Mỹ
vào cuộc chống biến đổi khí hậu với tham vọng lớn
H.C. - Saigon Nhỏ News
Feb 2, 2021
https://saigonnhonews.com/my-vao-cuoc-chong-bien-doi-khi-hau-voi-tham-vong-lon/
Chính phủ của Tổng thống Joe Biden trong những ngày
làm việc đầu tiên đã đảo ngược nhiều chính sách về môi trường và khí hậu của
chính quyền tiền nhiệm, và đặt ra một số chính sách mới theo hướng giảm nhiên
liệu hóa thạch, giảm phát ra khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất
bị hâm nóng. Nhưng rất nhiều trở ngại đang chờ đợi chiến lược chống biến đổi
khí hậu đầy tham vọng của chính phủ mới.
Ngay từ khi bắt đầu tranh
cử, Tổng thống Joe Biden đã nói rõ, nếu đắc cử, ông sẽ đưa ra một lộ trình
chính sách khác với người tiền nhiệm trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu. Biết
vậy, nhưng những người quan sát chính trị không khỏi ngạc nhiên khi thấy chỉ
trong vòng một tuần đầu tiên nhậm chức, chính quyền Biden đã đưa ra hàng loạt mệnh
lệnh hành pháp và các chỉ thị khác đảo ngược chính sách của cựu Tổng thống
Donald Trump, tạo thành một cơn chấn động chính trị.
Một trong những sắc lệnh
hành pháp đầu tiên, ban hành trong ngày làm tổng thống đầu tiên của ông Biden
là đưa Hoa Kỳ tham gia trở lại Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu. Trong cuộc
điện đàm đầu tiên tới nhà lãnh đạo nước láng giềng Canada, ông Biden thông báo
tạm dừng dự án mở rộng đường ống dẫn dầu Keystone XL gây tranh cãi. Sau đó ông
ra lệnh chấm dứt chính sách cho các công ty năng lượng thuê mướn những vùng đất
công thuộc quyền quản lý của chính quyền liên bang để thăm dò và khai thác dầu
khí. Ông khởi động một chiến lược đầu tư vào các cộng đồng người thiểu số và
thu nhập thấp đang chịu gánh nặng ô nhiễm môi trường do khai thác khoáng sản và
khí hậu biến đổi; ông đưa vấn đề biến đổi khí hậu thành một ưu tiên chính sách
bắt buộc phải tính tới trong mọi chương trình hành động của các cơ quan liên
bang; ông yêu cầu chính phủ mua và sử dụng các loại xe hơi sạch, không phát ra
khí thải, để sử dụng cho các đội xe của chính quyền liên bang, tiểu bang và địa
phương; yêu cầu bảo tồn 30% diện tích đất và mặt nước của nước Mỹ vào cuối thập
niên này…
Những quyết định này
nhanh chóng đảo ngược chính sách và nguyên tắc của cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo dữ liệu của báo The Washington Post, trong tuần lễ đầu tiên,
chính phủ Biden đã đảo ngược 11 chính sách về môi trường của chính phủ Trump, đặt
ra thêm 13 chính sách mới, đang xem xét 60 chính sách khác và còn 138 chính
sách “chưa đụng tới”, có thể sẽ mất thêm nhiều thời gian để thẩm tra và điều chỉnh.
Chính quyền Trump trước đây cũng đã từng bãi bỏ hoặc giảm hiệu lực của hơn 200
chính sách môi trường của các chính phủ tiền nhiệm và ban hành 170 chính sách mới;
trong đó có 27 chính sách ảnh hưởng tới động vật hoang dã, 23 chính sách liên
quan tới xây dựng hạ tầng cơ sở, còn đại đa số ảnh hưởng tới ô nhiễm không khí
và phát ra khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính.
Ông Donald Trump thường coi nhẹ cảnh báo của các nhà khoa học khí hậu và ban hành các
chính sách thúc đẩy lợi ích ngắn hạn của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch
thay vì đề ra những chiến lược phát triển bền vững. Với lập luận chủ nghĩa môi
trường – đề cao yêu cầu bảo vệ hệ sinh thái của hành tinh Trái Đất – sẽ
đe dọa nền kinh tế và công ăn việc làm của người Mỹ, ông Trump chế giễu các nỗ
lực quốc tế như Hiệp định Paris và hủy bỏ hàng chục quy định về môi trường của
Hoa Kỳ do những người tiền nhiệm của ông, từ Tổng thống Obama trở về trước, ban
hành và thực hiện. Thậm chí ông Trump nhiều lần nói rằng, biến đổi khí hậu chỉ
là một “trò lừa bịp” của Trung Quốc.
Hôm thứ Tư 27-01-2021,
ông Biden họp báo tại Tòa Bạch ốc và trình bày chi tiết các hành động của chính
phủ. “Không phải lúc cho các biện pháp nhỏ. Chúng ta cần phải mạnh dạn,” ông
nói. “Theo quan điểm của tôi, chúng ta đã chờ đợi quá lâu để giải quyết cuộc khủng
hoảng khí hậu. Chúng ta không thể chờ lâu hơn nữa,” ông Biden nói với báo
chí.
Cùng ngày, ông John F.
Kerry, cựu ngoại trưởng và hiện là đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống
Biden, đã phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới – một diễn đàn tập hợp các
nhà hoạch định chính sách và giới tinh hoa kinh doanh toàn cầu, nhấn mạnh cuộc
khủng hoảng khí hậu là một “cuộc chiến” mà “chúng ta đang thua”.
Ngoài ông Trump và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, hầu hết các đảng chính trị cánh hữu chính thống
và các nhà lãnh đạo quốc gia ở phương Tây đều chấp nhận các luận cứ khoa học về
biến đổi khí hậu và ủng hộ các chính sách hạn chế phát thải khí carbon do con
người tạo ra vào bầu khí quyển. Ngay cả các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, gồm cả một
số công ty nhiên liệu hóa thạch, đã bỏ qua nhận định của chính quyền Trump để
đưa ra các cam kết của riêng họ đối với các mục tiêu phát thải toàn cầu và phát
triển bền vững. Tuần trước, General Motors, một trong những công ty xe hơi lớn
nhất Hoa Kỳ, đã thông báo họ sẽ ngừng sản xuất các loại xe chạy bằng xăng vào
giữa thập kỷ tới. Tiểu bang California cũng đã ban hành luật cấm bán trên thị
trường tiểu bang các loại xe hơi chạy bằng nhiên liệu hóa thạch từ năm
2035.
Nhưng chính quyền Biden sẽ
phải đối mặt với nhiều thách thức. Các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa, các quan
chức nhà nước và các tổ chức vận động hành lang từ các công ty nhiên liệu hóa
thạch đang phản bác chính quyền Biden ở nhiều mặt trận khác nhau. “Từ các khu mỏ
dầu ở Alaska đến các thủ phủ tiểu bang cho đến hội trường Quốc hội, các ngành
công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và các đồng minh của họ nhắm làm chậm tiến
trình hành động vì khí hậu chưa từng có của Tổng thống Biden và giữ cho lợi nhuận
từ nhiên liệu hóa thạch tiếp tục chảy ra”, báo The Washington Post nhận
định. “Bộ trưởng Tư pháp đảng Cộng hòa từ sáu tiểu bang đã viết thư cho tổng thống
mới, cảnh báo ông ấy không nên vượt quá thẩm quyền. Các nhà lập pháp Cộng hòa gọi
các mệnh lệnh hành pháp của ông Biden là ‘kẻ giết việc làm’ (job killer). Và
ngành công nghiệp dầu khí đã phục hồi lại các quảng cáo truyền hình quảng bá việc
khoan dầu trên các vùng đất liên bang”, tờ báo cho biết thêm.
Chính quyền Biden cho rằng,
kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu trị giá 2.000 tỷ USD đầy tham vọng của họ
sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ
sạch. Bà Gina McCarthy, cố vấn mới về chính sách khí hậu trong chính quyền
Biden, nói với các phóng viên: “Mọi người đã phải chịu đựng đủ lâu rồi. Chúng
tôi không yêu cầu sự hy sinh. Nếu chúng tôi không chiếm được trái tim của người
Mỹ trung lưu, chúng tôi sẽ thua cuộc”.
Ông Kerry nói với các phóng viên vào tuần trước: “Bây giờ việc đối phó với khủng
hoảng khí hậu ít tốn kém hơn là bỏ qua nó,” và ông chỉ ra việc chính phủ phải bỏ
ra ngày càng nhiều những khoản tiền rất lớn từ tiền thuế của người dân Mỹ để khắc
phục hậu quả của bão lụt, cháy rừng và các thảm họa thiên nhiên khác xảy ra với
tần suất ngày càng nhiều, thiệt hại ngày càng trầm trọng. Ông cũng mô tả thời
điểm này là “cơ hội tạo ra của cải chưa từng có”.
Trên thế giới, các nhà
phân tích nhận thấy đang nổi lên một cuộc chạy đua công nghệ xanh có sự tham
gia của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu. Ngay cả khi Hoa Kỳ trở lại với
Hiệp định khí hậu Paris, vẫn còn rất nhiều cơ hội bất đồng với các cường quốc
khác. Các quan chức trong chính quyền Biden đã tuyên bố rằng cam kết của Bắc
Kinh nhằm loại bỏ khí thải cacbon khỏi nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2060 là
không đủ vì các nước phát thải lớn khác đã đặt mục tiêu tương tự cho năm 2050.
Dù thế nào đi nữa, các
nhà khoa học đều kiên quyết yêu cầu cần phải thực hiện những bước lớn ngay từ
bây giờ. “Khí hậu quan tâm đến hành động thực chất chứ không phải các cam kết,”
Kate Marvel, một nhà nghiên cứu khí hậu tại Viện Nghiên cứu Không gian
Goddard của NASA và Đại học Columbia, nói với chương trình Energy 202 của báo
WP. “Mặc dù thật tuyệt khi thấy các chính phủ đưa ra những mục tiêu táo bạo,
nhưng cuối cùng điều duy nhất ngăn chặn được các kịch bản xấu nhất trong biến đổi
khí hậu là giảm lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính ”.
Sự thay đổi lãnh đạo
trong Tòa Bạch ốc đem lại niềm lạc quan cho các nhà khí hậu học. Katharine
Hayhoe, một nhà khoa học khí quyển tại Đại học Công nghệ Texas, so sánh
chuyện chống biến đổi khí hậu với việc trèo lên đỉnh núi Everest cao nhất thế
giới: “Khi đến trại căn cứ (base camp), chúng ta dừng lại và ăn mừng. Hiện giờ,
chúng ta đang ở trại căn cứ. Chúng ta đã có thể nhìn thấy đỉnh núi”.
No comments:
Post a Comment