 25/02/2021 đã đáp trả là Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ một « hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia khác ». 

 

 

Hà Lan lên án nạn « diệt chủng »

 

Khác với thái độ dè dặt của Pháp, Quốc Hội Hà Lan ngày 25/02/2021 đã thông qua một văn bản không mang tính ràng buộc, tố cáo Trung Quốc tiến hành một cuộc « diệt chủng » nhắm vào cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi, nói tiếng Thổ tại Tân Cương. Văn bản nói trên nêu rõ « những biện pháp nhằm triệt sản », « tra tấn », theo quy định của Nghị Quyết 260 Liên Hiệp Quốc được gọi là « Công ước về diệt chủng ».

 

Hãng tin Anh Reuters lưu ý thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, đã bỏ phiếu chống lại văn bản lên án Trung Quốc vi phạm tội « diệt chủng ». Ngoại trưởng Stef Blok thì cho biết chính quyền nước này không muốn sử dụng cụm từ « diệt chủng » cho tới khi điều này được Liên Hiệp Quốc công nhận. Hiện cũng chưa có một phán quyết nào của một tòa án quốc tế về tội ác nói trên.

 

                                                          ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

.

Tân Cương : Cao Ủy Nhân Quyền LHQ kêu gọi điều tra độc lập về các vi phạm nhân quyền

.

Duy Ngô Nhĩ: Paris tố cáo "hệ thống đàn áp được thể chế hóa" của Trung Quốc

.

Tân Cương: Anh tố cáo Trung Quốc vi phạm nhân quyền “với quy mô công nghiệp”

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats