Đảo
chính ở Miến Điện khiến Đông Nam Á thêm bất ổn
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày: 15/02/2021
- 13:41
Cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện đầu tháng 2
không chỉ đưa quốc gia này trở lại thời kỳ đen tối nhất dưới chế độ độc tài
quân phiệt, mà còn khiến khu vực Đông Nam Á thêm bất ổn.
Trong khi các nước phương Tây như Hoa Kỳ, Canada và
Liên Hiệp Châu Âu rất có thể sẽ ban hành một số biện pháp trừng phạt chế độ
quân sự về cuộc đảo chính, các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ
chắc sẽ không có phản ứng nào khác ngoài việc đưa ra những tuyên bố thúc giục
Miến Điện quay trở lại với đối thoại chính trị và con đường dân chủ.
Theo nhận định của Joshua Kurlantzick, nhà nghiên
cứu cao cấp về Đông Nam Á của Hội Đồng về Quan Hệ Đối Ngoại (Council on Foreign
Relations), trong một bài viết đăng trên mạng ngày 12/02/2021, có thể chính
quyền Joe Biden và chính phủ Canada và các nước châu Âu sẽ ban hành các trừng
phạt nhắm vào các lãnh đạo quân sự Miến Điện và các tập đoàn do quân đội nắm
giữ, hoặc có thể cấm vận đối với xuất khẩu đá quý từ Miến Điện.
Hoa Kỳ và các nước dân chủ phương Tây khác cũng có
thể yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết phong tỏa
tài sản của các lãnh đạo quân sự và cấm nhập cảnh đối với những người này, mặc
dù gần như chắc chắn là Trung Quốc và Nga sẽ dùng quyền phủ quyết để bác nghị
quyết đó.
Trước mắt, chính quyền Biden đã phong tỏa một số
tài sản của giới quân sự Miến Điện và đã ban hành trừng phạt nhắm cụ thể vào
nhiều lãnh đạo quân sự. Anh Quốc và các nước châu Âu khác đang nghiên cứu ban
hành các trừng phạt tương tự.
Nhưng theo nhà nghiên cứu Joshua Kurlantzick, ngay
cả những biện pháp trừng phạt hạn chế đó cũng có thể sẽ không được sự ủng hộ
của các nước dân chủ châu Á như Nhật Bản và Ấn Độ. Lý do là hai nước này xem
Miến Điện có vai trò quan trọng đối với các lợi ích chiến lược của họ và họ
không muốn để cho Trung Quốc giành thêm lợi thế chiến lược ở quốc gia Đông Nam
Á này.
Trong khi vài nước Đông Nam Á như Singapore đã đưa
ra những tuyên bố tương đối mạnh mẽ về tình hình chính trị Miến Điện, thì hiệp
hội ASEAN vẫn theo chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của một nước
thành viên. Indonesia và Malaysia đúng là đã có kêu gọi ASEAN triệu tập một
cuộc họp đặc biệt về đảo chính ở Miến Điện, nhưng cuộc họp này thì chắc cũng
chỉ đưa ra một vài tuyên bố. Trong khi đó, những nước như Thái Lan, mà phe quân
sự gần như là đang cầm quyền, thì lại càng không muốn chỉ trích hành động của
quân đội tại nước Miến Điện láng giềng.
Cuộc đảo chính ở Miến Điện sẽ có nhiều tác động đến
khu vực
Trước hết, cuộc đảo chính càng đẩy Đông Nam Á đi
theo xu hướng "suy thoái" dân chủ, vào lúc mà những quốc gia như
Philippines, Cam Bốt, Indonesia và Thái Lan cũng đang đi bước lùi trên con
đường dân chủ hóa. Tình hình tại Miến Điện sẽ khiến vùng Đông Nam Á thêm
bất ổn, vì thứ nhất là nó sẽ tạo ra một làn sóng di dân mới sang các nước láng
giềng, và thứ hai là phiến quân của các sắc tộc thiểu số sẽ lợi dụng lúc này để
đẩy mạnh các chiến dịch quân sự, phá vỡ các thỏa thuận ngưng bắn.
Hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 04/02 cũng đã
trích lời chuyên gia về Đông Nam Á Priyambudi Sulistyanto, Đại học Flinders,
Úc, cho rằng khủng hoảng Miến Điện có thể làm mất ổn định toàn khối Đông Nam Á,
vì nó làm cho tình hình của người Duy Ngô Nhĩ thêm bi đát và khiến dân Miến
Điện sẽ ồ ạt chạy khỏi nước để lánh nạn như trong cuộc khủng hoảng chính trị
năm 1988. Chuyên gia Priyambudi Sulistyanto còn ghi nhận là các nước thành viên
ASEAN đang bị chia rẽ về cách thức đáp lại cuộc đảo chính ở Miến Điện.
Cuộc đảo chính quân sự cũng có thể sẽ đẩy Miến Điện
xích gần lại Trung Quốc hơn, nếu các nước dân chủ phương Tây trừng phạt và gia
tăng áp lực lên quốc gia Đông Nam Á này.
Tuy vậy, Bắc Kinh không hẳn vui mừng về chính biến
ở Miến Điện. Các lãnh đạo Trung Quốc dầu sao đã thiết lập quan hệ tốt với bà
Aung San Suu Kyi và chính phủ của bà và họ vẫn muốn có sự ổn định của nước láng
giềng hơn là sự xáo trộn do cuộc đảo chính gây ra. Hơn nữa, các lãnh đạo quân
sự Miến Điến vẫn có tư tưởng chống Trung Quốc, họ chỉ làm việc với Bắc Kinh khi
cảm thấy cần thiết, nhưng không hề muốn thắt chặt quan hệ với láng giềng phương
Bắc.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Miến
Điện : Quân đội tạm giam Aung San Suu Kyi thêm hai ngày, người dân tiếp tục
biểu tình
Miến
Điện : Áp lực gia tăng đối với chính quyền quân sự
Miến
Điện: Quân đội truy bắt 7 nhà hoạt động cổ vũ biểu tình
No comments:
Post a Comment