Saturday, 24 October 2020

CHUYẾN THĂM CỦA THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN - TẠI SAO VIỆT NAM? (Hàn Diệu My)

 


Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản - Tại sao Việt Nam?

Hàn Diệu My
2020-10-19

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/japanese-pm-visit-why-vn-10192020160932.html

 

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã tới thăm Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ ngày 18 – 20/10/2020. Thông lệ, tân Thủ tướng Nhật thường dành cho Hoa Kỳ, đồng minh thân cận nhất, chuyến công du quốc tế đầu tiên. Tuy nhiên, ông Yoshihide Suga và trước đây là ông Shinzo Abe, đã phá vỡ tiền lệ này khi các ông đều đến Việt Nam để tiến hành chuyến thăm và làm việc nước ngoài đầu tiên của mình.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/japanese-pm-visit-why-vn-10192020160932.html/000_8TD7HZ.jpg/@@images/d76d6b90-55b9-45f8-a6fc-72fb09e0cf36.jpeg

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (trái) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội hôm 19/10/2020. AFP

 

Tại sao thăm Việt Nam đầu tiên? Câu trả lời được giới quan sát quốc tế đưa ra là vì, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia mà Nhật Bản xem là có chung những mối quan tâm về an ninh khu vực, cùng chia sẻ sự ủng hộ đối với tầm nhìn về một “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) do Nhật Bản khởi xướng. Nếu Israel là cánh tay mặt của Hoa kỳ ở Trung Đông, thì Nhật Bản là cánh tay trái ở khu vực Ấn Thái Dương, nhất là trong chiến lược “Tứ giác Kim cương” (Nhật, Mỹ, Ấn, Úc) đang có triển vọng trở thành cấu trúc an ninh và kinh tế kết nối hai đại dương liền kề.

 

 

Những điểm nhấn quan trọng

 

Sáng 19/10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã có buổi chào xã giao Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Văn phòng Trung ương Đảng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc Thủ tướng Suga chọn Việt Nam là nước đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức, thể hiện sự coi trọng đặc biệt đối với Việt Nam và quan hệ hai nước. Thủ tướng Suga thông báo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về kết quả hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; khẳng định mong muốn duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức thực chất, hiệu quả, từng bước khôi phục việc đi lại và các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước.

 

Trước đó cùng ngày, ông Suga đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Văn phòng Chính phủ. Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản với sự tin cậy chính trị cao thời gian qua, cũng như việc hai nước đã tích cực chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch COVID-19. Hai nhà Lãnh đạo đã nhất trí về phương hướng lớn và các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng” Việt Nam - Nhật Bản. Sau hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Yoshihide Suga đã chứng kiến lễ trao đổi 12 văn kiện ký kết giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước với tổng trị giá khoảng gần bốn tỷ USD.

 

Phát biểu với báo chí về kết quả cuộc hội đàm hôm 19/10, Thủ tướng Suga cho biết Nhật Bản sẽ cùng Việt Nam thúc đẩy tái khởi động đường bay, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giải quyết các vấn đề khu vực. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói hai bên “đã thỏa thuận về áp dụng những quy chế đi lại ưu tiên, nhất trí sớm khôi phục đường bay thương mại”. Thủ tướng Phúc cũng cho biết hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong phòng chống dịch COVID-19, và nỗ lực khôi phục các hoạt động hợp tác song phương. “Tôi đề nghị ngài Thủ tướng Suga tiếp tục quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản”, ông Phúc nhấn mạnh.

 

Còn ông Suga cho biết thêm hai nước đã “cơ bản đạt được thỏa thuận về hiệp định chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng, là một bước phát triển lớn trong hợp tác an ninh – quốc phòng giữa hai nước. Tôi tin chắc rằng hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy”. Thủ tướng Nhật cũng tuyên bố: “Việt Nam đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản tiến hành chính sách ‘Ấn Thái Dương tự do và rộng mở (FOIP). Nhật Bản là một quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và sẽ góp phần cho hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới”.

 

 

Cầu nối cho tương lai

 

Chiều 19/10, ông Suga đã có buổi nói chuyện với sinh viên Đại học

Việt – Nhật ở Hà Nội và phát biểu về chính sách Đông Nam Á. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản có bài phát biểu chính sách như vậy tại Việt Nam. Trao đổi với báo chí Việt Nam về sự kiện này, tiến sĩ Yasuyuki Ishida, nhà nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, nhận định “bài phát biểu của ông có sự lôi cuốn dựa vào trải nghiệm cuộc sống của ông là người ‘tự tay lập nghiệp’, một chính khách đã từng bước đi lên”.

 

“Một số vấn đề kinh tế xã hội cho hợp tác Nhật - ASEAN được đề ra, bao gồm chăm sóc sức khỏe toàn dân, kết nối, xây dựng hạ tầng cứng và mềm, đẩy mạnh kỹ thuật số, chuỗi cung ứng và an ninh mạng - tất cả đều nổi bật với ASEAN và kinh tế khu vực”, ông Ishida, đến từ Viện nghiên cứu Vấn đề Quốc tế Nhật Bản (JIIA) ở Tokyo, nói. “Phát biểu của thủ tướng Nhật nêu ra những lo ngại ở Biển Đông và nhấn mạnh đúng mức về trật tự dựa trên luật lệ và hợp tác hàng hải với các nước ASEAN, góp phần vào hòa bình và phồn vinh ở vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông nói thêm.

 

Trong bài phát biểu, ông Suga nói Nhật Bản đang triển khai “với tốc độ nhanh chưa từng có” quỹ cho vay Hỗ trợ Ứng khó Khẩn cấp Khủng hoảng COVID-19 có tổng trị giá 500 tỷ yên (4,7 tỷ USD) trong vòng hai năm tới, hỗ trợ “hoạt động kinh tế của các nước, tập trung vào vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm ASEAN”. “Việc hợp tác này cũng thúc đẩy chăm sóc sức khỏe toàn dân, một mục tiêu mà Nhật Bản đang cố hướng tới cùng với ASEAN”, ông Suga nói thêm, không quên nhắc lại các nước ASEAN đã hỗ trợ Nhật Bản sau thảm họa động đất, sóng thần năm 2011.Về nguồn nhân lực, Thủ tướng Suga nói các thực tập sinh từ các nước ASEAN tới Nhật Bản đóng vai trò “quan trọng” cho kinh tế Nhật. Ông nhắc lại những cải cách của mình đã mở rộng 14 lĩnh vực cho họ tới làm việc ở Nhật Bản từ tháng 4/2019.

 

 

Liên minh Nhật – Mỹ vẫn là nền tảng

 

Với những lo ngại về kinh tế và an ninh rộng lớn hơn của khu vực, tân Thủ tướng Nhật lúc đầu được cho là sẽ chọn theo chân của nhiều nhà lãnh đạo Nhật Bản ‘tiền bối’ khi sử dụng chuyến công du nước ngoài đầu tiên mang tính biểu tượng của mình để đến Washington và khẳng định thêm tầm quan trọng của liên minh xuyên Thái Bình Dương được hình thành từ năm 1945. Nhưng việc ông Suga chọn thăm hai quốc gia ở Đông Nam Á nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam và Indonesia trong chiến lược khu vực của tân Thủ tướng Nhật, theo nhận định của South China Morning Post.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/japanese-pm-visit-why-vn-10192020160932.html/2018-10-08T041643Z_1834798359_RC1BFED49CC0_RTRMADP_3_JAPAN-MEKONG-SUMMIT.JPG/@@images/042ee77e-6496-448d-bb0a-75d9c2379646.jpeg

Hình minh hoạ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc tại họp báo ở Tokyo hôm 8/10/2018 Reuters

 

Nhật định về chuyến thăm tới Việt Nam, tờ Hoàn cầu Thời báo cũng cho rằng hầu hết những thủ tướng mới nhậm chức của Nhật sẽ “ngay lập tức sát cánh với Mỹ để củng cố nền tảng cầm quyền của họ và đương nhiên sẽ đến thăm Washington đầu tiên”. Nhưng tờ báo của nhà nước Trung Quốc lại cũng lưu ý rằng ông Suga, theo chân người tiền nhiệm Abe, là những ngoại lệ khi đến thăm Đông Nam Á, thay vì thăm Mỹ sau khi nhậm chức. Ông Abe từng thăm Việt Nam và Indonesia trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài sau khi tái đắc cử thủ tướng Nhật nhiệm kỳ 2/2012.

 

Theo Đại sứ Nhật tại Việt Nam Yamada Takio, việc Thủ tướng Suga chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên sau khi nhận chức thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam với Nhật Bản. Tuy nhiên, vẫn theo Hoàn cầu Thời báo, động thái này không hề ảnh hưởng đến sự phát triển của quan hệ Mỹ – Nhật từ thời ông Abe, nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Tổng thống Donald Trump đã tiếp đón tại Mỹ. Tờ báo này cũng cho rằng ông Suga không chọn tới Mỹ vì đại dịch COVID vẫn đang nghiêm trọng ở đấy và những lo ngại về sự tái đắc cử của ông Trump, nhưng điều đó không có nghĩa rằng ông Suga hạ giảm tầm quan trọng của Mỹ và liên minh Mỹ – Nhật.

 

Bằng chứng là ông Suga, được Quốc hội bầu chọn vào hôm 16/9 là nhà lãnh đạo mới đầu tiên của Nhật Bản trong gần tám năm, nói với các phóng viên sau cuộc điện đàm ngày 20/9 với Tổng thống Trump rằng liên minh Nhật – Mỹ là nền tảng của hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông Trump được ông Suga dẫn lời nói rằng liên minh này cần được củng cố hơn nữa và rằng Thủ tướng Suga có thể gọi cho Tổng thống Mỹ "bất kỳ khi nào trong ngày".

 

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về tình hình Bắc Triều Tiên và ứng phó với đại dịch COVID-19 trong cuộc trao đổi kéo dài 25 phút. Theo một quan chức của chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Suga đã đề nghị Tổng thống Trump tiếp tục sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong các nỗ lực thúc đẩy việc trao trả công dân Nhật Bản đã bị điệp viên Bắc Triều Tiên bắt cóc trong thập niên 1970 và 1980. Các nhà lãnh đạo hai bên nhất trí sẽ hợp tác trong việc phát triển và phân phối vaccine và điều trị COVID-19.

 

Chuyến thăm Việt Nam và Indonesia của ông Suga diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang đẩy mạnh năng lực quốc phòng của các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm đối trọng với những tham vọng hàng hải của Trung Quốc. Hợp tác an ninh được kỳ vọng đã/sẽ là chủ đề chính trong các cuộc gặp của ông Suga với các nhà lãnh đạo Việt Nam và Indonesia. Theo ông Jeff Kingston, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Châu Á của Đại học Temple ở Tokyo nhận định với South China Morning Post, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia mà Nhật xem là có chung những mối quan ngại về Trung Quốc và cùng chia sẻ sự ủng hộ đối với tầm nhìn về một “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) do Nhật Bản khởi xướng.

 

-----------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats