Wednesday 24 February 2021

BẦU CỬ QUỐC HỘI VIỆT NAM 2021 : NGƯỜI TỰ ỨNG CỬ CÒN BA TUẦN NỮA ĐỂ NỘP HỒ SƠ (Hồng Anh - Luật Khoa)

 


 

Bầu cử Quốc hội Việt Nam 2021: Người tự ứng cử còn ba tuần nữa để nộp hồ sơ

HỒNG ANH  -  LUẬT KHOA

23/02/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/02/bau-cu-quoc-hoi-viet-nam-2021-nguoi-tu-ung-cu-con-ba-tuan-nua-de-nop-ho-so/

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/hdnd-1460869680031-1024x538.jpg

Biểu quyết lựa chọn người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ảnh Dân Trí

 

Việt Nam sẽ bầu đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp vào ngày 23/5/2021. Nếu bạn có ý định tự ứng cử thì hãy chuẩn bị hồ sơ ngay từ hôm nay.

 

Thời gian để bạn nộp hồ sơ ứng cử là từ ngày 22/2/2021 đến 17h00 ngày 14/3/2021 – 70 ngày trước ngày bầu cử, 5 ngày trước hạn chót tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai.

 

Dưới đây là những câu hỏi bạn có thể quan tâm khi làm hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.

 

Ai có thể ứng cử?

 

Nếu bạn là công dân Việt Nam từ 21 tuổi trở lên, có sức khỏe, nhận thấy mình có đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) thì có thể nộp hồ sơ ứng cử.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/Nguyen-Thuy-Hanh-tu-ung-cu-768x514.jpg

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, một người tự ứng cử đại biểu Quốc hội năm 2016. Ảnh: Chân Trời Mới Media.

 

Các tiêu chuẩn này được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hộiLuật Tổ chức chính quyền địa phương. Lưu ý, bạn không cần phải là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam thì mới được tự ứng cử.

 

Ngoài ra, bạn phải chắc chắn rằng mình không thuộc năm trường hợp không được ứng cử, theo quy định tại Điều 37, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

 

 

Có bao nhiêu người sẽ được chọn làm đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp?

 

Ở Quốc hội, sẽ có 500 người được bầu làm đại biểu cho khóa mới (2021 – 2026). Tuy nhiên, rất nhiều ghế đã được sắp sẵn cho cán bộ trung ương và địa phương.

 

Theo dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng ĐBQH khóa mới sẽ có 207 ghế dành cho cán bộ ở trung ương, 220 ghế dành cho cán bộ địa phương. Tổng cộng có 427 ghế đã sắp sẵn từ trước.

 

73 ghế còn lại, bao gồm người tự ứng cử, do các địa phương đề xuất. Tuy nhiên, 73 ghế này cũng có thể sẽ được dành cho các cán bộ đảng, cán bộ ban ngành nhà nước, các tổ chức đoàn thể.

 

Bạn có thể xem dự kiến số lượng ĐBQH cho từng tỉnh thành tại đây.

 

Hiện nay, các tỉnh, thành đã dự kiến xong thành phần, số lượng ứng cử viên ĐBQH cũng như đại biểu HĐND các cấp (tức là dự kiến sẽ có bao nhiêu ứng cử viên, đến từ những đơn vị nào, đây cũng là cơ sở để đảng, nhà nước, tổ chức đoàn thể, quân đội… giới thiệu người ra ứng cử). Bạn có thể tìm thấy thông tin này qua Google. Chẳng hạn, dự kiến số lượng ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh Bình Định có tại đây.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/nguoi-dan-xem-danh-sach-1024x587.jpg

Một người dân xem danh sách ứng viên đại biểu Quốc hội tại Hà Nội năm 2016. Ảnh: Báo Nhân Dân

 

Tuy nhiên, danh sách dự kiến này chỉ trở thành chính thức sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thường trực HĐND các cấp điều chỉnh.

 

 

Hồ sơ ứng cử gồm những gì?

 

Hồ sơ ứng cử được quy định tại Điều 35, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.

 

Hồ sơ ứng cử ĐBQH cũng giống ứng cử đại biểu HĐND các cấp, bao gồm:

 

  1. Đơn ứng cử;
  2. Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;
  3. Tiểu sử tóm tắt;
  4. Ba ảnh chân dung màu cỡ 4cm x 6cm;
  5. Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

 

Chi tiết về các mẫu giấy tờ trong hồ sơ ứng cử, tham khảo tại đây.

 

Ủy ban bầu cử các cấp sẽ là cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ của bạn. Có bao nhiêu tỉnh, huyện, xã thì sẽ có bấy nhiêu ủy ban bầu cử.

 

 

Nộp hồ sơ ứng cử ở đâu, hồ sơ được xử lý như thế nào?

 

Điều này phụ thuộc vào việc bạn ứng cử ĐBQH hay đại biểu HĐND các cấp. Nếu ứng cử ĐBQH, bạn nộp hồ sơ tại ủy ban bầu cử cấp tỉnh. Đối với ứng cử đại biểu HĐND thì có chút khác biệt, bạn không chỉ phải nộp hồ sơ ở ủy ban bầu cử nơi mình muốn ứng cử, mà còn phải là người đang cư trú hoặc làm việc ở khu vực đó.

 

Bạn được quyền ứng cử cùng lúc cho hai vị trí, vừa ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND ở một cấp nào đó, hoặc ứng cử đại biểu HĐND ở hai cấp khác nhau.

 

Nếu hồ sơ ứng cử của bạn đạt yêu cầu, tên bạn sẽ lọt vào danh sách hiệp thương lần thứ hai. Từ lúc này, bạn sẽ cần chuẩn bị tham gia hội nghị cử tri để lấy ý kiến về bạn tại nơi làm việc và nơi cư trú.

 

 

Hội nghị hiệp thương là gì? Tôi có bị ảnh hưởng khi bỏ qua hội nghị hiệp thương lần thứ nhất?

 

Hiểu nôm na, hội nghị hiệp thương là hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên để thống nhất những nội dung có liên quan đến ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… được xem là đại diện cho các thành phần trong xã hội.

 

Nếu là ứng cử viên tự do, bạn chỉ cần quan tâm đến hội nghị hiệp thương lần thứ hai (15-19/3/2021) và lần thứ ba (14-18/4/2021). Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất nhằm thống nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng các cán bộ, người được đảng, cơ quan nhà nước, đoàn thể sắp xếp ra ứng cử. Nó không liên quan gì đến hồ sơ của bạn.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/hoi-nghi-hiep-thuong_bao-da-nang.jpg

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai tại Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng năm 2016. Ảnh: Báo Đà Nẵng.

 

Tuy nhiên, bạn sẽ không được tham gia hội nghị hiệp thương lần thứ hai và lần thứ ba, vì nó dành cho đại diện của các tổ chức đoàn thể. Nếu là ứng cử viên tự do, bạn chỉ cần tập trung vào việc lấy ý kiến cử tri về bạn tại nơi làm việc và nơi cư trú.

 

 

Hội nghị cử tri được tiến hành như thế nào?

 

Hội nghị cử tri về ứng cử viên ĐBQH và ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp được tổ chức tương tự nhau. Hội nghị cử tri gồm hai phần: tại nơi làm việc và tại nơi cư trú (21/3 – 13/4/2021).

 

Nếu bạn là ứng cử viên tự do, đang làm cho một tổ chức kinh tế thì người đứng đầu cơ quan sẽ cùng công đoàn tổ chức hội nghị cử tri tại nơi bạn làm việc.

 

Hội nghị cử tri tại nơi cư trú của bạn do ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, cùng ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức.

 

Lưu ý rằng nếu nơi làm việc của bạn có dưới 100 người thì ít nhất 2/3 số cử tri được triệu tập tham gia. Nếu nơi làm việc trên 100 người thì phải có ít nhất 70 người tham gia.

 

Đối với hội nghị cử tri ở nơi cư trú, nếu nơi cư trú của bạn có dưới 100 cử tri thì phải có ít nhất 50% cử tri được triệu tập tham gia, và từ 55 người trở lên nếu nơi cư trú của bạn có trên 100 cử tri. Nếu số cử tri đến tham dự không đúng quy định này, bạn có thể yêu cầu dừng hội nghị cử tri cho đến khi đủ số người tham dự.

 

Kết quả hội nghị cử tri sẽ được dùng để thảo luận tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Nếu bạn vượt qua được lần hiệp thương thứ ba này, gần như đảm bảo rằng tên bạn sẽ có trong danh sách ứng cử viên chính thức.

 

Chi tiết về tiến hành hội nghị cử tri, có thể xem tại đây.

 

 

Khi nào mới công bố danh sách ứng cử viên chính thức?

 

Chậm nhất 25 ngày trước ngày bầu cử, trước ngày 28/4/2021, danh sách ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sẽ được công bố.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/hoi-dong-bau-cu-quoc-gia-1024x644.jpg

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp thứ hai của Hội đồng bầu cử quốc gia ngày 18/1/2021.

 

Danh sách ứng cử viên ĐBQH sẽ do Hội đồng bầu cử quốc gia công bố. Danh sách ứng cử viên đại biểu HĐND cấp nào sẽ do ủy ban bầu cử của cấp đó công bố. Từ đây, nếu trở thành ứng cử viên chính thức, bạn có thể bắt đầu chương trình vận động tranh cử. Theo quy định, 24 giờ trước thời điểm bỏ phiếu, các ứng viên phải kết thúc chương trình vận động tranh cử của mình.

 

Chương trình vận động có thể được thực hiện qua hai hình thức: hội nghị tiếp xúc cử tri và vận động qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats