Trịnh Khả Nguyên
26/02/2021
https://baotiengdan.com/2021/02/26/vi-dau-nen-noi/
Ngày 18/2/2021, báo VnExpress đăng bài: “Nam sinh tát cô giáo đòi điện thoại – Vì đâu nên nỗi”.
Đọc bài báo này, ai cũng lên án hành động côn đồ của nam học sinh đối với cô
giáo đang dạy mình. Mọi người đều lắc đầu, ngán ngẩm.
Chuyện xảy ra năm ngoái, ngày 25/5/2020, nhưng rõ
ràng là, vụ việc phản ảnh thực trạng của nền giáo dục ở Việt Nam. Lên án thì
lên án, ngán ngẩm thì ngán ngẩm, nhưng không ai ngạc nhiên cả, bởi đây không
phải là lần đầu và cũng không phải là lần cuối xảy ra tình trạng nầy.
Lâu nay, chuyện “đánh qua, đánh lại” trong nhà
trường hay nói văn hoa là “bạo lực học đường”, xảy ra như “cơm bữa”. Người ta
đọc/ nghe đến quen tai ,những tin tức như: ‘Học sinh lớp 11 đánh thầy giáo nhập viện cấp cứu’; hay
‘Nữ sinh lớp 6 tử vong sau khi bị cô giáo đánh vì không thuộc
bài’… Về phía nhà trường, giáo viên còn nghĩ ra những hình phạt phản
giáo dục như, phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng. Phụ huynh cũng
không vừa, đến trường đánh, bắt giáo viên quỳ xin lỗi…
Có người nói rằng, thực trạng xã hội băng hoại đâu
phải chỉ bấy nhiêu, đâu phải chỉ riêng ngành giáo dục. Xin đơn cử một số lĩnh
vực:
– Về văn hóa tín ngưỡng: Thầy tu, thầy
giáo, thầy thuốc, từ lâu được thiên hạ kính trọng. Giới tu sĩ lẽ ra rất có uy
tín và cả trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức cho con người. Hiện tại, các
cơ sở thờ tự được xây to hơn, hiện đại hơn, tín đồ đi lễ, cúng dường nhiều hơn.
Bình thường, tôn giáo phát triển thì đạo đức, thuần phong mỹ tục cũng được phát
huy, con người sống lương thiện hơn. Nhưng ngược lại, bây giờ mê tín, dị đoan
phát triển mạnh hơn, một số người hành đạo, mượn đạo để làm việc trần tục
(tình, tiền). Chùa chiền bị biến thành nơi hối lộ thánh thần.
– Về y tế: Tham nhũng, hối lộ trong ngành y, nâng khống giá
thiết bị y tế… diễn ra như cơm bữa. Bình thường đã vậy, khi đất nước đang trải
qua cơn đại dịch, các quan tham vẫn tiếp tục ăn trên cơ thể người bệnh, như vụ
nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai và các cơ quan y tế
khác. Tháng 9/2020, báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Nâng giá thiết bị y tế: Doanh thu 375 tỉ, bệnh viện chỉ thu 21
tỉ, tiền còn lại đi đâu?
***
Bây giờ, khi thấy học trò đánh thầy cô, người ta
than, giáo dục sa dọa, đạo đức xuống cấp, “vì đâu nên nỗi”… Người ta quên rằng,
dưới chế độ này, đạo đức sa đọa đến mức con giết cha,
vợ giết chồng, anh em chém giết lẫn nhau… đầy dẫy khắp nơi.
Đạo đức trong xã hội xuống tận đáy. Tình cha – con,
tình anh – em, máu mủ, ruột thịt mà bị vứt bỏ, thì tình thầy trò là cái thá gì.
Đứa con nào chửi cha, mắng mẹ được, thì nó cũng đánh ông thầy, bà cô của nó
được. Chúng hành động như vậy, không phải do vô giáo dục, mà do “được” giáo dục
theo một thứ đạo đức khác.
Trước đây, thời Việt Nam Cộng hòa, nền giáo dục dưới chế độ cũ, trong chương trình phổ
thông có môn “đức dục” hay môn “công dân giáo dục”. Lớp Đệ Nhất (lớp 12) còn có
thêm môn “đạo đức học”. Môn “đức dục” dạy cho học sinh biết về hiếu thảo, nhân
ái, lịch sự, kính trọng người lớn tuổi…
Các lớp lớn học môn “công dân giáo dục”, là học về
quyền lợi, bổn phận của công dân, như dạy về các quyền tự do căn bản: Tự do
ngôn luận, tín ngưỡng, cư trú, học hành, làm ăn… Học sinh được dạy, mọi người
(dân, quan) đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi công dân có quyền ứng cử, bầu
cử. Học sinh cũng được học qua các thể chế chính trị (dân chủ, quân chủ, độc
tài, phân quyền, tập trung…), các nền kinh tế (tự do, tức kinh tế thị trường;
kinh tế chỉ huy, tức kinh tế định hướng) …
Đến thời CSVN, nền giáo dục mới xem giáo dục
là công cụ của chính quyền. Về chuyện dạy đức dục cho học sinh
thời VNCH, được gọi là “luân lý giáo khoa thư”, thời CSVN đã được
thay bằng “đạo đức cách mạng”, dạy học sinh thành “con người mới
XHCN”, vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học kỹ thuật, có tư duy mới, yêu tổ
quốc, có lập trường, có tinh thần đấu tranh, phân biệt ta – địch … Ta – địch ở
đây, bất kể là ai, dù là cha mẹ hay thầy cô giáo.
Gần đây, người ta nhắc lại “truyền thống văn hóa,
tôn sư trọng đạo”, cũng như “luân lý giáo khoa thư” được khơi dậy. Có lần báo
chí khen một số học sinh chào người bảo vệ trường, ca ngợi một số học sinh dắt
một cụ già qua đường. Họ xem các hành động kia là có văn hóa, đạo đức.
Lẽ ra, những việc như thế phải được xem là bình
thường, bởi là con người bắt buộc phải có đạo đức nền tảng, thể hiện qua những
hành động đó. Hơn nữa, trước đây trong trường học đều có dạy cả rồi, không có
gì mới cả, nhưng bây giờ những hành động như vậy được ca ngợi vì nó hiếm hoi
quá, bởi chế độ mới đã đẩy con người xuống chuẩn “bình thường mới”, nên xem
chuẩn mực đạo đức trước kia là … phi thường!
***
Chế độ mới cũng phê phán giáo dục ngày xưa “chuộng
từ chương”, mục đích “học để làm quan”, nhưng ngày nay họ lại “sao y bản
chính”. Muốn nổi danh, muốn học giỏi, đậu cao thì ở đâu, thời nào cũng có,
nhưng ngày nay sự háo danh, sính bằng cấp được xem như là “mốt”. Một vị được
giới thiệu, ngoài tên họ, kế đến là chức vụ, ủy viên nầy, ủy viên kia, tiếp đến
là học vị, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư ngành này, ngành nọ…
Nhân sự trong các cơ quan luôn theo tiêu chuẩn,
nhắm tới “lượng” thay vì “chất”, như bao nhiêu người có trình độ đại học, trên
đại học, cho nên mới có chuyện “chạy” bằng cấp, mua bán bằng đại học, luận văn
tiến sĩ… hoặc theo học tại chức, chuyên tu, để được đứng vào hàng ngũ trí thức,
dù bằng cấp không phản ánh đúng khả năng, thực lực của những người nhận bằng.
Việt Nam có quá nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhưng khoa học kỹ thuật thì quá tệ,
chẳng chế tạo được gì để sánh với thế giới.
“Vì đâu nên nỗi”, là câu hỏi, không những cho ngành
giáo dục, mà còn là vấn đề chung cho toàn xã hội, hiện chưa thấy những người có
trách nhiệm trả lời. Như thường thấy, khi đối mặt với các vấn đề nhức nhối
trong xã hội, không một cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm. Gặp những trì
trệ, bất cập, thì họ đổ lỗi cho “cơ chế”, “quy trình”… mặc dù con người tạo ra
chúng.
Thể chế nào, con người đó. Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc thừa nhận hồi tháng trước: Nút thắt lớn nhất hạn chế sự phát triển là thể chế. Chỉ
khi nào thay đổi thể chế, thì không riêng gì giáo dục, mà các lĩnh vực khác
trong xã hội này cũng sẽ thay đổi. Lúc đó, người ta sẽ bớt than vãn “vì đâu
nên nỗi nầy”!
No comments:
Post a Comment