Tâm
Khánh Nam
Posted
on February 8, 2021
http://dcvonline.net/2021/02/08/nhung-nguoi-my-da-vang/
Khi
đã sinh sống tại Hoa Kỳ thì hầu như không còn một gia đình Việt Nam nào có nếp
sống thuần tuý Việt. Có chăng là sự hoà đồng và biến chuyển để thích nghi giữa
hai nền văn hoá Việt-Mỹ.
https://www.linandjirsa.com/wp-content/uploads/Vietnamese-Wedding-Traditions-3-1000x667.jpg
Cô dâu và Chú rể trong y phục truyền thống.
Nguồn: LIN & JIRSA
Tại
Mỹ, nhiều người thích đời sống văn minh tự do, nhưng không thích con cái tự do.
Không muốn bị điều khiển, nhưng muốn điều kiển kẻ khác. Muốn con cái lắng nghe,
nhưng không lắng nghe con cái. Muốn được cảm thông, nhưng không có sự thông
cảm. Đây là những nguyên nhân dẫn đến rạn nứt trong những gia đình muốn giữ
truyền thống Việt Nam với những phán xét chủ quan.
Có
dạo tôi làm việc cho một cơ quan bất vụ lợi và có người hỏi:
“Thế
nào là một gia đình người Việt thuần túy Việt Nam?”
Tôi
ấm ứ hồi lâu rồi hỏi lại.
“Rick,
nếu anh hỏi là người Việt có giữ được văn hoá truyền thống gia đình khi sống
trên nước Mỹ không, thì tôi còn có thể trả lời, chứ câu hỏi về một gia đình
thuần túy Việt nam thì thật khó giải thích quá.”
Khi
đã sinh sống tại Hoa Kỳ thì hầu như không còn một gia đình Việt Nam nào có nếp
sống thuần tuý Việt. Có chăng là sự hoà đồng và biến chuyển để thích nghi giữa
hai nền văn hoá Việt-Mỹ. Rick và tôi nhiều lần nói về văn hoá Việt Nam và tôi
chia sẻ những quan ngại của mình về khoảng cách giữa các thế hệ. Rick là một
cựu chiến binh trong thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam. Ông và những người đồng
nghiệp của ông là những kỹ sư hoặc chuyên viên trong các công ty tư của Mỹ.
Ngoài giờ làm việc, Rick cùng nhóm “City Team” (Đội ngũ thành phố), đi ra giúp
đỡ những người Việt tỵ nạn gặp khó khăn trong niềm tin và cuộc sống trong những
ngày đầu định cư tại Hoa Kỳ. “City Team” của những năm 1980s, giờ không còn nữa
vì họ đã hoàn thành trách nhiệm và mục tiêu của nhóm. Người Việt tại Hoa Kỳ, mà
chúng tôi thường đùa với nhau là những người “Mỹ Da Vàng” gần ba thập niên qua
vẫn chưa xác định rõ truyền thống sinh hoạt trong gia đình. Câu hỏi của Rick
vẫn là bài toán khó chứa nhiều ẩn số.
Người
chủ quan cho rằng những bất hoà, rạn nứt và khoảng cách giữa các thế hệ thường
xảy ra trong gia đình cố giữ lấy văn hoá truyền thống dân tộc. Có người cho
là Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín là những điều không thể thiếu được
trong một gia đình Việt Nam. Và cũng có rất nhiều người không hiểu làm cách nào
để thực hành được những giá trị đạo đức trên. Nhưng lễ phép, phong tục, hiếu
thảo, và sự vâng lời người trên là những biểu tượng văn hóa đặc thù của dân tộc
mà người Việt muốn giữ.
Chú
thím Tám là cặp vợ chồng người Việt đứng tuổi sống ở phía Nam thành phố Camden,
tiểu bang New Jersey. Ông bà được người Việt trong cộng đồng quý mến. Nhiều
người Việt lớn tuổi ở đây thường gặp trở ngại về ngôn ngữ và ít khi kiếm được
việc làm vững chắc, nhưng chú thím Tám thì không gặp phải vấn đề này. Chú thím
Tám giữ con cho những gia đình người Việt trong khi họ đi làm. (Dĩ nhiên, chú
thím Tám nhận tiền mặt và không có giấy phép hành nghề giữ trẻ). Mặc dầu vậy,
không phải đứa trẻ nào cũng may mắn được chú thím trông coi “dùm”. Nhiều cặp vợ
chồng trẻ, khi người vợ có bầu, bụng mới đội áo, đã đến nói chuyện nhờ chú thím
Tám trông dùm con của họ sau khi sinh. Hiện nay, chú thím Tám không còn khỏe
mạnh để giữ nhiều trẻ em như 10 năm về trước, nhưng những em từng được chú thím
trông nom thường thì rất ngoan và lễ phép.
Các
con của chú thím Tám đều sống chung trong gia đình, kẻ thì làm cô giáo, người
làm kỹ sư cho đến khi lập gia đình mới ra ở riêng. Nghe đâu, chú thím Tám là
nhà giáo khi còn ở Việt Nam. Ai muốn con của họ biết tiếng Việt và học thói
quen đi thưa về trình thì chỉ mong được gởi cho nhà chú thím Tám chừng vài
tháng hay một năm trong khi các em vừa học nói.
Phong
tục tập quán thường được thể hiện rất đầy đủ trong các cuộc hôn nhân truyền
thống của người Việt tại Mỹ. Nếu được mời mà bạn chỉ đến dự tiệc thì sẽ không chứng
kiến được những lễ nghi trong ngày cưới. Nó khác nhau tuỳ vào niềm tin và tín
ngưỡng của từng gia đình. Hầu hết các lễ cưới ở Hoa Kỳ đều tổ chức vào cuối
tuần vì trong tuần thì ai cũng phải đi làm. Tất cả tiệc cưới thì tổ chức vào
buổi tối và kéo dài đến gần 2 giờ sáng, phần cũng vì người Việt hay trễ giờ khi
dự tiệc. Nếu thiệp mời 6 giờ thì nên đến lúc 8 giờ nếu bạn không muốn đợi lâu.
Khi bắt đầu vào tiệc thì hầu như đám cưới nào cũng có thông lệ gần giống nhau.
Giới thiệu gia đình hai họ, những phù dâu, phù rể, các cô cậu bé mang nhẫn cưới
và hoa, sau đó thì giới thiệu cô dâu, chú rể chính, và nói lời tri ân với quan
khách. Có nhiều ông đọc một danh sách dài tên của thân nhân vắng mặt làm cho bà
con đói muốn lả. Có người bảo: “Thông qua đi mà, đã không có mặt còn
nhắc làm gì!” thì có người cãi lại, “Có thu video đó! Không đọc tên
lên họ sẽ nhắc cả đời.” Thủ tục rồi cũng xong, người ta sẽ ăn uống thật lòng
sau khi các vị lãnh đạo tinh thần cầu nguyện hoặc làm dấu Thánh.
Ban
nhạc sẽ bắt đầu chơi những bản tình ca nếu có, hoặc người phụ trách chương
trình Karaoke giới thiệu người giúp vui cho buổi tiệc. Tiệc đãi đến chừng món
thứ năm (tổng cộng trung bình khoảng 10 món) người ta đi “chào bàn”.
https://www.linandjirsa.com/wp-content/uploads/Reception-Vietnamese-Traditions-1600x625.jpg
Cô dâu chú rể và cha mẹ của họ đến từng bàn
cám ơn quan khách. Nguồn: LIN & JIRSA
Cô
dâu chú rể và cha mẹ của họ đến từng bàn cám ơn quan khách và nhận phong bì hay
quà cưới. Truyền thống nầy nghe đâu cũng khá mới. Tổ chức tiệc cưới là chuyện
nhỏ. Chỉ cần chọn người để mời, chọn nhà hàng, chọn các món ăn, đặt bàn, và sau
đó thì đãi khách như đã nói ở trên. Nghi thức cưới xin mới là quan trọng vì nó
bày tỏ phần nào sự hiếu thảo và vâng lời của con cái trong hôn nhân. Vì nếu
không có cha mẹ chứng kiến thì đừng hòng mà lập gia đình nhé! Sau đây là vài
nghi thức cưới hỏi “truyền thống” của người Việt tại Mỹ.
Rời
Thánh Đường công giáo, ngồi trong xe Limousine, tôi nhìn Quang thở phào. Cuối
cùng rồi hắn cũng lập gia đình được với người hắn yêu, mà trước đây 3 giờ hắn
đòi “call it off” (huỷ bỏ). Đây là lần thứ 3 hắn đòi huỷ cuộc hôn nhân dự định
trong thời gian chưa đầy một tháng. Hắn yêu Oanh, họ yêu nhau hơn 6 năm từ khi
Oanh vừa 16. Tôi không biết Quang nghĩ gì khi vị Linh mục nhà thờ đang ban phát
lời Thánh Kinh và làm phép cho cuộc hôn nhân Thánh trong khi Oanh đã mang thai
gần 3 tháng. Điều tôi biết chắc là Quang sẽ không cưới Oanh nếu cô chưa có
mang. Trước đêm đám hỏi hắn nói: “Đòi gì mà khiếp thế! Mười lăm ngàn đô
la, còn thêm mâm bàn, lễ vật.” Không có cha mẹ và thân nhân ở Mỹ,
Quang phải nhờ và mướn người làm thân nhân. Rối trí, hắn văng tục. Ba mẹ của
Oanh là người có uy tín trong cộng đồng và muốn giữ truyền thống Việt Nam, nhất
là trong chuyện cưới hỏi. Nào heo quay, nào xôi, trầu, cau, trà, rượu, bánh,
mứt, trái cây, vân vân và vân vân, không thiếu món nào, đủ 12 mâm. Trong lúc
làm lễ tại gia, tiền xin cưới được đại diện nhà gái đếm từng tờ cho đến tổng
cộng của số 15.102 USD, và có thu video đàng hoàng. Oanh khổ tâm khó xử, nhưng
cô phải chiều ý cha mẹ. Sáu năm sau khi thành hôn, Quang và Oanh kẻ Nam người
Bắc, không biết giờ đã sum hợp lại chưa.
https://www.linandjirsa.com/wp-content/uploads/Tea-Ceremony-Vietnamese-Weddings-1600x625.jpg
Mâm
quà lễ đón dâu. Nguồn: LIN & JIRRSA
“Hãy
vâng phục Đấng Christ và vâng phục nhau.” “Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình
yêu thương hay nhân từ…” Lời vị Mục sư ấm áp gây ấn tượng và xúc động lòng
người trong ngôi nhà thờ trang nghiêm. Vài cặp vợ chồng trẻ âu yếm dựa vào
nhau, có cô lau nước mắt. Thoa vẫn thản nhiên, không lộ ra một vẻ xúc động nào.
Cô nhìn lên những bóng nắng nhún nhảy trên cửa xổ bên trái nhà thờ. Thoa và
Tuấn gặp nhau và tiếng sét ái tình đã đánh trúng hai người. Họ yêu nhau và
quyết định đi đến hôn nhân trong vòng 6 tháng. Gia đình hai họ đều là người Tin
Lành nên không có nhiều trắc trở trong nghi thức cưới hỏi. Tuy nhiên, trước
ngày đám hỏi Tuấn và Thoa cũng gọi cho bà con hai họ và Mục sư xù vài lần. Theo
truyền thống gia đình bên gái, dù không đòi tiền cưới, nhưng phải có 50 gói quà
cộng với 12 mâm quà lễ. Bố của Thoa là thầy giáo trong những năm 1960, ông quý
trọng nghi thức và lời nói. Điều này gây nhiều khó khăn và bất hòa trong gia
đình nên Thoa đã sống riêng nhiều năm trước khi quen Tuấn. Bố của Thoa thích
các con vâng phục dù chỉ trong hình thức. Lúc tập dượt cho lễ cưới trong nhà
thờ Thoa đã chạy ra ngoài oà khóc vì cô không muốn bất cứ ai có ý kiến sửa đổi
lại chương trình cưới mà cô đã chuẩn bị. “My wedding, my ways” (Đám
cưới của con, cách của con), cô ta gào lên. Mọi người yên lặng, bẽ bàng. Nghi
thức hành lễ kết thúc sau khi trao nhẫn, hứa nguyện, và vị Mục sư tuyên bố
Tuấn-Thoa chính thức là vợ chồng hợp pháp. Mọi người đến chúc mừng gia đình hai
họ và cô dâu chú rể. Họ chụp hình lưu niệm trong ngày trọng đại, rồi cùng nhau
đến nhà hàng dự tiệc. Có vài người Mỹ có mặt trong tiệc cưới, họ là những người
Thoa đã mướn để điều hợp chương trình ngày cưới theo truyền thống Việt Nam.
Cô dâu trong áo vu quy. Nguồn: LIN &
JIRSA
Bà
Hoa đến Mỹ đã gần 15 năm, bà có ba người con một trai và hai gái. Thắng đã có
gia đình vài năm trước, hôn lễ của Thắng cũng vui và êm đẹp vì gia đình bên nhà
gái cũng là Phật tử và theo truyền thống thờ cúng ông bà. Mẹ vợ của Thắng đã
làm thông gia nhiều lần nên bà không đòi hỏi nhiều, chỉ có điều là phải chọn
ngày lành tháng tốt. Phải mướn thầy chọn ngày và lễ cưới tổ chức vào Thứ Tư,
còn tiệc cưới vào Thứ Bảy. Đám cưới xong Thắng và vợ sống chung nhà với mẹ và
chị em gái. Những bất hoà giữa chị em bắt đầu và Thắng thấy mình mất uy tín khi
chị hắn nói: “You are stupid” (Mày là thằng ngu xuẩn). Nhiều
chuyện rầy rà nhỏ lớn xảy ra làm cho căn nhà trở nên chật hẹp và ngột ngạt.
Thắng không đưa tiền lương hàng tuần cho mẹ như trước, nhưng mở chương mục ngân
hàng riêng. Bà Hoa buồn lắm nghĩ là Thắng sợ vợ và bất hiếu. Thắng không còn
nhất nhất tuân theo mệnh lệnh của bà. Cô dâu thì thức khuya dậy trễ, cô không
thích nấu ăn hay làm công việc trong gia đình như bà Hoa mong đợi vì cô phải đi
làm bên ngoài. Chị của Thắng dọn ra ngoài sống. Thắm, em của Thắng vẫn sống
chung trong gia đình cho đến ngày cô lên xe hoa.
Đám
hỏi và đám cưới của Thắm là một sự kiện đáng nhớ cho nhiều người. Thắm và Hoàng
đều là kỹ sư và tất cả chi phí cưới xin đều do đôi bạn trẻ tự lo lấy: từ nhẫn
hột xoàn, đôi bông tai, tiệc cưới, và cho đến những mâm quà lễ. Cha mẹ hai bên
là những người chứng kiến và đặt điều kiện cho đôi trẻ! Bà Hoa đã không đồng ý
gả Thắm cho Hoàng chỉ vì tuổi không hợp. Bà Hoa quả quyết, “Không cưới
hỏi gì hết. Thương thì đi theo. Tao không muốn có tai hoạ về sau.” Đối
với bà Hoa, chuyện đi lễ Phật và xem tử vi là những điều bà đặt trọn niềm
tin. ”Em đâu có tin tử vi. Ngày nào cũng tốt. Ở nước văn minh mà u của
em lại mê tín vậy đó.” Thắm nói là chỉ biết chiều mẹ thôi. Không lẽ
cãi lại, rồi gây thêm bất hoà trong gia đình. Cùng đường, Thắm gọi về người
quen ở Việt Nam nhờ tìm ra một thầy “có tiếng” và thuyết phục bà Hoa là thầy tử
vi bên Mỹ “không linh” và sai. Thế là Thắm được phép làm đám hỏi. Nhưng bà Hoa
lại không bằng lòng cho Hoàng cưới Thắm vì hắn đang trong năm tuổi (31). Thắm
thản nhiên nói: “Con không quan tâm lắm chuyện tử vi đâu, thiệp mời đã
in rồi.” Thắm còn nói thêm là nếu không làm đám cưới thì cũng chẳng
sao, mua nhà xong cô sẽ dọn vào sống chung với Hoàng vì đã làm hôn thú. Bà Hoa
giận tím ruột gan, bà nói Thắm là đứa con bất hiếu, mê muội, cô cả gan phản bội
niềm tin và truyền thống gia đình. Nhưng bà Hoa cũng ngại nếu bà làm khó e rằng
Thắm dọn đi tiểu bang khác lập nghiệp thì nguy to. Ngày cưới cũng đến và diễn
ra, nhưng sau nghi thức bái gia tiên, thì có trục trặc trong phần trao quà cưới
cho cô dâu. Dù là người công giáo, ba mẹ của Hoàng vẫn để cho con mình lạy bàn
thờ theo truyền thống của gia đình bên gái. Đến khi người chủ lễ giới thiệu cha
mẹ chồng trao quà cưới cho cô dâu, thì ba mẹ của Hoàng mới ngã ngửa người ra
nhìn nhau. Họ không chuẩn bị quà cưới cho cô dâu! Bỡ ngỡ vài giây rồi người chủ
lễ nhanh trí nói, “Vì bận rộn nên ông bà quên!” Sau tiệc cưới
người ta biết rằng Hoàng và Thắm đã chơi khăm. Họ có sắm bông tai và nói sẽ đưa
cho ba mẹ Hoàng để trao cho cô dâu sau khi làm lễ từ đường, nhưng đổi ý và cố
tình không cho người chủ lễ biết. Ba má Hoàng bị mất mặt một mẻ. Sau tuần trăng
mật, Hoàng-Thắm dọn vào căn nhà mới mua trước ngày đám cưới bắt đầu xây dựng tổ
uyên ương nồng thắm.
Nghi
thức bái ra mắt trước bàn thờ gia tiên. Nguồn Lin & JIRRSA
Tại
Mỹ, nhiều người thích đời sống văn minh tự do, nhưng không thích con cái tự do.
Không muốn bị điều khiển, nhưng muốn điều kiển kẻ khác. Muốn con cái lắng nghe,
nhưng không lắng nghe con cái. Muốn được cảm thông, nhưng không có sự thông
cảm.
Đây
là những nguyên nhân dẫn đến rạn nứt trong những gia đình muốn giữ truyền thống
Việt Nam với những phán xét chủ quan. Dầu vậy, cũng có rất nhiều gia đình người
Việt vẫn giữ được tập tục văn hoá truyền thống tốt đẹp trong sinh hoạt gia đình
và bản sắc dân tộc trên xứ người. Bên cạnh đó, người ta cũng chứng kiến nhiều
gia đình người “Mỹ Da Vàng” vẫn không tìm thấy những đồng thuận trong khi học
đòi theo cách sống kiểu Mỹ.
New
Jersey 14-08-2004
©2004-2021
DCVOnline
Nếu
đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn:
Bài đăng lần đầu trong số 57 (9/2004). DCVOnline biên tập và minh họa.
No comments:
Post a Comment