https://www.facebook.com/doankiengiang/posts/10217833170325507
Thế hệ 7x, 8x, 9x ở Tây Bắc,
Đông Bắc, miền Trung đều không lạ gì bão lũ.
Những năm 90 thế kỷ trước,
quê mình bao quanh là núi mà năm nào cũng bão lũ. Cây cối đổ gục trên đường,
trong vườn. Lúa ngô thoi thóp trên đồng nước…
Mình không nhớ đã bao lần
mượn thuyền hay lấy tấm xốp dày chèo đi thăm bạn bè ở vùng trũng, có năm nước
lút mái nhà. Lúc ấy chỉ thấy bay bay, như chiến binh Đại Việt lướt trên sông Bạch
Đằng vậy.
Bão lũ, những người đàn
ông thì dùng hết sức bình sinh bơi ra giữa dòng nước cuộn đục, cứu được gì thì
cứu, gỡ gạc được gì thì gỡ gạc, cho những ngày khốn khó phía trước. Các bà, các
mẹ thì thẫn thờ nhìn con trẻ cười giòn tan, qua làn nước mắt.
Mình trộm nghĩ, dân vùng
núi phía Bắc, miền Trung đã quen với bão lũ, quen với việc chưa ngóc lên đã bị
vùi xuống, phải làm lại từ đầu, từ hai bàn tay trắng. Cứ mãi vòng luẩn quẩn ấy,
cho tới khi lìa đời.
Sau này mới biết, hạn mặn
ở ĐBSCL không hẳn do Trung Quốc đắp đập ở thượng nguồn Lan Thương, mà cả bởi rừng
Trường Sơn, rừng Tây Nguyên bị cạo trọc. Mà sườn Tây Trường Sơn là ngọn nguồn
sông suối – những con sông sử thi Tây Nguyên trong sách vở chảy vào Mekong trên
đất Campuchia, sau đó mới chở phù sa, tôm cá về đất Chín Rồng. Sông đã chết và
rừng sắp hết.
Giờ thì ai cũng biết, lũ
lụt miền Trung bao năm qua, ngày càng khốc liệt, cũng là do rừng ở sườn Đông
Trường Sơn, ở Tây Nguyên bị tàn phá. Không còn rừng tự nhiên giữ nước mưa, thì
nước càng chảy mạnh về xuôi, đi tới đâu cuốn phăng tới ấy, làng mạc, cây cối,
gia súc, thây người. Thủy điện “cóc” chằng chịt các sông suối miền Trung – Tây
Nguyên trả lại điện thì ít, mà lấy đi cây rừng, khoáng sản thì nhiều, kèm theo
những lần xả lũ trong đêm, thẳng xuống đầu người ngơ ngác.
Thế hệ cha, chú, anh, chị
mình trước bão lũ quen đổ tại ông trời, rồi than khóc, vái lạy. Họ đâu biết căn
nguyên là do rừng trên núi đồi, rừng ngoài bờ biển bị tàn sát, mà chính họ có
thể cũng góp tay?
Khi bão lũ đi qua, họ lại
lầm lũi bước trên những thảm cảnh mà lũ ống, lũ quét, gió thốc, nước dữ tràn
qua và để lại, như là số kiếp. Đó, phải gọi đúng là “quả” của mấy chục năm người
người phạt rừng trồng cao su, cà phê, tiêu, điều; nhà nhà làm thủy điện, chùa
tháp, phân lô biệt thự trên đồi núi…
Chẳng mấy ai nhận ra,
thay đổi. Rồi 10 năm, 20 năm, 30 năm nữa, không biết có phục sinh được những
cánh rừng mưa nhiệt đới, có hồi sinh những dòng sông sử thi?… Không ai có thể
trả lời. Phá thì dễ chứ xây dễ gì.
Tụi mình vẫn đùa nhau rằng
8X nửa lạc hậu, nửa văn minh là thế hệ mất mát. Nay gom 6x, 7x, 9x, cả Gen Z
vào luôn. Bởi phải trải qua, phải chứng kiến sự trả đòn của mẹ thiên nhiên liên
tục, dữ dội, tàn khốc năm này qua năm khác, bước qua những ngày này, và không
biết phải sống sao những ngày sắp tới, thì gọi là đau thương hay mất mát cũng
không trọn vẹn.
--------------
Ba sinh viên mặc đồ Grab, gục khóc ở giảng đường lúc
bão lũ miền Trung. Cây trái, lợn gà ở quê nhà đã bị lũ cuốn đi. Những ngày sắp
tới có lẽ họ phải gồng gánh gia đình, khi đang còn đi học (ảnh minh họa).
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10217833170085501&set=pcb.10217833170325507
No comments:
Post a Comment