Monday, 8 February 2021

NƯỚC G7 NÀO CHỐNG COVID TỆ NHẤT? (Nguyễn Hùng)

 



Nước G7 nào chống Covid tệ nhất? 

Nguyễn Hùng

09/02/2021

https://www.voatiengviet.com/a/g7-covid-te-nhat-anh-quoc/5770051.html

 

Quý vị nghĩ sao? Nước nào trong bảy nước công nghiệp hàng đầu Anh, Canada, Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp và Ý chống Covid dở nhất.

 

Nếu câu trả lời của quý vị là Hoa Kỳ, rất tiếc đó không phải là câu trả lời đúng.

 

Không ai nghi ngờ gì chuyện Hoa Kỳ đang dẫn đầu thế giới về số người tử vong, trên 450.000 người theo sau là Brazil với gần 230.000, Mexico, hơn 160.000, Ấn Độ, gần 155.000 và Anh, trên 110.000.

 

Trong năm nước còn lại ở G7 ngoài Hoa Kỳ và Anh, Ý có trên 90.000 người chết vì Covid, Pháp gần 80.000, Đức trên 60.000, Canada 20.000 và Nhật Bản trên 6.000.

 

Nhưng nếu xét về số người chết trên 100.000 dân, theo số liệu BBC trích đăng, thì Anh lại đứng đầu với mức trên 164, theo sau là Ý – gần 149, Hoa Kỳ - gần 139, Pháp – gần 120, Đức – gần 73, Canada – trên 55, Nhật Bản – gần 5.

 

Mặc dù đứng thứ ba trên thế giới về tổng số người chết vì Covid, số người chết trên 100.000 dân ở Ấn Độ là 11 so với 110 ở Brazil và 129 ở Mexico.

 

Nếu chỉ xét theo tiêu chí số người chết trên 100.000 dân, năm nước và vùng lãnh thổ dẫn đầu thế giới thực ra là Gibraltar (lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh) – trên 234 (dù chỉ có 79 người chết trên bán đảo với hơn 33.000 dân), San Marino – trên 201 (68 người chết), Bỉ - 185 (trên 21.000 người tử vong), Sovenia – trên 172 (trên 3.500 người chết) và Anh – trên 164 (hơn 110.000 ca tử vong).

 

Như vậy nếu xét về số ca tử vong trên 100.000 dân, Anh đứng đầu G7, thứ năm thế giới trong khi vùng lãnh thổ hải ngoại Anh, Gibraltar, đứng đầu danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ.

 

 

Vì đâu nên nỗi?

 

Vì sao một nước phát triển hàng đầu về nhiều mặt như Anh lại có thể có số người chết vì Covid khủng khiếp tới như vậy?

 

Câu trả lời là sự chủ quan vào lúc đầu mùa dịch hồi tháng 3/2020, khả năng và quyết tâm truy vết các ca nhiễm kém khiến dịch lan quá rộng và chuyện mở cửa lại sớm sau mỗi lần phong toả mà lần nào cũng diễn ra muộn hơn cần thiết tới một hai tuần, đủ để Covid thoả sức vùng vẫy trong cộng đồng.

 

Hôm 2 tháng 3/2020, Anh mới chỉ có duy nhất một người chết vì Covid.

 

Anh đã biết sức tàn phá của Covid qua những gì xảy ra ở Vũ Hán trong tháng Một nhưng phải tới ba tuần sau đó, hôm 23/3, Anh mới phong toả đợt đầu.

 

Còn về truy vết các ca Covid, vương quốc này gần như buông xuôi trong nhiều tháng đầu mùa dịch và không bao giờ kiểm soát được số ca lây nhiễm trong cộng đồng.

 

Điều này khiến Anh hiện vẫn đang phải phong toả sang lần thứ ba.

 

 

Truyền thông đồng loã?

 

Nhân dịp số ca tử vong vì Covid ở Anh vượt con số 100.000 hồi cuối tháng Một, nhà báo tự do Owen Jones đã làm chương trình phân tích liệu truyền thông ở Anh có phần nào đồng loã với chính quyền khiến bệnh dịch thêm tồi tệ.

 

Hai khách mời của Owen Jones trong chương trình truyền hình trực tiếp trên YouTube chính là hai đồng Trưởng Khoa Truyền thông, Giao Tiếp và Nghiên cứu Văn hoá tại Đại học Goldsmiths, nơi tôi đang dạy về báo chí kỹ thuật số và mạng xã hội.

 

Cả hai khách mời, Giáo sư Natalie Felton và Giáo sư Des Freedman, đều cho rằng truyền thông đã không làm tốt việc phản ánh sự bất bình của dân cũng như buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm về những hành động của họ.

 

Ông Freedman nói ngay cả khi báo chí đưa tin về chuyện số người chết lên tới 100.000, họ vẫn tập trung đăng ảnh ông Thủ tướng Boris Johnson cúi đầu biết lỗi thay vì đăng những hình ảnh thể hiện nỗi đau của 100.000 gia đình mất người thân.

 

Bà Felton nhận xét rằng truyền thông Anh đã bị chính quyền lái theo hướng Covid là chuyện khoa học thuần tuý thay vì hiểu rằng đó là vấn đề chính trị khi mà chính quyền ban phát các hợp đồng béo bở cho các hãng tư nhân và các hành động của họ làm nhiều người thiệt mạng hơn so với các quốc gia khác.

 

Giáo sư Freedman cũng đồng tình và cho rằng cần có nhiều phóng sự điều tra hơn nữa để công chúng chú ý tới vai trò của nhà nước thay vì đổ lỗi cho nhau.

 

Ông Freedman cũng nói 80% báo phát hành trên toàn quốc ở Anh nằm trong tay có ba công ty trong đó có Daily Mail Group của Anh và Murdoch News UK của tỷ phú người Úc Rupert Murdoch. Ông nói: “Khi chúng ta nói về báo chí tự do, đó là sự tự do cổ vũ cho những người quyền thế ở đất nước này.”

 

Ông Freedman và bà Felton không phải là những người đầu tiên đặt câu hỏi phải chăng truyền thông Anh thực ra là “quyền lực cấp bốn” thay vì là “quyền lực thứ tư”. Đây là đề tài tôi sẽ trở lại trong một blog trong tương lai.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats