Tại
sao lý thuyết đấu giá được trao giải Nobel Kinh tế?
Tim Harford - Financial
Times
Phan Nguyên biên dịch
21/10/2020
http://nghiencuuquocte.org/2020/10/21/tai-sao-ly-thuyet-dau-gia-duoc-trao-giai-nobel-kinh-te/
Nghiên cứu của Paul Milgrom và Robert Wilson đã biến đổi
cách các quốc gia phân bổ nguồn lực vì lợi ích công.
Nếu bạn và tôi đấu giá với
nhau trong một cuộc đấu giá từ thiện, chẳng hạn như để được đi ăn tối với Công
chúa Marie của Đan Mạch, chúng ta không cần phải giải thích nhiều về cách thức
cuộc đấu giá hoạt động như thế nào. Một trong hai chúng ta đánh giá cao hơn phần
thưởng của mình và sẽ trả nhiều tiền hơn, qua đó sẽ giành chiến thắng.
Nhưng nếu bạn và tôi đấu
giá với nhau để giành được tổng giá trị số tiền mặt trong ví của chúng ta, cuộc
đấu giá sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều. Tôi chỉ biết những gì có trong ví của tôi
và bạn chỉ biết những gì có trong ví của bạn. Mỗi người trong chúng ta đều quan
tâm muốn biết số tiền mà người kia sẵn sàng trả, vì đó là một tín hiệu rõ ràng
về giá trị của giải thưởng.
Cuộc đấu giá từ thiện cho
một buổi ăn tối với Công chúa Marie được các nhà kinh tế học gọi là một cuộc đấu
giá giá trị riêng. Tôi có đánh giá của riêng tôi về giá trị của nó, bạn có đánh
giá của bạn và câu hỏi duy nhất là đánh giá của ai – tức giá bỏ thầu của ai –
cao hơn.
Đấu giá hai chiếc ví được
gọi là đấu giá giá trị chung. Tiền trong hai cái ví có giá trị như nhau đối với
mỗi chúng ta. Hấp dẫn hơn nữa khi mỗi chúng ta đều chỉ có một mảnh ghép mà
không ai trong chúng ta biết hết giá trị thực sự của cả hai chiếc ví.
Đây là một ví dụ về sự phức
tạp liên quan đến quá trình vận hành một cuộc đấu giá trong một quá trình tưởng
như đơn giản. Các cuộc đấu giá đã có từ rất lâu đời. Gần 2.500 năm trước, nhà sử
học Herodotus đã mô tả những người đàn ông đấu giá để giành được những người vợ
hấp dẫn nhất ở xứ Babylon. Các cuộc đấu giá cũng xuất hiện trong cuốn “Lịch sử
suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã” của Edward Gibbon, cũng như trong các nhật
ký của Samuel Pepys.
Có lẽ, việc đấu giá cũng
có lịch sử lâu đời như các phiên chợ. Rõ ràng, nó được lặp đi lặp lại nhiều lần
trên thị trường. Khi một người mua đề nghị trả bốn denarius (đồng bạc La Mã,
ban đầu có giá trị tương đường 10 con lừa – ND) cho mỗi lọ cho mật ong
tươi, người đàn ông bên cạnh anh ta nói, “Đừng chấp nhận mức giá đó – tôi sẽ trả
cho anh năm đồng”.
Nhà kinh tế học William
Vickrey đã chia sẻ giải thưởng Nobel Kinh tế năm 1996 một phần vì công trình nền
tảng của ông về lý thuyết đấu giá. Tuy nhiên, công trình của Vickrey mặc dù rất
hay nhưng lại không cung cấp cho các nhà kinh tế học công cụ để phân tích các vấn
đề thiết kế đấu giá thực tế và phức tạp mà thế giới thực cần có.
Nhờ giúp giải quyết vấn đề đó, Robert Wilson và học trò cũ của
ông, Paul Milgrom, cả hai đều là giáo sư tại Đại học Stanford, đã chia sẻ
giải Nobel Kinh tế năm 2020 “vì đã cải tiến lý thuyết đấu giá và phát minh ra
các hình thức đấu giá mới”.
Paul Klemperer, một nhà
lý thuyết đấu giá hàng đầu tại Đại học Oxford, nói rằng ngay cả giải Nobel cũng
không đủ để ghi nhận đóng góp của họ. “Đây không chỉ là “cải tiến”. Robert
Wilson là cha đẻ của thiết kế đấu giá thực tế,” ông nói, “và Paul Milgrom có thể dễ dàng giành được giải Nobel thứ hai cho công trình nghiên cứu của
ông về kinh tế học thông tin”.
Ngoài vẻ đẹp của lý thuyết
đấu giá, lý do quan trọng là do các chính phủ đã sử dụng đấu giá trong vài thập
niên qua nhằm phân bổ các nguồn lực bao gồm quyền khai thác gỗ, quyền thăm dò
khoáng sản và quyền sử dụng các băng tần vô tuyến trong ngành truyền hình hoặc
điện thoại di động. Giải pháp thay thế – cung cấp các nguồn tài nguyên với giá
rẻ cho bất kỳ ai trình bày được câu chuyện hợp lý nhất – mang lại một số tiện lợi
cho cả người mua và các chính trị gia nhưng không phục vụ tối đa lợi ích công.
Một cuộc đấu giá được thiết
kế tốt buộc các bên tham gia đấu giá phải tiết lộ ước tính thật của họ về giá
trị giải thưởng. Đồng thời, người tổ chức đấu giá sẽ chia sẻ thông tin đó với
những người tham gia đấu giá khác. Và quá trình đó giúp xác định giá phù hợp.
Đó là nguyên tắc vận hành đấu giá.
Nhưng, trong thực tế,
không dễ để thực hiện được nguyên tắc đó. Trong những năm 1990, chính phủ Liên
bang Hoa Kỳ đã phải dựa vào các nhà lý thuyết đấu giá – Milgrom và Wilson là những
người nổi bật trong số họ – để được tư vấn về việc đấu giá quyền sử dụng băng tần
vô tuyến. “Lý thuyết mà chúng tôi có lúc đó chỉ liên quan rất ít đến những vấn
đề mà họ thực sự phải đối mặt,” Milgrom nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn năm
2007. “Nhưng những đề xuất mà chính phủ đưa ra là những đề xuất mà chúng tôi
hoàn toàn có khả năng phân tích để tìm ra những sai sót, từ đó giúp cải thiện.”
Thách thức cơ bản với đấu
giá băng tần vô tuyến là nhiều băng tần được đưa ra đấu giá nhưng người đấu giá
chỉ mong muốn có được một số tổ hợp băng tần nhất định. Một công ty truyền hình
có thể muốn có quyền sử dụng chỉ Băng tần A hoặc Băng tần B, chứ không phải cả
hai. Hoặc họ muốn mua quyền phát sóng ở phía đông nước Anh, nhưng họ chỉ giành
được băng tần đó nếu đồng ý mua kèm quyền phát sóng ở phía tây. Các cuộc đấu
giá tổ hợp như vậy thường rất khó để thiết kế, nhưng Milgrom và Wilson đã bắt
tay vào thực hiện.
Joshua Gans, một cựu sinh
viên của Milgrom và hiện là giáo sư tại Đại học Toronto, ca ngợi cả hai người về
tính thực tế của họ. Ông nói công trình lý thuyết của họ rất ấn tượng, và “khi
nhận ra rằng thế giới quá phức tạp, họ không tuân theo mỗi việc chứng minh các
lý thuyết nghiêm ngặt”.
Đỉnh điểm của sự phấn
khích xung quanh các cuộc đấu giá băng tần vô tuyến xảy ra vào đầu thế kỷ này
khi các quốc gia châu Âu đấu giá quyền sử dụng băng tần ở giai đoạn đỉnh điểm của
làn sóng bùng nổ dotcom. Nhưng các cuộc đấu giá vẫn tiếp tục được sử dụng để
phân bổ các nguồn tài nguyên khan hiếm, và vẫn còn rất nhiều dư địa để sử dụng
chúng trong tương lai – ví dụ: phân bổ quyền bay đến các sân bay trung tâm hoặc
quyền phát thải carbon dioxide, quyết định các dự án môi trường nào sẽ nhận được
trợ cấp chính phủ, hoặc cung cấp các khoản vay của ngân hàng trung ương cho các
ngân hàng thương mại trong thời điểm căng thẳng thanh khoản.
Các cuộc đấu giá băng tần
vô tuyến đã huy động được hàng tỷ đô la trên khắp thế giới; Milgrom, Wilson và
một nhà thiết kế đấu giá khác, Preston McAfee, đã được trao giải Golden Goose
(Ngỗng Vàng) vào năm 2014 – một giải thưởng tôn vinh những nghiên cứu mang lại
những lợi ích xã hội to lớn.
Và không chỉ các chính phủ
sử dụng đấu giá. Mỗi khi bạn nhập một từ khóa tìm kiếm vào Google, bạn nhìn thấy
các quảng cáo cạnh các kết quả tìm kiếm vì chúng đã thắng trong một cuộc đấu
giá từ khóa phức tạp. Các cuộc đấu giá đã từng giúp phân bổ cơ sở hạ tầng mà
internet dựa vào đó để vận hành. Bây giờ chúng còn giúp phân bổ sự chú ý của
chúng ta.
-------------------------
Nguồn: Tim Harford, “Winning
bid: how auction theory took the Nobel memorial prize in economics”, Financial
Times, 12/10/2020.
No comments:
Post a Comment