Sunday 28 February 2021

VIỆT NAM TỰ BÀO CHẾ VACCINE, TRÁNH PHỤ THUỘC TRUNG QUỐC (Hiếu Chân - Saigon Nhỏ News)

 



 

Việt Nam tự bào chế vaccine tránh phụ thuộc Trung Quốc

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ News

Feb 28, 2021

https://saigonnhonews.com/viet-nam-tu-bao-che-vaccine-tranh-phu-thuoc-trung-quoc/

 

Một công ty dược phẩm của Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn hai một loại vaccine ngừa coronavirus do công ty bào chế – một bước quan trọng thực hiện mục tiêu của Hà Nội là độc lập với Trung Quốc về vaccine chống đại dịch trong lúc xung đột về biển đảo giữa hai nước đang gia tăng.

 

Dẫn nguồn tin từ Việt Nam, báo Nhật Asia Nikkei cho biết, công ty Công nghệ Y sinh học Nanogen có trụ sở tại Sài Gòn hy vọng vaccine do họ bào chế, có tên là Nano Covax, sẽ được chính quyền Việt Nam phê chuẩn và cho phép sử dụng sớm nhất là vào tháng Năm, nếu như các cuộc thử nghiệm được thành công. Việc xuất xưởng sớm vaccine là điều hết sức thiết yếu đối với Viện Nam vì Hà Nội đang tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của cái gọi là “ngoại giao vaccine” của Bắc Kinh ở Đông Nam Á.

 

 

Vaccine “Made in Vietnam”

 

Thủ tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 15-02-2021 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu và bào chế vaccine trong nước, cam kết chính phủ của ông sẽ ủng hộ việc sản xuất thành công vaccine “made in Vietnam”.

 

Công ty Nanogen, thành lập năm 1997 nhưng đã có kinh nghiệm bào chế các loại vaccine phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em ở Việt Nam, có kế hoạch thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn ba vào tháng Năm, cho khoảng từ 10.000 đến 30.000 tình nguyện viên để kiểm tra tính hiệu quả và độ an toàn của vaccine. Nếu được chính phủ phê chuẩn theo thủ tục khẩn cấp, vaccine Nano Covax có thể được sản xuất số lượng lớn vào tháng Năm, một quan chức công ty Nanogen nói với báo Asia Nikkei. Việc phê chuẩn sớm hay muộn còn tùy vào kết quả thử nghiệm giai đoạn hai mới bắt đầu. Vaccine Nano Covax được thử nghiệm giai đoạn một vào tháng 12 năm ngoái, với 60 tình nguyện viên, và ghi nhận ít tình nguyện viên bị hiệu ứng phụ như đau hoặc sốt khi tiêm thuốc, theo các quan chức y tế.

 

Vaccine Nano Covax là sản phẩm hợp tác giữa công ty Nanogen với trường đại học Y Dược quân đội Việt Nam, dựa trên công nghệ tái tổ hợp DNA (recombinant DNA technology) ở tế bào động vật. Ngoài Nanogen, còn có ba công ty Việt Nam khác cũng đang nghiên cứu bào chế vaccine ngừa Covid-19. Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Việt Nam gọi tắt là IVAC cũng có kế hoạch thử nghiệm trên người giai đoạn một loại vaccine do IVAC bào chế có tên là Covivac từ đầu tháng 03-2021. Đánh giá ban đầu, vaccine Covivac có hiệu quả ngăn ngừa coronavirus biến chủng của Anh và Nam Phi và có giá khoảng 60.000 đồng/liều.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/02/loi05333-1614184973712358855266-750x430.jpeg

Lô vắc xin COVID-19 của Đại học Oxford (Anh) và AstraZeneca về sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM ngày 24-2 - Ảnh: Đại sứ quán Anh/Tuổi trẻ

 

Cho đến nay, Việt Nam đã nhận được 117.000 liều đầu tiên loại vaccine AstraZeneca mà Việt Nam đặt mua. Báo chí trong nước nói Việt Nam đã ký hợp đồng mua 30 triệu liều vaccine AstraZeneca giao hàng trong năm 2021. Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam cũng đã được COVAX – liên minh chia sẻ vaccine của Liên hiệp quốc – cam kết cung cấp 30 triệu liều vaccine AstraZeneca theo chương trình cung cấp vaccine cho 92 nước nghèo trên thế giới, và đang đàm phán mua 30 triệu liều vaccine Pfizer. Hãng thông tấn Nga Interfax hôm 26-2 đưa tin vắc-xin phòng ngừa Sputnik V của Nga đã được Việt Nam phê duyệt để sử dụng khẩn cấp, và Bộ trưởng Long cũng xác nhận kế hoạch nhập cảng vaccine Sputnik của Nga nhưng không đưa ra thông tin chi tiết. Để tiêm chủng cho khối dân số gần 100 triệu người, Việt Nam cần có ít nhất 150 triệu liều vaccine các loại.

 

Trong các loại vaccine Việt Nam đã hoặc sẽ mua không hề có loại vaccine nào của Trung Quốc.

 

 

Ngoại giao vaccine của Trung Quốc

 

Truyền thông quốc tế nhận định, Việt Nam tập trung bào chế vaccine nội địa để khỏi phụ thuộc Trung Quốc và không phải nhân nhượng thêm nữa trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Một quan chức ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam chỉ mua vaccine của các nước khác ngoài Trung Quốc vì vấn đề an ninh quốc gia.

 

Bắc Kinh đang đẩy mạnh “ngoại giao vaccine”, tận dụng việc cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho các nước Đông Nam Á để gia tăng ảnh hưởng chính trị. Hồi đầu tháng 01-2021, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã công du các nước ASEAN (không có Việt Nam) với cam kết cung cấp vaccine – một phần là viện trợ không hoàn lại, một phần bán theo hợp đồng. Các nước Myanmar và Philippines đã bắt đầu nhận được vaccine Sinovac do quân đội Trung Quốc sản xuất; các nước Indonesia, Lào và Cambodia đã bắt đầu chủng ngừa cho người dân bằng vaccine của Trung Quốc.

 

Cũng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc nhưng nước láng giềng Philippines đã nhanh chóng được Trung Quốc viện trợ vaccine ngừa Covid-19. Truyền thông quốc tế đưa tin sáng nay Chủ nhật 28-02-2021, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ra phi trường quân sự Villamor Air Base đón chuyến bay chở 600.000 liều vaccine CoronaVac do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc bào chế – đợt giao hàng đầu tiên trong tổng số 25 triệu liều vaccine mà Vương Nghị cam kết với Philippines. Ngày mai, thứ Hai, Phlippines cũng sẽ nhận được 525.600 liều vaccine AstraZeneca từ liên minh COVAX của Liên hiệp quốc, và bắt đầu chiến dịch tiêm chủng cho các nhân viên y tế, cảnh sát và quân đội. Philippines dự tính cần có 148 triệu liều vaccine các loại để chủng ngừa cho 70 triệu người, khoảng hai phần ba dân số của nước này.

 

Ông Duterte cảm ơn Trung Quốc đã có “cử chỉ hữu nghị và đoàn kết – cột mốc của quan hệ đối tác Trung Quốc-Philippines”. Tuy nhiên theo khảo sát chưa đầy một phần ba số người dân Philippines đồng ý tiêm ngừa Covid-19 một phần vì lo ngại tính an toàn của vaccine Trung Quốc.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats