Thursday 25 February 2021

SỐNG Ở NƯỚC NGOÀI và VẤN ĐỀ HỌ TÊN VIỆT NAM (Ngô Hoàng Minh)

 


Sống ở nước ngoài và vấn đề Họ tên Việt Nam

Ngô Hoàng Minh

Gửi bài từ Warsaw, Ba Lan

25/02/2021

https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-56194443

 

Người Việt ở nước ngoài có gặp vấn đề giấy tờ vì cách ghi Họ tên Việt Nam?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/13A0E/production/_117289308_screenshot-76.png

Một buổi họp của Ban Hỗ trợ và Phòng chống Covid-19 của Cộng đồng người Việt ở Ba Lan

 

Họ tên người Việt có vấn đề gì không? Câu chuyện này đang rộ lên trên mạng xã hội ở Warsaw, nơi tôi sinh sống.

 

Câu trả lời là hoàn toàn không!

 

Tuy nhiên hiện nay chúng ta đang sinh sống trong một thế giới phẳng, thời buổi toàn cầu hóa, tức là người Việt không chỉ sinh sống ở tổ quốc của mình, mà còn đi du lịch và và thậm chí quyết định sinh sống nhiều nơi khác trên thế giới.

 

Người Việt ở Ba Lan 'giữ lửa tình làng nghĩa xóm' chống Covid-19

Virus corona: Người Việt ở Berlin đang sợ dịch như sợ ma?

Hộ chiếu VN có vấn đề với dòng chữ 'full name'?

 

Mà đi ra nước ngoài thì bạn sẽ gặp chuyện liên quan đến giấy tờ, thủ tục xin visa hoặc thẻ cư trú (tạm cư hoặc định cư) ở quốc gia khác.

 

Phải công nhận rằng mỗi một quốc gia đều có cách nhìn nhận riêng và có những phong tục tập quán riêng của mình. Làm thế nào để công dân không gặp nhiều khó khăn khi mỗi quốc gia có những cách nhìn nhận khác nhau trong mọi số liệu cá nhân?

 

Suy nghĩ về Họ và Tên chỉ đến khi ra nước ngoài

 

Xin kể về bản thân trước đã. Ngay từ hồi còn cắp sách tới trường, tôi đã quen thuộc với các số liệu ghi ở Việt Nam trong tất cả các giấy tờ của tôi, tức là nếu cần ghi họ và tên thì tôi có thể viết luôn "Ngô Hoàng Minh" mà chẳng cần phải lăn tăn gì.

 

Gia đình và bạn bè gọi tên tôi là "Minh", vậy thì cứ nghiễm nhiên chấp nhận như vậy.

 

Khi sang Ba Lan du học, lúc khai họ tên thì tôi cứ tưởng mọi chuyện sẽ dễ dàng mà hóa ra là không phải. Vì ở Ba Lan người ta lại ghi là "tên và họ", chứ không phải là "họ và tên". Người ta cũng hoàn toàn không có khái niệm về tên đệm hay chữ đệm.

 

Trong học bạ ở trường đại học, tôi đã ghi tên trước (theo phong tục và pháp luật Ba Lan), tức là Minh, mà chẳng quan tâm gì đến tên đệm, vậy là nghiễm nhiên trong tấm bằng Ba Lan của tôi họ ghi số liệu là Minh Ngô Hoàng.

 

Khi thành lập gia đình, ở Ba Lan có phong tục giống như ở Việt Nam là con cái sẽ mang họ của cha. Khi đó tôi mới nghĩ lại, nếu các con mình mang họ Ngô Hoàng thì sẽ không khớp với cả tộc nhà mình, vì cha tôi không có họ như vậy. Tôi biết họ của tôi là họ Ngô, vì cha tôi cũng chỉ có họ Ngô, chứ không phải là Ngô Hoàng.

 

Thậm chí giả sử cha tôi có họ Ngô Hoàng thì các anh chị em trong gia đình tôi lại không có cùng họ này, vì đó là phong tục Việt Nam. Còn theo luật Ba Lan thì tất cả những người con có chung một người cha (anh chị em) thì phải mang một họ giống nhau.

 

Vậy rất may là tôi đã kịp sửa, ghi họ của dòng tộc nhà tôi chỉ là Ngô. Vậy Hoàng Minh là tên, trong bằng tốt nghiệp đại học đã trót ghi 'sai' thì đành chịu vậy.

 

Tưởng là đã ổn, vậy mà lại xuất hiện một vấn đề khác: ở Ba Lan người ta có khái niệm tên thứ nhất (tên chính) và tên thứ hai. Trong một số giấy tờ, cơ quan chính quyền ghi họ tôi là Ngô, tên thứ nhất chỉ là Hoàng và tên thứ hai là Minh. Ở quốc gia này chỉ dùng tên thứ nhất, vậy nhiều khi người ta chỉ ghi số liệu của tôi là Hoàng Ngô.

 

Người Việt Nam vẫn đang gặp nhiều vấn đề

 

Bây giờ xin kể chuyện làm phiên dịch, lo giải quyết giấy tờ cho nhiều người Việt Nam tại Ba Lan.

 

Tôi nhận thấy không ít nhân viên các cấp như ủy ban quận, thành phố của Ba Lan cũng khá "bướng". Họ cho là mình đã làm việc lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, vậy không cần phải nghe lời ông gốc nước ngoài kia, tức là ông ấy phải nhập gia tùy tục. Khỏi tranh luận nhé! Vậy là nhiều người Việt khốn đốn ở Ba Lan.

 

Xin lấy ví dụ phụ nữ gốc Việt khi đăng ký giấy tờ Ba Lan, người tên Nguyễn Thị Bích Thủy, thì có họ là Nguyễn, tên thứ nhất bị cho là Thị. Công chức Ba Lan cứ theo hộ chiếu Việt Nam mà ghi 'tên thứ nhất và họ' thành bà Thị Nguyễn, nhiều khi chẳng thấy xuất hiện tên chính của mình là Bích Thủy. Mà Thị tiếng Việt chỉ là chữ đệm, chứ đâu có là tên thứ nhất (tên chính)?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/4D68/production/_87461891_polradio3epa.jpg

Truyền thông Ba Lan - ảnh minh họa

 

Cũng rất may là tôi có bằng Phiên dịch tuyên thệ, do Bộ Tư pháp Ba Lan cấp. Do vậy nhiều khi các nhân viên chính quyền cũng phải nghe lý lẽ của tôi, mà không bắt tôi phải dịch lại các văn bản của mình theo cách nhìn nhận của các ông bà ấy nữa, bởi vì họ đâu có thông thạo tiếng Việt và biết rõ về các phong tục Việt Nam. Tức là họ không thể yêu cầu tôi phải ghi trong các bản dịch là Nguyễn là họ, Thị là tên 1 và Bích Thủy là tên 2 nữa.

 

Vậy là sau một thời đấu tranh dài, và để đảm bảo cho quyền lợi của những công dân gốc Việt, một số ủy ban ở Warsaw mới chấp nhận lý lẽ của tôi, phân biệt "Nguyễn" là họ và tất cả các chữ "Thị Bích Thủy" coi như là một tên thứ nhất (tên chính), vì người Việt hoàn toàn không có tên thứ hai.

 

Một vấn đề nữa là họ kép. Với người Việt Nam mình, nếu gia tộc nào cứ khăng khăng họ mình không phải là Nguyễn, mà có họ kép chẳng hạn là Nguyễn Đình, và tên chỉ có một là Sinh thì cũng không sao. Nhưng nếu sang sống ở châu Âu, con cái của ông họ Nguyễn Đình kia sẽ đều phải mang họ Nguyễn Đình như ông ấy, kể cả con trai lẫn con gái, vì con phải mang họ đúng như của cha. Sẽ có nơi đánh dấu nối Nguyễn-Đình thành một.

 

Tôi đã phải giải thích và phân bua nhiều với các nhân viên chính quyền ở Ba Lan là các ông bà không nên bực tức với đương sự người Việt, bởi vì nhiều khi chính bản thân họ cũng không biết tách chia đôi tên họ của mình như thế nào cho hợp lý. Lý do là từ khi sinh ra họ đều ghi liền họ và tên trên một dòng nên việc tách làm đôi các số liệu họ tên của họ nhiều khi là một vấn đề rất lớn đối với họ.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/6464/production/_117300752_gettyimages-1030974864.jpg

Người Việt Nam sinh sống tại Ba Lan vẫn gặp nhiều vấn đề vì cách ghi họ tên (ảnh minh họa)

 

Còn về phía chính quyền Việt Nam, thiết nghĩ các cấp nên nhanh chóng ghi rõ trong giấy tờ hộ tịch, hộ chiếu của công dân mình, đâu là họ và đâu tên, thật rạch ròi. Có vậy thì người dân mới hiểu ra về các số liệu của chính mình, bởi vì khái niệm "tên đệm, chữ đệm" cứ tưởng như là dễ hiểu, mà hóa ra là rất mơ hồ, nhất là khi phải đi ra nước ngoài và phải kê khai số liệu họ tên (tên họ) như các quốc gia khác quy định.

 

Chưa kể chuyện đã được nêu trên báo chí là cách ghi kèm tiếng Anh trong hộ chiếu Việt Nam 'full name' hoàn toàn không có nghĩa gì khi dịch ra ngoại ngữ. Và ở nhiều nước bên này, chính quyền họ dịch 'full name' thành ra chỉ có tên, không có họ.

 

Điều quan trọng là nếu chính quyền của tất cả các quốc gia, gồm cả Việt Nam luôn hoạt động vì dân, lo cho dân thì sẽ tìm ra được những giải pháp ưu việt nhất cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là không gây khó cho người dân khi ra nước ngoài.

 

Thiết nghĩ nếu tất cả những ý kiến (hoặc sáng kiến) của người dân nên được các cơ quan hành chính lưu ý và nếu quy định hiện hành nào trở nên lỗi thời, nhất là về các thủ tục hành chính, thì cần thay đổi để hợp với thời đại và xã hội đang phát triển rất nhanh.

 

--------

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Ngô Hoàng Minh, hiện sống và làm việc ở Warsaw, Ba Lan. BBC muốn lắng nghe câu chuyện của các bạn về đề tài này, xin gửi email về vietnamese@bbc.co.uk.

 

-------------

Xem thêm về chủ đề visa, hộ chiếu, lãnh sự:

Chuyện Sứ quán lạm thu

Báo chí Đức đưa thêm tin vụ Trịnh Xuân Thanh

Loại visa mới đi Úc cho giới trẻ Việt Nam

 

---------------

 

TIN LIÊN QUAN

 

Người Việt ở Ba Lan 'giữ lửa tình làng nghĩa xóm' chống Covid-19

11 tháng 6 năm 2020

.

Hộ chiếu VN có vấn đề với dòng chữ 'full name'?

15 tháng 1 năm 2018

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats