Đảo
chính Miến Điện và thế khó của Hoa Kỳ
Hiếu
Chân -
Saigon Nhỏ News
Feb 2, 2021
https://saigonnhonews.com/dao-chinh-mien-dien-va-the-kho-cua-hoa-ky/
Cuộc
đảo chính quân sự tại Miến Điện hôm qua 01-02 đã làm đảo ngược tiến
trình dân chủ hóa của đất nước Đông Nam Á và đặt chính quyền của Tổng thống Joe
Biden vào tình thế khó xử.
·
Aung San
Suu Kyi – tượng đài sụp đổ!
Tổng
thống Joe Biden đã đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Miến Điện sau
khi quân đội nước này tổ chức đảo chính quân sự và bắt giữ các lãnh đạo dân sự
của chính phủ nước này, bao gồm cả người đoạt giải Nobel Aung San Suu Kyi và Tổng
thống dân cử Win Myint.
Ông Biden đã gọi vụ đảo
chính là “cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi của đất nước
sang chế độ dân chủ và pháp quyền.” Cuộc đảo chính ở Miến Điện, cũng
đã bị cộng đồng quốc tế lên án.
“Trong xã hội dân chủ, vũ lực không bao giờ được tìm
cách chế ngự ý chí của người dân hoặc cố gắng xóa bỏ kết quả của một cuộc bầu cử
đáng tin cậy. Trong gần một thập niên, người dân Myanmar đã không ngừng nỗ lực
để thiết lập các cuộc bầu cử, quản trị dân sự và chuyển giao quyền lực một cách
hòa bình. Sự tiến bộ đó cần được tôn trọng,” Tổng thống Biden tuyên bố.
Ông Biden cũng cho biết,
Hoa Kỳ đang xem xét áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận Miến Điện và các tướng
lĩnh cầm đầu vụ đảo chính: “Hoa Kỳ đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Miến Điện
trong thập kỷ qua dựa trên những bước tiến tới dân chủ. Việc đảo ngược đà tiến
bộ đó đòi hỏi phải xem xét ngay lập tức các luật trừng phạt và thẩm quyền của
chúng tôi, sau đó là các hành động thích hợp. Hoa Kỳ sẽ đứng lên vì dân chủ ở bất
cứ nơi nào bị tấn công”, ông Biden nói thêm.
Tiến trình chuyển đổi Miến
Điện từ chế độ quân phiệt sang chính thể dân chủ từ năm 2011 từng được coi là một
thắng lợi ngoại giao của chính quyền Barack Obama. Nhưng giờ đây, quân đội nước
này đang khẳng định lại quyền kiểm soát sau khi đảng của họ bị thất bại trong
cuộc bầu cử tháng 11. Bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo dân cử hàng đầu của Miến
Điện muốn sử dụng lợi thế chính trị là đảng Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (NLD)
của bà chiếm được đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội Miến Điện để từng bước thay
đổi hiến pháp nhằm hạn chế quyền lực của các tướng lĩnh. Đó có thể là nguyên
nhân trực tiếp dẫn đến vụ đảo chính hôm qua 01-02-2021 và đặt đất nước vào tình
trạng khẩn cấp.
Chính quyền Biden đã lên
án hành động này một cách mạnh mẽ và đúng đắn, nhưng Hoa Kỳ có rất ít “đòn bẩy”
để tác động tới tình hình Miến Điện. Phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đã từng sử
dụng việc bãi bỏ cấm vận và cô lập Miến Điện, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường
và hội nhập quốc tế như củ cà rốt để thúc giục các nhà cầm quyền quân sự trước
đây nhượng quyền điều hành đất nước cho chính quyền dân sự do người dân bầu lên
trong cuộc bầu cử tự do và công bằng năm 2015. Tuy nhiên, tiến trình dân chủ
hóa của Miến Điện mới chỉ đi những bước đầu tiên, quân đội vẫn nắm giữ quyền tối
hậu, trong đó có quyền bổ nhiệm không qua bầu cử một phần tư số đại biểu Quốc hội,
nắm giữ các bộ quan trọng nhất của chính phủ như bộ quốc phòng, bộ công an và bộ
biên giới. Ngay trong nền kinh tế bắt đầu được mở cửa theo hướng thị trường tự
do, quân đội Miến Điện cũng nắm vai trò quyết định, các nhà đầu tư nước ngoài
muốn làm ăn ở đất nước 54 triệu dân này phải bắt tay với các tập đoàn, công ty
do quân đội kiểm soát hoặc sở hữu.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ
Antony Blinken
Những năm gần đây, sự ủng
hộ của phương Tây đối với tiến trình dân chủ hóa của Miến Điện đã giảm mạnh sau
khi chứng kiến chính quyền dân sự của nước này, đặc biệt là bà Aung San Suu
Kyi, tỏ ra bất lực, thậm chí đồng lõa, với những hành động tàn ác của quân đội
trong các chiến dịch đàn áp người thiểu số Rohingya theo Hồi giáo, làm cho gần
một triệu người Rohingya phải bỏ xứ đi tị nạn ở nước láng giềng Bangladesh. Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên án hành động của quân đội Miến Điện là “thanh lọc sắc
tộc”, và Liên hiệp quốc cũng gọi đó là hành động “có ý định diệt chủng”. Bà Suu
Kyi, cố vấn nhà nước cấp cao – đã phải ra điều trần trước Tòa án Hình sự quốc tế
vào năm ngoái, tại đây bà đã bênh vực cho hành động dã man của quân đội Miến Điện
mà không hề nhắc tới người Rohingya.
Tuy thất vọng với tình
hình chính trị Miến Điện, Hoa Kỳ dưới quyền ông Donald Trump vẫn chưa có hành động
phản đối đáng kể nào đối với tập đoàn quân sự cầm quyền ở nước này ngoài những
lời lên án. Chính phủ mới của Tổng thống Biden, đặt nhân quyền và dân chủ thành
một ưu tiên trong quan hệ đối ngoại, chắc chắn sẽ có hành động cứng rắn
hơn. Ngay
sau khi tin tức về vụ đảo chính Miến Điện được loan tải hôm 01-02, Ngoại trưởng
Hoa Kỳ Antony Blinken đã ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ: “Chúng tôi
kêu gọi các nhà lãnh đạo quân sự Miến Điện trả tự do cho tất cả các quan chức
chính phủ và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và tôn trọng ý chí của người dân Miến
Điện được thể hiện trong cuộc bầu cử dân chủ vào ngày 8-11. Hoa Kỳ sát cánh với
người dân Miến Điện trong khát vọng dân chủ, tự do hòa bình và phát triển. Quân
đội phải đảo ngược những hành động này ngay lập tức.” TNS Mitch McConnell,
lãnh đạo phe Cộng Hòa tại Thượng Viện, yêu cầu Washington buộc những người đứng
sau cuộc đảo chính phải “trả giá”.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ sẽ phải
cân nhắc và có những bước đi thận trọng, có sự trao đổi và thống nhất quan điểm
với các đồng minh dân chủ ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Ấn Độ là hai nước
có quan hệ gần gũi với chính phủ Miến Điện. Cái bóng của Trung Quốc đang khiến
tình hình trở nên phức tạp hơn nhiều và làm hạn chế các lựa chọn chính sách của
Mỹ. Việc quay trở lại cô lập kinh tế Miến Điện có thể làm tổn thương người dân
Miến Điện và đẩy nước này sâu thêm vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trái với các tuyên bố phản
đối đảo chính được chính phủ nhiều nước đưa ra trong ngày hôm qua 01-02, Bắc
Kinh vẫn tỏ thái độ rất ỡm ờ: “Chúng tôi đã ghi nhận tình hình tại Miến
Điện và đang nghiên cứu kỹ để hiểu rõ hơn. Chúng tôi hy vọng tất cả các bên có
thể giải quyết bất đồng một cách hợp lý theo khuôn khổ hiến pháp và pháp lý,
cũng như bảo vệ ổn định chính trị và xã hội. Trung Quốc là láng giềng thân thiện
với Miến Điện”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân trả lời
báo chí chiều 01-02. Không loại trừ khả năng Trung Quốc đi đêm với các tướng
lĩnh quân sự Miến Điện để làm cuộc đảo chính [Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
vừa đến thăm Miến Điện vài tuần trước] và việc Bắc Kinh không công khai phản đối
vụ đảo chính Miến Điện có thể che giấu mưu đồ kết thân với chính phủ quân phiệt
sau đảo chính. Nếu Miến Điện rơi xa hơn vào quỹ đạo của Trung Quốc thì khả năng
can dự của Hoa Kỳ sẽ giảm.
Ưu tiên hàng đầu của Hoa
Kỳ ở châu Á là hạn chế khả năng của Bắc Kinh trong việc kiểm soát các quốc gia
độc lập như Miến Điện, quốc gia có vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương – Thái Bình
Dương. Nhưng ưu tiên chính sách này đang vấp phải tình huống khó xử về dân chủ
và nhân quyền. Phản ứng của Mỹ đối với cuộc đảo chính vì vậy phải tính đến bối
cảnh chiến lược ở châu Á, sẽ đòi hỏi ngoại giao thực tế chứ không đơn giản là
hành động trên căn bản đạo đức.
No comments:
Post a Comment